Trong Bài Giáo Lý thứ 19 về sách Tông Đồ Công Vụ, chương 27, hôm thứ tư 08/01/2020, trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, trước sự hiện diện của hàng ngàn khách hành hương và du khách, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “dù trong thử thách, thánh Phaolô không ngừng là người canh giữ sự sống của những người khác và là người làm sống lại hy vọng của họ”.
“Tình yêu luôn sung mãn”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên khi bình luận vụ chìm thuyền của thánh Phaolô trên con thuyền phải đưa ngài tới Rôma, như tù nhân bị đày của Césarée. Ngài lưu ý chuyện thánh Phaolô biến đổi “một tình trạng thất sủng” thành cơ hội quan phòng để loan báo Phúc Âm, Đức Thánh Cha đã giảng tiếp: “nếu bạn để được Chúa chiếm lấy và nếu bạn nhận được những ân sủng của Chúa, điều đó sẽ giúp bạn cho lại cho những người khác. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi xa hơn”.
Mở đầu bài huấn đức, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến!
Sách Tông Đồ Công Vụ trong phần cuối, kể rằng Phúc Âm tiếp tục cuộc hành trình không chỉ trên bộ, mà còn trên biển, trên tầu thuyền đưa thánh Phaolô, tù nhân của thành Césarée, đi tới Rôma (x.Cv 27,1-28,16), nơi trái tim của Đế Quốc, để Lời của Đấng Phục Sinh được thực hiện: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất “(Cv 1,8). Quý Anh Chị Em hãy đọc sách Tông Đồ Công Vụ và Quý Anh Chị Em sẽ thấy bằng cách nào, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Phúc Âm đến với tất cả các dân tộc, trở thành phổ quát. Quý Anh Chị Em hãy cầm lấy sách! Hãy đọc sách đó!
Ngay từ lúc đầu, sự ra khơi đã phải đương đầu với những điều kiện bất lợi. Chuyến đi trở nên nguy hiểm. Thánh Phaolô khuyên đừng tiếp tục ra khơi, nhưng viên đại đội trưởng đã không thèm đếm xỉa và tin tưởng vào tên tài công và người chủ thuyền. Chuyến đi tiếp tục và một cơn cuồng phong đã đổ xuống, đến độ thuỷ thủ đoàn mất kiểm soát và để mặc cho chiếc thuyền trôi giạt.
Trong lúc mà thần chết dường như từ nay đã tới gần và sự thất vọng xâm chiếm mọi người, thánh Phaolô đã can thiệp và trấn an các bạn đồng hành của ngài bằng cách nói lên những điều chúng ta đã nghe: “Đêm vừa rồi […] một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo: ‘‘Này ông Phaolô, đừng sợ! Ông phải ra trước tòa hoàng đế César; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống’’ (Cv 27, 23-24). Dù trong thử thách, thánh Phaolô không ngừng là người canh giữ sự sống của những người khác và đấng làm sống lại niềm hy vọng của họ.
Như thế, thánh Luca cho chúng ta thấy rằng kế hoạch hướng dẫn thánh Phaolô đi tới Rôma đã che chở không chỉ thánh tông đồ, mà còn cả những bạn đồng hành và đồng hoạn nạn, vốn là một tình trạng thất sủng, đã biến thành cơ hội quan phòng để loan báo Phúc Âm.
Vụ đắm thuyền được tiếp nối bởi sự đổ bộ lên đảo Malta, nơi mà dân chúng thể hiện một sự đón tiếp vồn vã. Người đảo Malta can đảm, họ hiền lành, họ niềm nở đón tiếp, họ đã như thế từ thời đó. Trời mưa và lạnh, và họ đã đốt một đống lửa lớn để bảo đảm cho những nạn nhân đắm thuyền được một chút ấm áp và an ủi.
Ở đây cũng thế, như người môn đệ đích thực của Đức Kitô, thánh Phaolô đã phục vụ để thêm cành khô cho lửa cháy tốt. Trong khi làm chuyện đó, ngài bị một con rắn độc cắn, nhưng ngài không bị gì cả; thoạt đầu nhìn thấy chuyện này, dân chúng nói rằng: “Người này chắc là một kẻ đại ác vì hắn vừa được cứu khỏi chết chìm thì lại bị con rắn độc cắn! “Họ chờ đợi một lúc xem ngài có lăn ra chết không, nhưng ngài không hề hấn gì và lúc đó thiên hạ lại coi ngài ngay như một vị thần thay vì một kẻ đại gian đại ác. Trên thực tế, sự tốt lành này đến từ Chúa Phục Sinh đã phù trợ ngài, theo lời hứa trước khi Người về trời được phán ra với các tín hữu: “Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao; và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe “(Mc 16,18). Lịch sử nói rằng, từ lúc đó, trên đảo Malta đã không còn có rắn độc: đó là sự chúc lành của Thiên Chúa vì sự đón tiếp của dân tộc nhân hậu này.
Thực chất, đối với thánh Phaolô, chuỗi ngày tại Malta trở thành một cơ hội thuận lợi để “nhập thể “cho lời nói mà ngài loan báo và thi hành một sứ vụ thương cảm trong việc chữa lành các bệnh tật. Và đó là một lề luật của Phúc Âm: khi một tín hữu trải nghiệm ơn cứu độ, người đó không giữ riêng cho mình, mà người đó làm cho ơn đó luân chuyển. “Điều thiện luôn có xu hướng thông truyền. Mọi trải nghiệm về sự thật và vẻ đẹp đều tìm cách lan tỏa, và mọi người đã trải nghiệm một sự giải thoát sâu đậm đều có được một sự mẫn cảm lớn lao trước những nhu cầu của người khác” (Tông Huấn Evangelii gaudium, 9). Một người Kitô hữu “đã được thử thách” chắc chắn có thể trở thành gần gũi hơn với kẻ đang đau khổ bởi vì người đó biết rõ đau khổ là thế nào và làm cho tấm lòng cởi mở và nhậy cảm với sự liên đới đối với những người khác.
Thánh Phaolô dạy cho chúng ta trải nghiệm những thử thách bằng cách ôm chặt lấy Chúa Kitô, để cho chín muồi “sự xác tín của chúng ta rằng Thiên Chúa có thể tác động trong mọi hoàn cảnh, kể cả giữa những thất bại bề ngoài hiển nhiên” và “sự khẳng định rằng người tự hiến mình cho Thiên Chúa vì tình yêu, chắc chắc sẽ sung mãn” (ibid., 279). Tình yêu luôn sung mãn, tình yêu của Thiên Chúa luôn sung mãn và, nếu bạn để được Chúa chiếm lấy và nếu bạn nhận được những ân sủng của Chúa, điều đó sẽ giúp bạn cho lại cho những người khác. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi xa hơn.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa phù giúp chúng ta trải nghiệm mọi thử thách được nâng đỡ bởi năng lực của đức tin chúng ta và được mẫn cảm trước tất cả những nạn nhân của các vụ chìm thuyền của lịch sử đã đổ bộ, bị kiệt sức, trên những bờ biển của chúng ta, để chúng ta cũng biết đón tiếp họ với tình huynh đệ xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chính điều đó cứu thoát khỏi sự đông lạnh của tính vô cảm và tính vô nhân.