Ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 8g30 sáng, ngài đã đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn. Sau đó, lúc 9g30, ngài đã đáp máy bay đến Rakovsky và đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, cũng như cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha đã gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky.
Lúc 17g15, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay trở về thủ đô Sofia để tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost vào lúc 18g15.
Trong diễn từ theo sau những lời cầu nguyện cho hòa bình, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã cầu nguyện cho hòa bình bằng những lời được linh hứng từ Thánh Phanxicô thành Assisi, người rất yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Cha của tất cả mọi người. Một tình yêu mà ngài thể hiện với cùng một niềm đam mê và sự tôn trọng sâu sắc đối với vẻ đẹp của thiên nhiên và của tất cả những người ngài gặp gỡ trên đường hành hương. Một tình yêu đã thay đổi cách nhìn của ngài và giúp ngài nhận ra rằng trong tất cả mọi người, có “một ánh sáng lóe lên từ xác tín cá nhân của chúng ta rằng, khi mọi thứ được nói và được thực hiện, chúng ta được yêu mến vô hạn” (Niềm vui Phúc Âm, 6).
Tình yêu đó cũng khiến Thánh Phanxicô trở thành một người kiến tạo hòa bình thực sự. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi theo bước chân của ngài bằng cách trở thành một người xây dựng hòa bình, một “nghệ nhân” của hòa bình. Hòa bình vừa là một ân sủng vừa là một nghĩa vụ; nó phải được cầu khẩn và nỗ lực làm việc, phải được cảm nhận như một phước lành và không ngừng tìm kiếm trong nỗ lực hàng ngày của chúng ta để xây dựng một nền văn hóa trong đó hòa bình được tôn trọng như một quyền cơ bản. Một nền hòa bình tích cực, được “khích lệ” chống lại tất cả những hình thức ích kỷ và thờ ơ khiến chúng ta đặt lợi ích nhỏ nhoi của một số ít trước phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người.
Hòa bình đòi hỏi và yêu cầu chúng ta chấp nhận đối thoại như là con đường của chúng ta, sự hiểu biết lẫn nhau như là quy tắc ứng xử và sự hiểu biết hỗ tương là phương pháp và tiêu chuẩn của chúng ta (xem Tài liệu về tình huynh đệ của con người, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Bằng cách đó, chúng ta có thể tập trung vào những gì hợp nhất chúng ta, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trước những khác biệt của chúng ta và khuyến khích nhau nhìn về một tương lai tràn đầy cơ hội và phẩm giá, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai.
Tối nay, chúng ta đã tập trung để cầu nguyện trước những chiếc đèn này do con cái chúng ta mang đến. Chúng tượng trưng cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong chúng ta và điều đó có nghĩa là trở thành ngọn hải đăng của lòng thương xót, tình yêu và hòa bình ở mọi nơi chúng ta hiện diện. Đó là một ngọn hải đăng có thể chiếu ánh sáng lên toàn bộ thế giới của chúng ta. Với ngọn lửa tình yêu, chúng ta có thể làm tan chảy cơn lạnh băng giá của chiến tranh và xung đột. Buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta diễn ra trên tàn tích của khu phố Serdika xưa, tại Sofia, trung tâm của Bảo Gia Lợi. Từ đây, chúng ta có thể thấy những nơi thờ phượng của các Giáo hội và các tôn giáo khác nhau: Thánh Nedelya của anh chị em Chính thống giáo, Thánh Giuse của chúng tôi những người Công Giáo, hội đường của các anh cả của chúng ta, những người Do Thái Giáo, đền thờ của anh chị em Hồi giáo và, gần gũi với chúng ta hơn nữa, là nhà thờ của Giáo Hội Armenia [Tông truyền].
Trong nhiều thế kỷ, người Bảo Gia Lợi ở thủ đô Sofia thuộc các nhóm văn hóa và tôn giáo khác nhau đã tập trung tại nơi này để họp và thảo luận. Cầu xin cho địa điểm biểu tượng này trở thành một chứng tá cho hòa bình. Đêm nay, tiếng nói của chúng ta hòa quyện với nhau trong việc giãi bày mong muốn hòa bình thiết tha của chúng ta. Hãy có hòa bình trên trái đất: trong gia đình, trong trái tim của chúng ta và trên hết là ở những nơi mà rất nhiều tiếng nói đã bị câm nín bởi chiến tranh, bị bóp nghẹt bởi sự thờ ơ và bị phớt lờ do sự đồng lõa mạnh mẽ của các nhóm lợi ích. Cầu xin cho tất cả mọi người biết làm việc cùng nhau để biến giấc mơ này thành hiện thực: các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và văn hóa. Xin cho mỗi người chúng ta, ở mọi nơi, trong mọi việc chúng ta làm, có thể nói: “Lạy Chúa, xin hãy biến con thành một khí cụ bình an của Chúa.”
Đó là một lời cầu xin cho giấc mơ của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trở thành sự thật: giấc mơ về một trái đất nơi hòa bình không bao giờ vắng bóng. Chúng ta hãy chia sẻ khát vọng đó và, bằng chứng tá của cuộc sống, chúng ta hãy nói: Pacem in terris! Bình an dưới thế cho người Chúa thương.