Các nhà lãnh đạo Công Giáo tại Hương Cảng đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc thiết lập các căn cứ tình báo ở Hương Cảng – nhằm thực thi một thứ gọi là “pháp luật trực tiếp”.
Bình luận về diễn biến này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là một “hồi chuông báo tử” cho quyền tự trị của thành phố.
Hôm thứ Sáu 22 tháng Năm, bọn cầm quyền Bắc Kinh đã tiết lộ thêm chi tiết về luật an ninh quốc gia đối với thành phố bán tự trị.
Lãnh đạo của Hương Cảng, là bà Carrie Lam, cho biết chính phủ của bà sẽ “hợp tác đầy đủ” với quốc hội Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.
Bà cho biết kế hoạch thiết lập các căn cứ tình báo của Trung Quốc đại lục sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do hoặc tình trạng độc lập tư pháp trong thành phố.
Nhưng các nhà hoạt động dân chủ và các chính trị gia ở thuộc địa cũ của Anh không đồng ý như thế.
Trong nhiều năm qua các nhà tranh đấu đã phản đối việc xây dựng các căn cứ như vậy, lập luận nó có thể làm xói mòn quyền tự chủ của Hương Cảng, được bảo đảm qua thỏa thuận “một nước, hai chế độ” khi Hương Cảng được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Dennis Kwok nói:
“Phải chăng họ đang nói rằng có một ủy ban hoặc một tổ chức tại Hương Cảng vượt lên trên pháp luật của Hương Cảng? Nếu thế thì đây là sự kết thúc của Hương Cảng.”
Nhà hoạt động Joshua Wong, một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình đường phố dân chủ năm 2014 cho biết Bắc Kinh đang làm xói mòn các giá trị phổ quát và các nguyên tắc nhân quyền với luật an ninh mới này.
Những lời kêu gọi đã nổi lên yêu cầu cư dân Hương Cảng có hành động trên khắp lãnh thổ. Trong khi đó các nhà hoạt động dân chủ có kế hoạch công bố những “hành động đường phố” nhằm chống lại mưu toan này.
Đề xuất của Bắc Kinh được các nhà phê bình coi là một bước ngoặt đối với thành phố tự do nhất này của Trung Quốc. Đề xuất này đã gây ra các phản ứng tai hại trong giới kinh doanh và ngoại giao vì sợ rằng luật an ninh có thể có khả năng gây tổn hại cho vị thế của thành phố như một trung tâm tài chính.
Chỉ số Hang Seng của Hương Cảng vào lúc đóng cửa giảm 5.6%, là tỷ lệ phần trăm giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2015.
Các đề xuất cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đứng bên cạnh người dân Hương Cảng và cảnh báo rằng những thay đổi này có thể có tác động đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với lãnh thổ này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ phản ứng “rất mạnh” nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch này.
Bắc Kinh đã nói trước đó rằng không một quốc gia ngoại bang nào có quyền can thiệp vào các vấn đề của Hương Cảng, và rằng pháp luật là vì lợi ích của Hương Cảng vì nó sẽ tăng cường công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.