Lúc 9 giờ 45 sáng thứ Năm 24 tháng Giêng, nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha đã diễn ra tại Phủ Tổng Thống. Sau các nghi thức này, Đức Thánh Cha đã hội kiến với Tổng thống Juan Carlos Varela, và đã gặp chính quyền dân sự và đại diện các tầng lớp văn hóa xã hội Panama và ngoại giao đoàn tại dinh Bolivar.
Hoạt động tiếp theo của Đức Thánh Cha là cuộc gặp gỡ các Giám Mục Trung Mỹ tại nhà thờ Thánh Phanxicô thành Assisi vào lúc 11 giờ 15.
Hoạt động cuối cùng của ngài là cuộc gặp gỡ đầu tiên trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama với các bạn trẻ tại Cánh đồng Santa Maria la Antigua vào lúc 5 giờ 30 chiều.
Trong bài huấn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:
Các bạn trẻ thân mến, chào buổi tối!
Thật hay biết bao khi lại được gặp nhau, lần này ở một vùng đất tiếp đón chúng ta thật rạng rỡ và ấm áp! Khi chúng ta tụ tập ở Panama, Ngày Giới trẻ Thế giới một lần nữa là một cử hành của niềm vui và hy vọng cho toàn Giáo Hội; và, đối với thế giới, đó là một chứng tá đức tin.
Tôi nhớ rằng ở Krakow, một số người hỏi liệu tôi có đến được Panama không, và tôi nói với họ: “Tôi không biết, nhưng chắc chắn Phêrô sẽ ở đó. Phêrô sẽ có mặt ở đó”. Hôm nay tôi rất vui được nói với các bạn: Phêrô đang ở bên các các bạn, để cử mừng và canh tân các bạn trong đức tin và hy vọng. Phêrô và Giáo Hội cùng đi với các bạn, và chúng tôi muốn nói với các bạn rằng đừng sợ hãi, hãy tiếp tục đưa ra những chứng tá thuyết phục hơn cho Tin Mừng với cùng năng lượng tươi mới và sự bồn chồn giúp chúng ta hạnh phúc hơn và sẵn sàng hơn. Để tiến bước, đừng tạo ra một Giáo Hội song song “vui” hơn, hay “hấp dẫn” hơn, bằng một sự kiện giới trẻ đẹp mắt, như thể đó là tất cả những gì các bạn cần đến hay muốn có. Lối suy nghĩ đó sẽ không tôn trọng cả các bạn lẫn mọi thứ mà Thánh Linh đang nói qua các bạn.
Hoàn toàn không phải như thế! Với các bạn, chúng ta muốn tái khám phá và đánh thức sự tươi mới và trẻ trung không ngừng của Giáo Hội, đồng thời mở lòng chúng ta ra cho một Lễ Ngũ Tuần mới (x. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Tài liệu cuối cùng, 60). Như chúng ta đã trải nghiệm tại Thượng Hội Đồng Giám Mục này, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu, qua lắng nghe và chia sẻ, chúng ta khuyến khích nhau tiếp tục tiến bước và làm chứng bằng cách công bố Chúa qua việc phục vụ những anh chị em của chúng ta một cách cụ thể.
Tôi biết rằng đến được nơi đây không phải là dễ [đối với nhiều người trong các bạn]. Tôi biết các bạn cần cơ man những nỗ lực và hy sinh để có thể tham gia vào Ngày giới trẻ này. Nhiều tuần làm việc và dấn thân, nhiều cuộc gặp gỡ suy tư và cầu nguyện, đã khiến cho cuộc hành trình tự nó đã là một phần thưởng. Một môn đệ không chỉ đơn thuần là một người đi đến một nơi nào đó, mà là một người cất bước lên đường một cách quả quyết, không ngại mạo hiểm và tiếp tục tiến bước. Đây là niềm vui lớn: đó là tiếp tục tiến bước. Các bạn không sợ mạo hiểm và tiếp tục lữ hành. Hôm nay, tất cả chúng ta có thể đến được khu vực này bởi vì trong một thời gian, tại các cộng đồng khác nhau của chúng ta, tất cả chúng ta đã cùng nhau “lên đường”.
Chúng ta đến từ các nền văn hóa và dân tộc khác nhau, chúng ta nói các ngôn ngữ khác nhau và chúng ta ăn mặc khác nhau. Mỗi dân tộc của chúng ta đã có một lịch sử khác nhau và sống qua những tình huống dị biệt. Chúng ta khác nhau theo nhiều cách! Nhưng không điều nào trong số những điều đó có thể ngăn chúng ta gặp nhau và vui mừng được ở bên nhau. Chúng ta biết lý do là vì có một cái gì đó hợp nhất chúng ta. Ai cũng là một người anh em với chúng ta. Hỡi các bạn, những người trẻ thân yêu, đã hy sinh nhiều thứ để có thể gặp nhau và bằng cách này, các bạn đã trở thành những thầy dạy đích thực và những thợ xây thực sự của nền văn hóa gặp gỡ. Qua hành động và đường lối của các bạn, qua cách thức các bạn nhìn nhận sự việc, những mong muốn của các bạn và trên hết là sự nhạy cảm của các bạn, các bạn đang bác bỏ cái lối nói chuyện có ý định gieo rắc sự chia rẽ, loại trừ hoặc từ khước những ai “không giống như chúng ta”. Đó là vì các bạn có bản năng nhận biết một cách trực giác rằng tình yêu đích thực không loại bỏ những khác biệt chính đáng, nhưng hòa hợp chúng trong một thể thống nhất ưu việt hơn (Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng ngày 25 tháng Giêng năm 2006). Mặt khác, chúng ta biết rằng cha đẻ của những lời dối trá ưa chuộng những kẻ chia rẽ nhau, và thích cãi vã với những người đã học cách làm việc cùng nhau.
Các bạn dạy chúng tôi rằng gặp gỡ nhau không có nghĩa là phải nhìn cho giống nhau, hay suy nghĩ giống nhau hay làm những điều tương tự như nhau, nghe cùng một bản nhạc hoặc mặc cùng một chiếc áo túc cầu. Không, hoàn toàn không phải như thế. Văn hóa gặp gỡ là một lời mời gọi chúng ta dám sống một giấc mơ chung. Vâng, một giấc mơ tuyệt vời, một giấc mơ trong đó ai cũng có một chỗ dành cho mình. Vì ước mơ ấy mà Chúa Giêsu đã hiến mạng sống trên thập giá, mà Thánh Linh Thiên Chúa đã được tuôn tràn vào ngày Lễ Ngũ Tuần và mang ngọn lửa đến con tim của mọi người nam nữ, con tim của các bạn và của tôi, với hy vọng tìm được không gian để lớn lên và tăng trưởng. Một giấc mơ mang tên Giêsu, được Chúa Cha gieo vào lòng người với niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống động trong mọi trái tim. Một giấc mơ chạy trong huyết quản của chúng ta, làm rung động con tim chúng ta và khiến chúng nhảy mừng bất cứ khi nào chúng ta nghe lệnh truyền này: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13: 34-35).
Một vị thánh đến từ những vùng đất này thích nói rằng: “Kitô Giáo không phải là một tập hợp những sự thật cần phải tin, những quy tắc cần phải tuân theo hoặc những điều cấm đoán. Nhìn theo cách đó làm nản chí chúng ta. Kitô giáo là một người yêu tôi vô biên, là người đòi hỏi và cầu xin tình yêu của tôi. Kitô giáo là Chúa Kitô” (xem Thánh Oscar Romero, Bài giảng ngày 6 tháng 11 năm 1977). Kitô Giáo nghĩa là theo đuổi giấc mơ mà vì đó Ngài hiến mạng sống mình, là yêu bằng chính tình yêu mà Người đã yêu thương chúng ta.
Chúng ta có thể hỏi: Điều gì khiến chúng ta hiệp nhất với nhau? Tại sao chúng ta lại hiệp nhất với nhau? Điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau? Đó là sự xác tín rằng chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu sâu sắc mà chúng ta không thể, và cũng không muốn giữ im lặng trước một tình yêu thách thức chúng ta đáp lại theo cùng một cách: đó là yêu thương. Chính tình yêu của Chúa Kitô thúc giục chúng ta (xem 2 Cor 5:14).
Đó là một tình yêu không đè nặng hay áp chế, không gạt sang một bên hay làm câm nín, không làm nhục hay độc đoán. Đó là tình yêu của Chúa, một tình yêu hàng ngày, kín đáo và tương kính; một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và vực dậy. Tình yêu của Chúa nâng cao hơn là hạ gục, hòa giải hơn là cấm đoán, đưa ra những đổi mới hơn là lên án, hướng đến tương lai hơn là quá khứ. Đó là tình yêu thầm lặng của một bàn tay chìa ra để phục vụ, một dấn thân mà không có ý muốn thu hút sự chú ý đến chính mình.
Các bạn có tin vào tình yêu này không? Đó có phải là một tình yêu có ý nghĩa không?
Đây cũng là cùng một câu hỏi và cùng một lời mời đã được gửi đến Đức Maria. Thiên thần hỏi Mẹ có muốn mang giấc mơ này trong cung lòng Mẹ và ban sự sống cho nó, để biến nó thành xác thịt. Mẹ đáp lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38). Đức Maria tìm thấy sự can đảm để nói tiếng xin vâng. Mẹ tìm thấy sức mạnh để mang lại sự sống cho giấc mơ của Chúa. Thiên thần đang hỏi điều tương tự nơi mỗi người trong các bạn và chính tôi. Các bạn có muốn giấc mơ này trở nên sống động không? Các bạn có muốn làm cho nó có xương có thịt bằng đôi tay, đôi chân, ánh mắt, và con tim các bạn không? Các bạn có muốn tình yêu của Chúa Cha mở ra những chân trời mới cho các bạn và đưa các bạn đi theo những con đường chưa hề nghĩ đến hay hy vọng, chưa hề mơ ước hay mong đợi, khiến cho trái tim chúng ta vui mừng, ca hát và nhảy múa không?
Liệu chúng ta có đủ can đảm để nói với thiên thần, như Đức Maria đã nói: Này tôi là tôi tớ Chúa; xin cứ làm cho tôi như lời đã phán hứa?
Các bạn trẻ thân mến, kết quả đầy hy vọng nhất của Ngày giới trẻ này sẽ không phải là một tài liệu cuối cùng, một lá thư chung hay một chương trình sẽ được thực hiện. Kết quả tràn đầy hy vọng nhất của cuộc gặp gỡ này sẽ là khuôn mặt của các bạn và một lời cầu nguyện. Mỗi bạn sẽ trở về nhà với sức mạnh mới phát sinh từ mỗi cuộc gặp gỡ với những người khác và với Chúa. Các bạn sẽ trở về nhà tràn đầy Chúa Thánh Thần, để các bạn có thể nâng niu và giữ cho sống động giấc mơ khiến chúng ta trở thành anh chị em với nhau, và chúng ta không được để cho sự giá băng phát triển trong lòng thế giới chúng ta. Bất cứ nơi nào chúng ta có thể có mặt và bất cứ điều gì chúng ta có thể làm, chúng ta hãy luôn có thể nhìn lên và nói “Lạy Chúa, xin dạy con yêu, như Chúa đã yêu chúng con”. Các bạn hãy lặp lại những lời đó với tôi nhé: “Lạy Chúa, xin dạy con yêu như Chúa đã yêu chúng con”
Chúng ta không thể kết thúc cuộc gặp gỡ đầu tiên này mà không đưa ra lời cám ơn. Cám ơn tất cả những người đã chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới này với rất nhiều tâm huyết. Cám ơn các bạn đã khuyến khích nhau xây dựng và chào đón, và cám ơn vì đã nói tiếng “xin vâng” với giấc mơ của Thiên Chúa muốn thấy các con trai và con gái của Ngài tụ họp lại với nhau. Xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Ulloa và các cộng tác viên của ngài đã giúp Panama ngày hôm nay không chỉ là một kênh đào nối liền các đại dương, mà còn là một kênh nơi giấc mơ của Chúa tiếp tục tìm ra những dòng chảy mới cho phép nó phát triển, nhân lên và lan rộng đến khắp cùng bờ cõi trái đất
Các bạn thân mến, xin Chúa Giêsu chúc phúc cho các bạn và Đức Mẹ Antigua luôn đồng hành cùng các bạn, để chúng ta có thể nói mà không sợ hãi, như Mẹ đã từng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.”