Hôm thứ Sáu 19 tháng Bẩy, Philip Kosloski của tờ Aleteia đưa ra câu hỏi sau trên các mạng xã hội và nhiều người đã tham gia sôi nổi vào câu chuyện này:
Câu hỏi đặt ra là: Có bao nhiêu vị thánh Công Giáo?
Câu hỏi hóc búa ấy cũng là đầu đề của một tiểu luận của anh trên tờ Aleteia. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Thúy Nga.
Câu trả lời cho câu hỏi đó có thể khác nhau, tùy theo định nghĩa thế nào là một vị Thánh.
Từ “Thánh” xuất phát từ tiếng Latinh “Sanctus”, có nghĩa là “linh thiêng”. Trong suốt nhiều thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, danh hiệu này được trao tặng cho tất cả những ai, chủ yếu là các vị tử đạo, và những người mà sự thánh thiện của họ được công nhận rộng rãi trong xã hội.
Mãi đến năm 1588, Bộ Tuyên Thánh của Vatican mới chính thức được thành lập để giúp điều chỉnh việc trao tặng danh hiệu này cho thật xứng hợp trong tiến trình chính thức phong thánh.
Nhiều người đã không ngại bỏ thời gian ra để thu thập tên tuổi các vị thánh trong nhiều thế kỷ qua và đưa ra một danh sách các vị thánh đã được chính thức tuyên phong.
Một cách tổng quát, Giáo Hội Công Giáo có khoảng 8,000 vị thánh được chính thức công nhận. Tuy nhiên, điều này có thể không bao gồm một số lớn các vị thánh đã được tuyên thánh trong vài thập kỷ qua.
Chỉ tính trong thời cận đại, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho 482 vị, Đức Bênêđíctô XVI đã công nhận 45 vị, và Đức Phanxicô đã ghi danh 893 vị vào sổ bộ các thánh. Lý do cho sự gia tăng đột ngột con số các vị được tuyên phong dưới thời Đức Phanxicô là vì ngài thường tuyên thánh tập thể, như việc tuyên thánh cho 800 vị tử đạo người Ý vào năm 2013, chỉ ít lâu sau khi ngài được bầu làm Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.
Trước đây, trong Giáo Hội Công Giáo có 3 con đường để được tuyên thánh: thứ nhất là tử vì đạo, thứ hai là sống một đời sống với các nhân đức anh hùng, thứ ba là có một danh tiếng thánh thiện.
Ngày 11 tháng 7, 2017, Tòa thánh công bố Tự Sắc “Maiorem Hac Dilectionem” – nghĩa là “Trao Ban Mạng Sống” – trong đó vạch ra một con đường thứ tư để tuyên thánh cho những người sống một đời sống Công Giáo tốt lành và tự do chấp nhận một cái chết vì lợi ích của người khác.
Đây là sự thay đổi đầu tiên đối với các tiêu chuẩn tuyên thánh trong nhiều thế kỷ qua.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
Ngoại trừ trường hợp tử vì đạo, các trường hợp khác, trong đó bao gồm trường hợp thứ tư này, đòi phải có một phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của vị ấy để được tuyên Chân Phước; và một phép lạ thứ hai để được tuyên Thánh.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng khi các tín hữu có lòng sùng mộ đặc biệt đối với những vị thánh thiện chưa được tuyên thánh, Đức Giáo Hoàng có thể quyết định chuẩn chước “tuyên thánh tương đương” cho các vị này mà không cần theo các tiến trình bình thường. Điều này thường được thực hiện khi các vị thánh sống cách đây quá lâu khiến cho việc hoàn thành tất cả các yêu cầu trong án tuyên thánh rất khó khăn. Việc chuẩn chước như thế là một thực hành đã có hàng trăm năm trong Giáo Hội. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 14 đã chuẩn chước tiến trình tuyên thánh cho 11 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước tiến trình này để “tuyên thánh tương đương” cho 5 vị Chân Phước là Angela thành Foligno và Peter Faber (vào năm 2013), José de Anchieta, Marie Nhập Thể, Francis-Xavier thành Montmorency-Laval (vào năm 2014)
Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng số lượng các vị thánh Công Giáo là không thể đếm được, vì thuật ngữ này thường được dùng để chỉ tất cả những vị hiện đang ở trên Thiên đường.
Như thế, phải có có ít nhất hàng trăm tỷ các thánh từ thời tạo thiên lập địa cho đến nay. Có bao nhiêu người đang được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng là vấn đề phỏng đoán thôi, không ai trong chúng ta biết chắc chắn điều đó cho đến khi kết thúc cuộc sống của chúng ta trên dương thế này.
Điều quan trọng là mọi người đều được kêu gọi để nên thánh và tất cả chúng ta nên cố gắng trở thành một vị thánh. Sự thánh thiện có thể đạt được đối với bất cứ ai mong muốn một mối quan hệ chặt chẽ với Chúa Giêsu và có thể đạt được trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào trên dương thế.