1. Bác bỏ tin giả của tờ Newmax cho rằng Đức Giáo Hoàng sắp qua đời
Trong 24 giờ qua, các phương tiện truyền thông đã rộ lên với tin tức cho rằng Đức Giáo Hoàng sắp qua đời và Vatican đang chuẩn bị cho Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng. Tin giả này xuất phát từ John Gizzi.
John Gizzi là ai?
John Gizzi, là người phụ trách chuyên mục chính trị của Newsmax và là phóng viên tại Tòa Bạch Ốc. Với thế giá này anh ta vừa tung ra một bài báo có nhan đề “Vatican Preps for Conclave as 'Pope Is Dying'“ nghĩa là “Vatican chuẩn bị cho Cơ Mật Viện vì ‘Đức Giáo Hoàng sắp qua đời’”
John Gizzi, cho biết tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô nghiêm trọng đến mức những người thân cận ngài không tin rằng ngài sẽ sống qua năm sau. Trích dẫn các liên hệ đáng tin cậy tại Vatican như một nguồn, bao gồm “thư ký của một trong những Hồng Y quyền lực nhất của Vatican”, anh ta quả quyết là Vatican đang chuẩn bị cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng.
Anh ta cho rằng Đức Giáo Hoàng đã trải qua cuộc phẫu thuật do bệnh viêm đại tràng, một chứng rối loạn ở thành ruột kết, vào tháng 7, và có vẻ như ở tuổi gần 85, “thể chất và tinh thần đều không tốt”.
Trích dẫn một nhân vật tên Luis Badiolla Morales, được Gizzi quảng cáo là một nhân vật thân thiết với Đức Giáo Hoàng, anh ta quả quyết Đức Giáo Hoàng bị ung thư, và tình trạng thể lực và tinh thần của ngài trầm trọng hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo.
Bác bỏ tin giả này của Gizzi, mạng truyền thông Công Giáo Hoa Kỳ ChurchPOP có bài viết nhan đề “Is Pope Francis Really Dying? What We Know About the Viral Claim”, nghĩa là “Có thực sự là Đức Giáo Hoàng Phanxicô sắp qua đời không? Những điều chúng tôi biết về tuyên bố đang lan nhanh này”. Bài báo của ChurchPOP cho biết như sau:
Phóng viên của Newsmax tại Tòa Bạch Ốc và là cây bút chuyên mục chính trị John Gizzi đã viết một bài báo khẳng định Đức Thánh Cha Phanxicô “đang sắp qua đời” và Vatican không hy vọng ngài sẽ sống sót sau năm 2022. Bài báo cho biết thêm rằng Vatican đang chuẩn bị cho một mật nghị.
Gizzi cho biết nguồn tin của anh ta là từ thư ký của một trong những Hồng Y quyền lực nhất của Vatican. Tuy nhiên, câu chuyện online không cung cấp thông tin dễ tiếp cận. Nó đứng đằng sau một paywall, tức là bức tường lệ phí. Kim Thúy xin mở ngoặc để giải thích một chút về thuật ngữ này. Một bài báo gọi là đứng đằng sau một paywall, hay bức tường lệ phí, nếu như người coi phải trả một lệ phí để có thể vào xem. Trong trường hợp này, những ai muốn vào xem bài báo của Gizzi phải trả cho Newsmax một đô la. Căn cứ vào các thông tin về Web traffic, người ta ước lượng trong trò lừa đảo này Newsmax đã kiếm được cả triệu đô la. Một ký giả của National Catholic Register đã hy sinh mất một đô la để vào xem và cho các ký giả Công Giáo khác biết bên trong Gizzi đã viết những gì.
Trở lại với tờ ChurchPOP. Bài báo của cơ quan thông tin Công Giáo này viết tiếp như sau:
Nhà tổ chức cuộc hành hương Công Giáo và nhà lãnh đạo của Hiệp Hội Mountain Butorac, còn được gọi là ‘The Catholic Traveller’, tức là những người du lịch Công Giáo đã đáp lại tuyên bố này này trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ông sống ở Rome và tổ chức các cuộc hành hương khắp Âu Châu và Thánh địa.
Bài đăng của Butorac có nội dung như sau: “Tôi muốn cảm ơn nhà báo giỏi đã viết bài báo nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ qua đời trong 13 tháng tới. Tôi đã trả lời các câu hỏi về nó trong suốt cả buổi chiều nay”.
“Thật tài tình khi đặt một bài báo với tiêu đề giật gân như thế đằng sau một bức tường lệ phí”.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô 84 tuổi, chỉ có một lá phổi, và gần đây đã trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. Không thổi phồng lắm để đưa ra tuyên bố như thế này mỗi năm.
“Ngoài ra, Vatican luôn ở chế độ Tiền Mật Nghị. Nó không giống như họ chỉ ném những thứ đó lại với nhau một cách hoàn toàn không cố ý.
“Và cuối cùng, tất cả chúng ta đều đang chết. Memento mori”.
Memento mori là tiếng Latinh nghĩa là “Hãy nhớ rằng ai cũng phải chết”.
Ý kiến của chúng tôi.
Xuất phát điểm trong bài báo của John Gizzi là từ cái vấp té của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài bước lên thang máy bay để quay trở lại Rôma sau chuyến tông du thứ 35 của ngài. Tuy nhiên, như chúng tôi đã khẳng định với quý vị lúc đó tại phi trường quốc tế Athens gió rất mạnh. Xin kính mời quý vị và anh chị em xem lại đoạn video đó.
Source:Church POP
Is Pope Francis Really Dying? What We Know About the Viral Claim
2. Khoảng khắc Đức Thánh Cha bị vấp té khi lên máy bay trở về Rôma
Sáng thứ Hai, 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài đã có cuộc gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành.
Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 11:15, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế Athens, người địa phương gọi là phi trường Eleftherios Venizelos, để đáp máy bay về Rôma. Tại đây có lễ nghi tiễn biệt rất đơn sơ. Ra tiễn Đức Thánh Cha có Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis. Ông cũng chính là người đã đón Đức Thánh Cha khi ngài đến Hy Lạp vào trưa thứ Bẩy.
Khi gần lên đến cửa máy bay, Đức Thánh Cha Phanxicô bị mất thăng bằng, ngã chúi xuống, trên các bậc thềm.
Theo các nguồn tin địa phương, phi trường này rất gần bờ biển nên đôi khi gió giật từng cơn rất mạnh. Có lẽ gió thổi mạnh khiến ngài ngã chúi xuống hơn là sức khoẻ ngài có vấn đề.
Một phụ tá vội vã leo lên các bậc thang để giúp ngài lên máy bay. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã gượng dậy được trước khi vị này lên đến nơi. Có vẻ như Đức Thánh Cha không bị thương tích gì, và ngài vẫn mỉm cười chào từ biệt lần cuối những người ra tiễn ngài.
Trước đó, Giáo hoàng đã gặp các học sinh tại một trường Công Giáo ở Athens trong sự kiện cuối cùng của chuyến thăm 5 ngày tới Síp và Hy Lạp với ước muốn cải thiện quan hệ với Chính Thống Giáo và nêu bật tình cảnh của những người di cư tìm cách nhập cảnh vào Âu Châu.
Đức Giáo Hoàng nói: “Khi sự cám dỗ khép mình vào bản thân, hãy tìm kiếm những người khác”.
Sáng thứ Hai, Đức Thánh Cha đã có cuộc hội đàm ngắn với Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp, Konstantinos Tassoulas, và với lãnh đạo của đảng đối lập chính, Alexis Tsipras, là người đã cảm ơn ngài vì “sự bảo vệ kiên định của ngài đối với nhân quyền và công bằng xã hội”.
Alexis Tsipras là một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Ông đã từng giữ chức Thủ tướng Hy Lạp từ ngày 21 tháng 9 năm 2015. Khi mới lên cầm quyền, ông ta đã lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.
Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Người ta tìm thấy ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.
Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.
Trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đã gặp nhà lãnh đạo Chính thống giáo Hy Lạp và đến thăm trại tị nạn trên Lesbos, nơi ngài gọi họ là “con tàu bị chìm đắm của nền văn minh”.
Trong bài phát biểu của mình, ngài cảnh báo rằng Địa Trung Hải “đang trở thành một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ” và “sau ngần ấy thời gian, chúng ta thấy rằng trên thế giới đã có rất ít thay đổi liên quan đến vấn đề di cư”.
Ngài nói thêm: “Cần phải đối mặt với các nguyên nhân gốc rễ - chứ không phải là đối phó với những người nghèo là những người đã phải gánh chịu những hậu quả và thậm chí còn bị sử dụng để tuyên truyền chính trị”.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, chỉ trong năm 2021 này đã có 1,559 người đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải đầy hiểm nguy.
Cảnh sát đã tăng cường 2,000 nhân viên để giữ an ninh cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha vì e ngại có những cuộc biểu tình phản đối của các thành phần cực đoan trong Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, ngoài biến cố một linh mục cao niên la ó phản đối Đức Thánh Cha, không có rắc rối nào khác được ghi nhận.
Mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông mà chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng nhận được trong những ngày này — những ngày ngài ở đây — thật đáng kinh ngạc. Tất cả các kênh truyền hình đều chiếu gần hết mọi thứ, mọi hoạt động của ngài đều được phát trực tiếp trên truyền hình. Điều này chưa từng xảy ra với chuyến thăm của bất kỳ ai khác.
Không có nhiều tin tức trong những ngày trước khi Giáo hoàng đến Hy Lạp. Nhưng điều này đã thay đổi trong vài ngày qua.
Các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, toàn bộ thái độ của ngài, cách ngài xem xét các vấn đề khác nhau, cách ngài phân tích các vấn đề khác nhau, rất lớn và phức tạp đối với người dân, đã gây ấn tượng với mọi người và khiến mọi người suy nghĩ và nói về Đức Thánh Cha. những lời rất đẹp.
Trong một diễn biến rất đáng khích lệ, Thị trưởng Thành phố Athens, là Kostas Bakoyannis, đã trao tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô một huy chương vàng của thành phố tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh trước sự chứng kiến của Đức Tổng Giám Mục Saviô Hàn Đại Huy.
Huy chương vàng của Thành phố Athens là danh hiệu cao quý nhất của thủ đô Hy Lạp, được trao để ghi nhận công lao, đóng góp xã hội và sự nhạy cảm sâu sắc của Giáo Hội Công Giáo Rôma.
Thị trưởng thành phố Athens đã chuyển tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô sự kính trọng sâu sắc của ông, cũng như của các đại diện của Hội đồng thành phố, và cảm ơn ngài vì những đóng góp của ngài cho nhân loại, là điều mà ngài luôn đặt làm trọng tâm trong các bài phát biểu và hành động của mình.
Có mặt tại buổi lễ, trong số những người khác, có Bộ trưởng Phát triển và Đầu tư, Adonis Georgiadis, Bộ trưởng Giáo dục và Tôn giáo, Niki Kerameos, và Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao, Lina Mendoni.
Source:The National News
Pope Francis stumbles boarding plane to fly home
3. Lễ Ðức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12
Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính Đức Mẹ nên năm nào ngài cũng cử hành Lễ Ðức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12. Năm nay, tiếc rằng vì có sự bùng phát của biến thể Omicron nên Đức Thánh Cha sẽ không cử hành thánh lễ này.
Chúng tôi xin mạn phép trình bày lại diễn biến của thánh lễ năm ngoái. Năm 2020 là kỷ niệm 125 năm lễ đội triều thiên cho ảnh Ðức Mẹ. Do đó, bất kể các khó khăn do đại dịch coronavirus gây ra Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ này và ban Ơn Toàn Xá cho mọi tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.
Thánh lễ đã được cử hành tại Bàn thờ Ngai tòa bên trong Ðền thờ thánh Phêrô với số người tham dự giới hạn do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus.
Những người được mời tham dự là các vị Đại sứ của các nước Mỹ châu Latinh cạnh Tòa Thánh, và gia đình của họ, cũng như một số đại diện cho các linh mục sinh viên Mỹ châu Latinh.
Trong khi Đức Thánh Cha tiến lên bàn thờ, ca đoàn hát một bài thánh ca bằng tiếng Tây Ban Nha có tựa đề “América despierta” nghĩa là “Mỹ Châu hãy bừng tỉnh” với những lời như sau:
Mẹ của người nghèo, của những người hành hương, chúng con xin Mẹ cho Mỹ Châu La Tinh. Vùng đất mà Mẹ đến thăm bằng đôi chân trần, ôm chặt một đứa trẻ trong tay.
Ánh sáng của một đứa trẻ mong manh làm cho chúng con mạnh mẽ, ánh sáng của một đứa trẻ nghèo làm cho chúng con giàu có. Ánh sáng của đứa trẻ nô lệ khiến chúng ta được tự do, ánh sáng mà một ngày kia bạn đã ban cho chúng ta ở Bêlem.
Mẹ của những người nghèo, còn nhiều khốn khó vì bánh mì luôn thiếu trong nhiều nhà. Bánh của sự thật thiếu nhiều tâm trí, bánh của tình yêu, thiếu trong nhiều người.
Mẹ liên đới nhân loại; khi nói với Sứ Thần: “Xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền” Hôm nay, chúng con cần sự can thiệp của Mẹ để chúng con không ra hư nát.
Mẹ của Giáo Hội, đấng đã sinh Con Mẹ, cùng với Mẹ, chúng con chờ đợi sự tái lâm của Người.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Trong Phụng vụ hôm nay, có ba từ, ba ý tưởng nổi bật: đó là sự quảng đại, phước lành và hồng ân. Và, khi nhìn vào hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe, phần nào chúng ta cũng thấy một sự phản ánh của ba thực tại: quảng đại, phước lành và hồng ân.
Quảng đại, vì Chúa luôn trao ban chính mình một cách hào phóng, luôn ban một cách dư dật. Ngài không biết liều lượng. Ngài để cho mình được “đo lường” bằng sự kiên nhẫn của mình. Chính chúng ta – do bản chất của chúng ta, do những giới hạn của chúng ta – mới biết đến nhu cầu cần phải có các hạn ngạch. Ngược lại, Ngài tự ban phát chính mình một cách dồi dào, và hoàn toàn. Và ở đâu có Chúa, ở đó có sự hào phóng.
Suy nghĩ về mầu nhiệm Giáng sinh, phụng vụ Mùa Vọng lấy ý tưởng hào phóng từ tiên tri Isaia. Thiên Chúa trao ban chính Ngài tất cả, như Ngài là, toàn bộ. Tôi thích nghĩ sự hào phóng là một “hạn chế” của Thiên Chúa. Ngài không thể hiến thân một cách khác không dồi dào dư dật.
Từ thứ hai là chúc phúc. Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elizabeth là một sự chúc phúc, một phước lành. Chúc phúc có nghĩa là “nói tốt”. Và Thiên Chúa, từ trang đầu tiên của sách Sáng thế ký, đã làm chúng ta quen thuộc với phong cách nói tốt của Ngài. Từ thứ hai mà Ngài phán, theo Kinh thánh, là: “Và điều đó thật tốt”, “nó tốt”, “nó rất tốt”. Phong cách của Thiên Chúa là luôn luôn nói tốt, vì vậy nguyền rủa là phong cách của ma quỷ, của kẻ thù; phong cách của sự hèn hạ, không có khả năng cống hiến trọn vẹn chính mình, nhưng nói kiểu “độc địa”. Chúa luôn luôn nói tốt. Và Ngài nói điều đó với niềm vui, Ngài nói điều đó bằng cách cống hiến chính mình. Tốt. Ngài tự trao ban chính mình một cách dồi dào, nói tốt, và chúc phúc.
Từ thứ ba là hồng ân. Hai thực tại dư dật, và chúc phúc, là một hồng ân, là một món quà. Đó là một món quà được ban cho chúng ta trong Đấng là tất cả mọi ân sủng, Đấng là tất cả, tất cả mọi thần tính: trong Đấng Đầy Ân Sủng. Một món quà được ban cho chúng ta nơi Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc”, “Đấng được đầy ơn sủng”. Đấng Đầy Ân Sủng đầy ân sủng tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc đầy ân sủng nhờ được chúc phúc: đây là hai tham chiếu mà Kinh thánh chỉ ra. Đối với Mẹ, Kinh Thánh nói: Mẹ “được chúc phúc giữa những người phụ nữ”, “đầy ân phúc”. Chúa Giêsu là Đấng mang những ân phúc ấy đến.
Và khi nhìn hình ảnh Mẹ chúng ta đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng đầy ơn phúc đang trông đợi Đấng Đầy Ân Sủng, chúng ta mới hiểu được phần nào sự dồi dào dư dật, và sự chúc phúc. Và chúng ta hiểu món quà này, món quà của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến cho chúng ta trong sự phong phú tự bản chất của Con Chúa, trong sự phong phú của Mẹ Người, nhờ ân sủng. Đó là món quà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như một phước lành, nơi Đấng đầy ơn phúc tự bản chất và Đấng đầy ơn phúc nhờ ân sủng. Đây là món quà mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và Ngài không ngừng muốn làm nổi bật trong quá trình mặc khải.
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” - “Em là Mẹ Thiên Chúa là Đấng nhờ Người chúng ta được sống, Đấng ban sự sống, Đấng chúc phúc”.
Hôm nay nay khi chiêm ngắm hình ảnh của Mẹ chúng ta, chúng ta có thể “đánh cắp” từ Thiên Chúa một chút phong cách mà Ngài có: đó là quảng đại, hào phóng, “nói tốt”, không bao giờ nguyền rủa, và rồi biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà, một món quà cho tất cả mọi người. Xin cho được như thế.
Source:Vatican News
Pope celebrates Mass for feast of Our Lady of Guadalupe