1. Daily Mail: Mỹ biết rõ dịch bệnh xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vì chính Obama đã tài trợ
Tính đến hôm thứ Hai 20 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 164,922 người, trong số 2,404,822 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, có thêm 6,433 người chết và 81,903 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận
Tử vong tại Hoa Kỳ là nghiêm trọng nhất với 40,524 người thiệt mạng, trong số 763,579 trường hợp nhiễm coronavirus.
Tử vong tại Anh đến nay là 16,060 người thiệt mạng, trong số 120,067 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, Anh quốc thiệt mất 888 người và thêm 5,525 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.
Trong số ra ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư, tờ Daily Mail của Anh cho rằng Mỹ biết rõ coronavirus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vì chính tổng thống Obama đã tài trợ cho việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này và Trung Quốc nhiều lần tung lên các hình ảnh không an toàn tại phòng thí nghiệm này để vòi thêm tiền của Mỹ.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của …
Phòng thí nghiệm đang là trọng tâm những nghi ngờ gây ra đại dịch đã tiến hành các nghiên cứu về dơi từ một hang động mà các nhà khoa học tin là nguồn gốc của vụ dịch tàn khốc này.
Các tài liệu thu được của bổn báo cho thấy Viện Virus học Vũ Hán đã tiến hành thí nghiệm coronavirus trên các động vật có vú bắt được ở Vân Nam cách đó hơn 1,000 dặm. Viện Virus học này được tài trợ bởi một ngân khoản $3.7 triệu từ chính phủ Mỹ.
Trình tự xuất phát Covid-19 có thể truy nguyên đến những con dơi được tìm thấy trong một hang động ở Vân Nam.
Những chi tiết này nổi lên sau khi bổn báo tiết lộ vào tuần trước rằng các Bộ trưởng ở Anh sợ rằng đại dịch có thể là do virus rò rỉ từ viện nghiên cứu này.
Các nguồn tin từ viên chức cao cấp trong chính phủ cho biết, “lời khuyên có tính cân bằng từ các khoa học” đến nay vẫn cho rằng virus gây chết người này lần đầu tiên được truyền sang người từ một chợ động vật sống ở Vũ Hán. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng một tai nạn tại phòng thí nghiệm ở thành phố Trung Quốc này là nguyên nhân gây ra đại dịch coronavirus kinh hoàng này “không còn bị đánh giá thấp nữa”.
Theo một tuyên bố chưa được xác minh, các nhà khoa học tại viện này có thể đã bị nhiễm bệnh sau khi bị máu dơi có chứa virus bắn vào người, và sau đó lây bệnh cho cộng đồng địa phương.
Đến nay bổn báo biết rằng các nhà khoa học ở đó đã thử nghiệm trên dơi như là một phần của dự án do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ, cho phép phòng thí nghiệm Vũ Hán nhận tiền của Mỹ cho các thí nghiệm.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố vào tháng 11 năm 2017 dưới tiêu đề: “Discovery of a rich gene pool of bat SARS-related coronaviruses provides new insights into the origin of SARS coronavirus.”, nghĩa là “Khám phá về một nhóm gen phong phú của các coronavirus liên quan đến SARS từ dơi cung cấp những hiểu biết mới về nguồn gốc của SARS coronavirus.”
Bản báo cáo, nhằm xin thêm tiền của Hoa Kỳ, được tóm tắt là: “Dơi trong một hang động ở Vân Nam, Trung Quốc đã bị bắt và lấy mẫu các coronavirus để dùng trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Tất cả các quy trình lấy mẫu được thực hiện bởi các bác sĩ thú y với sự chấp thuận của Ủy ban Đạo đức động vật của Viện Virus học Vũ Hán.
Việc lấy mẫu dơi được tiến hành mười lần từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 10 năm 2015 trong các mùa khác nhau trong môi trường sống tự nhiên của chúng tại một hang động duy nhất ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dơi đã bị bẫy và mẫu phân đã được thu thập.”
Tất cả các nghiên cứu này xảy ra dưới thời tổng thống Barrack Obama. Sau khi Trung Quốc công bố báo cáo trên với dụng tâm vòi thêm tiền từ chính phủ mới của tổng thống Trump nhưng không có hiệu quả, ngày 28 tháng Năm, 2018 tờ China Daily của cộng sản Trung Quốc tung thêm trên Twitter một bức ảnh quảng cáo rằng Viện Virus học Vũ Hán là một ngân hàng virus lớn nhất Á Châu với 1,500 chủng virus khác nhau.
Trong bài “Photos inside Wuhan lab show broken seal on unit containing bat coronavirus” nghĩa là “Các hình ảnh từ phòng thí nghiệm Vũ Hán cho thấy một con niêm bị bể trên hộp đựng coronavirus từ dơi”, tờ Mirror của Anh, số ra Chúa Nhật 19 tháng Tư, 2020 cho biết thêm:
“Những bức ảnh kinh hoàng đã xuất hiện từ bên trong phòng thí nghiệm Vũ Hán cho thấy một con niêm bị bể trên cửa của một trong những hộp được sử dụng để chứa 1,500 chủng virus - bao gồm cả virus coronavirus liên quan đến đại dịch toàn cầu.
Những hình ảnh này, được phát hành lần đầu tiên bởi tờ China Daily của nhà nước vào năm 2018, đã được công bố một lần nữa vào tháng trước trên Twitter trước khi bị xóa.”
Các nguồn tin chính phủ Anh nói rằng mặc dù các tin tình báo mới nhất không bác bỏ giả thuyết dịch bệnh hiện nay là “zoonotic” – nghĩa là có nguồn gốc từ động vật - nhưng không còn bỏ qua giả thuyết cho rằng virus này lây lan sang người sau khi bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Tuần trước, người ta nghi ngờ thêm rằng giả thuyết cho rằng dịch bệnh xuất phát từ chợ động vật Vũ Hán là không đúng sự thật sau khi Tào Bân (Cao Bin-曹斌), bác sĩ tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan - 金银潭)Vũ Hán, nhấn mạnh đến một nghiên cứu cho thấy 13 trong số 41 bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm trùng không có bất kỳ liên hệ nào với ngôi chợ Vũ Hán. “Rõ ràng rằng thị trường hải sản không phải là nguồn gốc duy nhất của virus”, ông nói.
Phản ứng trước các công bố của Daily Mail.
Anthony Bellotti, chủ tịch tập đoàn White Coat Waste, đã lên án chính phủ Obama vì đã chi tiền thuế dân ở Trung Quốc, và nói thêm: “Động vật bị nhiễm virus, hoặc bị các bệnh này bệnh khác, và sau khi bị lạm dụng trong phòng thí nghiệm Trung Quốc được báo cáo có thể được bán ra thị trường cho người dân tiêu thụ sau khi các thí nghiệm được hoàn thành.”
Nghị sĩ Hoa Kỳ Matt Gaetz nói: “Tôi chán ghét khi biết rằng trong nhiều năm, chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho các thí nghiệm động vật nguy hiểm và độc ác tại Viện Virus học Vũ Hán, có thể góp phần vào sự lây lan của coronavirus trên toàn cầu và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm khác ở Trung Quốc mà hầu như chẳng có sự giám sát nào từ chính quyền Hoa Kỳ.”
Một lá thư từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Luân Đôn đã phản đối tờ Daily Mail.
Lá thư nói: “Những cáo buộc vội vàng và liều lĩnh, như cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc gây ra dịch bệnh trước khi có bất kỳ kết luận khoa học nào, là vô trách nhiệm và chắc chắn sẽ gây tổn hại cho hợp tác quốc tế tại thời điểm quan trọng này.”
2. Hồng Y Nam Phi lên tiếng bênh vực quyết định ngừng tại trợ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Hôm thứ Ba 14 tháng Tư, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cáo buộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, đã phạm những sai lầm chết người và quá tin tưởng Trung Quốc.
“Tôi đang chỉ đạo chính quyền của mình tạm dừng tài trợ trong khi một cuộc tái duyệt được tiến hành để đánh giá vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc quản lý sai lầm một cách nghiêm trọng và che đậy sự lây lan của coronavirus,” ông Trump nói với các phóng viên hôm thứ Ba.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư cho biết cơ quan này đã thất bại đối với người dân Hoa Kỳ.
“Người dân Mỹ xứng đáng được hưởng lợi từ WHO, nhưng điều đó đã không xảy ra, và vì thế ngay lập tức sẽ không có thêm nguồn tài trợ nào cho đến khi sự quản lý sai lầm, bao che và thất bại của nó có thể được điều tra đến nơi đến chốn”.
Quyết định của tổng thống Trump đã vấp phải những chống đối trên toàn cầu vì âu lo rằng trong lúc dầu sao lửa bỏng này vai trò của WHO rất quan trọng, và việc cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này có thể dẫn đến các hậu quả kinh hoàng.
Tuy nhiên, cũng có những người bênh vực cho quyết định của tổng thống Trump.
Tại Úc, hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho rằng Úc thành công trong việc chặn đứng đại dịch coronavirus nhờ làm ngược lại các lời khuyên của WHO. Ông ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.
Tại Nam Phi, bình luận về quyết định của Tổng thống Donald Trump tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, Đức Hồng Y Wilfrid Napier của Nam Phi đã tweet rằng “Đây không phải là thời điểm tốt nhất cho những người đã chào đời và đang lo sợ cho cuộc sống của họ dưới bàn tay của COVID-19! Nhưng đây là thời điểm TỐT NHẤT cho CÁC THAI NHI CHƯA CHÀO ĐỜI mà mạng sống đang bị đe dọa do áp lực của WHO đối với các quốc gia châu Phi đặc biệt là việc hợp pháp hóa phá thai!”
Sau đó, ngài tweet thêm rằng:
“Với lập trường kiên định mạnh mẽ chống phá thai, phải chăng tài liệu đính kèm giải thích hành động của Tổng thống Trump chống lại WHO?”
Tài liệu Đức Hồng Y Wilfrid Napier nhắc đến có tựa đề “Growing Abortion Advocacy at the World Health Organization” – “Biện minh cho phá thai ngày càng tăng tại Tổ chức Y tế Thế giới” do Học viện Nghiên cứu Dân số Thế giới - Population Research Institute - công bố.
Trong lời nói đầu, tài liệu này nhận định rằng:
Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã thúc đẩy phá thai dưới chiêu bài sức khỏe. WHO từ lâu đã tuyên bố rằng việc hợp pháp hóa phá thai là rất quan trọng để giảm tỷ lệ phá thai không an toàn.
Trong nhiều năm, WHO đã xuất bản các sổ tay và các hướng dẫn lâm sàng chỉ thị cho các nhân viên y tế cách thực hiện phá thai đến 12 tuần và hơn thế nữa. Trong hơn một thập kỷ rưỡi, WHO đã ban hành các hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách, và khuyến cáo họ phải kết hợp phá thai vào các chính sách và các quy định y tế.
Nhưng trong những năm gần đây, việc vận động phá thai của WHO đã dần tăng lên khi tổ chức này trở nên có tiếng nói hơn trong việc thúc đẩy chính sách phá thai an toàn. Và cuộc họp của Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 của WHO tại Geneva vào ngày 24 tháng 5, 2018 đã giới thiệu các chủ đề báo hiệu rằng WHO thậm chí có thể có vị thế mạnh hơn đáng kể trong việc ủng hộ phá thai trong tương lai gần.