Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, vừa có một bài viết trên Catholic World Report phân tích các chiều hướng dư luận gần đây tại Úc. Ông cũng kêu gọi những người bạn của công lý, những người yêu mến Đức Hồng Y George Pell hãy hy vọng và cầu nguyện khi Tòa án tối cao xét xử vụ án của Đức Hồng Y vào năm tới.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: A last chance for Australian justice. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
A last chance for Australian justice
George Weigel
Cơ hội cuối cùng cho công lý Úc
Cha mẹ quá cố của tôi rất yêu mến Đức Hồng Y George Pell, là người mà họ quen biết trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, tôi thấy một sự trùng hợp khá thú vị là vào ngày 12 tháng 11 (là kỷ niệm 70 năm ngày cưới của bố mẹ tôi), một hội đồng hai thẩm phán của Tòa án tối cao Úc đã đồng ý chấp nhận đơn kháng cáo của ngài đối với bản án không thể nào hiểu nổi về các cáo buộc “lạm dụng tình dục trong quá khứ”, và sự bác bỏ thậm chí còn khó hiểu hơn nữa đối với kháng cáo của ngài tại Melbourne trước một bản án rõ ràng không an toàn.
Như thế, vào năm 2020, cơ quan tư pháp cao nhất ở Úc sẽ xem xét vụ án Đức Hồng Y Pell, tạo cơ hội cho Tòa án tối cao đảo ngược sự bất công quá hiển nhiên và minh oan cho Đức Hồng Y khỏi một tội ác ghê tởm: là một “tội ác” mà Đức Hồng Y Pell quyết liệt khẳng định không bao giờ xảy ra; một tội phạm, chẳng có một tí bằng chứng chứng thực nào được đưa ra; một “tội ác” mà đơn giản là không thể nào xảy ra trong hoàn cảnh và trong các điều kiện được cho là đã xảy ra.
Kể từ khi kháng cáo ban đầu của Đức Hồng Y Pell bị bác bỏ vào tháng 8 năm ngoái bởi hai trong số ba thẩm phán của toà phúc thẩm ở tiểu bang Victoria, quyết định của nhóm đa số giữ nguyên phán quyết của tòa dưới đã bị chỉ trích dữ dội vì chỉ dựa chủ yếu vào tính khả tín của người cho rằng mình là nạn nhân. Như vị thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ kháng cáo của Đức Hồng Y đã chỉ ra (trong một thái độ bất đồng được một luật sư nổi tiếng của Úc mô tả là tài liệu pháp lý quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước này), tính khả tín của người tố cáo – mà phán quyết này dựa vào - là hoàn toàn chủ quan – và là một tiêu chuẩn rất yếu ớt để từ đó có thể đưa ra kết luận ai đó phạm tội, điều đó “vượt quá xa sự nghi ngờ hợp lý”. Thẩm phán Mark Weinberg, là luật sư hình sự được kính trọng nhất ở Úc, trong khi hai đồng nghiệp của ông trong hội thẩm đoàn đã có rất ít hoặc chẳng có kinh nghiệm pháp lý hình sự nào. Bài phê bình dài và tàn bạo của Weinberg về lý luận nông cạn của hai người đồng nghiệp của ông là một tín hiệu cho Tòa án tối cao thấy rằng có cái gì đó rất sai trái đang diễn ra, và uy tín của công lý Úc – cũng như số phận của một người vô tội – đang trong tình trạng hiểm nghèo.
Những chiều hướng khác gần đây tại Úc cũng mang lại hy vọng cho những người ủng hộ Đức Hồng Y rằng cuối cùng công lý cũng sẽ được phục hồi trong trường hợp của ngài.
Andrew Bolt, một ký giả truyền hình với số khán giả trên phạm vi cả nước, đã điểm qua một loạt các sự kiện được cho là đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa St. Patrick ở Melbourne, trong khung thời gian được cho là đã diễn ra, và kết luận rằng cáo buộc của công tố viện, và phán quyết của cả bồi thẩm đoàn trong phiên sơ thẩm lẫn quyết định y án của hội đồng kháng cáo, chỉ đơn giản là vô nghĩa. Điều được cho là đã xảy ra, thực ra, không thể nào xảy ra theo cách thế và thời gian đã được mô tả.
Những người Úc muốn phớt lờ những diễn từ độc ác chống Đức Hồng Y Pell, đầy rẫy những lý luận lừa dối công chúng tại đất nước họ trong nhiều năm qua, cũng đã được nghe kể từ hai người nguyên là những người đã làm việc tại nhà thờ chính tòa, là những người đã thẳng thừng bác bỏ rằng những gì được cho là đã xảy ra. Thực tế, những chuyện như thế không thể nào xảy ra theo cách thế và thời gian đã được mô tả, bởi vì họ chỉ cách Đức Hồng Y một vài thước vào chính thời điểm được nêu.
Sau đó, Anthony Charles Smith, một luật sư hình sự kỳ cựu (và không phải là người Công Giáo), đã viết trên tờ Annals Australasia rằng bản án của Đức Hồng Y Pell và sự bác bỏ đơn kháng cáo của ngài “khiến tôi rợn người”. Vị luật sư đặt câu hỏi: làm thế nào mà một bản án có tội lại có thể được đưa ra dựa trên “các bằng chứng …quá yếu và ngấp nghé trên bờ vực của sự vô lý đến mức khôi hài” như thế. Chỉ có một câu trả lời khả thi là nhiều người đã giả định Đức Hồng Y Pell có “tội” sau “một loạt dồn dập các phỉ báng công khai” được dàn dựng bởi “một đám thèm khát lấy máu của Pell” đang tác động lên “một hệ thống truyền thông luôn luôn ngờ vực”.
Đáng chú ý hơn nữa, là tờ báo tả khuynh Saturday Paper, không có cảm tình với Đức Hồng Y Pell hay Giáo Hội Công Giáo, đã cho đăng một bài báo trong đó Russell Marks - người từng có thời là phụ tá nghiên cứu cho một cuốn sách chống Đức Hồng Y Pell - lập luận rằng hai thẩm phán trong Hội đồng phúc thẩm, những người đã bỏ phiếu y án Đức Hồng Y, trên thực tế đã “thẳng thừng không cho phép bất cứ một lập luận bào chữa nào cho Pell có cơ hội xảy ra: luật sư của ông ta không thể nói hay làm điều gì, bởi vì các thẩm phán này dường như cho rằng tin tưởng vào người khiếu nại này là đủ rồi trên cơ sở các câu trả lời của anh ta trong quá trình kiểm tra.”
Hệ thống tư pháp Úc đã vấp ngã hay thất bại ở mọi giai đoạn của vụ án này. Tòa án tối cao Úc có thể phá vỡ chuỗi thất bại đó, giải phóng một người vô tội, và phục hồi uy tín cho nền công lý Úc trên trường thế giới. Bất kể các phản ứng của đám đông diên dại thù ghét Đức Hồng Y Pell, những người bạn của công lý phải hy vọng rằng đó là những gì sẽ xảy ra khi Tòa án tối cao xét xử vụ án của Đức Hồng Y - một vụ án Dreyfus của Úc - vào năm tới.