1. Khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn dẫn đến hòa bình
Con đường dẫn đến hòa bình trên thế giới, trong xã hội, và trong gia đình của chúng ta là sự khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 26 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên Bài đọc Một trong ngày, và mô tả lá thư Thánh Phaolô viết, trong nỗi cô đơn vì bị giam cầm, cho các tín hữu thành Êphêsô là một “bài thánh ca hiệp nhất” đích thực gợi lên trong chúng ta “phẩm giá ơn gọi” làm con cái Chúa.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng sự cô đơn của thánh Phaolô sẽ theo cùng ngài cho đến khi thánh nhân nhắm mắt lìa đời tại Rôma, bởi vì các Kitô hữu “quá bận rộn” trong “những cuộc đấu tranh nội bộ” của họ. Và trước Phaolô, theo Đức Thánh Cha, chính Chúa Giêsu cũng đã nài xin ân sủng hiệp nhất từ Chúa Cha cho tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ngày hôm nay đây chúng ta “đã quá quen với việc hít thở không khí xung đột”. Mỗi ngày, trên TV và trên báo chí, chúng ta nghe về xung đột và chiến tranh “hết nơi này lại đến nơi khác”, “không có hòa bình, không có hiệp nhất”. Những thỏa hiệp được hình thành để chấm dứt xung đột bị dẹp sang một bên, chạy đua vũ trang và chuẩn bị cho chiến tranh và hủy diệt tiếp tục được tiến hành.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngay cả các định chế thế gian được tạo ra với những ý hướng tốt nhất cho hòa bình và hiệp nhất, cũng không đem đến sự đồng thuận vì có một sự phủ quyết ở chỗ này và một tư lợi ở chỗ đó ... Trong khi họ đang cố gắng để đạt được thỏa thuận hòa bình, trẻ em không có thức ăn , không trường học, không giáo dục và cũng chẳng có bệnh viện vì chiến tranh đã phá hủy mọi thứ.
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng trong chúng ta luôn có những khuynh hướng hủy diệt, chiến tranh và bất hòa. Đó là xu hướng mà ma quỷ, kẻ thù và kẻ hủy diệt nhân loại gieo trong lòng chúng ta. Liên hệ đến Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói rằng vị Tông Đồ dân ngoại dạy chúng ta rằng hành trình hiệp nhất, có thể nói, được bao bọc hay “vũ trang” với lòng gắn bó với hòa bình. Hòa bình, theo Đức Thánh Cha, sẽ dẫn đến sự hiệp nhất.
Kế đó, Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả những người hiện diện trong thánh lễ hãy chọn cho mình một hành vi xứng đáng với “lời mời gọi” nhận được từ các bài đọc của Phụng Vụ trong ngày “với tất cả sự khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nhịn”.
Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta, những người đã quen với việc sỉ nhục và la hét lẫn nhau, cần phải kiến tạo hòa bình và hiệp nhất với nhau bằng sự dịu dàng và kiên nhẫn.
Ngài thúc giục các Kitô hữu mở rộng trái tim của mình và kiến tạo hòa bình trên thế giới qua con đường của “ba điều đơn sơ” là “khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nhịn”. Ngài đã thu hút sự chú ý của cộng đoàn đến lời khuyên thực tế của thánh Phaolô “chịu đựng lẫn nhau trong lòng mến”. Đức Thánh Cha thừa nhận điều đó thật không dễ dàng chút nào vì trong ta luôn có khuynh hướng muốn phán xét, và lên án người khác là những thái độ dẫn đến sự tách biệt và xa cách nhau…
Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng khi một sự rạn nứt được tạo ra giữa các thành viên của gia đình, ma quỷ rất hạnh phúc với sự khởi đầu của chiến tranh này. Lời khuyên của ngài là khi đó chúng ta hãy chịu đựng lẫn nhau bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi đầy rẫy những khuyết điểm, nên chúng ta luôn có thể tìm ra một cái cớ nào đó để bực dọc và thiếu kiên nhẫn với nhau. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thúc giục các môn đệ Ngài nên “một thân thể và một thần khí”. Được linh hứng bởi những lời này của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta “bảo vệ sự hiệp nhất tinh thần qua sự gắn bó với hòa bình”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng bước tiếp theo là hãy hướng nhìn về chân trời hòa bình cùng với Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy chân trời của bình an với lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha và Con là một”. Đức Thánh Cha nhắc nhớ Tin Mừng theo Thánh Luca trong ngày, khi Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên thỏa thuận với kẻ thù của chúng ta trên đường đi. Ngài nhận xét rằng đó là lời khuyên tốt, bởi vì “không khó để đi đến một thỏa thuận vào lúc khởi đầu một cuộc xung đột”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lời khuyên của Chúa Giêsu giải quyết vấn đề ngay từ lúc phát sinh và kiến tạo hòa bình ngay từ đầu đòi hỏi chúng ta phải có lòng khiêm nhường, nhân đức hiền lành và kiên nhẫn. Người ta có thể xây dựng hòa bình trên toàn thế giới với những điều nhỏ nhặt này, đó là thái độ của Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường, hiền lành và luôn tha thứ.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói hôm nay chúng ta, thế giới, gia đình và xã hội chúng ta cần có hòa bình. Ngài mời gọi các Kitô hữu bắt đầu đưa vào thực hành lòng khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nhịn và khẳng định rằng đây là con đường để kiến tạo hòa bình và củng cố sự hiệp nhất.
2. Câu chuyện Mình Thánh Chúa bị đánh cắp tại Siena bên Ý
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sáng Chúa Nhật 21 tháng 10 vừa qua, khoảng 8:15 sáng, anh chị em giáo dân tại nhà thờ Saint-Antoine-l'Ermite, tức là nhà thờ Thánh Antôn ẩn tu, tại thành phố Vaugneray miền Đông nước Pháp, đã hết sức đau buồn khi thấy kẻ trộm đã phá hoại ngôi nhà thờ của họ.
Cửa trước nhà thờ bị phá đổ. Nhìn vào nhà thờ họ thấy cung thánh bị phá tan hoang, tất cả các ngăn kéo bị lục tung và giấy tờ bị bị ném đầy mặt đất.
Nhà tạm cũng bị mở tung, mọi thứ bị ném xuống đất nhưng các bánh thánh vẫn còn trong bình đựng bánh thánh làm bằng bạc. Chiếc bình trông có vẻ cũ, không thể bán được nên bọn trộm không lấy đi.
Câu chuyện này nhắc nhớ chúng tôi về một phép lạ đã được Giáo Hội chính thức công nhận, thường được gọi là phép lạ thánh thể thành Siena bên Ý.
Siena là một thành phố ở miền Trung nước Ý trong vùng Tuscany rộng 118km2 với dân số 53,000 người theo thống kê vào cuối năm 2017. Trung tâm thành phố được UNESCO coi là di sản thế giới với những tòa nhà theo kiến trúc Gothic đứng vững theo thời gian từ thế kỷ thứ 14 cho đến nay. Thành phố này được coi là nơi thu hút khách du lịch nhiều thứ nhì của nước Ý sau kinh thành vĩnh cửu Rôma. Hàng năm, có khoảng 160,000 khách du lịch đến thăm thành phố này.
Du khách đến thăm thành phố này không chỉ vì các kiến trúc từ thế kỷ thứ 14 mà còn vì một phép lạ Thánh Thể đến nay không thể giải thích được về mặt khoa học.
Thưa quý vị và anh chị em,
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1730, trong khi người Công Giáo trong thành phố đang tham dự một lễ hội đặc biệt vào đêm trước lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại nhà thờ chính tòa thành phố, một bọn trộm đã lẻn vào nhà thờ Thánh Phanxicô và lấy trộm một bình đựng Mình Thánh Chúa bằng vàng chứa hàng trăm bánh thánh đã được thánh hiến.
Hai ngày sau, người ta nhận thấy thứ gì đó màu trắng nhô ra từ thùng xin tiền ở một nhà thờ khác trong thành phố Siena. Các linh mục mở thùng và tìm thấy các bánh thánh bị mất bên trong, vướng đầy mạng nhện và bụi bẩn. Sau khi được làm sạch hết sức có thể, các bánh thánh được đặt vào một bình đựng Mình Thánh Chúa mới và được đưa trở lại Nhà thờ Thánh Phanxicô để tôn kính và làm việc phạt tạ.
Vì các bánh thánh đã bị bẩn, các linh mục quyết định không trao các Mình Thánh Chúa này cho các tín hữu rước lễ nhưng để riêng ra với ý định là các bánh thánh này sẽ tự tiêu hủy theo thời gian. Một năm, hai năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm sau mọi người đều ngạc nhiên khi thấy rằng những chiếc bánh thánh này đã không bị tiêu hủy, nhưng thực sự trông mới nguyên và không còn chút bụi bẩn nào.
Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, nghĩa là đã 288 năm sau, những chiếc bánh thánh này vẫn còn mới nguyên và được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phanxicô ở Siena, Italia.
3. Hy vọng là sống cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô
Trong thánh lễ sáng thứ Ba tại Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài về hy vọng, như một điều không trừu tượng, nhưng là sống trong kỳ vọng về một cuộc gặp gỡ cụ thể với Chúa Giêsu. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thật là khôn ngoan để biết làm thế nào để vui mừng trong những cuộc gặp gỡ nhỏ với Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Đức Thánh Cha đã giải thích về “hy vọng” qua hình ảnh của một phụ nữ mang thai đang chờ đợi đứa con của mình được sinh ra.
Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng của ngài bằng cách suy tư trên hai từ ngữ được nêu lên trong Bài Đọc Một: quyền công dân và quyền thừa tự. Bài Đọc Một, trích từ Thư Thánh Phaolô gởi dân thành Êphêsô, nói về quyền công dân: “Đó là một hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, làm cho chúng ta trở thành công dân.” Nó bao gồm việc cho chúng ta một căn tính, một “thẻ căn cước” của chúng ta, có thể nói như thế. Thiên Chúa, nơi Chúa Giêsu, đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét để nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
“Căn tính của chúng ta nằm chính xác trong điều này,” Đức Thánh Cha nói, “đó là được Chúa chữa lành, được xây dựng thành một cộng đồng và có Chúa Thánh Thần bên trong.”
Thiên Chúa đang dẫn dắt chúng ta trên hành trình hướng tới quyền thừa tự, vững tin rằng chúng ta là những công dân đồng bào với nhau, và rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng quyền thừa tự “là điều mà chúng ta tìm kiếm trong hành trình của mình, là điều chúng ta sẽ nhận được cuối con đường.” Nhưng chúng ta cần phải tìm kiếm nó mỗi ngày; và chính hy vọng là điều thôi thúc chúng ta tiến lên trong cuộc hành trình hướng đến quyền thừa tự đó. Đức cậy, theo Đức Thánh Cha, “có lẽ là đức tính nhỏ nhất, nhưng có lẽ là điều khó hiểu nhất.”
Đức tin, đức cậy và đức ái là một ân sủng. Đức tin và đức ái rất dễ hiểu. “Nhưng đức cậy là gì?” Đức Thánh Cha hỏi. Đó là hy vọng về thiên đàng, hy vọng được gặp gỡ các Thánh, được hưởng hạnh phúc đời đời. “Nhưng thiên đường đối với anh chị em là gì?” Đức Thánh Cha nêu câu hỏi với cộng đoàn.
Sống trong hy vọng là hành trình hướng tới một phần thưởng, vâng, hướng tới một hạnh phúc mà chúng ta không có nhưng chúng ta sẽ có. Đức cậy là một đức tính khó hiểu. Đó là một đức tính khiêm nhường, rất khiêm nhường. Đó là một đức tính không bao giờ thất vọng: nếu anh chị em hy vọng, anh chị em sẽ không bao giờ thất vọng. Không bao giờ, không bao giờ. Đức cậy cũng là một đức tính cụ thể. “Nhưng,” anh chị em hỏi, “làm sao nó lại có thể cụ thể được nếu như tôi không biết thiên đường, hoặc những gì đang chờ đợi tôi ở đó?” Hy vọng của chúng ta là hy vọng hướng tới một cái gì đó, không phải là một ý tưởng, không phải là một nơi chốn tốt đẹp ... không. Đó là một cuộc gặp gỡ. Chúa Giêsu luôn luôn nhấn mạnh khía cạnh này của hy vọng, đó là sống trong kỳ vọng về một cuộc gặp gỡ.”
Trong Tin Mừng trong ngày, chúng ta nghe về cuộc gặp gỡ của ông chủ khi ông ăn cưới về. Một cuộc gặp gỡ luôn luôn là một cái gì đó cụ thể. Để giúp chúng ta hiểu rõ, Đức Thánh Cha đã đưa ra ví dụ sau:
Khi nghĩ tới niềm hy vọng, một hình ảnh chợt đến với cha: đó là hình ảnh người phụ nữ mang thai đang mong đợi đứa con bà chào đời. Bà đến gặp bác sĩ, và xem kết quả siêu âm. Liệu bà ấy có dửng dưng “À, em bé à, OK”. Không, không đâu, bà ấy sẽ kêu lên! sẽ mừng vui! và mỗi ngày bà ấy xoa bụng mình để âu yếm đứa bé, và bà sống trong sự chờ mong đứa con ấy. Hình ảnh này có thể giúp ta hiểu thế nào là hy vọng: đó là sống cho một cuộc gặp gỡ. Người phụ nữ ấy hình dung đôi mắt của đứa nhỏ trông như thế nào, nó cười ra sao, nó tóc vàng hay tóc đen… bà hình dung ra cuộc gặp gỡ với con mình. Bà chờ mong cuộc gặp gỡ với con mình.
Sau khi giải thích hình ảnh của người phụ nữ mang thai, và làm thế nào nó có thể giúp chúng ta hiểu hy vọng là gì, Đức Thánh Cha đưa ra một câu hỏi khác:
Tôi có hy vọng như thế, một cách cụ thể, hay niềm hy vọng của tôi có chút gì đó chung chung, có chút gì đó mơ hồ? Hy vọng thì cụ thể, và là chuyện mỗi ngày bởi đó là cuộc gặp gỡ. Và mỗi lần chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, trong kinh nguyện, trong Tin Mừng, hay nơi những người nghèo, nơi đời sống cộng đoàn, là mỗi lần ta tiến được một bước nữa hướng tới cuộc gặp gỡ chung cuộc này. Thật khôn ngoan khi biết tận hưởng niềm vui trong những cuộc gặp gỡ nho nhỏ hàng ngày với Chúa Giêsu, trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chung cuộc.
Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một lần nữa rằng từ “căn tính” ám chỉ đến việc chúng ta đã được xây dựng thành một cộng đồng; và quyền thừa tự là sức mạnh của Chúa Thánh Thần “đưa chúng ta tiến về phía trước với hy vọng.” Ngài kêu gọi cộng đoàn những người hiện diện tự hỏi mình làm thế nào để sống đúng với căn tính của họ là các Kitô hữu, liệu họ có đang trông đợi một gia nghiệp trên thiên đàng, là điều có thể còn trừu tượng theo một nghĩa nào đó; và liệu họ có đang thực sự hy vọng một cuộc gặp gỡ với Chúa hay không.
4. Đối với anh chị em, Chúa Giêsu Kitô là ai?
Chúa Giêsu Kitô là ai đối với anh chị em? Đức Thánh Cha đã đưa ra câu hỏi trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 25 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.
“Nếu ai đó hỏi chúng ta: ‘Chúa Giêsu Kitô là ai?’, chúng ta nên nói điều chúng ta đã học: ‘Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian, là Con của Chúa Cha,’ như chúng ta vẫn thường đọc trong Kinh Tin Kính.” Nhưng, theo Đức Thánh Cha, có một chút khó khăn hơn để trả lời câu hỏi Chúa Giêsu Kitô là ai “đối với tôi.” Đó là một câu hỏi có thể khiến chúng ta xấu hổ một chút, bởi vì để trả lời câu hỏi đó, “Tôi phải đào sâu trong trái tim tôi”; nghĩa là, chúng ta phải bắt đầu từ kinh nghiệm của chính chúng ta.
Thánh Phaolô đã kinh nghiệm chính xác sự khó chịu này khi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Ngài biết Chúa Giêsu qua kinh nghiệm riêng của mình khi bị ném khỏi con ngựa của mình trên đường đến Damascus để bách hại đạo thánh Chúa, lúc Chúa ngỏ lời trong tâm hồn ngài. Ngài không bắt đầu biết Chúa Kitô bằng cách nghiên cứu thần học, cho dù sau này ngài “tìm xem Chúa Giêsu đã được công bố như thế nào trong Kinh Thánh”.
Thánh Phaolô muốn các Kitô hữu cảm nhận về Chúa Kitô như những gì chính ngài cảm nhận. Đáp lại câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra cho thánh Phaolô - “Phaolô ơi, Chúa Kitô là ai đối với ngài?” – ngài sẽ nói một cách đơn giản về kinh nghiệm của chính mình: “Chúa yêu tôi, và ban chính Ngài cho tôi”. Thánh Phaolô dự phần với Chúa Kitô, Đấng đã phải trả giá để cứu cuộc cho mình. Và thánh nhân muốn mọi Kitô hữu - trong trường hợp này là các Kitô hữu của thành Êphêsô có kinh nghiệm này, dự phần vào kinh nghiệm này, đến mức mỗi người có thể nói: “Chúa yêu tôi, và ban chính Ngài cho tôi”, nhưng nói điều đó từ kinh nghiệm cá nhân của chính mình.
Việc đọc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta biết về Chúa Giêsu. Nhưng để thực sự biết Ngài, theo kinh nghiệm biết Chúa của Thánh Phaolô, tốt hơn là chúng ta hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là bước đầu tiên. Khi Phaolô tuyên xưng Chúa Giêsu đã ban chính Ngài cho thánh nhân, vị Tông Đồ nói rằng Chúa đã trả giá để cứu cuộc ngài, và điều này xuất hiện trong tất cả các thư của Thánh Phaolô. Và sau đó định nghĩa đầu tiên mà Phaolô đưa ra để mô tả chính mình là: “Tôi là một kẻ tội lỗi”. Ngài thừa nhận đã bách hại các tín hữu Kitô. Ngài bắt đầu một cách chính xác bằng cách nhận ra rằng ngài đã được “chọn vì tình yêu, mặc dù là một kẻ tội lỗi.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Bước đầu tiên trong việc biết Chúa Kitô” nằm chính xác nơi việc nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi. Và sau đó, trong Bí Tích Hòa Giải, chúng ta thú nhận tội lỗi của mình - nhưng, ngài lưu ý, “một đàng chúng ta nói về tội lỗi của mình”, sau đó còn một điều khác nữa là phải nhận ra mình là kẻ tội lỗi có thể phạm vào bất cứ điều gian ác nào. Thánh Phaolô là người đã có kinh nghiệm về sự gian ác của chính mình, “và nhận ra rằng ngài cần phải được cứu chuộc, nhận ra rằng ngài cần đến một người trả giá “cho quyền của ngài được gọi mình là 'con cái Thiên Chúa'“ Chúng ta đều là kẻ tội lỗi, nhưng để nói điều đó, để cảm nhận điều đó, chúng ta cần đến sự hy sinh của Chúa Kitô.
Nhưng để biết Chúa Giêsu, vẫn còn một bước thứ hai phải làm: đó là chúng ta biết Ngài qua sự chiêm niệm và cầu nguyện. Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ “một lời cầu nguyện tuyệt đẹp, từ một vị thánh: 'Chúa ơi, hãy cho con biết Chúa, và biết rõ về chính mình.” Đức Thánh Cha nói tiếp rằng chúng ta không nên tự hài lòng “với ba hay bốn điều tốt đẹp về Chúa Giêsu, vì biết Chúa Giêsu là một cuộc phiêu lưu, và là một cuộc phiêu lưu nghiêm trọng, chứ không phải là một cuộc phiêu lưu của một đứa trẻ,” vì tình yêu của Chúa Giêsu không có giới hạn.
Thánh Phaolô nói rằng Chúa “có thể thành toàn nhiều hơn tất cả những gì chúng ta có thể cầu xin hay tưởng tượng ra.” Ngài có quyền lực để làm những điều như thế. Nhưng chúng ta phải xin Ngài: “Lạy Chúa, hãy cho con biết Chúa; để khi con nói về Chúa, con không lặp lại những lời lẽ như con vẹt, nhưng đúng hơn, con đang nói những lời được sinh ra từ kinh nghiệm của riêng con.” Và khi đó, giống như Thánh Phaolô, ta có thể nói: “Chúa yêu tôi, và đã ban chính Ngài cho tôi” – và chúng ta nói điều đó với một niềm xác tín. “Đây là sức mạnh của chúng ta, đây là nhân chứng của chúng ta.” Kitô hữu trên môi miệng mà thôi thì có rất nhiều từ ngữ; chúng ta cũng vậy, có rất nhiều từ ngữ. Và đó không phải là sự thánh thiện. Thánh thiện là trở nên Kitô hữu tiến bước trong cuộc sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy và những gì Chúa Giêsu đã gieo trong lòng chúng ta.
Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại hai bước chúng ta cần phải làm để thực sự biết Chúa Giêsu Kitô:
Bước đầu tiên là biết chính mình: chúng ta là những kẻ tội lỗi. Nếu không có sự hiểu biết này, và nếu không có sự thú nhận tự thâm tâm rằng tôi là một kẻ tội lỗi chúng ta không thể tiến lên. Bước thứ hai là cầu nguyện cho Chúa, Đấng với quyền năng của Ngài làm cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa Giêsu, là lửa mà Ngài đã mang đến thế gian. Sẽ là một thói quen tốt nếu mỗi ngày, trong mọi khoảnh khắc, chúng ta có thể nói, “Lạy Chúa, hãy cho con biết Chúa, và biết chính con.”
5. Nghĩa vụ cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuộc đời cha Piô là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của Thiên Thần, Các Thánh, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Các Đẳng Linh Hồn. Có thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.
Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa, ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.
Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau. Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay lời xin.
Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và đúng như lời kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng: Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.