1. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Hương Cảng cần một phép lạ
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc, gọi là Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, vào ngày 28 tháng Năm đã phê chuẩn một nghị quyết áp đặt luật an ninh mới đối với khu vực tự trị Hương Cảng. Đó là một diễn biến mà những người biểu tình ủng hộ dân chủ và người Công Giáo ở nước này lo ngại sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hương Cảng, bao gồm cả tự do tôn giáo. Trước diễn biến này, hôm 4 tháng Sáu, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân vừa dành cho tờ Crux một cuộc phỏng vấn. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với tờ Crux rằng luật an ninh mới đặt quyền tự trị của thành phố vào nguy cơ, và phàn nàn về sự im lặng của Vatican về vấn đề này như một sự nhượng bộ chính trị bất kể đức tin.
“Chúng tôi đang lo lắng, chúng tôi đang rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói với tờ Crux khi đề cập đến luật an ninh mới mà Bắc Kinh vừa áp đặt tại Hương Cảng. “Chúng tôi cần một phép lạ; chúng tôi cần một phép lạ từ thiên đường.”
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, năm nay 88 tuổi, từng là Giám mục Hương Cảng từ 2002 đến 2009.
Trong hơn một năm, Hương Cảng đã và đang là nơi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ khổng lồ, đôi khi đã trở nên bạo lực để phản kháng một một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Mặc dù dự luật cuối cùng đã được rút lại, các cuộc biểu tình, thường bị nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả là “khủng bố”, đã chỉ dừng lại với sự bùng phát đại dịch coronavirus kinh hoàng đầu năm nay.
Căng thẳng đã tăng vọt một lần nữa đối với nghị quyết an ninh đối với Hương Cảng được Bắc Kinh thông qua ngày 31 tháng 5, trong đó cấm các tội mà bọn cầm quyền gọi là phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ phản đối dự luật đã dẫn đầu các cuộc biểu tình kể từ khi nó được công bố lần đầu tiên cách đây vài tuần, mặc dù có những hạn chế do coronavirus. Một số người biểu tình, hầu hết là thanh niên, đã bị bắt giữ.
Khi Hương Cảng chuyển từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997, thành phố này đã được phép giữ lại hầu hết các quyền tự do dân sự của mình - bao gồm tự do ngôn luận và tôn giáo - dưới chính sách “một nước, hai thể chế”.
Đức Hồng Y lưu ý về một dự luật về an ninh được đề xuất trước đây vào năm 2003 và cuối cùng đã được rút lại sau khi có các cuộc biểu tình quy mô lớn. Tuy nhiên, Đức Hồng Y nói nhiều người tin rằng “luật mới này còn tồi tệ hơn cái dự luật hồi năm 2003 rất nhiều.”
“Chắc chắn nó sẽ làm hỏng tính tự chủ của chúng tôi, ” ngài nói và lưu ý rằng nhiều chi tiết về luật mới vẫn còn mù mờ. “Ví dụ, khi thực hiện luật đó, cơ chế nào sẽ làm điều đó, và người bị cho là phạm tội sẽ bị xét xử tại Hương Cảng, bởi tòa án Hương Cảng, hay bị đưa sang Trung Quốc.”
“Tất cả những điều này làm cho chúng ta rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói. “Điều này sẽ phá hủy hoàn toàn những gì họ hứa với Hương Cảng về quyền tự chủ.”
Lưu ý rằng Hương Cảng cũng là một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng, Đức Hồng Y nói các nhà đầu tư cũng lo ngại về ý nghĩa của luật mới và chính Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị chia rẽ về luật này.
Đức Hồng Y bày tỏ hy vọng rằng các thành viên ôn hòa của Đảng Cộng sản sẽ can thiệp, khuyên bọn cầm quyền Bắc Kinh nên chú ý đến những lời chỉ trích đến từ cộng đồng quốc tế và nới lỏng dự luật an ninh. Tuy nhiên, khả năng điều này xảy ra, theo ngài, là rất nhỏ.
“Chúng tôi không có ảnh hưởng nhiều đối với Bắc Kinh, họ không lắng nghe chúng tôi. Họ coi chúng tôi như là kẻ thù, rắc rối là chỗ đó. Tôi nghĩ rằng thực sự, chúng tôi đang mong đợi một cái gì đó khủng khiếp.”
Đức Hồng Y Quân nhiều lần tỏ ra bất đồng với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về thỏa thuận tạm thời của Tòa Thánh với Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các Giám Mục, mà đến nay những chi tiết về thỏa thuận này vẫn chưa được công khai. Bây giờ ngài đang chỉ trích sự im lặng của Vatican về luật an ninh mới và các cuộc biểu tình ở Hương Cảng.
“Tôi xin lỗi để nói rằng chúng tôi không có gì để mong đợi từ Vatican. Trong những năm qua, họ chưa bao giờ nói bất cứ điều gì để lên án Trung Quốc về sự bách hại tại Hoa Lục.”
“Ở Hương Cảng, trong tất cả các thời điểm hỗn loạn này, với rất nhiều người trẻ phải gánh chịu sự tàn bạo của cảnh sát, không có một lời nào từ Vatican.” Theo Đức Hồng Y, Vatican dường như “luôn luôn cố gắng để làm hài lòng chính phủ Trung Quốc.” Đức Hồng Y nhận định rằng chính sách này là “dại dột, bởi vì những người cộng sản không bao giờ cấp cho ta bất cứ điều gì, họ chỉ muốn kiểm soát.”
Đức Hồng Y tiên đoán một cách bi quan rằng theo thời gian, Hương Cảng sẽ trở thành một thành phố như bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc đại lục, và nó sẽ mất đi vị thế đặc biệt.
Về phương diện bách hại tôn giáo và sự mất mát các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và hội họp, ngài không tin rằng những điều này sẽ bị loại bỏ ngay lập tức, nhưng “chắc chắn từng chút một, tự do của chúng tôi sẽ bị xói mòn.”
“Thông qua sự im lặng của mình, Vatican đã để cho điều này xảy ra, ” Đức Hồng Y nói, và lưu ý rằng trong hơn một năm qua, Hương Cảng không có Giám Mục, nhưng đã được cai quản bởi một vị Giám Quản Tông Tòa sau cái chết bất ngờ của Đức Cha Michael Dương Minh Chương vào tháng Giêng, 2019.
“Tìm được một người cai quản giáo phận này thì có gì mà khó, ” ngài nói thêm, và giải thích rằng có một ứng cử viên sáng giá, nhưng vị này quyết liệt chống lại nhà cầm quyền Bắc Kinh trong các cuộc biểu tình năm ngoái, khi vị ấy lên tiếng ủng hộ “các quyền của người dân và đề nghị rằng nhà cầm quyền tại Hương Cảng phải ôn hòa hơn.”
Một ứng cử viên được Bắc Kinh ưa chuộng hơn hiện đang được xem xét, nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm. Theo Đức Hồng Y, thất bại trong việc bổ nhiệm Giám Mục Hương Cảng chỉ ra rằng Vatican, ở một mức độ nào đó, nhận thức được rằng việc bổ nhiệm một Giám Mục Hương Cảng thân Bắc Kinh “có thể không tốt cho Giáo hội vào thời điểm này.”
“Tôi không nghĩ rằng việc lựa chọn của một Giám Mục phải được hướng dẫn bởi những lý do chính trị. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng, ” Đức Hồng Y nói thêm, “Có lẽ Tòa Thánh không tuân theo các tiêu chuẩn của đức tin, nhưng lệ thuộc vào những cân nhắc chính trị, và đó là rất nguy hiểm cho giáo phận của chúng tôi.”
Source:Crux
‘We need a miracle, ’ retired Hong Kong cardinal says on security law
2. Các nhà thờ tại Hoa Lục bị buộc rao giảng chủ nghĩa xã hội nếu muốn mở trở lại
Theo thông tấn xã UCANews, người Công Giáo tại Hoa Lục bất bình về một chỉ thị của bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc, buộc các linh mục phải thuyết giáo về chủ nghĩa xã hội, mà chúng gọi trại đi là “rao giảng lòng yêu nước”, như một điều kiện để mở lại các cử hành phụng vụ, bị đình chỉ năm tháng trước vì đại dịch Covid-19.
Cộng sản cố ý đánh đồng yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội. Chúng thường nói “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, như thể ở bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, nơi không ai yêu chủ nghĩa xã hội thì không có ai yêu nước cả. Lập luận một cách ngu xuẩn như thế nên tại các nước cộng sản, thuyết giáo về lòng yêu nước về bản chất là xúi dại người ta yêu mến một cái chủ nghĩa lỗi thời, cướp mất tự do, nhân phẩm và xô đẩy loài người vào các cuộc chiến tranh kinh hoàng như ta thấy trong thế kỷ qua. Những điều như thế đối kháng triệt để với các giá trị của Tin Mừng.
Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc và ủy ban quản lý giáo dục Công Giáo Trung Quốc của tỉnh Chiết Giang đã cùng ban hành một thông báo vào ngày 29 tháng 5 về việc nối lại các hoạt động phụng vụ.
Các địa điểm tôn giáo đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự từ ngày 2 tháng Sáu, với điều kiện phải thuyết giảng về lòng yêu nước.
Cha Lưu ở Hà Bắc cho biết: “Tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự chắc chắn là một điều tốt. Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên trong thông báo là dạy một bài học hay về chủ nghĩa cộng sản là sai. Là thành viên của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, chúng tôi không thể chấp nhận việc tôn vinh những sai lầm của cộng sản được che đậy dưới chiêu bài ‘yêu nước’”, ngài nói với UCA News.
Jacob Chung, một giáo dân ở Ôn Châu, cho biết động thái của bọn cầm quyền đã can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của tôn giáo.
Một nhà quan sát các hoạt động của Giáo Hội ở Trung Quốc, cho biết chính phủ đang buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo thêm chủ nghĩa xã hội và Trung Quốc hóa như một phần của giáo lý tôn giáo.
“Trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra với các quốc gia khác và suy thoái kinh tế tại quê nhà, Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ một cuộc phản cách mạng. Vì vậy, họ muốn mọi người giữ vững tinh thần yêu chủ nghĩa cộng sản, ” ông nói.
Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đàn áp và biến đổi Giáo hội để phụ họa các giai điệu cộng sản với bọn cầm quyền hầu ngăn chặn họ chỉ trích chế độ.
Các hoạt động tôn giáo đã dần được nối lại kể từ ngày 2 tháng 6 tại tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Thiểm Tây và Thượng Hải sau khi Hội nghị chung của các tổ chức tôn giáo quốc gia tổ chức một cuộc họp video vào ngày 30 tháng 5 về kế hoạch mở lại các địa điểm tôn giáo.
Tuy nhiên, các điều khoản khác trong thông báo do chính quyền Chiết Giang đưa ra có liên quan đến các biện pháp phòng ngừa chống lại đại dịch Covid-19.
Thông báo yêu cầu các nhà thờ tránh các hoạt động tôn giáo không thiết yếu, giảm số lượng người tham gia và rút ngắn các hoạt động tôn giáo.
Ở một số tỉnh như Tứ Xuyên, Kitô hữu buộc phải làm đơn xin phép bọn cầm quyền địa phương nếu muốn tái tục các lớp giáo lý.
Philip, một giáo dân Thượng Hải, nói với UCA News rằng các nhà thờ địa phương có kế hoạch mở cửa trở lại vào ngày 13 tháng Sáu.
Giáo phận Thượng Hải đã ban hành thông tư giới hạn số lượng người tham gia các dịch vụ và phác thảo các biện pháp phòng ngừa chống lại đại dịch.
Ông Phaolô Phương thuộc Giáo phận Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang cho biết giáo dân đã mong chờ được tái tục Thánh lễ. Giáo xứ của ông đã mua máy kiểm tra nhiệt độ, mặt nạ, chất khử trùng và các mặt hàng khác.
“Vì số lượng người có hạn, linh mục giáo xứ đã quyết định tăng số lượng các Thánh lễ hàng ngày, ” ông Phương nói.
Cha Giuse của tỉnh Thiểm Tây cho biết khả năng mọi người tham dự Thánh Lễ vẫn tốt hơn là phải xem trực tuyến.