Thông Báo

Ơn Gọi Dòng Nữ Đa Minh Houston
Houston Dominican Sisters

Liên lạc: Sr. Catherine Teresa Duyen Anh, OP, (832) 277-4707
Email: vocation@dsmip.org
https://houstondominicans.org/


Ơn Gọi Dòng Nam Tu Xá Thánh Đa Minh

COME AND SEE (Tìm Hiểu Ơn Gọi) Phụ Tỉnh Đa Minh Hải Ngoại
Brochure Come and See 2024-2025
Liên lạc: Cha Thomas Aquinas Trần Thiên Ân, OP, (832) 692-4761 hoặc cha Hoàng Anh, OP, (832) 283-6258

 

MỤC VỤ GIỚI TRẺ (YOUTH MINISTRY) 

Mời các bạn trẻ tham gia mục vụ giới trẻ của giáo xứ. Xin liên lạc với cô Tú (602) 751-1211.
 


Tải Các Mẫu Đơn

Đơn Xin Rửa Tội Trẻ Nhỏ (.pdf)
Đơn Xin Làm Đám Cưới (.pdf)
Đơn Giáo Lý Dự Tòng (.pdf)
 

KetQuaSoXo2024

Phép lạ ngoạn mục, tức khắc, chữa lành hoàn toàn tại mộ Thánh Mary MacKillop

Chủ nhật - 05/08/2018 00:19

Video

Video
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/08/2018
 


 

1. Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của Hồng Y Theodore McCarrick

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của Hồng Y Theodore McCarrick, là Tổng giám mục về hưu của Washington, và ra lệnh cho ngài lui vào sống “một cuộc sống cầu nguyện và sám hối” cho đến khi một tòa án giáo luật xem xét các cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong thông cáo được đưa ra sáng thứ Bẩy 28 tháng 7, Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng tối hôm trước Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận được thư của Hồng Y McCarrick xin “từ chức khỏi tư cách thành viên của Hồng Y đoàn.” Như vậy, từ nay trở đi Hồng Y McCarrick không còn là Hồng Y nữa.

Toàn văn tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh như sau:

“Tối hôm qua, Đức Thánh Cha đã nhận được lá thư trong đó Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám mục Hiệu tòa của Washington (Hoa Kỳ), đã từ chức thành viên của Hồng Y đoàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của ngài và đã ra lệnh đình chỉ việc thực hiện bất kỳ thừa tác vụ công khai nào, cùng với nghĩa vụ phải ở lại trong một căn nhà sẽ được chỉ định cho đương sự, để sống một cuộc sống cầu nguyện và sám hối cho đến khi các cáo buộc chống lại đương sự được xét xử trong một phiên tòa giáo luật thông thường”.

2. Tuyên bố của HĐGM Hoa Kỳ về việc Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức Hồng Y của Hồng Y McCarrick

Sáng thứ Bẩy 28 tháng 7, 2018, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã ra một tuyên bố sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức khỏi Hồng Y đoàn của Hồng Y Theodore McCarrick và ra lệnh cho ông lui vào sống “một cuộc sống cầu nguyện và sám hối” cho đến khi một tòa án giáo luật xem xét các cáo buộc rằng ông đã lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo như sau:

“Tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì sự lãnh đạo của ngài trong việc thực hiện bước quan trọng này. Điều đó phản ảnh sự ưu tiên mà Đức Thánh Cha đặt nơi sự cần thiết phải bảo vệ và chăm sóc cho tất cả mọi người chúng ta, cũng như cho thấy những thất bại trong lãnh vực này ảnh hưởng đến cuộc sống của Giáo Hội tại Hoa Kỳ ra sao.”

3. Báo Công Giáo Italia gọi Phó thủ tướng Matteo Salvini là Satan

Mùa hè 2018 tại Rôma đã nóng lên rất nhiều với cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông giữa một tờ báo Công Giáo và Phó thủ tướng Matteo Salvini liên quan đến chính sách đối với người nhập cư và dân tị nạn.

Một tờ tuần báo Công Giáo Ý đã so sánh Phó thủ tướng Matteo Salvini với Satan. Ngay trên trang bìa, tờ báo cho chạy hàng chữ in đậm, lớn hết cỡ “Salvade Vade retro” (“Xéo đi, Salvini”) - một phiên bản từ công thức trừ tà tiếng Latin thời trung cổ.

Tờ báo rất có ảnh hưởng Fagmiglia Cristiana (Gia đình Kitô) đã viết: “Không có gì là cá nhân hay ý thức hệ, thuần túy là Phúc Âm.”

Salvini, nhà lãnh đạo của đảng Liên minh cánh hữu và là một người Công Giáo, phản ứng lại và nói trang bìa này là “xấu xa” và “thiếu tôn trọng”.Trong khi thông tấn xã nhà nước Agenzia Giornalistica Italia tuyên bố rằng nó đã “tuyên chiến” với tờ Fagmiglia Cristiana.

Salvini là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, là người đã trở thành bộ trưởng nội vụ vào tháng trước, đã quyết định đóng cửa các hải cảng của Ý không tiếp nhận người di cư và đang tìm cách giới hạn số lượng tàu bè có thể đến được bờ biển quốc gia này. Ông nói rằng Italia đã gánh chịu một gánh nặng không công bằng giữa các quốc gia Liên minh châu Âu. Ông cũng kêu gọi “làm sạch” Rôma bắt đầu từ các đường phố của Ý.

Trong khi đó thì tờ Fagmiglia Cristiana ủng hộ chủ trương của Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ việc tiếp nhận những người nhập cư.

Phó thủ tướng Salvini nói: “Họ đang so sánh tôi với Satan? Tôi không đáng bị như vậy.”

“Tôi cảm thấy an ủi bởi thực tế là tôi nhận được sự hỗ trợ hàng ngày từ nhiều người nam nữ trong Giáo Hội”. Ông nói trong một bài đăng trên Facebook.

Để đáp lại lời chỉ trích của Salvini, tạp chí đã viết trên trang web của mình: “Phó Thủ tướng Salvini có một ý tưởng khá cá nhân về giáo lý, và cả Phúc Âm nữa. Theo Lời Chúa, tất cả chúng ta sẽ được phán xét về việc liệu chúng ta có yêu thương người hàng xóm của chúng ta hay không.”

4. Giám Mục Chính Thống Giáo nói “Thủ tướng vô thần” của Hy Lạp là căn nguyên của vụ cháy kinh hoàng và mọi thảm họa

Một giáo sĩ Chính Thống Giáo cao cấp Hy Lạp nói rằng “thủ tướng vô thần” của Hy Lạp là căn nguyên gây ra mọi thảm họa mà mới đây nhất là vụ cháy rừng kinh hoàng hôm thứ Hai 23 tháng 7 khiến ít nhất 74 người bị thiệt mạng.

Thủ tướng Alexis Tsipras đã bầu vào chức vụ này trong cuộc tuyển cử năm 2015. Ông đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình từ ngày 21 tháng 9 cùng năm. Ông là người đã đón Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài sang thăm những người tị nạn hôm 16 tháng Tư 2016.

Đức Cha Amvrosios, Giám Mục giáo phận Kalavryta, trong bán đảo Peloponnese viết trên blog của mình:

“Thủ tướng vô thần Alexis Tsipras đã gây ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” 

“Những kẻ vô thần trong Liên Minh Cánh Tả SYRIZA là nguyên nhân của mọi thảm họa! Lòng dạ vô thần của họ, gây ra cơn thịnh nộ của Chúa!” Ngài nói thêm.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với các thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý kiến của Đức Cha Amvrosios vẫn ngay lập tức bị nhiều phương tiện truyền thông xã hội lên án. Các giáo sĩ Chính thống khác cũng không đồng ý với ngài.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Athens nói rằng Đức Cha Amvrosios “chỉ bày tỏ ý kiến cá nhân của ngài” không đại diện cho suy nghĩ của người Chính Thống Hy Lạp.

5. Kỷ niệm 2 năm ngày Cha Jacques Hamel bị khủng bố Hồi Giáo sát hại

Cha Jacques Hamel đã bị 2 tên khủng bố Hồi Giáo giết ngay trước bàn thờ trong nhà thờ giáo xứ của ngài ở miền bắc nước Pháp vào ngày 26 tháng 7 năm 2016. Án tuyên thánh cho ngài đã được mở.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao chứng tá đức tin của vị linh mục người Pháp và nói rằng đó cũng là một lời nhắc nhở chúng ta về tất cả các tín hữu Kitô tử đạo khác mà máu của họ đổ ra khắp thế giới ngày nay.

Trong Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào năm ngoái, với sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận Rouen và gia đình của cha Jacques Hamel, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả vị linh mục Pháp bị giết là “một người dịu dàng, tốt bụng, luôn nuôi dưỡng tình huynh đệ”.

Cha Hamel bị sát hại tàn bạo bởi hai chiến binh liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trong khi cử hành Thánh lễ trong nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray ở Rouen.

Ngày 26 tháng 7 năm nay, để tưởng nhớ Cha Hamel, tổng giáo phận Rouen đã tổ chức một loạt các sự kiện bao gồm một “lễ cầu nguyện cho hòa bình và tình huynh đệ” với sự hiện diện của Bộ trưởng Nội vụ Pháp, và một số đại diện các tôn giáo. Sau khi lần chuỗi Mân Côi, một đám rước trong im lặng đã diễn ra trước Thánh Lễ do Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun cử hành đúng vào thời điểm Cha Jacques Hamel bị giết 2 năm trước đây.

Đức Tổng Giám Mục Lebrun đã có mặt trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta khi Đức Thánh Cha Phanxicô vinh danh Cha Hamel như là một trong nhiều “vị tử đạo” của Giáo hội ngày nay, là “những người nam nữ bị sát hại, tra tấn, cầm tù, tàn sát vì họ cương quyết không từ bỏ đức tin của mình và không chối Chúa Giêsu Kitô.”

Án tuyên thánh cho Cha Hamel đã được mở ra vào tháng Tư năm 2017 nhờ sự chuẩn chước của Đức Thánh Cha cắt ngắn thời gian chờ đợi trong 5 năm như bình thường.

6. Đức Hồng Y Seán O’Malley: Hành vi lạm dụng của Hồng Y McCarrick là vô luân

Đức Hồng Y Seán O’Malley nhận xét rằng rằng các hành vi bị cáo buộc lạm dụng tính dục của Hồng Y Theodore McCarrick là “không thể chấp nhận về mặt đạo đức và không tương thích với vai trò của một linh mục, giám mục hay Hồng Y,”.

Đức Hồng Y O’Malley, Tổng Giám mục Boston và là nhà “sửa chữa” hàng đầu trong các cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến các cáo buộc chống lại Hồng Y McCarrick.

Đức Hồng Y O'Malley nói thêm rằng mỗi báo cáo mới về việc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ ở mọi cấp độ đều tạo ra nghi ngờ trong tâm trí của nhiều người rằng liệu chúng ta có thể giải quyết một cách hiệu quả thảm họa này trong Giáo Hội hay không.

“Trong khi Giáo hội ở Hoa Kỳ đã áp dụng một chính sách không khoan nhượng về lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên bởi các linh mục, chúng ta phải có các thủ tục rõ ràng hơn cho các vụ kiện liên quan đến các giám mục. 

Các thủ tục minh bạch và nhất quán là cần thiết để đem lại công lý cho các nạn nhân và đáp ứng thích đáng đối với sự phẫn nộ của cộng đồng. Giáo Hội cần một chính sách mạnh mẽ và toàn diện để giải quyết các vi phạm của các giám mục đối với các lời thề độc thân trong các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên và cả trong các trường hợp liên quan đến người lớn.”

Ngài đã đưa ra một chương trình hành động gồm ba phần: “Thứ nhất, là một sự xét xử công bằng và nhanh chóng cho những cáo buộc này. Thứ hai là một đánh giá về sự phù hợp của các tiêu chuẩn và chính sách của chúng ta trong Giáo Hội ở mọi cấp độ, và đặc biệt là trong trường hợp của các giám mục. Thứ ba là sự giao tiếp rõ ràng hơn với các tín hữu Công Giáo và với tất cả các nạn nhân về tiến trình báo cáo những cáo buộc chống lại các giám mục và Hồng Y.”

Đức Hồng Y kết luận bằng cách bảo đảm rằng ngài sẽ nêu lên những mối quan ngại này với Tòa Thánh “với một sự khẩn cấp và quan tâm lớn” trong một chuyến công tác tại Vatican sắp tới.

7. Tuyên bố của Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley về trường hợp của Đức Hồng Y McCarrick

Giáo Hội tại Hoa Kỳ đang lao đao vì những cáo buộc lạm dụng tính dục liên quan đến Hồng Y McCarrick. Trong những ngày tới tình hình có thể còn phức tạp và nghiêm trọng hơn. Dưới đây là toàn bộ bản dịch Việt Ngữ tuyên bố của Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley, Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ và là Ủy ban Tòa Thánh về bảo vệ trẻ vị thành niên được công bố hôm 25 tháng 7, 2018.

Trong vài ngày qua, các bài báo trên các phương tiện truyền thông quốc gia đã tường thuật những cáo buộc về các hành vi tình dục đồi bại của Đức Hồng Y Theodore McCarrick với một số người lớn và các hành vi phạm tội hình sự của ông trong việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Những hành động bị cáo buộc này, khi được thực hiện bởi bất kỳ người nào, đều là không thể chấp nhận về mặt đạo đức và không tương thích với vai trò của một linh mục, giám mục hoặc Hồng Y.

Tôi vô cùng lo lắng bởi những báo cáo này đã làm tổn thương nhiều người Công Giáo và các thành viên trong cộng đồng rộng lớn hơn. Trong một trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên tại Tổng giáo phận New York, sau khi điều tra, người ta đã tìm thấy lời buộc tội là đáng tin cậy và chứng minh được. Trong khi một cáo buộc khác cũng liên quan đến trẻ vị thành niên vẫn còn chưa được điều tra. Các báo cáo này đang tàn phá các nạn nhân, gia đình của họ và cho chính Giáo hội. Mỗi báo cáo mới về việc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ ở mọi cấp độ đều tạo ra nghi ngờ trong tâm trí của nhiều người rằng liệu chúng ta có thể giải quyết một cách hiệu quả thảm họa này trong Giáo Hội hay không.

Những trường hợp này và những trường hợp khác đòi hỏi nhiều hơn những lời xin lỗi. Chúng nêu lên thực tế là khi các cáo buộc được đưa ra có liên quan đến một giám mục hoặc một Hồng Y, thì có một khoảng trống lớn vẫn tồn tại trong các chính sách của Giáo Hội liên quan đến hành vi tình dục và việc lạm dụng tính dục của các vị này. Trong khi Giáo hội ở Hoa Kỳ đã áp dụng một chính sách không khoan nhượng về lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên bởi các linh mục, chúng ta phải có các thủ tục rõ ràng hơn cho các vụ kiện liên quan đến các giám mục. 

Các thủ tục minh bạch và nhất quán là cần thiết để đem lại công lý cho các nạn nhân và đáp ứng thích đáng đối với sự phẫn nộ của cộng đồng. Giáo Hội cần một chính sách mạnh mẽ và toàn diện để giải quyết các vi phạm của các giám mục đối với các lời thề độc thân trong các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên và cả trong các trường hợp liên quan đến người lớn.

Kinh nghiệm của tôi tại một số giáo phận và công việc của tôi với các thành viên của Ủy ban Tòa Thánh về bảo vệ trẻ vị thành niên đã đưa tôi đến kết luận trên. Giáo Hội cần nhanh chóng và dứt khoát hành động liên quan đến những vấn đề quan yếu này. Trong mọi trường hợp khiếu nại của các nạn nhân bị lạm dụng tính dục, cho dù là vi phạm hình sự hoặc lạm dụng quyền lực, mối quan tâm chính phải dành cho nạn nhân, gia đình và người thân của họ. Các nạn nhân phải được khích lệ vì đã mang ra ánh sáng những kinh nghiệm bi thảm của họ và phải được đối xử với niềm tôn trọng và phẩm giá. Các báo cáo trên phương tiện truyền thông gần đây cũng đã đề cập đến một bức thư do Cha Boniface Ramsey, Dòng Đa Minh gởi cho tôi vào tháng 6 năm 2015 mà tôi không đích thân nhận được. Phù hợp với thực hành về các vấn đề liên quan đến Ủy ban Tòa Thánh về bảo vệ trẻ vị thành niên, ở cấp độ nhân viên, lá thư đã được xem xét và xác định rằng các vấn đề được trình bày không thuộc thẩm quyền của Ủy ban hoặc của Tổng giáo phận Boston, và đã được chia sẻ với Cha Ramsey như thế trong thư trả lời.

Những cáo buộc lạm dụng tính dục gây thất vọng và giận dữ đối với nhiều người. Những trường hợp này, liên quan đến một vị Hồng Y, phải được xem xét trong ánh sáng những kinh nghiệm của Giáo Hội trong hai thập kỷ vừa qua liên quan đến việc lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Tôi tin rằng ba hành động cụ thể cần được thực hiện tại thời điểm này. Đầu tiên, là một sự xét xử công bằng và nhanh chóng cho những cáo buộc này. Thứ hai là một đánh giá về sự phù hợp của các tiêu chuẩn và chính sách của chúng ta trong Giáo Hội ở mọi cấp độ, và đặc biệt là trong trường hợp của các giám mục. Thứ ba là sự giao tiếp rõ ràng hơn với các tín hữu Công Giáo và với tất cả các nạn nhân về tiến trình báo cáo những cáo buộc chống lại các giám mục và Hồng Y. 

Không thực hiện những hành động này sẽ đe dọa và gây nguy hiểm cho thẩm quyền luân lý vốn đã bị suy yếu của Giáo Hội và có thể phá hủy sự tin cậy cần thiết Giáo Hội cần phải có hầu có thể thực thi các thừa tác vụ cho người Công Giáo và có một vai trò có ý nghĩa trong xã hội dân sự rộng lớn hơn. Trong thời điểm này không có đòi hỏi nào cấp bách hơn đối với Giáo Hội cho bằng việc gánh vác trách nhiệm giải quyết những vấn đề này, mà tôi sẽ đưa ra trong các cuộc họp sắp tới của tôi với Tòa Thánh với một sự khẩn cấp và quan tâm lớn lao.

8. Đức Hồng Y Kevin Farrell lên tiếng: “Trong 6 năm trời ở với Hồng Y McCarrick, tôi không nghe cáo buộc nào”

Đức Hồng Y Kevin Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo Dân, Gia Đình Và Sự Sống, cho biết ngài đã thực sự “bàng hoàng” khi nghe những cáo buộc về tội lạm dụng và quấy rối tình dục của Đức Hồng Y Theodore McCarrick, là người đã tấn phong giám mục cho ngài. Đức Hồng Y Kevin Farrell từng là cha Tổng Đại Diện của tổng giáo phận Washington trong năm 2001 và sau đó là Giám Mục Phụ Tá cho Hồng Y Theodore McCarrick trong 6 năm sau đó.

“Tôi đã bị sốc, choáng ngợp. Trong 6 năm trời ở với Hồng Y McCarrick, tôi không nghe cáo buộc nào cả” Đức Hồng Y Farrell khẳng định với Catholic News Service.

Đức Hồng Y Farrell, người Ái Nhĩ Lan, đã nhập tịch Tổng Giáo Phận Washington vào năm 1984, và ít lâu sau khi Đức Hồng Y McCarrick được bổ nhiệm làm tổng giám mục Washington vào năm 2000, vị Hồng Y tương lai đã chọn cha Farrell làm Tổng Đại Diện của mình.

Đức Hồng Y Farrell cho biết thêm ngài chưa bao giờ gặp Hồng Y McCarrick cho đến khi vị này trở thành tổng giám mục Washington.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Đức Hồng Y Theodore McCarrick, Tổng Giám mục về hưu của Washington, DC, đã thông báo rằng ngài đã bị buộc tội lạm dụng tính dục và đã chấp nhận quyết định của Tòa Thánh cấm ngài thực hiện bất kỳ thừa tác vụ công khai nào.

Đức Hồng Y McCarrick, hiện nay 87 tuổi, tiết lộ rằng lời tố cáo chống lại ngài liên quan đến “cáo buộc lạm dụng tính dục một thiếu niên gần 50 năm về trước.”

Vào thời điểm đó, ngài là một linh mục của tổng giáo phận New York. Vì thế, trách nhiệm làm rõ sự thật đặt trên vai Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York.

Đức Hồng Y đã nói ngài vô tội.

Tổng Giáo Phận Washington cho biết Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, “theo chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã yêu cầu Đức Hồng Y McCarrick không được thực hiện bất kỳ thừa tác vụ công khai nào cho đến khi có một quyết định rõ ràng.”

Kể từ đó, ít nhất một người khác đã đưa ra tuyên bố Đức Hồng Y McCarrick đã lạm dụng tính dục anh ta khi còn nhỏ.

Đức Hồng Y Farrell nói: “Tôi đã làm việc trong Toà Giám Mục ở Washington và không bao giờ, không có dấu hiệu nào, không có gì cả”. “Không ai từng nói chuyện với tôi về điều này và ở đó tôi tham gia mọi chuyện rất tích cực” đặc biệt trong việc điều tra và đối mặt với vấn đề lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ của Tổng Giáo Phận Washington, đặc biệt là sau khi các giám mục Hoa Kỳ chấp thuận điều lệ bảo vệ trẻ em vào năm 2002.

Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington cho biết vào cuối tháng Sáu rằng ngài đã yêu cầu xem xét tất cả hồ sơ của Tổng giáo phận Washington. “Dựa trên sự xem xét đó, tôi có thể báo cáo rằng không có cáo buộc nào - đáng tin cậy hay không - đã được đưa ra đối với Hồng Y McCarrick trong thời gian ở Washington.”

9. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Humanae Vitae

Giữa những chỉ trích gay gắt thông điệp Humanae Vitae (Sự sống con người), và những toan tính nhằm xét lại thông điệp này, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, là Tổng Giám Mục Galveston-Houston, và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã lên tiếng ca ngợi thông điệp nhân kỷ niệm 50 năm ngày Đức Thánh Cha Phaolô VI công bố.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 25 tháng 7, 1968, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố thông điệp Humanae Vitae nhằm thúc đẩy toàn thể nhân loại trong bối cảnh tình yêu hôn nhân hãy tôn trọng cả hai chiều kích tinh thần và thể chất của con người, chung thủy, quảng đại và trao ban sự sống.

Dưới đây là bản dịch toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo:

“50 năm trước, chính ngày hôm nay, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã công bố Thông điệp Humanae Vitae. Trong đó, ngài tái khẳng định sự thật đẹp đẽ mà người chồng và người vợ được kêu gọi để tự hiến dâng cho nhau hoàn toàn. Hôn nhân phản ảnh tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu trung tín, quảng đại và trao ban sự sống. Thông qua ơn gọi của họ, các cặp vợ chồng hợp tác với Thiên Chúa bằng cách mở lòng mình ra với những sự sống con người mới.

Chân Phước Phaolô Đệ Lục, là người đã phải chịu với lòng bác ái và kiên nhẫn nhiều chỉ trích về thông điệp Humanae Vitae, đã dũng cảm khẳng định rằng khi chúng ta yêu như đã được Thiên Chúa hoạch định, chúng ta trải nghiệm sự tự do và niềm vui đích thực. Ngài cũng đã được chứng minh là đúng khi lên tiếng cảnh báo về những hậu quả của việc bỏ qua ý nghĩa thực sự của tình yêu hôn nhân.

Vào ngày kỷ niệm này, tôi khuyến khích tất cả mọi người đọc, cầu nguyện, và suy ngẫm về Thông điệp này, và mở lòng mình ra đối với ân sủng là chân lý vượt thời gian của nó.

Chúng tôi chờ đợi trong vui mừng ngày tuyên thánh cho Đức Phaolô Đệ Lục vào tháng Mười sắp tới.”

10. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Humanae Vitae

Các Giám mục Canada đã đưa ra một tuyên bố nhân kỷ niệm lần thứ 50 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Thông điệp Humanae Vitae. Các ngài nói rằng thông điệp này là một tiếng “xin vâng được nhấn mạnh đối với sự viên mãn của cuộc sống”.

Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada (CCCB) đã đưa ra một tuyên bố gởi đến tất cả người Công Giáo Canada và mọi người thiện chí. Trong tuyên bố dài 4 trang có tựa đề “Niềm vui của tình yêu hôn nhân”, được công bố bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, các Giám mục Canada hy vọng sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích các đôi hôn phối tìm ra lời hứa về niềm vui mà Humanae Vitae mang lại.

Thay vì chỉ là tiếng nói 'Không' trong vấn đề tránh thai, các Giám mục Canada xác nhận rằng Humanae Vitae đưa ra một tiếng “xin vâng” hùng hồn với sự sung mãn của cuộc sống đã được Chúa Giêsu Kitô hứa ban cho chúng ta (Ga 10:10).

Các Giám mục viết tiếp rằng tình yêu của con người là nhằm phản ảnh tình yêu Thiên Chúa với các tính chất nổi bật là nhưng không, toàn bộ, trung tín và sinh hoa kết quả. Con người thể hiện tình yêu này qua “ngôn ngữ của cơ thể”. Do đó, tình yêu này là “lâu dài, độc quyền, và sẵn sàng vươn ra ngoài chính đôi lứa để mang lại một cuộc sống mới!”.

Trích dẫn thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Ê-phê-sô (5:32), các Giám mục đã trình bày những suy tư của các ngài về tình yêu hôn nhân. Chúng ta kết hiệp thể lý và thân mật với Chúa Kitô là Tân Lang khi chúng ta Rước Lễ. Sự kết hiệp với Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên “món quà tự hiến hoàn toàn” mà Chúa đã làm gương cho chúng ta.

Ngay cả ân sủng tính dục con người cũng góp phần thể hiện tình yêu thiêng liêng. Do đó, các Giám mục giải thích rằng mọi hành động tính dục “nhằm thể hiện một tình yêu” tự do, không bị ép buộc, hoàn toàn như một sự trao ban trọn vẹn, chung thủy và cởi mở với cuộc sống mới.

Các Giám mục nhắc nhở rằng vì chúng ta được tạo ra cho tình yêu vô hạn, chỉ có tình yêu vô hạn mới có thể thỏa mãn chúng ta. Giáo Hội chúc cho các cặp vợ chồng trải nghiệm tình yêu trọn vẹn của con người trong hôn nhân. Điều này có nghĩa là chúng ta được khích lệ sử dụng món quà thiêng liêng này mà không “làm mất đi, dù chỉ một phần, ý nghĩa và mục đích của nó”, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong Humanae Vitae. “Cố tình sửa đổi một hành động tình dục để làm cho nó thành vô sinh… chung cuộc là làm sai lệch ngôn ngữ của tính dục chúng ta”

Để kết luận các Giám mục khuyến khích người Công Giáo đọc lại thông điệp Humanae Vitae và “tái khám phá sự thật đẹp đẽ chứa đựng trong đó”. Vì thế, các ngài cầu nguyện cho tất cả các cặp vợ chồng, trong sự trung tín với ân sủng của phép rửa tội và ơn gọi hôn nhân của họ, có thể sống và trải nghiệm niềm vui của tình yêu hôn nhân như được dạy trong Humanæ Vitæ và qua đó họ trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trên thế giới.

11. Nhận định của Tiến sĩ George Weigel về thông điệp Humanae Vitae nhân kỷ niệm 50 năm

Ông George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ, và phần tiếp theo của nó, The End and Beginning, là tài liệu về những thất bại của chính sách Ostpolitik từ các tài liệu đã từng được mật vụ cộng sản phân loại là tuyệt mật.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có bài nhận định sau về thông điệp Humanae Vitae nhân kỷ niệm 50 năm cho biết thông điệp này:

Ngày 25 tháng 7 năm nay là kỷ niệm lần thứ 50 thông điệp Humanae Vitae, thông điệp của Chân Phước Phaolô Đệ Lục về tính toàn vẹn của tình yêu và các phương thế kế hoạch hóa gia đình thích hợp. Được ban hành trong cuộc khủng hoảng văn hóa những năm 1960, và vào một năm khi não trạng bất cần luận lý đang rình rập toàn bộ thế giới phương Tây, Humanae Vitae ngay lập tức trở thành một hành động quyết liệt nhất của một vị giáo hoàng trong lịch sử. Và thật đáng xấu hổ vì toàn bộ Hội Đồng Giám Mục của nhiều quốc gia lúc đó đã lập tức bày tỏ thái độ bất tuân phục giáo huấn của Đức Phaolô Đệ Lục qua nhiều phương thế tinh ranh. Nhiều chiến lược trong số này pha lẫn ở mức độ nào đó những lẫn lộn về thần học, nhưng nhiều trò có thể nói thẳng thừng là hèn nhát.

Đức Phaolô Đệ Lục đã đưa ra các phán đoán trong Humanae Vitae vì hai lý do.

Thứ nhất, bởi vì ngài tin rằng việc sử dụng chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên để điều hòa sinh sản là phương pháp kế hoạch hóa gia đình nhân văn nhất, và là phương pháp xứng hợp nhất đối với phẩm giá con người - và đặc biệt là phẩm giá độc đáo của người phụ nữ.

Thứ hai, bởi vì ngài thấy trước con đường của những kẻ ủng hộ sự thay đổi trong giáo huấn Công Giáo liên quan đến các phương pháp kế hoạch hóa gia đình nào là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Khi ủng hộ sự thay đổi đó, họ đang thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản trong cách phán đoán đạo đức của Giáo hội. Họ phủ nhận một số những hành vi tự nó là sai trái về bản chất, và họ lập luận rằng phán đoán đạo đức thực sự chỉ là một con tính về ý định, hành vi và hậu quả. Nếu mà cái “chủ nghĩa tương đối” ấy, như tên người ta vẫn gọi nó, là phương pháp chính thức của người Công Giáo khi cần đưa ra những phán đoán đạo đức, thì người Công Giáo sẽ sớm thấy mình trong tình trạng đáng buồn của các hệ phái Tin Lành cấp tiến, nghĩa là chúng ta chỉ là một cộng đồng Kitô hữu khác có ranh giới đạo đức hoàn toàn mềm dẻo.

Tình trạng bị bỏ rơi bởi quá nhiều Hội Đồng Giám Mục trên thế giới đã làm thương tổn sâu xa Đức Phaolô Đệ Lục, một tâm hồn nhạy cảm đã ủng hộ khẳng định của Công đồng Vatican II rằng các giám mục là một điều gì đó vượt xa các nhà quản lý các chi nhánh địa phương của Giáo Hội Công Giáo, là những người có thể nghĩ rằng mình không cần phải trung thành cho lắm. 

Vì thế, khi Giáo hội và thế giới đánh dấu kỷ niệm 50 năm Humanae Vitae, và khi người Công Giáo trên khắp thế giới chuẩn bị cho lễ tuyên thánh của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vào tháng 10 này, có lẽ những giám mục ngày nay cần hiểu rõ sự vi phạm nghiêm trọng tính đồng đoàn đã diễn ra vào năm 1968, khi rất nhiều vị tiền nhiệm của các ngài đã thất bại trong việc bảo vệ Đức Giám Mục Roma chống lại những chỉ trích dữ dội nhắm vào ngài. Và sau khi hiểu rõ như thế, các ngài có thể cân nhắc để đưa ra những khẳng định về thông điệp này, dưới hình thức này hay hình thức khác, chẳng hạn như:

1. Tôi rất biết ơn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục vì chứng tá dũng cảm của ngài cho sự thật về tình yêu trong thông điệp Humanae Vitae. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi tin rằng Đức Phaolô Đệ Lục “có can đảm chống lại đa số, để bảo vệ kỷ luật luân lý, 'đạp thắng' hãm lại sự xuống dốc của nền văn hóa, [và] để chống lại [cả hai] thứ tân chủ nghĩa Malthusian (chủ nghĩa hạn chế sinh sản) hiện tại và tương lai” khi coi ân sủng con cái như một thứ gánh nặng xã hội và kinh tế.

2. Tôi tin rằng những sự thật được giảng dạy bởi Humanae Vitae về phương pháp kế họach hóa gia đình thích hợp là rất quan trọng đối với hạnh phúc của con người ngày nay; việc sử dụng cố ý các phương pháp nhân tạo để điều chỉnh sinh suất sẽ bóp méo sự thật về tình yêu của con người được ghi khắc trong tự nhiên bởi Tạo Hóa; và rằng lương tâm phải tôn trọng những sự thật nội tại này trong kế hoạch hóa gia đình.

3. Tôi tin rằng những sự thật được giảng dạy bởi Humanae Vitae về việc kế hoạch hóa gia đình một cách tự nhiên đã được tự chứng minh trong những tình huống mục vụ trên khắp thế giới; rằng những sự thật đó đã có những đóng góp đáng kể cho mục vụ gia đình và việc chuẩn bị hôn nhân trong các nền văn hóa khác nhau; và rằng những kẻ phủ nhận khả năng của con người có thể hiểu và sống trong kỷ luật của phương pháp kế hoạch hóa gia đình tự nhiên là những kẻ thường tham gia vào các hình thức phân biệt chủng tộc, và các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, hoặc cả hai.

4. Tôi tin rằng “văn hóa tránh thai” mà Đức Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo một cách tiên tri trong Humanae Vitae, và việc cho phép phá thai, là những yếu tố chính trong việc lạm dụng tình dục phụ nữ đã được công chúng chú ý đến nhờ phong trào #MeToo; và tôi mời gọi các nhà nữ quyền suy nghĩ lại về việc họ ăn mừng việc tránh thai nhân tạo và phá thai trong lễ kỷ niệm lần thứ 50 này.

5. Tôi tin rằng “Thần học Thân xác” của Thánh Gioan Phaolô II đã cho Giáo Hội Công Giáo một công cụ đầy thuyết phục để giải thích cả những chân lý được dạy bởi Humanae Vitae lẫn sự bất hạnh gây ra bởi cuộc cách mạng tình dục.

6. Tôi cam kết cử mừng năm kỷ niệm này như một dịp để tôn vinh món quà Humanae Vitae và sử dụng công việc mục vụ của tôi để làm sâu sắc thêm những hiểu biết về đạo đức tình dục Công Giáo như một cử hành tôn vinh nhân phẩm và món quà cuộc sống.

12. Diễn từ mạnh mẽ và thẳng thắn về tự do tôn giáo của Phó tổng thống Mỹ trước 80 đại sứ các nước

Lúc 10h sáng ngày 26 tháng 7, tại Tòa Bạch Ốc, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã có cuộc gặp gỡ với các vị đại sứ đại diện cho 80 quốc gia và một số các nạn nhân bị bách hại vì tự do tôn giáo. Tham dự trong cuộc gặp gỡ này cũng có Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo.

Diễn từ rất dài của phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã bày tỏ những quan ngại về tình hình tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ trên thế giới. 

Khẳng định quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, phó tổng thống Mike nói:

“Quyền tin hay không tin là quyền cơ bản nhất của tự do. Khi tự do tôn giáo bị phủ nhận hoặc phá hủy, chúng ta biết rằng các quyền tự do khác - tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, và thậm chí cả các thể chế dân chủ - đều bị xói mòn.

Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do tôn giáo ngày hôm qua, hôm nay, và luôn mãi. Chúng tôi làm điều này bởi vì đó là điều đúng. Nhưng chúng tôi cũng làm điều này vì tự do tôn giáo có lợi cho hòa bình và an ninh của thế giới.”

Phê phán bọn cầm quyền các chế độ độc tài trên thế giới bóp nghẹt tự do tôn giáo, phó tổng thống Mike nhận xét rằng: 

“Những quốc gia từ chối tự do tôn giáo nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và oán giận trong lòng các công dân của họ. Họ gieo những hạt giống bạo hành bên trong biên giới của mình - là thứ bạo lực thường xuyên lan sang các nước láng giềng và toàn thế giới.

Và như lịch sử đã cho thấy quá nhiều lần, những người từ chối tự do tôn giáo cho chính người dân của họ cũng không ngần ngại chà đạp quyền của những dân tộc khác, và phá hoại an ninh và hòa bình trên toàn thế giới.”

Đề cập đến các nạn nhân bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, phó tổng thống quan sát rằng:

“Các nạn nhân của các cuộc bách hại tôn giáo phải đối mặt với sự trừng phạt kinh tế. Họ cũng thường bị bắt và bị cầm tù. Họ là mục tiêu của bạo lực và khủng bố do nhà nước xách động. Và quá thường là những người có niềm tin đi ngược lại với những kẻ cai trị họ không chỉ phải đối mặt với sự bách hại mà thôi đâu nhưng còn là cái chết nữa.”

Ông Mike phê phán thẳng thắn nhiều quốc gia vi phạm tự do tôn giáo nhưng đặc biệt dành nhiều đoạn dài để nói về Nicaragua và Trung Quốc. Ông nói:

“Danh sách các kẻ vi phạm tự do tôn giáo rất dài; tội ác và sự áp bức của chúng kéo dài trên toàn thế giới chúng ta. Ở đây, trong bán cầu này của chính chúng ta, ở Nicaragua, chính phủ Daniel Ortega hầu như đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Giáo Hội Công Giáo. Trong nhiều tháng qua, các giám mục Nicaragua đã tìm cách làm trung gian cho một cuộc đối thoại quốc gia sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên xuyên suốt đất nước hồi đầu năm nay. Nhưng đám côn đồ do chính phủ hậu thuẫn được trang bị dao phay, và thậm chí cả vũ khí hạng nặng, đã tấn công các giáo xứ và các nhà thờ, và cả các giám mục và linh mục cũng đã bị cảnh sát tấn công.

Hôm nay, hiện diện với chúng ta ở đây có Cha Raul Zamora, chủ chăn tại nhà thờ Lòng Chúa Thương Xót và là một anh hùng của đức tin. Tuần trước, chính phủ Ortega đã bao vây nhà thờ của ngài sau khi hơn 200 sinh viên tìm đến trú ẩn ở đó, và 2 sinh viên đã mất mạng. Họ gia nhập vào số hơn 350 người Nicaragua dũng cảm đã chết vì chính nghĩa tự do trong năm nay.

Hãy để tôi nói với cha, thưa cha: Lời cầu nguyện của chúng tôi tháp tùng với cha, và người dân Mỹ chúng tôi đứng về phía cha vì tự do tôn giáo và tự do ở Nicaragua.”

Sau tràng pháo tay dài của cử tọa, phó tổng thống Mike quay sang phê phán bọn cầm quyền Trung Quốc như sau:

“Xa hơn nữa, nhưng gần gũi với trái tim của chúng ta, cuộc đàn áp tôn giáo đang gia tăng cả về phạm vi lẫn quy mô ở quốc gia đông dân nhất thế giới, là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế hàng năm của Bộ Ngoại giao đã đánh dấu Trung Quốc là một nước vi phạm tự do tôn giáo kinh niên kể từ năm 1999. Cùng với các nhóm thiểu số tôn giáo khác, các tín hữu Phật Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo thường xuyên bị tấn công.

Hiện diện với chúng ta hôm nay là nhà sư Kusho Golog Jigme, một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng. Trong gần 70 năm qua, người Tây Tạng đã bị chính phủ Trung Quốc đàn áp tàn bạo. Nhà sư Kusho bị bỏ tù và tra tấn sau khi ông lên tiếng chống lại sự cai trị của Trung Quốc ở quê hương mình. Trong khi ông trốn thoát khỏi Trung Quốc, cuộc chiến của người dân Tây Tạng để có thể thực hành niềm tin tôn giáo của họ và bảo vệ nền văn hóa vẫn tiếp diễn. Với sư Kusho tôi muốn nói rằng chúng tôi được vinh danh bởi sự hiện diện của ngài và chúng tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của ngài và chính nghĩa tự do của ngài. 

Đáng buồn thay, ngay khi chúng ta đang nói, Bắc Kinh đang giam giữ hàng trăm ngàn, và có thể hàng triệu người Hồi giáo Tân Cương trong cái gọi là “các trại cải tạo”, nơi họ bị buộc phải chịu đựng việc nhồi sọ chính trị suốt ngày đêm nhằm làm cho họ phải từ bỏ niềm tin tôn giáo và bản sắc văn hóa của mình.”

Với giọng điệu ít gay gắt hơn, ông Mike cũng đề cập đến tình trạng tự do tôn giáo tồi tệ ở các quốc gia khác, đặc biệt là tại Trung Đông.

Đây có lẽ là lần đầu tiên Hoa Kỳ triệu tập đông đảo các vị đại sứ để chỉ trích thẳng thắn như thế về tình trạng tự do tôn giáo.

13. Các Giám Mục Nicaragua kêu gọi thế giới chú ý đến tình trạng vi phạm nhân quyền dã man tại quốc gia này

Tại thánh lễ phạt tạ tại nhà thờ Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Jintotepe nơi đã bị bọn côn đồ nhà nước tấn công, hôi của và phạm thánh, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes kêu gọi những người Công Giáo Nicaragua đừng ‘răng đền răng, mắt đền mắt’ với sự đàn áp bạo lực của bọn cầm quyền Ortega.

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục thủ đô Managua đã phát biểu như trên hôm 25 tháng 7, cũng đúng vào ngày lễ kính Thánh Giacôbê Tông Đồ bổn mạng của giáo xứ. Nhà thờ đã bị bọn côn đồ trang bị dao phay, tiểu liên và cả các vũ khí hạng nặng tấn công và cướp bóc hai tuần trước đó.

Đức Hồng Y nói rằng “chúng ta có thể vượt qua sự thù hận với tình yêu mà Chúa Kitô ban cho mỗi người chúng ta”. Bài giảng của ngài, được đăng trong một bài tường thuật trên Facebook của tổng giáo phận, đã mô tả Thánh Lễ diễn ra thật xúc động và đầy nước mắt trước cảnh tan hoang của nhà thờ.

Trước cuộc tổng biểu tình vào ngày thứ Bảy 28 tháng 7, các Giám mục đã gửi một bức thư trực tiếp cho Ortega hôm thứ Tư. Mặc dù nội dung chính xác chưa được biết, nguồn tin từ Giáo Hội địa phương cho biết các Giám mục đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn của các ngài tiếp tục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Các Giám mục Nicaragua cũng nói rõ ràng rằng các ngài đứng về phía người dân và yêu cầu cộng đồng quốc tế chú ý đến những gì đang xảy ra tại Nicaragua.

Tại giáo xứ Jinotega nơi một nhà thờ bị tấn công và hôi của vào ngày 20 tháng Bảy, Đức Giám Mục Carlos Enrique Herrera khi an ủi các nạn nhân của bạo lực đã cho biết trong thư gởi cho Ortega, các giám mục của Nicaragua đã hỏi liệu hắn ta có thực sự muốn các giám mục tiếp tục làm trung gian hòa giải giữa chế độ Sandinista và phe đối lập hay không. 

Hồi tháng Tư vừa qua, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, Ortega đã mời các giám mục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia. Đây chỉ là một động tác giả để hắn ta có thời giờ điều động bọn công an Sandinista từ địa phương này sang địa phương khác cải trang thành côn đồ thân chính phủ.

Điều quân xong, Ortega phỉ báng các Giám Mục là “những kẻ mưu toan đảo chính” và sai bọn công an giả danh côn đồ tấn công các nhà thờ. Các linh mục và cả các Giám Mục cũng bị tấn công.

14. Căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Ankara chung quanh việc giam giữ Mục sư Andrew Brunson

Hôm thứ Năm 26 tháng 7, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã đe dọa áp đặt “những lệnh trừng phạt” nặng nề lên đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO nếu nước này không trả tự do cho một mục sư người Mỹ hiện đang bị quản thúc tại gia.

Ông Trump nói “Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài vì họ giam giữ quá lâu Mục sư Andrew Brunson, một Kitô hữu vĩ đại, người cha gia đình và con người tuyệt vời”.

Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm: “Ông ấy đang đau khổ rất nhiều. Nhân vật tôn giáo vô tội này phải được trả tự do ngay lập tức!”

Brunson, một mục sư Tin Lành Trưởng Lão quê ở North Carolina, đã bị bắt vào năm 2016 trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với các nhà báo, học giả và các nhóm dân tộc thiểu số theo sau một cuộc đảo chính bất thành.

Brunson được thả từ nhà tù vào hôm thứ Tư nhưng bị quản thúc tại gia và bị buộc phải đeo một thiết bị theo dõi điện tử.

Trong cuộc họp với 80 đại sứ các quốc gia tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 26 tháng 7, phó tổng thống Mike nói:

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có hành động ngay lập tức để trả tự do cho người đàn ông này và gửi ông về nước Mỹ, Hoa Kỳ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nào Mục sư Andrew Brunson được tự do.”

“Và với Tổng thống Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi có một thông điệp thay mặt cho Tổng thống Hoa Kỳ, trả tự do ngay cho Mục sư Andrew Brunson hoặc chuẩn bị để đối diện với những hậu quả!”

Đáp lại các mối đe dọa từ Washington, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng đất nước ông sẽ “không bao giờ chịu khuất phục trước các mối đe dọa từ bất cứ ai”.

“Không ai có quyền ra lệnh cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước các mối đe dọa từ bất cứ ai. Luật pháp là dành cho tất cả mọi người; không có ngoại lệ.”

 

Nguồn tin: Vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Giờ Lễ
CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ

GIỜ LỄ CUỐI TUẦN

-       Thứ Bảy: 7:00 PM (thay cho Chúa Nhật)
-       Chúa Nhật: 8:00 AM & 10:00 AM

GIỜ LỄ NGÀY THƯỜNG

Thứ Hai – Thứ Sáu:
-       6:30 PM Kinh Mân Côi
-       7:00 PM Thánh lễ
Thứ Bảy:
-       8:00 AM Thánh lễ 

CHẦU THÁNH THỂ

Thứ Sáu Đầu Tháng  ngay sau Thánh lễ 7:00 PM
Chúa Nhật Đầu Tháng lúc 1:10 PM dành cho các em trong Trường Thánh Don Bosco.


THÔNG TIN LIÊN LẠC
 

CHA CHÁNH XỨ

Fr. Hoàng Thanh Sơn, O.P.
Office: (602) 395-0421
Cell: (346) 812-7106
 

CHA PHÓ XỨ

Fr. Nguyễn Hoàng Anh, O.P.   
Phone: (832) 283-6258

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây