1. Chi phí tu sửa nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris hiện nay hầu hết là từ các công dân Mỹ, các nhà tài trợ chưa chi ra.
Phần lớn tiền tài trợ để xây dựng lại nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris đã đến từ những đóng góp nhỏ, đặc biệt là từ người Mỹ, tổng giáo phận Paris cho biết.
“Các nhà tài trợ lớn chưa đóng đồng nào. Một xu cũng chẳng có,” André Finot một phát ngôn nhân của nhà thờ chính tòa nói với hãng tin AP. “Họ muốn biết chính xác số tiền của họ được sử dụng vào việc gì và liệu họ có đồng ý với nó trước khi trao ra hay không. Họ không muốn số tiền của họ chỉ được dùng để trả lương cho nhân viên.”
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nói ngài không cảm thấy lo lắng: “Vấn đề là các nhà tài trợ muốn tổng giáo phận ký kết các khế ước thể hiện đúng ý nguyện của họ. Mọi sự sẽ ổn thỏa thôi.”
Theo tờ Forbes, một số sự miễn cưỡng có thể đến từ một cuộc tranh cãi xung quanh việc xây dựng lại nhà thờ chính tòa. Các quan chức nhà thờ muốn xây dựng lại như một sự tái tạo trung thành với những gì đã mất trong vụ cháy. Trong khi những người khác, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hy vọng việc xây dựng sẽ tạo ra một điều gì đó mới mẻ, một liên minh giữa truyền thống và hiện đại, một sự táo bạo đáng được tôn trọng.
54% những người Pháp được hỏi ý kiến nói với tờ Forbes rằng họ muốn nhà thờ chính tòa được tái tạo như cũ.
Tổ chức Ái Hữu Nhà Thờ Chính Tòa Notre Dame Paris ước tính rằng 90 phần trăm số tiền quyên góp mà họ đã nhận được đến từ Hoa Kỳ.
“Người Mỹ rất hào phóng đối với nhà thờ Đức Bà và ngôi nhà thờ này rất được yêu thích ở Mỹ,” ông Michel Picaud, chủ tịch Hội Ái Hữu Nhà Thờ Chính Tòa Notre Dame Paris, nói với hãng tin AP. “Sáu trong số 11 thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi là cư dân tại Hoa Kỳ.”
Khoảng 4,1 triệu đô la đã được chuyển đến nhà thờ vào tuần trước để tài trợ việc trả lương cho 150 nhân viên và khởi động các nỗ lực tái thiết. Công việc đưa nhà thờ trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây đã không ngừng nghỉ kể từ vụ cháy.
Gần 1 tỷ đô la đã được một số cư dân giàu nhất nước Pháp cam kết.
Vụ hỏa hoạn ngày 15 tháng 4, đã tàn phá 2/3 mái nhà thờ và phá hủy ngọn tháp biểu tượng. Sau vụ hỏa hoạn, Tổng thống Macron tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà thờ chính tòa Paris trong vòng năm năm, trùng với Thế vận hội Olympic 2024, được tổ chức tại Paris.
2. Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna: Tôi là chứng nhân cho quyết tâm bảo vệ trẻ em của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
“Tôi là một nhân chứng mắt thấy tai nghe về quyết tâm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ngay từ khi những trường hợp như vậy bắt đầu được chú ý. Tôi tin rằng những người đặt câu hỏi về năng lực hoặc quyết tâm của Thánh Gioan Phaolô II trong việc điều trị hiện tượng này nên rà soát lại kiến thức về lịch sử của họ,” Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, Đồng Tổng Thư Ký của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết như trên, trong một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Thông tấn Công Giáo Ba Lan KAI, được thực hiện trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại quốc gia này.
Trong cuộc phỏng vấn với KAI, Đức Tổng Giám Mục đã nói về cách tiếp cận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đối với tội lỗi lạm dụng trẻ vị thành niên và nhấn mạnh rằng “Tôi tin rằng Ba Lan nên tự hào về Đức Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng tuyệt vời. Tôi là một nhân chứng mắt thấy tai nghe về quyết tâm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc chống lại tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ngay từ khi những trường hợp như vậy bắt đầu được dư luận chú ý đến.”
Trả lời câu hỏi của KAI về vai trò của Thánh Gioan Phaolô II trong việc chống lại những tội ác như vậy, Đức Tổng Giám Mục Malta nhắc nhớ mọi người rằng vào tháng 10 năm 2002, chính Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào chức vụ Chưởng Lý trong Bộ Giáo Lý Đức Tin, do Đức Hồng Y Ratzinger lãnh đạo, để điều tra các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
Ngài cho biết: “Tôi đã làm công việc đó trong suốt triều đại của Đức Bênêđíctô XVI, cho đến tháng 10 năm 2012, tức là trong mười năm. Một số trong những năm tháng này là trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II. Vào thời điểm đó, mỗi Thứ Sáu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger sẽ đến thăm Đức Thánh Cha để báo cáo cho ngài các trường hợp lạm dụng tình dục. Vị Thánh Giáo Hoàng, với sự tận tụy và quyết tâm cao nhất, luôn coi trọng ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin,” Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói.
Đức Tổng Giám Mục đã nhắc lại những lời của Đức Gioan Phaolô II vào ngày 23 tháng 10 năm 2002, trong một cuộc gặp gỡ với các Hồng Y đến từ Hoa Kỳ: “Không có chỗ trong đời sống linh mục và tu trì cho những người làm hại đến những người trẻ.” Theo Đức Tổng Giám Mục Scicluna, những lời này của Đức Gioan Phaolô II là câu nói quan trọng nhất mà người Công Giáo ở Ba Lan và các nơi khác nên biết và thực hiện trên toàn thế giới. Do đó, tôi nghĩ rằng những người nghi ngờ về năng lực hoặc quyết tâm của Thánh Đức Gioan Phaolô II trong việc điều trị hiện tượng này nên rà soát lại kiến thức về lịch sử của họ,” Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh.
Nhận lời mời của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đã tham dự ngày thứ hai của cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Ba Lan, vào ngày 14 tháng Sáu. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trong Giáo hội.
3. Xung đột giữa người Công Giáo và cảnh sát tại Kerala
Thông tấn xã UCANews cho biết người Công Giáo tại bang Kerala của Ấn Độ đã biểu tình phản kháng một quyết định của Bộ Văn Hóa bang này trao giải thưởng cho một bức tranh hí họa xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của họ.
Các cuộc phản kháng của người Công Giáo tại bang Kerala của Ấn Độ đã bùng lên sau khi Bộ Văn Hóa bang này trao giải thưởng cho Subhash về một bức tranh trong đó mô tả Đức Giám Mục Franco Mulakkal của giáo phận Jalandhar mặt người nhưng thân hình là một con gà trống, đang cắp trong nách cây gậy Giám Mục. Trên đầu cây gậy thì vì là thánh giá thì là một chiếc quần lót của phụ nữ.
Trong phiên họp hôm 11 tháng Sáu, các Giám Mục tại bang Kerala đã lên án quyết định này.
Các cuộc phản kháng của anh chị em giáo dân đã được đáp trả bằng bạo lực của cảnh sát.
Tuy vẫn chỉ là một thiểu số, Kerala được coi là cứ điểm của Công Giáo tại Ấn với một truyền thống lâu đời. Thánh Tôma Tông Đồ, người đòi được tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu Phục sinh thì mới tin, đã hình thành cộng đoàn Công Giáo tại đây.
56% dân số trong này theo Ấn Giáo, và người Hồi Giáo chiếm 25%. 19% còn lại là các tín hữu Kitô, trong đó 55% là người Công Giáo nghi lễ Đông phương và nghi lễ Syro-Malaba.
Hôm 23 tháng Năm vừa qua, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) đã thắng cử làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Các cuộc biểu tình đã liên tục nổ ra vì chính sách cực đoan của Modi. Trong một diễn biến bi thảm, ba thân nhân của một bệnh nhân đã xúm lại đánh trọng thương một nhóm bác sĩ sau khi người thân của họ qua đời tại bệnh viện.
Những thân nhân này nói các bác sĩ không tận tình cứu chữa cho người thân của họ. Trong khi các bác sĩ cho biết họ tất bật cứu chữa cho 78 người bị cảnh sát đánh trọng thương trong các cuộc biểu tình.
Biểu tình lớn chưa từng có của giới y khoa đã nổ ra trong nhiều ngày sau biến cố này. Tất cả các bệnh viện tại nhiều thành phố lớn đã bị tê liệt.
Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.
Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.
4. Giáo Hội Công Giáo Ai Cập lên tiếng sau cái chết “tế nhị” của Mohamed Morsi
Trong phiên tòa hôm thứ Hai ngày 17 tháng Sáu vừa qua, Mohamed Morsi, đã xin phép được nói với tòa án vài lời cuối cùng trong phiên tòa xử ông ta về tội phản quốc. Nói được mấy câu, Morsi đã gục xuống và không bao giờ tỉnh dậy.
Mohamed Morsi, 67 tuổi, từng là lãnh đạo của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức khủng bố đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Ai Cập. Sau khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng Hai 2011, Mohamed Morsi đã được bầu lên làm tổng thống thứ 5 của Ai Cập và đảm nhận trách vụ này từ ngày 30 tháng Sáu, 2012 đến ngày 3 tháng Bẩy, 2013 thì bị quân đội Ai Cập đảo chính và bắt giam.
Các phiên tòa xét xử Mohamed Morsi luôn diễn ra trong tình trạng an ninh tối đa. Ông ta bị nhốt trong cũi sắt ngay trong tòa án để đề phòng cướp tòa.
Trong một diễn văn được phát trên truyền hình, Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ lỗi cho tổng thống Al-Sisi của Ai Cập, mà ông ta gọi là “bạo chúa” về cái chết của Morsi.
“Lịch sử sẽ không bao giờ quên những tên bạo chúa đã đưa đến cái chết của anh ấy bằng cách tống vào tù và đe dọa xử tử anh ấy”, Erdogan, một đồng minh thân cận của Morsi, nói trong bài phát biểu trên truyền hình Istanbul.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi cựu tổng thống Ai Cập là “một vị tử đạo”.
Trong thế giới Hồi Giáo, nhiều buổi tưởng niệm kèm theo những lời thề trả thù đã dấy lên một bầu không khí căng thẳng đùng đùng sát khí.
Cảnh sát và quân đội đã lập tức được tăng cường xung quanh các nhà thờ Công Giáo Ai Cập trong khi anh chị em giáo dân chuẩn bị mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa – Corpus Christi. Tất cả mọi cuộc rước sách truyền thống đều bị bãi bỏ trong năm nay.
Nhận định về diễn biến đáng lo ngại này, Cha Rafic Greiche, chủ tịch Ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Công Giáo AsiaNews có trụ sở tại Rôma như sau:
“Ông Mohamed Morsi đã đau yếu và có một khối u trong não trước khi được bầu làm tổng thống. Sức khỏe của ông ta rất mong manh và sự căng thẳng từ phiên tòa có thể còn làm suy yếu tình trạng của ông ta hơn nữa. Không có yếu tố nào khác ngoại trừ sức khỏe đã gây ra cái chết này.”
“Gần đây tôi đã đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông phương Tây, đặc biệt là tiếng Pháp, về những nghi ngờ xung quanh cái chết của ông ta hoặc cho rằng ông ta có thể đã bị giết, nhưng điều đó không đúng đâu. Trong những năm tù vừa qua, ông ta đã phải nhập viện ba hoặc bốn lần trong các bệnh viện tốt nhất. Chính phủ đã làm mọi thứ để bảo đảm sự chăm sóc tốt nhất cho ông ta.”
Mohamed Morsi đã được chôn cất tại thành phố Nasr, phía đông Cairo, trong bối cảnh an ninh chặt chẽ. Chỉ có vài thành viên trong gia đình và một vài người khác có mặt tại buổi lễ.
Con trai ông Ahmed nói với Reuters rằng chính quyền Ai Cập từ chối yêu cầu tổ chức tang lễ công khai ở quê nhà, vì sợ biểu tình. Chính phủ đã tuyên bố tình trạng cảnh báo tối đa và tăng cường các biện pháp an ninh vì lo ngại các cuộc tấn công hoặc các cuộc biểu tình trên đường phố có thể xảy ra.
Tổng thống Al-Sisi đang ở nước ngoài, tại Belarus, trong một chuyến thăm chính thức. Ông quyết định “không quay về Ai Cập” để cho thấy rằng tình hình đã được kiểm soát.
Cha Rafic Greiche nhận định: “Người Ai Cập đã mệt mỏi với nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Có rất nhiều những hô hào trả thù ở nước ngoài, ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn, nhưng ở đây không ai buồn nhắc đến.” Tất nhiên, “vẫn có những nguy cơ là ai đó có thể cố gắng tấn công vào các nhà thờ, các nơi thờ phượng, doanh trại cảnh sát hoặc các địa điểm nhạy cảm khác để khuấy động căng thẳng hoặc trả thù, nhưng đối với nhiều người chúng tôi, ông ta đã thuộc về quá khứ.”
Trên bình diện nhân bản, “chúng tôi chia buồn trước cái chết của ông ta và thông cảm với gia đình ông, bất chấp sự bất đồng triệt để về cách thức ông ta cai trị đất nước này trong một năm, một thời gian thật thảm khốc đối với chúng tôi”.
“Nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, nhớ đến ông với tư cách là tổng thống được bầu cử đầu tiên một cách dân chủ và nói về những vi phạm nhân quyền vân vân. Nhưng cần phải nói rằng ông ta là người đầu tiên bẻ cong Hiến pháp vào tháng 11 năm 2012, với một sắc lệnh tập trung quyền lực vào tay ông ta và trong thực tế đã vi phạm hiến pháp và các nguyên tắc của luật pháp nhằm áp đặt luật Hồi Giáo Sharia.”
5. Kế hoạch Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa trong vòng 5 năm
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một phần trong chính sách mới của bọn cầm quyền Trung Quốc nhằm tìm cách Trung Hoa hóa nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội, và loại bỏ các ảnh hưởng của phương Tây.
Các phụ nữ Trung Quốc ngày nay được khuyến khích để ăn mặc theo lối xưa, mà ta vẫn thường thấy trong các phim kiếm hiệp, mặc dù ăn mặc theo lối này rất là bất tiện trong một xã hội công nghiệp, và đặc biệt trong một bầu không khí ô nhiễm nặng ở các thành phố của Trung Quốc.
Trong đời sống tôn giáo, Hiệp hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc và cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã phát động “Kế hoạch ngũ niên Trung Quốc hoá Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa”. Kế hoạch đã được chấp thuận thông qua một cuộc biểu quyết giơ tay trong cuộc họp phối hợp lần thứ tư của hai tổ chức này, được tổ chức vào cuối tháng Năm năm ngoái 2018.
Một phần trong kế hoạch này là tăng cường đồng hóa văn hóa Trung Quốc vào các biểu hiện tôn giáo, loại bỏ các “ảnh hưởng từ nước ngoài”. Nhiều pho tượng Chúa, Đức Mẹ, và các thánh bị loại bỏ khỏi các nhà thờ với lý do “nhìn có vẻ Tây phương quá”.
Theo thông tấn xã Asia News có trụ sở tại Rôma, bọn cầm quyền đang có ý muốn “viết lại Kinh Thánh” hay ít nhất là mua chuộc các chức sắc tôn giáo để diễn dịch lại thông điệp Tin Mừng qua lăng kính của các tư tưởng cộng sản.
6. Giáo Hội vừa mất đi một nhà truyền thông xuất sắc
Cha Thomas Rosica, thuộc dòng Thánh Basilô, viết tắt là CSB, đã từ chức Giám đốc điều hành của đài truyền hình Salt and Light Media Foundation, bốn tháng sau khi các báo cáo rộ lên rằng ngài đã đạo văn các phần trong các bài giảng, các bài xã luận, các giáo trình đại học và các bài viết khác.
“Sau 16 năm làm Giám đốc điều hành sáng lập, tôi đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng quản trị của Tổ chức truyền thông Công Giáo Salt và Light có hiệu lực ngày hôm nay,” cha Rosica cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm ngày 17 tháng 6. Cha Rosica, là người lãnh đạo mạng lưới Salt and Light kể từ khi ra mắt năm 2003, đã được nghỉ phép từ tháng 3 vừa qua.
Cha Rosica cũng xin lỗi vì hành vi đạo văn của mình.
“Tôi cầu xin sự tha thứ cho những lỗi phạm của mình trong việc không công nhận một cách đúng đắn bản quyền của các cá nhân và các nguồn đóng góp trong các tác phẩm của tôi,” ngài nói.
Ngài nói thêm: “Tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự thiếu kiểm soát của mình và không đổ lỗi cho bất kỳ ai khác ngoài bản thân mình.”
Cha Rosica từng làm phụ tá cho tiếng Anh và tiếng Pháp cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục.
Ngài nổi tiếng là hiền lành và chân thành. Cho đến nay, ngài là ký giả phỏng vấn nhiều vị Hồng Y và Giám Mục nhất trong giới truyền thông Công Giáo.
Trong một tuyên bố khác được đưa ra vào ngày 17 tháng Sáu, Hội đồng quản trị của Tổ chức truyền thông Công Giáo Salt và Light nói rằng: “Cha Rosica đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập và phát triển mạng lưới này trong 16 năm qua. Sự tham gia của nhiều người nam nữ trẻ tuổi vào các hoạt động truyền thông đa dạng của chúng tôi đã tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới. Chúng tôi rất biết ơn Cha Rosica vì sự lãnh đạo của ngài.”