Trong một diễn biến được nhiều người đánh giá là một hình thái độc tài của thuyết tương đối, Chủ tịch Hội đồng giáo dân của một tổng giáo phận lại quay ra chỉ trích vị Hồng Y của mình vì ngài quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo và bày tỏ những lo ngại về cái gọi là tiến trình công nghị đang diễn ra tại Đức
Hôm thứ Hai 3 tháng Hai, Tim Kurzbach, Chủ tịch Hội đồng giáo dân của Tổng Giáo Phận Köln đã đưa ra một tuyên bố công khai chỉ trích Đức Hồng Y Rainer Woekli. Ông ta cáo buộc Đức Hồng Y đã “phá hủy quyền bính giám mục” của mình khi không hỗ trợ cho cái gọi là tiến trình công nghị.
Quy chế về tiến trình công nghị này đã được Hội Đồng Giám Mục Đức chính thức thông qua hồi tháng Chín năm ngoái, bất chấp những cảnh báo được lặp đi lặp lại và các can thiệp từ chính Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị trong giáo triều Rôma. Tiến trình công nghị này đề xuất các tranh luận và những cải cách về giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo hội, bao gồm việc bãi bỏ luật độc thân linh mục, công nhận và chúc lành cho các cặp đồng giới và phong chức cho phụ nữ.
Sau nhiều tháng tranh cãi, bất chấp các can thiệp của Vatican, tiến trình công nghị đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên vào tuần trước tại Frankfurt. Phát biểu sau phiên họp, Đức Hồng Y Woekli nói rằng các bài phát biểu tại cuộc họp đã cho ngài thấy rõ rằng hội nghị này không hoạt động như một hội nghị Công Giáo.
“Về cơ bản tôi thấy tất cả những nỗi sợ hãi của tôi đã được xác nhận. Chúng ta đã chứng kiến việc hình thành trên thực tế một công nghị của giáo hội Tin Lành,” Đức Hồng Y Woekli nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 01 tháng 2.
“Các điều kiện tiên quyết quan trọng về mặt giáo hội học liên quan đến căn tính của Giáo Hội Công Giáo - theo ý kiến của tôi – đã bị lờ đi trong nhiều bài phát biểu,” Đức Hồng Y nói. Ngài giải thích rằng tính chất hiệp thông phẩm trật đã được thiết lập của Giáo Hội bị dẹp qua một bên để nhường chỗ cho sự hình thành đức tin dựa trên các hình thức dân chủ thế tục.
“Điều này đã là một hình ảnh rất rõ ràng trong các cử hành phụng vụ, tất cả các giám mục và giáo dân đều đi rước lên bàn thờ cùng với nhau và như nhau. Qua đó, người ta muốn nói rằng tất cả mọi người là bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề của Giáo Hội. Và điều đó thực sự không liên quan gì đến những gì Giáo Hội Công Giáo là và có nghĩa là.”
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, Kurzbach nói rằng Đức Hồng Y Woekli và một vài Giám Mục bênh vực “truyền thống” bị “choáng ngợp trước thực tế là đột nhiên tất cả mọi người đều có thể nói chuyện bình đẳng như nhau trong tiến trình công nghị”, và cáo buộc Đức Hồng Y và các Giám Mục này là “sợ hãi” không muốn lắng nghe những đòi hỏi cải cách và cứ khăng khăng nhấn mạnh đến thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội và của các giám mục.
Kurzbach lên tiếng kêu gọi các cuộc thảo luận tại tiến trình công nghị này “đừng sợ hãi” nữa, và cho rằng các giám mục như Đức Hồng Y Woekli phải thuyết phục hội nghị này tại sao người Công Giáo phải tiếp tục tuân giữ các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Ông ta nói thêm rằng “lẽ ra Hồng Y Woekli phải nhận ra từ lâu rằng chức vụ Giám Mục của ông ta mà thôi không còn cấu thành quyền bính thực sự nữa.”
Theo quan điểm của Kurzbach, các giáo huấn của các Giám Mục cần phải được sự đồng thuận của giáo dân. Đây là một quan điểm rất lạ lùng. Hiến chế tín lý Lumen Gentium cho biết các Đức Giám Mục “được trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị” và “các nhiệm vụ ấy, do bản tính, được thực thi trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn” (số 21). Như thế, khi thực hành tác vụ giáo huấn, ngài không cần hỏi ý kiến giáo dân và càng không phải chờ đợi xem họ có đồng ý hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ bảy, Đức Hồng Y Woekli đã được hỏi về cách bố trí chỗ ngồi trong tiến trình công nghị. Các báo cáo cho biết tất cả những người tham gia được xếp ngồi theo thứ tự bảng chữ cái chứ không phải theo nhóm hoặc tình trạng giáo sĩ hay không phải là giáo sĩ. “Tôi có thể chấp nhận được điều đó,” Đức Hồng Y nói, nhưng giải thích rằng cái gọi là tiến trình công nghị này đã được tiến hành với tính toán là làm suy yếu những lời dạy của Công Đồng Vatican II.
Cách sắp xếp chỗ ngồi chỉ là một trong “nhiều những chi tiết nhỏ khác” mà “đơn giản là cố ý đặt vấn đề đối với hiến chế về phẩm trật trong Giáo Hội, như đã được ghi nhận một lần nữa trong Công Đồng Vatican II, và được minh xác trong Lumen Gentium.”
Trong một lá thư được công bố hồi tháng Sáu năm ngoái, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”
Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”
Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.
“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.
Trong hai tài liệu được công bố vào tháng Chín năm ngoái, Đức Hồng Y Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục và Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật, đều cho tiến trình công nghị tại Đức là “vô giá trị về mặt giáo hội học”. Vatican đặc biệt chỉ trích sự tham gia vào các cuộc thảo luận của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, một nhóm giáo dân có lập trường công khai chống lại một loạt các giáo huấn của Giáo Hội và đang hô hào việc phong chức cho phụ nữ, và đòi thay đổi các giáo huấn về đạo đức tình dục.
“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội?”, Đức Cha Iannone viết.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.
“Tính đồng nghị trong Giáo Hội, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến, không đồng nghĩa với dân chủ hay những quyết định biểu quyết bởi đa số,” Đức Tổng Giám Mục Iannone viết, và lưu ý rằng ngay cả khi một Thượng Hội Đồng Giám Mục gặp gỡ tại Rôma, thì quyết định chung cuộc có công bố hay không, có hiệu lực thi hành hay không vẫn nằm trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.