Robert Richter, luật sư bào chữa của Hồng Y George Pell, cho biết vào hôm thứ Ba rằng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi nhóm các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y George Pell.
Trong một cố gắng nhằm bôi nhọ Đức Hồng Y, sáng thứ Ba 5 tháng Ba, tờ The Age, một tờ báo có thế giá tại Úc đã bất chấp đạo đức nghề nghiệp dựng đứng lên câu chuyện luật sư Robert Richter đã rời bỏ nhóm các luật sư bào chữa.
Luật sư Robert Richter, rất tức giận trước câu chuyện hoàn toàn bịa đặt này, đã nói với thông tấn xã Australian Associated Press vào chiều cùng ngày rằng “Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Tôi không bỏ cuộc.”
Tờ The Age khi dựng đứng lên câu chuyện luật sư Robert Richter bỏ cuộc đã giải thích rằng “vì ông ta không có ‘đủ khách quan ở giai đoạn này’ để tham dự trong một loạt các phiên tòa tại Tòa Kháng Cáo Victoria”. Cụm từ ‘sufficient objectivity at this stage’ - ‘đủ khách quan ở giai đoạn này’ – là lối chơi chữ, nói thật mơ hồ, ai muốn hiểu sao thì hiểu nhưng với chủ ý xấu.
Luật sư Robert Richter là người đã phản bác trước phiên tòa thứ nhất rằng vào năm 2013, cảnh sát Victoria đã phát động “Cuộc Hành Quân Tethering” để điều tra Đức Hồng Y Pell, mặc dù không có khiếu nại nào chống lại ngài. Sau đó, một chiến dịch kéo dài bốn năm để tìm những người sẵn sàng cáo buộc lạm dụng tình dục, bao gồm những biệt đội cảnh sát được trao nhiệm vụ lấy quảng cáo trên báo yêu cầu người ta khiếu nại về lạm dụng tình dục tại nhà thờ chính tòa Melbourne - trước khi có bất cứ khiếu nại nào.
Luật sư Robert Richter cho biết trong phiên tòa đầu tiên, vào tháng 9, bồi thẩm đoàn đã có cuộc gặp gỡ và nghe trực tiếp người tố cáo đến nay chỉ được biết với bí danh là “AA”. 10 người trong số họ đã cho rằng Đức Hồng Y vô tội, nhưng họ không thuyết phục được 2 người còn lại trong bồi thẩm đoàn là những người cứ khăng khăng buộc tội Đức Hồng Y. Vì không đạt được sự nhất trí nên mới có phiên tòa hồi tháng 12.
Trong phiên tòa thứ hai, cảnh sát không cho bồi thẩm đoàn gặp gỡ “AA” nhưng chỉ cho họ nghe băng thu âm những gì anh ta nói. Theo luật sư Robert Richter, bồi thẩm đoàn đầu tiên, những người được nghe người khiếu nại trực tiếp, thấy anh ta ít đáng tin hơn bồi thẩm đoàn thứ hai, những người không gặp anh ta trực tiếp.
Luật sư Robert Richter nói thêm với thông tấn xã Australian Associated Press có trụ sở ở Melbourne: “Tôi rất tức giận về bản án này, bởi vì nó là một bản án biến thái.”
“Tôi tin chắc rằng ngài là một người vô tội đã bị kết án oan uổng. Đó không phải là một kinh nghiệm tôi thường thấy trong đời.”
Luật sư Bret Walker sẽ là trưởng nhóm các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell với sự cộng tác của các luật sư Robert Richter, Paul Galbally và Ruth Shann.
Đã có những phản ứng khác nhau trước tin tức về việc Đức Hồng Y Pell bị kết án. Trong khi nhiều nhân vật trong truyền thông Úc đã chào đón điều này như một chiến thắng huy hoàng của họ, những lời chống đối và các cuộc tranh luận đã và đang diễn ra sôi nổi tại Úc.
Giáo sư Greg Craven, hiệu phó Đại học Công Giáo Úc, một Giáo sư Luật Khoa về Hiến Pháp, cho rằng quá trình công lý đã bị “bôi nhọ bởi các thế lực truyền thông và các lực lượng cảnh sát” xúm nhau lại “bôi đen danh dự” của Đức Hồng Y Pell “ngay cả trước khi ngài ra tòa.”
“Đây không phải là một câu chuyện một bồi thẩm đoàn là đúng hay sai, hay là công lý có ngự trị hay không”. Giáo sư Craven viết trong một bài bình luận hôm 27 tháng 2 trên tờ The Australian. “Đó là một câu chuyện về việc bồi thẩm đoàn có bao giờ được cho cơ hội công bằng để đưa ra quyết định hay không, và liệu rằng hệ thống công lý của chúng ta có được lắng nghe hay không vượt lên đám đông truyền thông đang hò hét la ó?”
Tiến sĩ Leah Kaufmann, một giảng viên về tâm lý học tại ngay trường Đại học Công Giáo Úc, một người vận động cho quyền lợi của người đồng tính, đã lớn tiếng chỉ trích giáo sư Craven và cho rằng việc chất vấn của Giáo sư Craven về tính khách quan “cho thấy sự coi thường” đối với những lo ngại về bảo vệ trẻ em và việc “hỗ trợ những nạn nhân bị lạm dụng tình dục.”
Bà Leah Kaufmann đã viết thư cho hiệu trưởng của nhà trường đòi cách chức Giáo sư Craven.
Mặc dù, theo nguyên tắc của luật học bị cáo được coi là vô tội cho tới khi bị kết tội chung thẩm, nhưng trong thư, bà Leah Kaufmann đã yêu cầu Trung tâm Pell tại cơ sở Ballarat của trường phải được đổi tên, và bức chân dung của ngài tại một cơ sở của nhà trường tại North Sydney phải bị ném xuống.
Tờ The Australian tường thuật rằng trước các đòi hỏi và phê phán của Tiến sĩ Leah Kaufmann, người phát ngôn của ACU nói rằng nhà trường tôn trọng quyền phát biểu của các nhân viên như một vấn đề về tự do tư tưởng. Người phát ngôn nói thêm Giáo sư Craven “đưa ra nhận xét về phiên tòa với tư cách là luật sư về hiến pháp và là một cựu luật sư của Tòa án Victoria. Đó là một điều hoàn toàn đúng đắn.”