1. Thư của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha không ủng hộ cái gọi là hôn nhân đồng giới.
Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vừa gửi đi một bức thư cho các Hội Đồng Giám Mục thế giới, qua các tòa sứ thần Tòa Thánh, để giải thích điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về những người cùng giới tính sống chung với nhau trong phim tài liệu “Francesco”
Trong mấy ngày gần đây, một số khẳng định trong bộ phim tài liệu “Francesco”, của đạo diễn Evgeny Afineevsky, đã gây ra những phản ứng và những cách giải thích khác nhau. Do đó, xin được cung ứng một số yếu tố hữu ích, với mong muốn cổ vũ một sự hiểu biết đúng đắn về lời lẽ của Đức Thánh Cha.
Hơn một năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời hai câu hỏi khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, mà trong cuốn phim tài liệu đã nhắc đến, nhưng đã bị chỉnh sửa và công bố như thể đó chỉ là một câu trả lời duy nhất mà không đặt chúng vào ngữ cảnh thích đáng, là điều đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn. Trước hết, Đức Thánh Cha có ý nói đến vấn đề mục vụ, về nhu cầu này là trong gia đình, con trai hay con gái có khuynh hướng đồng tính luyến ái không bao giờ bị phân biệt đối xử. Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có ý nói về những người vừa được nêu trên là: “những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình; họ là con cái của Thiên Chúa, họ có quyền đối với một gia đình. Không ai có thể bị ném ra khỏi gia đình hoặc cuộc sống của họ bị biến thành bất khả vì nó”.
Đoạn tiếp theo của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (2016), về tình yêu thương trong gia đình, có thể làm sáng tỏ những phát biểu này. “Tôi đã cân nhắc với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về hoàn cảnh của các gia đình đang sống với kinh nghiệm có giữa họ những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, một kinh nghiệm không hề dễ dàng đối với cả các bậc cha mẹ lẫn con cái của họ. Vì vậy, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại rằng mỗi con người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được tiếp nhận một cách tôn trọng, cố gắng tránh 'mọi dấu hiệu kỳ thị bất công', nhất là bất cứ hình thức gây hấn hoặc bạo lực nào. Đối với các gia đình, phải bảo đảm có việc đồng hành một cách tôn trọng, để những người biểu lộ rõ xu hướng đồng tính luyến ái có thể trông cậy vào sự trợ giúp cần thiết để hiểu và thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống họ”.
Câu hỏi tiếp theo của cuộc phỏng vấn là sự thay đổi gắn liền với luật địa phương mười năm trước đây ở Á Căn Đình về “hôn nhân bình đẳng của các cặp đồng tính và sự phản đối của Tổng giám mục Buenos Aires lúc bấy giờ về phương diện này”. Liên quan đến việc đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng “nói đến hôn nhân đồng tính là điều không hợp lý”; trong cùng bối cảnh này, ngài nói thêm rằng, ngài chỉ nói về quyền của những người này được bảo đảm về phương diện pháp lý: “điều chúng ta phải làm là một đạo luật về chung sống dân sự; họ có quyền được bảo đảm về pháp lý. Tôi đã bảo vệ điều đó”.
Chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho các cuộc kết hợp dân sự để điều hòa các tình huống chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi việc cần phải qui định các khía cạnh kinh tế giữa những người này, chẳng hạn, để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe. Chúng là những thỏa thuận sống chung thuộc nhiều bản chất khác nhau, mà tôi không thể đưa ra danh sách các dạng khác nhau này. Điều cần là phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá chúng theo sự đa dạng của chúng”.
Do đó, hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến các sắp xếp chuyên biệt của Nhà nước, và chắc chắn không đề cập đến tín lý của Giáo hội, được xác nhận nhiều lần trong suốt những năm qua.
Source:Catholic News Agency
Vatican Secretariat of State provides context of Pope Francis civil union remark
2. Kế hoạch tái thiết tượng Chúa Kitô tại Rio de Janeiro.
Ngày 12 tháng 10 năm 2021, tượng Chúa Kitô khổng lồ tại thành phố Rio de Janeiro, bên Brazil sẽ mừng “sinh nhật” thứ 90. Nhân dịp này, Tổng giáo phận Rio de Janeiro ở địa phương đã đề ra kế hoạch tu bổ bức tượng.
Tượng Chúa Kitô cao 30 mét, đang dang rộng đôi tay, được dựng trên một bệ cao 8 mét, và tọa lạc trên khoảng đất rộng 500 mét vuông, tại núi Corcovado, cao 710 mét, được coi là gia sản văn hóa của thế giới và là biểu tượng tôn giáo nổi bật nhất của Brazil, mỗi năm thu hút khoảng hai triệu người đến viếng thăm.
Hôm 27 tháng 10 năm 2020, Tổng giáo phận Rio de Janeiro công bố kế hoạch trùng tu pho tượng, với sự cộng tác của 40 chuyên gia, trong đó có những người leo núi. Tượng nhiều lần bị những tia sét làm hư hại, ví dụ ngón tay giữa ở bàn tay phải hồi tháng Giêng năm 2014, ở đầu pho tượng hoặc ở hông bên trái.
Nữ kiến trúc sư Cristina Ventura, trưởng toán chuyên gia tu bổ, cho biết nhiều chi tiết về những thiệt hại mà pho tượng khổng lồ đã chịu trong thời gian qua. Các chuyên gia dùng máy bay không người lái, có các máy thu hình độ phân giải cao để chụp các ảnh ba chiều của pho tượng.
Người ta chưa được biết về phí tổn dự chi cho công trình tu bổ pho tượng. Cho đến nay chi phí bảo trì và sửa chữa nhẹ do tổng giáo phận Rio đài thọ, từ số tiền do các tín hữu đóng góp. Vì đại dịch Covid-19, tượng đài Chúa Kitô bị đóng cửa nhiều tháng trời và từ khi mở lại cho du khách viếng thăm, từ tháng Tám năm nay, giáo phận đã thu phí, mỗi vé khoảng 50 xu Euro, để góp phần tu bổ.
Tuy nhiên, có sự tranh chấp giữa cơ quan môi trường của nhà nước Brazil, gọi tắt là ICMBio, cũng là cơ quan quản lý công viên thiên nhiên quanh tượng đài Chúa Kitô và thu phí vào cửa, với tổng giáo phận Rio. Ðối tượng tranh chấp là: ai là người có thẩm quyền. Chính phủ đang có kế hoạch tư nhân hóa các tiệm ăn và tiệm bán đồ lưu niệm dọc theo các bậc thang dẫn đến tượng đài. Trong khi đó, Tổng giáo phận tuyên bố khu vực này thuộc quyền quản lý của mình.
Source:Rio Times
Christ the Redeemer Statue to Be Restored to Celebrate 90th Anniversary in 2021
3. Giáo Hội có thêm một vị hiển thánh và 6 Chân Phước
Hôm 28 tháng 10 vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Phong Thánh đã công bố các sắc lệnh liên quan đến các án phong hiển thánh và chân phước.
Trước tiên là sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước linh mục Giustino Maria Russolillo sinh năm 1891 và qua đời năm 1955. Ngài là vị sáng lập tu hội cầu cho ơn thiên triệu. Cha sinh năm 1891, là con thứ ba trong một gia đình khiêm hạ có mười người con ở tỉnh Napoli, nam Italia. Ngài làm cha sở tại giáo phận này, nổi tiếng về các hoạt động linh hướng và giảng thuyết. Cha qua đời năm 1955, thọ 64 tuổi.
Phép lạ được Bộ Phong thánh nhìn nhận nhờ sự chuyển cầu của chân phước Russolillo là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của một tu huynh dòng cầu cho ơn thiên triệu, người Madagascar, xảy ra tại thành phố Pozzuoli, ngày 21/4/2016. Hôm đó, người ta tìm thấy thầy nằm trên mặt đất trong phòng, mình đầy máu, bộ máy hô hấp của thầy bị tổn thương trầm trọng, và thầy được đưa vào nhà thương cứu cấp.
Cha giám tỉnh dòng cầu cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả anh em cầu nguyện với chân phước Giustino Russolillo, xin cứu chữa cho tu huynh bị thương. Ngày 18/4, một tu huynh mang ảnh chân phước có gắn thánh tích và đặt trên mình thầy bị bệnh. Hôm đó, bệnh trạng của thầy vẫn còn rất nặng nhưng đến ngày 21/4 sau đó, bệnh của thầy được cải tiến đột ngột và tu huynh ra khỏi tình trạng hôn mê, rồi được xuất viện hơn mười ngày sau đó, tức là ngày 3 tháng 5. Phép lạ này mở đường cho việc phong hiển thánh cho chân phước Russolillo.
Có hai sắc lệnh nhìn nhận hai phép lạ của hai vị nữ tôi tớ Chúa: trước tiên là bà Maria Lorenza Requenses ở Longo, người Tây Ban Nha, qua đời năm 1539 tại Napoli, thọ 76 tuổi. Vốn thuộc gia đình quí tộc, Lorenza theo chồng đến Napoli vì ông được cử làm nhiếp chính phó vương ở miền này. Sau khi chồng qua đời, Maria Lorenza đã mở bệnh viện săn sóc các bệnh nhân nan y. Khi bị bệnh nặng, bà lui về nữ đan viện Capuchine do bà sáng lập và qua đời tại đây.
Phép lạ thứ hai của nữ tu Roza Maria Czacka, người Ba Lan, sinh năm 1906 và qua đời năm 1961. Chị bị bệnh mắt hồi nhỏ và hoàn toàn bị mù từ năm 22 tuổi. Chị dấn thân giúp đỡ những người mù và thành lập trường mù tại Warsaw năm 1909. Hoạt động này dẫn chị đến đời sống tu trì và năm 1918 chị thành lập dòng Nữ tu Phan Sinh, nữ tỳ Thánh Giá, chuyên phục vụ người mù.
Có một sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai cha dòng Capuchino Leonard Melki và Thomas Saleh, thừa sai tại Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt, tra tấn và sát hại do các lực lượng an ninh của Đế quốc Ottoman, trong khoảng thời gian từ 1915 đến 1917. Thời kỳ này cũng thường được gọi là “cuộc diệt chủng người Armenia”.
Cha Melki, người Libăng đã bị những người bách hại ngài bắt phải chọn lựa: một là theo Hồi giáo thì sẽ được trả tự do, hai là chết như Kitô hữu. Cha đã từ chối bỏ đạo và cùng với 400 tín hữu Kitô, cha Melki bị đưa vào sa mạc và bị giết vì đức tin, ngày 11/6 năm 1915, cùng với Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ignatius Maloyan, người Armenia, là vị đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước hồi năm 2001.
Vị thứ hai là cha Saleh, bị bắt và kết án tử hình vì đã cho một linh mục Armeni tá túc trong thời diệt chủng Armeni ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tường thuật của dòng Capuchino ở Liban, trước khi bị hành quyết, cha nói: “Tôi hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, tôi không sợ chết”.
Sau cùng là hai sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Luigi Lenzini, bị sát hại tại Italia năm 1945, và chị Isabel Cristina Mrad Campos, giáo dân người Brazil, bị giết ngày 1 tháng 9 năm 1982, lúc 20 tuổi vì đã bảo vệ trinh tiết chống lại mưu toan hãm hiếp.
Source:Catholic News Agency
Pope Francis recognizes martyrdom of Lebanese priests killed under Ottoman Empire
4. Một nhóm bản địa từ chối rời khỏi tài sản thuộc sở hữu của Giáo Hội ở Á Căn Đình
Một nhóm người bản địa ở miền nam Á Căn Đình đã chiếm đóng trái phép một mảnh đất thuộc Giáo phận San Isidro.
Mặc dù có lệnh của tòa án yêu cầu họ rời khỏi mảnh đất này, họ đã từ chối di chuyển và thay vào đó đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô, yêu cầu ngài can thiệp.
Cộng đồng Mapuche bản địa sống ở các khu vực phía nam của Á Căn Đình và Chí Lợi. Ước tính có khoảng 200,000 người Mapuche ở Á Căn Đình, và hơn 1.7 triệu ở Chí Lợi. Một số nhóm Mapuche tìm cách thiết lập một quốc gia mới trên các vùng lãnh thổ bao gồm cả hai quốc gia.
Mặc dù vùng đất bị chiếm đóng thuộc sở hữu của giáo phận San Isidro - nằm ở khu vực gọi là Đại Buenos Aires và do Đức Cha Óscar Vicente Ojea, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục sở hữu - nhưng nó nằm ở phía nam Giáo phận Bariloche.
Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ việc chiếm đóng trái phép này, nhiều mảnh đất khác của Giáo Hội sẽ lần lượt rơi vào tay họ. Nếu ngài bác bỏ yêu sách của họ hay đơn giản là không làm gì cả, hàng loạt các nhà thờ tại Á Căn Đình và đặc biệt là tại Chí Lợi sẽ bị đốt phá.
Mặc dù bị đa số cộng đồng Mapuche lên án, các cuộc tấn công bạo lực của các thành viên Mapuche vẫn thường xuyên diễn ra ở Chí Lợi, và miền nam Á Căn Đình, đặc biệt là gần Bariloche, một khu du lịch nổi tiếng.
Source:Catholic News Agency
Indigenous group refuses to leave Church-owned property in Argentina