Thông Báo

Ơn Gọi Dòng Nữ Đa Minh Houston
Houston Dominican Sisters

Liên lạc: Sr. Catherine Teresa Duyen Anh, OP, (832) 277-4707
Email: vocation@dsmip.org
https://houstondominicans.org/


Ơn Gọi Dòng Nam Tu Xá Thánh Đa Minh

COME AND SEE (Tìm Hiểu Ơn Gọi) Phụ Tỉnh Đa Minh Hải Ngoại
Brochure Come and See 2024-2025
If you're a young person interested in exploring a religious vocation, we invite you to learn about the Dominican Order. Join us for a "Come and See" week in Houston, Texas, from December 31st, 2024, to January 3rd, 2025
For more information, please contact father Thomas Aquinas Trần Thiên Ân, OP, at (832) 692-4761 or email thienanopmelavang@gmail.com.

MỤC VỤ GIỚI TRẺ (YOUTH MINISTRY) 

Mời các bạn trẻ tham gia mục vụ giới trẻ của giáo xứ. Xin liên lạc với cô Tú (602) 751-1211.
 


Tải Các Mẫu Đơn

Đơn Xin Rửa Tội Trẻ Nhỏ (.pdf)
Đơn Xin Làm Đám Cưới (.pdf)
Đơn Giáo Lý Dự Tòng (.pdf)
 


KẾT QUẢ XỔ SỐ (Kỷ Niệm 20 Năm Thành Lập Giáo Xứ, CN ngày 17 tháng 11 năm 2024) 

Lô Hạng Nhì/Second Prize: 46340 | Lô Hạng Nhất/First Prize: 55212 | Lô Độc Đắc/Grand Prize: 29334.
 

Giáo dân Đức đau buồn vì tượng Ðức Mẹ bị chém đầu. Hầu hết người Đài Loan ái mộ Tổng thống Trump

Thứ tư - 18/11/2020 06:18

Giáo dân Đức đau buồn vì tượng Ðức Mẹ bị chém đầu. Hầu hết người Đài Loan ái mộ Tổng thống Trump

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Video bắt đầu lúc 18g theo giờ Việt Nam ngày 17/11/2020

1. Anh chị em giáo dân Đức đau buồn vì vụ tượng Ðức Mẹ ở Ðức bị chém đầu.

Hàng trăm ngàn người đã mượn các mạng xã hội để bày tỏ phản ứng phẫn nộ của họ, và lên án vụ một pho tượng Ðức Mẹ bị “chặt đầu” tại thị trấn Straubing, thuộc giáo phận Regensburg, miền Bavaria nam Ðức. Đức Cha Rudolf Voderholzer bày tỏ nỗi buồn của ngài trước vụ phạm thánh nghiêm trọng này.

Văn phòng báo chí của giáo phận đã cho hãng tin Công Giáo Ðức KNA biết: tính đến ngày 10 tháng 11 năm 2020 có hơn 410,000 người bày tỏ bất mãn và thịnh nộ trước sự xúc phạm này trên trang Facebook của giáo phận.

Một cảnh sát viên đã khám phá vụ pho tượng Ðức Mẹ bị chặt đầu, khi ông đi tới sở làm tối ngày 22 tháng 10. Ông thấy pho tượng bị như vậy ở lối vào nhà thờ của dòng Tên ở Straubing. Cảnh sát hình sự ở địa phương đã khởi sự điều tra về vụ này.
 
Source:Daily Star Coronavirus mask protesters 'behead Virgin Mary statue' in bizarre act of vandalism

2. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone hoan nghênh việc truy tố những kẻ giật sập tượng Thánh Junipero Serra

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã lên tiếng hoan nghênh Biện lý Quận Marin đã truy tố các cá nhân liên quan đến hành vi phá hoại bức tượng của Thánh Junipero Serra tại cứ điểm truyền giáo San Rafael hồi tháng trước.

“Đây là một thời điểm đột phá đối với người Công Giáo,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 13 tháng 11. Đây là lần đầu tiên một vụ giật sập tượng các vị thánh Công Giáo bị truy tố trước pháp luật tại một tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm đầu.

Ngài cho biết quyết định truy tố 5 người với tội danh phá hoại “thể hiện lần đầu tiên rằng bất kỳ kẻ phạm pháp nào tấn công các bức tượng của Thánh Junípero Serra và các hành vi phá hoại tài sản của Giáo Hội Công Giáo trên khắp California sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ trước tòa án”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài hy vọng các cáo buộc “góp phần chấm dứt các cuộc tấn công vào tất cả các nơi thờ phượng.”

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay đã trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật, không được ai bầu, có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói thêm trong tuyên bố của ngài: “Những kẻ vi phạm pháp luật đã chuẩn bị sẵn dây thừng, búa, đục và sơn xịt, cho thấy rõ ràng họ đã suy tính trước khi phạm tội ác này. Nếu những tội ác như thế này không bị trừng phạt, thì chính phủ đang nói với đám đông rằng họ có quyền quyết định những ảnh tượng nào người Công Giáo và các tín hữu của các tôn giáo khác có thể trưng bày, và những ảnh tượng nào không được phép trưng bày.”

Ngài nhấn mạnh rằng, dù mọi người có thể không đồng ý về di sản của Thánh Serra, “đám đông không được xâm phạm địa giới của người khác để phá hủy các biểu tượng thiêng liêng của họ.”

Cha Luello Palacpac, cha sở của Giáo xứ và cứ điểm truyền giáo San Rafael, cho biết anh chị em giáo dân của ngài hết lòng ủng hộ lời kêu gọi truy tố những kẻ chịu trách nhiệm về vụ phá hoại, mà ngài mô tả là một “kinh nghiệm đau thương” đối với họ.

Thánh Serra là một linh mục và là một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống ở thế kỷ 18. Ngài bị những kẻ quá khích trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và của sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu sau khi tiếp xúc với người Âu châu.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã bác bỏ những tuyên bố rằng Thánh Serra đã tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào tội ác diệt chủng, và ngược lại, có bằng chứng cho thấy Thánh Serra ủng hộ quyền của người dân bản địa trước sự ngược đãi của quân đội Tây Ban Nha.

Một nhà khảo cổ học ở California, người đã nghiên cứu các cứ điểm truyền giáo trong hơn 25 năm, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào đầu năm nay rằng rõ ràng từ các bài viết của Thánh Serra, người ta có thể thấy rằng ngài được thúc đẩy bởi một lòng nhiệt thành truyền giáo, mang lại ơn cứu rỗi cho người bản xứ thông qua đức tin Công Giáo, chứ không phải là người có động cơ diệt chủng, phân biệt chủng tộc hoặc cơ hội.

“Thánh Serra là một người theo đuổi công việc truyền giáo,” Tiến sĩ Ruben Mendoza, một nhà khảo cổ học và giáo sư tại Đại học bang California-Monterey Bay, nói với CNA.

“Ngài hoàn toàn quyết tâm tham gia vào việc cứu rỗi các cộng đồng bản địa. Và trong khi đối với một số người, đó có thể được coi là một sự xâm nhập, thì đối với Thánh Serra vào thời của ngài, điều đó được coi là một trong những điều nhân từ nhất mà người ta có thể làm – đó là trao mạng sống của mình cho người khác, và đó là điều ngài đã làm”.
 
Source:Catholic News Agency Archbishop Cordileone applauds prosecution of St. Junipero Serra statue vandalism

3. Hầu hết người Đài Loan có cảm tình với tổng thống Trump và phản đối yêu sách đòi thống nhất của Trung Quốc

Đại đa số người Đài Loan phản đối yêu sách của Trung Quốc về việc thống nhất giữa hòn đảo và “mẫu quốc”. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát được công bố hôm 12 tháng 11 bởi Cục Quan hệ Đài Loan với Bắc Kinh, trong Hội đồng Các vấn đề Đại lục. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết như trên trong bản tin ngày 13 tháng 11.

Theo nghiên cứu, được thực hiện trên một mẫu hơn một nghìn người, 86.4% số người được hỏi tin rằng chỉ 23 triệu người Đài Loan mới có quyền xác định tương lai của đất nước và xu hướng quan hệ với Trung Quốc.

Phần lớn, cư dân Đài Loan bác bỏ các công thức mà Bắc Kinh muốn áp đặt: 74.4% phản đối “nguyên tắc một Trung Quốc”, theo đó chế độ Trung Quốc bác bỏ mọi hình thái độc lập chính thức của hòn đảo; 75.9% không chấp nhận cách tiếp cận “một quốc gia, hai hệ thống”, mà các nhà phê bình cho rằng gã khổng lồ Á châu đã không tôn trọng ở Hương Cảng.

Hơn 90% người được hỏi cho biết họ lo lắng trước những lời đe dọa quân sự của Bắc Kinh, trong khi 74% xác định chính phủ Trung Quốc là “thù địch”. 79% ủng hộ quan điểm của Tổng thống Thái Anh Văn cho rằng duy trì hòa bình dọc eo biển Đài Loan không phải là trách nhiệm duy nhất của hòn đảo, mà là của cộng đồng quốc tế.

Cuộc khảo sát cho thấy sự ủng hộ đối với các mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ. 73.4% người Đài Loan được hỏi ủng hộ hợp tác quân sự với Washington như đã xảy ra dưới thời tổng thống Trump. Nhìn chung, 68% ủng hộ những dự luật được thông qua gần đây để bảo vệ hệ thống dân chủ của đất nước.

Đài Loan đã độc lập khỏi Trung Quốc kể từ năm 1949; Vào thời điểm đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc của Tưởng Giới Thạch đã tìm thấy nơi ẩn náu ở đó sau khi thua trong cuộc nội chiến trên đất liền chống lại những người Cộng sản. Họ trở thành những người thừa kế của Trung Hoa Dân quốc được thành lập vào năm 1912. Đối với Bắc Kinh, hòn đảo này là một tỉnh nổi dậy, cần được thu hồi lại, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.

Một cuộc phỏng vấn của BBC cho thấy tuyệt đại đa số người dân Đài Loan mong muốn Tổng thống Trump làm tiếp một nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Victor Lin, người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nói với BBC từ Đài Loan rằng “Thái độ của Donald Trump tốt cho chúng tôi và thật tốt khi có một đồng minh như vậy. Nó giúp chúng tôi tự tin hơn về đối ngoại – về quân sự và thương mại. Chúng tôi có một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa”.

Ông Trump chắc chắn đã mở rộng vòng tay với Đài Loan. Trong vài tháng qua, hai chính phủ đã thực hiện các bước quan trọng nhằm hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Linh tin rằng thỏa ước thương mại như vậy sẽ cho phép Đài Loan thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - có thể tiến xa hơn khi “tích cực mời các công ty lớn của Đài Loan thiết lập nhà máy tại Mỹ”.

Ông lo ngại rằng ông Biden có thể không thực hiện các bước “khiêu khích như thế này” khi đối mặt với cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Ông Biden từ trước đến nay được biết đến như là người ủng hộ việc can dự vào Trung Quốc. Mặc dù gần đây ông đã thay đổi lập trường của mình về vấn đề này nhưng chưa đến tai nhiều người Đài Loan; họ vẫn lo ngại sắp xẩy ra một cuộc “xâm lược” của Trung Quốc.

Các hành động của ông Trump để hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự cũng đã củng cố sự ủng hộ ông ở đó. Thực thế, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đài Loan là quốc gia duy nhất ở đó, những người muốn ông Trump cai trị thêm bốn năm nữa đông hơn hẳn những người muốn ông Biden chiến thắng.

Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Mỹ “không được gửi bất cứ tín hiệu sai trái nào tới các phần tử ' độc lập Đài Loan ' để tránh gây tổn hại nặng nề cho liên hệ Trung - Mỹ”
 
Source:Asia News The overwhelming majority of Taiwanese are opposed to Beijing

4. Tiến sĩ George Weigel ca ngợi chứng tá anh hùng của những người đồng tính sống trung tín với giáo huấn Giáo Hội

Tác giả Công Giáo George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vừa lên tiếng ca ngợi chứng tá anh hùng được thể hiện bởi các thành viên của “Courage”, nghĩa là “Can Đảm”, một phong trào tông đồ truyền giáo cho những người chịu hấp lực đồng tính.

Ông khuyến khích họ đứng vững giữa những áp lực xã hội và những tranh cãi gần đây về những lời bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến các kết hiệp dân sự đồng tính.

Courage cung cấp các tài nguyên, các khóa huấn luyện cho những người chịu hấp lực đồng tính để giúp họ sống trong sạch theo giáo huấn của Giáo hội. Được thành lập vào năm 1980, phong trào ngày nay đã có hơn 150 chi hội tại 18 quốc gia.

Công việc của họ đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều sau những tường thuật trên các phương tiện truyền thông về những gì được cho là Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói liên quan đến các kết hiệp đồng tính. Nhiều người cho rằng công việc của Courage là tào lao, không còn cần thiết nữa. Cũng không ít các phương tiện truyền thông lên án các hoạt động của anh chị em Courage trong việc giúp những người đồng tính sống trong sạch là phi nhân bản.

Đó là lý do tại sao Tiến sĩ George Weigel đã viết lá thư ngỏ này đăng trên tờ First Things ngày 11 tháng 11, 2020.


Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô:

Có rất nhiều tấm gương về nhân đức can đảm rất quan yếu đối với chúng ta trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay: những người Công Giáo ở Hương Cảng liều mạng và sinh kế của mình để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do lập hội; người Công Giáo Pháp dũng cảm thực hành đức tin bất kể có nguy cơ bị giết bởi những người Hồi Giáo cực đoan; những người đàn ông trẻ đang chuẩn bị cho ơn gọi linh mục, là điều ngày nay có thể khiến họ phải ngồi tù vì “tội ác căm ghét” khi họ rao giảng phúc âm; các tuyên úy Đại Học, là những người dám tiếp tục truyền giáo chống lại cái gọi là “đúng về chính trị”; những phụ huynh khăng khăng kêu gọi các trường Công Giáo phải thực sự là “Công Giáo” chứ không phải chỉ có hư danh; những thanh thiếu niên quyết liệt không khuất phục khi bị các bạn cùng trang lứa bắt nạt phải chối bỏ Chúa. Chúng ta thực sự được bao quanh bởi một “đám mây tuyệt vời các chứng nhân”(Dt 12: 1).

Và trong số họ, các bạn được kể là những người Công Giáo hết sức can đảm, thưa các bạn, những người nam nữ trong phong trào “Courage”. Chống lại những áp lực văn hóa và xã hội gay gắt, các bạn cố gắng — với sự trợ giúp của ân sủng, sự nâng đỡ của các mục tử của các bạn và sự giúp lẫn nhau — để sống luân lý Công Giáo về tình yêu thương con người ngay cả khi các bạn trải nghiệm những hấp dẫn đồng tính. Những nỗ lực trung tín của các bạn nói lên niềm tin sâu sắc, một niềm hy vọng mạnh mẽ và tình yêu đích thực.

Sống thanh khiết — sống theo điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “sự trọn vẹn của tình yêu thương” — không phải là điều dễ dàng đối với bất kỳ ai trong nền văn hóa sa đọa của chúng ta. Vì nền văn hóa đó khẳng định một cách ác ý rằng hành động theo sự thèm khát của chúng ta, bất kể chúng có thể là gì, là một dấu chỉ của “tính chân thực”, trong khi sự trong trắng lại bị coi là sự đàn áp hoặc thậm chí là sự phản bội hay sự không trung thực với chính bản thân mình. Các bạn biết rằng đó là những lời nói dối.

Các bạn cũng biết rằng những lời nói dối như thế bắt nguồn từ Satan mà Chúa đã gọi là “cha của sự dối trá” (Ga 8:44). Khi chống lại lầm lạc của thời đại và văn hóa, các bạn cố gắng đương đầu với sự tấn công dữ dội của Satan và sống theo chân lý về tình yêu con người giữa những cám dỗ. Các bạn là những “bình sành” của Thánh Phaolô (2 Cô 4: 7), và giống như tất cả chúng ta, các bạn đôi khi vấp ngã trên hành trình nên thánh của mình. Nhưng không giống như một số người khác, các bạn không đòi hỏi sự thật phải bị uốn cong theo mong muốn của mình. Với Flannery O’Connor [nhà văn Mỹ sinh ngày 25 tháng Ba, 1925 và qua đời ngày 3 tháng 8, 1964 – chú thích của người dịch], các bạn biết rằng “sự thật không thay đổi tùy theo khả năng cảm nhận của chúng ta”. Vì vậy, các bạn tìm kiếm sự hòa giải và tha thứ và tự nhủ mình để sống sự trọn vẹn của tình yêu nhân bản.

Cũng quan trọng không kém, các bạn không coi đức khiết tịnh như một “vấn đề chính sách” của Giáo hội và các bạn không vận động hành lang bên trong Giáo hội để thay đổi “chính sách” này, bởi vì các bạn biết rằng điều đang bị đe dọa ở đây là sự thật: sự thật tạo nên hạnh phúc, tình bạn chân thành, và cuối cùng là sự thánh thiện. Khi nỗ lực vươn lên với ân sủng mà Thiên Chúa ban cho các bạn, các bạn đưa ra một chứng tá quan trọng và thường là các chứng tá vác thánh giá cho Giáo hội, đặc biệt là cho những người tưởng tượng rằng sự thật “của họ” chân thật hơn sự thật của Chúa Kitô.

Nhiều người trong số các bạn cảm thấy khó chịu với những gì được cho là đã được nói trong một bộ phim tài liệu về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về sự kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính và những vấn đề liên quan. Bây giờ rõ ràng là những lời bình luận của Đức Giáo Hoàng đã bị cắt dán bởi một nhà làm phim theo chương trình nghị sự của phe nhóm ông ấy. Thảm kịch này là một lời nhắc nhở nữa cho chúng ta rằng các báo cáo trên các phương tiện truyền thông về các vấn đề Công Giáo phải luôn được xem xét cẩn thận; các điệp khúc cho sự cuồng loạn thường là đặc điểm của thế giới blog liên quan đến Công Giáo. Tuy nhiên, một số phe phái nhất định còn làm mọi thứ trở nên rối tung lên hơn nữa bằng cách diễn giải sai lạc và chính trị hóa những gì được cho là Đức Giáo Hoàng đã nói, nên điều quan trọng là phải nhớ lại hai thực tại Công Giáo sau đây.

Thứ nhất, những nhận xét không chính thức của một vị Giáo Hoàng đối với một nhà làm phim không phải là một thể hiện của huấn quyền tông tòa. Những người nói ngược lại với điều này là những người thiếu hiểu biết về mặt thần học, có động cơ chính trị, hoặc cả hai. Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách “The Next Pope: Office of Peter and a Church in Mission” – “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hội trong Sứ Mệnh” - Đức Giáo Hoàng không phải là một nhà tiên tri và không phải mọi lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng đều là huấn quyền.

Thứ hai, không có điều gì mà Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là đã nói thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về luân lý tình yêu con người, về những gì tạo nên hôn nhân và về những người có thể kết hôn. Giáo huấn đó không thể bị thay đổi, bởi vì nó bắt nguồn từ sự mặc khải của Thiên Chúa và được lý trí chứng thực. Sẽ rất hữu ích (và đầy thẩm quyền) nếu Phòng Báo Chí Tòa Thánh làm rõ điểm này trước khi các phe phái truyền thông gồm những bộ óc cực đoan tuyên bố rằng điều được cho là Đức Giáo Hoàng đã nói là bước đầu tiên có thể tiến tới sự tán thành của Giáo Hội Công Giáo về cái gọi là “hôn nhân đồng tính”. Hoàn toàn không có một điều như thế, bởi vì điều đó là không thể.

Vì thế, anh chị em dũng cảm của phong trào “Courage” thân mến, cảm ơn chứng tá của anh chị em. Xin hãy tiếp tục nhận lời thách đố mà Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra ngày 22 tháng 10 năm 1978: “Đừng sợ! Hãy mở cửa cho Chúa Kitô!” Lòng can đảm của anh chị em sẽ truyền cảm hứng cho mọi người Công Giáo về một lòng trung tín tương tự, và sự hỗ trợ lẫn nhau, cũng như những lời cầu nguyện để giúp nâng đỡ sự trọn vẹn của tình yêu.
 
Source:The First Things An Open Letter to the People of “Courage”

Nguồn tin: Vietcatholic:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giờ Lễ
CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ

GIỜ LỄ CUỐI TUẦN

-       Thứ Bảy: 7:00 PM (thay cho Chúa Nhật)
-       Chúa Nhật: 8:00 AM & 10:00 AM

GIỜ LỄ NGÀY THƯỜNG

Thứ Hai – Thứ Sáu:
-       6:30 PM Kinh Mân Côi
-       7:00 PM Thánh lễ
Thứ Bảy:
-       8:00 AM Thánh lễ 

CHẦU THÁNH THỂ

Thứ Sáu Đầu Tháng  ngay sau Thánh lễ 7:00 PM
Chúa Nhật Đầu Tháng lúc 1:10 PM dành cho các em trong Trường Thánh Don Bosco.


THÔNG TIN LIÊN LẠC
 

CHA CHÁNH XỨ

Fr. Hoàng Thanh Sơn, O.P.
Office: (602) 395-0421
Cell: (346) 812-7106
 

CHA PHÓ XỨ

Fr. Nguyễn Hoàng Anh, O.P.   
Phone: (832) 283-6258

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây