1. BLM làm loạn tại Chicago, cướp phá các cửa hàng, bắn trọng thương 13 viên chức cảnh sát
Người dân Chicago đã phải leo lên các cửa sổ vỡ toang để quét các mảnh kính vỡ sau khi hàng trăm người cướp phá các cửa hàng và đụng độ với cảnh sát trong và xung quanh khu thương mại sang trọng của Chicago, từ đêm Chúa Nhật đến ngày thứ Hai. Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai, bà thị trưởng Lori Lightfoot và Giám đốc Cảnh sát Chicago David Brown cho biết 13 viên chức cảnh sát bị trọng thương, và hơn 100 người đã bị bắt.
Bà thị trưởng Lori Lightfoot nói: “Đây là một cuộc tấn công vào thành phố của chúng ta”.
Thị trưởng Lori Lightfoot, một người da đen, đã làm rõ tính chất nghiêm trọng và vi phạm pháp luật của các vụ cướp bóc với các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc xảy ra sau cái chết của anh George Floyd.
Bà nói: “Đây không phải là sự hợp pháp được bảo vệ bởi tu chính án thứ nhất về quyền tự do phát biểu. Đây là trọng tội, là hành vi hình sự. Và đối với những người tham gia vào hành vi phạm tội này, hãy nghe cho rõ. Chúng tôi đang lùng kiếm các ngươi”.
Giám đốc Cảnh sát Chicago David Brown, cũng là một người da đen, cho biết ít nhất 13 viên chức cảnh sát bị thương, một nhân viên bảo vệ và một dân thường bị trúng đạn.
Ông nói: “Đây là một hành động bạo lực chống lại các viên chức cảnh sát của chúng ta và chống lại thành phố của chúng ta. Trong biến cố đêm qua, các nhân viên cảnh sát đang bắt giữ một nghi phạm hôi của tại Michigan Avenue và Lake Street. Và có sự kiện này—là người này đang xách theo một máy tính tiền mà anh ta đã cướp được từ cửa hàng. Khi các cảnh sát viên đang thực hiện việc bắt giữ, một chiếc xe khác đã vượt qua các viên chức cảnh sát và bắn nhiều phát súng vào các cảnh sát viên khi xe của họ rẽ vào góc đường, dẫn đến một cuộc đọ súng giữa các viên chức cảnh sát và những nghi phạm này.”
Ông Brown cho biết cảnh sát đã biết về một số bài đăng trên mạng xã hội khuyến khích cướp bóc ở trung tâm thành phố sau khi căng thẳng bùng phát trước đó ở một khu vực khác của thành phố, xảy ra khi cảnh sát bắn vào một thanh niên. Cảnh sát đã thẩm vấn một nghi phạm 20 tuổi vào chiều Chúa Nhật. Người thanh niên này bỏ chạy và bắn vào các cảnh sát viên. Cảnh sát đã bắn trả vào thanh niên này. Anh ta đã được đưa vào bệnh viện và hy vọng sẽ sống sót.
Bà thị trưởng Lori Lightfoot nói: “Tôi không quan tâm đến bất cứ lời biện minh nào được đưa ra cho hành động cướp bóc này. Không bao giờ có thể biện minh cho hành vi phạm tội như thế. Bạn không có quyền làm như thế - không có quyền cướp bóc và phá hủy tài sản của người khác.”
Ông Brown cam kết sẽ mở một cuộc truy nã của cảnh sát ở Trung tâm Chicago. Trong quuyết tâm tìm ra các thủ phạm bắn vào cảnh sát, ông phân công các viên chức cảnh sát làm tăng ca đến 12 giờ và hủy bỏ các ngày nghỉ.
Source:Reuters
100 arrested after mass looting in Chicago
2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vụ nổ kinh hoàng tại Li Băng
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy Ban Công lý và Hòa bình Quốc tế Hoa Kỳ bày tỏ tình liên đới với dân tộc đau khổ Li Băng sau vụ nổ ở cảng Beirut.
Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha David J. Malloy Giám Mục giáo phận Rockford và là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau trong tình liên đới với người dân Li Băng sau vụ nổ ở cảng Beirut:
Thế giới đang theo dõi với sự bàng hoàng và âu lo trước vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut hôm thứ Ba. Hơn 135 người đã chết, hàng nghìn người bị thương, và những đau khổ mới chỉ bắt đầu được kể lại.
Li Băng đã quay cuồng với tình trạng kinh tế bi đát và nạn tham nhũng của chính phủ cùng với đại dịch coronavirus. Hoàn cảnh của người dân Li Băng giờ càng thê thảm hơn. Chúng tôi đã nhận được lời kêu gọi của Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai gởi đến các quốc gia trên thế giới trong tình yêu huynh đệ và tình đoàn kết. Chúng tôi khuyến khích người Công Giáo và tất cả những ai có thiện chí hãy cầu nguyện cho những người đau khổ và quảng đại trợ giúp cho việc ứng phó với thảm họa Li Băng qua Catholic Relief Services tại www.crs.org. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tăng tốc tất cả các hỗ trợ nhân đạo cho Li Băng trong thời điểm cần thiết này.
Hiệp cùng Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện hôm thứ Tư, chúng ta hãy xin cho Li Băng có thể ‘vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà họ đang trải qua’ và cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Li Băng. Chúng ta đặt hy vọng chắc chắn vào Ngài, “Đấng hòa giải mọi sự với chính Ngài” (Cl 1:20).
Source:USCCB
U.S. Bishops’ President and International Justice and Peace Chairman Join in Solidarity with the Suffering of Lebanon After Explosion in the Port of Beirut
3. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ viện trợ khẩn cấp 250, 000 euro lương thực cho Li Băng
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, đã công bố gói viện trợ lương thực 250, 000 euro khẩn cấp cho các nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng ngày 4 tháng 8 ở Beirut, Li Băng.
Khoản tài trợ ACN sẽ tập trung vào các gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ nổ đã tàn phá khu vực cảng của thủ đô Li Băng và các khu vực lân cận, bao gồm các khu dân cư của người Công Giáo như Mar Maroun và Achrafieh.
Ít nhất 135 người đã chết và 5, 000 người khác bị thương khi một nhà kho chứa khoảng 2, 750 tấn ammonium nitrate phát nổ vào tối thứ Ba. Các giới chức đang điều tra nguyên nhân vụ nổ.
Cha Samer Nassif, một linh mục người Li Băng, nói với ACN rằng khu vực Kitô Giáo ở Beirut “hoàn toàn bị tàn phá”, trong đó ít nhất 10 nhà thờ bị phá hủy. Ngài ngậm ngùi nói:
“Trong một giây, khu vực Kitô Giáo ở Beirut bị thiệt hại nhiều hơn so với những năm dài của cuộc nội chiến. Chúng tôi phải xây dựng lại mọi thứ một lần nữa từ đầu.”
ACN ước tính khoảng 300, 000 người mất nhà cửa. Ngoài ra, nhiều văn phòng, trường học, bệnh viện và cửa hàng bị phá hủy hoàn toàn trong vụ nổ.
Vị linh mục nhấn mạnh rằng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài của đất nước và đại dịch coronavirus đang diễn ra, Li Băng không sẵn sàng để đối mặt với tình trạng khẩn cấp mới này. Viện trợ quốc tế là cần thiết một cách khẩn cấp để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân.
Li Băng hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém dẫn đến sự mất giá chưa từng có của đồng tiền Li Băng, siêu lạm phát, thất nghiệp gia tăng và các hạn chế ngân hàng. Hệ thống y tế cũng khủng hoảng. Tình trạng mất điện và các cuộc biểu tình trên đường phố đã làm rung chuyển cả nước vài tháng trước khi đại dịch coronavirus bùng phát.
Trong những năm gần đây, Li Băng đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Syria và Iraq, nhiều người trong số họ là người Hồi Giáo, như những người tị nạn Palestine. Theo dữ liệu chính thức, Li Băng hiện có gần 2 triệu người tị nạn, chiếm khoảng một phần ba tổng dân số.
Sau vụ nổ xảy ra tại hải cảng Beirut hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Boutros Rai của Công Giáo Maronite, và là Đức Thượng Phụ thành Antiôkia tuyên bố rằng Giáo hội địa phương cần rất nhiều hỗ trợ trong tình cảnh khó khăn hiện nay.
“Beirut đang là một thành phố bị tàn phá tan hoang. Cảnh tượng giống như một thành phố vừa trải qua chiến tranh, mặc dù không có chiến tranh.”
“Giáo hội đã thiết lập một tổ chức cứu trợ trên toàn lãnh thổ Li Băng, nhưng hôm nay cảm thấy mình phải đối mặt với một nghĩa vụ lớn lao mới không thể tự mình gánh vác mà phải nhờ đến cộng đồng quốc tế.”
Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy giúp đỡ Li Băng. Quốc gia này đã hết sức lao đao vì tình trạng khủng hoảng kinh tế và đại dịch coronavirus.
“Tôi gửi lời kêu gọi tới quí anh chị em vì tôi biết quí anh chị em cũng ước muốn Li Băng lấy lại vai trò lịch sử của nó trong việc phục vụ con người, dân chủ và hòa bình ở Trung Đông và trên toàn thế giới, “ Đức Hồng Y Rai nói.
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng kêu gọi cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ và những thách thức khác.
“Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ; và chúng tôi cầu nguyện cho Li Băng để với sự dấn thân của tất cả các thành phần xã hội, chính trị và tôn giáo, nước này có thể đối mặt với thời khắc bi thảm và đau thương này và với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nước này đang phải trải qua.”
Source:Aid To The Church In Need
Emergency Appeal for Lebanon
4. Nhân đại dịch Covid-19, Đức Phanxicô mở loạt bài giáo lý mới về chữa lành thế giới
Trong một bài giáo lý được trực tuyến từ Thư viện Tông tòa vào sáng thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo đảm với các Kitô hữu rằng bất chấp đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lây nhiễm và giết người, với nhiều người, đặc biệt người nghèo, đang kinh qua những thời kỳ bấp bênh vì các vấn đề kinh tế xã hội, Vương quốc chữa lành và cứu rỗi của Thiên Chúa vẫn hiện diện, như Chúa Giêsu vốn bảo đảm với chúng ta trong Tin mừng Luca.
Ngài nói, Vương quốc của công lý và hòa bình này, được tỏ hiện qua các hoạt động bác ái, làm tăng và củng cố đức tin. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, Chúa Thánh Thần không chỉ chữa lành chúng ta mà còn khiến chúng ta trở thành những người chữa lành. Các nhân đức này “mở cửa cho chúng ta thấy những chân trời mới, ngay cả khi chúng ta đang lênh đênh trên những vùng nước khó khăn của thời đại chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng nói, một tiếp xúc mới mẻ với “Tin Mừng đức tin, đức cậy và đức mến sẽ giúp chúng ta khả năng biến đổi các gốc rễ của tính yếu đuối thể xác và những thực hành phá hoại khiến chúng ta ngăn cách với nhau, đe dọa gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng, trong vô số phép lạ của Người, Chúa Giêsu “chữa lành không những sự dữ thể xác mà còn chữa lành toàn bộ con người”. Nhờ khôi phục “con người trở lại với cộng đồng, Người giải phóng họ khỏi sự cô lập”.
Đức Giáo Hoàng đặc biệt chú trọng đến việc chữa lành người bại liệt tại Caphácnaum, người đã được hạ xuống tới Chúa Giêsu từ một cái lỗ trên mái nhà. Xúc động bởi đức tin của họ, trước tiên Chúa Giêsu nói với người bại liệt, “Con ơi, tội lỗi của con đã được tha thứ”. Và sau đó, như một dấu hiệu hữu hình, Người nói thêm, “Hãy chỗi dậy, vác chiếu mà về nhà”.
“Hành động của Chúa Giêsu là phản ứng trực tiếp đối với đức tin của những người đó, đối với đức cậy mà họ đặt nơi Người”, và đối với đức ái mà họ tỏ bầy cho nhau.
Chúa Giêsu không những chỉ chữa lành người bại liệt mà còn tha thứ tội lỗi của anh ta và đổi mới cuộc sống của anh ta và bạn bè anh ta như thể họ được tái sinh. Đức Giáo Hoàng nói, “Đó là một sự chữa lành về thể lý và tinh thần, kết quả của việc tiếp xúc bản thân và xã hội”; ngài tự hỏi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và hành động chữa lành của Người đã giúp tình bạn và đức tin này phát triển ra sao trong ngôi nhà đó.
Đức Thánh Cha nhắc nhở các Kitô hữu rằng trong tư cách môn đệ của Chúa Giêsu, thầy thuốc chữa linh hồn và thể xác, chúng ta cũng được kêu gọi tiếp tục “công việc chữa lành và cứu rỗi của Người” theo nghĩa thể lý, xã hội và tâm linh.
Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù Giáo hội thực hiện ơn thánh chữa lành của Chúa Kitô qua các Bí tích và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các vùng xa xôi nhất của hành tinh, nhưng Giáo Hội không phải là một chuyên gia trong việc phòng ngừa hoặc chữa lành dịch bệnh và không cung cấp các đề xuất chính trị xã hội chuyên biệt. Như Thánh Phaolô VI đã chỉ ra, công việc này thuộc các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, và dưới ánh sáng của Phúc âm, Giáo hội đã khai triển các nguyên tắc xã hội căn bản có thể giúp chúng ta tiến lên trong việc chuẩn bị tương lai mà chúng ta cần đến. Đức Giáo Hoàng nói rằng, các nguyên tắc như nhân phẩm, ý niệm về ích chung, ưu tiên chọn người nghèo, đích điểm phổ quát của hàng hóa, tính liên đới, tính phụ đới, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta diễn tả các nhân đức tin, cậy, mến theo những cách khác nhau.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, các nguyên tắc này sẽ giúp các nhà quản trị và những người cầm quyền phát triển xã hội và giúp hàn gắn các mối liên hệ bản thân và xã hội trong thời kỳ đại dịch này.
Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu trong những tuần lễ sắp tới suy nghĩ với ngài về những nguyên tắc này và những vấn đề cấp bách mà đại dịch đã vạch trần, nhất là các tệ nạn xã hội. Dưới ánh sáng Tin Mừng, đây sẽ là một trong các nhân đức đối thần và các nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng hy vọng rằng chúng có thể làm sáng tỏ các vấn đề xã hội cấp bách ngày nay và góp phần xây dựng một tương lai hy vọng cho các thế hệ tương lai.