Thông Báo

Ơn Gọi Dòng Nữ Đa Minh Houston
Houston Dominican Sisters

Liên lạc: Sr. Catherine Teresa Duyen Anh, OP, (832) 277-4707
Email: vocation@dsmip.org
https://houstondominicans.org/


Ơn Gọi Dòng Nam Tu Xá Thánh Đa Minh

COME AND SEE: Tuần tìm hiểu ơn gọi

Đợt I: Dec 26, 2023 - Dec 29, 2023
Đợt II: May 28, 2024  - May 31, 2024

Tại Tu Xá Thánh Đa Minh
12314 Old Foltin Rd, Houston, TX 77086

Liên lạc: Cha Thomas Aquinas Trần Thiên Ân, OP, (832) 692-4761 hoặc cha Hoàng Anh, OP, (832) 283-6258

 
Quang cao giua trang 2 - TamNhatThanh
Quang cao giua trang 3 - Crawfish

72 giờ đồng hồ đầu tiên của tuần lễ dồn dập các tin tức bất lợi cho Giáo Hội – Xin cầu nguyện thêm

Chủ nhật - 17/11/2019 04:56

72 giờ đồng hồ đầu tiên của tuần lễ dồn dập các tin tức bất lợi cho Giáo Hội – Xin cầu nguyện thêm

Thế Giới Nhìn Từ Vatican
 


 

1. 72 giờ đồng hồ dồn dập các tin tức bất lợi cho Giáo Hội

Bên cạnh tin mừng là Tối Cao Pháp Viện Úc đồng ý xử lại vụ án Đức Hồng Y George Pell mà chúng tôi đã đưa tin ngay lập tức, trong 72 giờ đồng hồ trước khi chúng tôi thu hình chương trình này, trên thế giới đã dồn dập xảy ra các tin tức bất lợi cho Giáo Hội.

Tại Syria, cha Hovsep Bidoyan, người Armenia và thân phụ của ngài đã bị sát hại vào sáng ngày thứ Hai 11 tháng 11 ngay tại cửa một nhà thờ Công Giáo của người Armenia tại Deir Ezzor, một thành phố ở miền đông Syria. Cha Bidoyan, đến từ Qamishli, bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS giết chết ngay khi ngài bước vào nhà thờ.

Trong khi đó, trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai, các giám mục Công Giáo Chí Lợi, hay còn gọi là Chilê, đã bày tỏ nỗi buồn của các ngài, và thể hiện tình đoàn kết với tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Santiago, nơi một giáo xứ đã bị cướp bóc và mạo phạm.

Hôm thứ Sáu, trong khi 75,000 người tập trung tại một quảng trường gần đó để phản đối chính quyền của Tổng thống Sebastian Piñera, một số thanh niên trùm đầu, vũ trang hùng hậu đã cướp phá một nhà thờ Công Giáo ở Santiago.

Chúng xông vào nhà thờ La Asuncion, rượt đánh anh chị em giáo dân rồi vác các tượng Chúa và Đức Mẹ cũng như các biểu tượng tôn giáo khác ra đường đập phá. Sau đó chúng vác các ghế ngồi trong nhà thờ ra đốt.

Trong tuyên bố, các giám mục Chí Lợi viết rằng cuộc tấn công vào các đền thờ và nơi cầu nguyện, thể hiện sự bất kính đối với Thiên Chúa và sự tôn trọng đối với những người tin vào Ngài, và khiến chúng ta đau đớn. Đền thờ và những nơi thờ phượng khác, là những nơi linh thiêng, cần phải được tôn trọng.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, trong tuyên bố được thông tấn xã Catholic News Agency, công bố hôm thứ Ba 12 tháng 11, Đức Giám Mục Mark Seitz, của giáo phận El Paso Texas cho biết ngài đau buồn trước việc kẻ gian đột nhập vào nhà thờ Holy Spirit, đánh cắp nguyên một nhà tạm trong đó có cả Mình Thánh Chúa mới vừa được thánh hiến trong các thánh lễ Chúa Nhật.

Cha Jose Morales, linh mục chánh xứ cho biết: “Trong đêm Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai 28 tháng 10, một số kẻ gian đột nhập vào nhà thờ, gây ra các thiệt hại và lấy trộm các vật phẩm, kể cả nhà tạm đựng Mình Thánh Chúa”

“Vụ việc dẫn đến thiệt hại tài sản tương đương vài nghìn đô la,” cha Jose Morales nói . Nhưng ngài nhấn mạnh rằng khía cạnh tồi tệ nhất của cuộc tấn công là hành vi trộm cắp Thánh Thể, là vô giá. “Giáo lý Công Giáo dạy rằng Bánh và Rượu Thánh đã được thánh hiến là thân thể và máu của Chúa Kitô.”

Cha Jose khuyến khích bất cứ ai có bất kỳ thông tin nào về tội phạm này hãy liên hệ với Ty Cảnh sát Horizon. Ngài cũng yêu cầu anh chị em giáo dân phản ứng với hành vi trộm cắp này bằng lời cầu nguyện và các hình thức phạt tạ.

Giáo phận El Paso Texas đã công bố các chi tiết này sau khi cuộc điều tra của cảnh sát tỏ ra bị chựng lại.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Holy Spirit cho thấy kẻ gian xem thường các cơ quan pháp luật tại Texas. Thật vậy, mới hôm 1 tháng 10, FBI đã trao giải lùng bắt thủ phạm mưu toan đốt ba nhà thờ Công Giáo tại El Paso.

Sáng sớm ngày 7 tháng 5, khi trời còn nhá nhem tối, một người nào đó đã ném một thiết bị gây cháy nổ vào Nhà thờ Công Giáo Thánh Matthêu ở El Paso nhưng bật vào tường dội ngược trở ra làm cháy nám một đoạn đường.

Ngày 13 tháng 5, âm mưu tương tự cũng đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa St. Patrick và cũng bị thất bại.

Và vào ngày 15 tháng 6, một thiết bị gây cháy đã được ném vào Nhà thờ Công Giáo San Judas Tadeo, đốt cháy một số hàng ghế và trần nhà thờ.

Ba trường hợp đốt nhà thờ ở phía tây thành phố vẫn chưa được giải quyết, nhưng chính quyền tin rằng chúng có liên quan. Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ gọi tắt là FBI ra thông báo trao giải thưởng lên tới 15,000 Mỹ Kim cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc xác định hoặc bắt giữ thủ phạm.

Giáo phận cũng trao phần thưởng trị giá 5,000 Mỹ Kim bên cạnh phần thưởng của FBI.

2. Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles đã được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

Đức Tổng Giám Mục Gomez - vị giám mục gốc Tây Ban Nha đầu tiên đứng đầu USCCB – đã thắng cử dễ dàng trong cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp USCCB ở Baltimore vào ngày thứ Ba 12 tháng 11. Ngài sẽ kế vị Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston/Houston trong nhiệm kỳ ba năm.

Việc Đức Tổng Giám Mục Gomez trở thành chủ tịch USCCB đã được dự kiến. Ngài đã từng là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục, và các thành viên USCCB theo truyền thống đã bầu phó chủ tịch đương nhiệm trở thành chủ tịch tiếp theo.

Đức Tổng Giám Mục Allen Vintner của Detroit đã được bầu làm phó chủ tịch USCCB, trong cuộc bỏ phiếu sít sao hơn. Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Vigneron đã giành được 151 phiếu so với 90 phiếu dành cho Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, của tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Gomez, tân chủ tịch của USCCB, nổi tiếng là người bảo vệ quyền lợi của người nhập cư. Sinh tại Mễ Tây Cơ, ngài trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1995.

Được phong chức linh mục trong giáo hạt tòng nhân Opus Dei vào năm 1978, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Denver vào năm 2001. Ngài trở thành Tổng giám mục của San Antonio, Texas, vào năm 2004, sau đó là Tổng Giám Mục Phó của Los Angeles vào năm 2010. Với việc từ chức của Đức Hồng Y Mahony một năm sau đó, ngài đã đảm nhiệm chức Tổng giám mục Los Angeles. Trong 66 năm qua, Đức Tổng Giám Mục Los Angeles, tổng giáo phận có đông người Công Giáo nhất nước Mỹ, luôn nhận được mũ Hồng Y - một vinh dự chưa được trao cho Đức Tổng Giám Mục Gomez.

3. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của người viết tiểu sử Đức Phanxicô

Austen Ivereigh (sinh ngày 25 tháng 3 năm 1966) là một nhà báo, tác giả, nhà bình luận và nhà vận động Công Giáo có trụ sở tại London. Ông từng là cựu phó tổng biên tập của tờ The Tablet và sau đó là Giám đốc phụ trách công chúng sự vụ của Đức Hồng Y Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, lúc ngài còn là Tổng giám mục Westminster. Với tư cách này, ông thường xuyên xuất hiện trên các chương trình phát thanh và truyền hình để bình luận về những câu chuyện liên quan đến Giáo hội. Ông là thành viên trong Hiệp hội Lịch sử Giáo hội đương đại tại Campion Hall, Oxford.

Austen Ivereigh có những thành tích sáng chói trong việc bênh vực Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Anh, và là một trí thức Công Giáo được nhiều người kính trọng. Tuy nhiên, gần đây khi trở thành tác giả viết tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô, ông phạm những sai lầm nghiêm trọng khi đề cao một huyền thoại cho rằng các Đức Giám Mục Hoa Kỳ có chủ trương chống lại Đức Thánh Cha. Có tác giả mỉa mai cho rằng ông muốn “giành độc quyền yêu mến Đức Giáo Hoàng”, khi chụp mũ những người khác, kể cả Hội Đồng Giám Mục Mỹ, tội chống Giáo Hoàng. Huyền thoại ấy được trào lưu bài Mỹ ở Âu Châu lăng xê tới mức trên cả hai chuyến bay từ Rôma đến Maputo ngày 4 tháng Chín, và từ Antananarivo trở về Rôma ngày 10 tháng Chín, đã có các phóng viên hỏi Đức Thánh Cha về khả năng ly giáo của Giáo Hội tại Hoa Kỳ!

Sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành ra hai tuần lễ để đón tiếp các Giám Mục Mỹ về Rôma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Ngay dịp này, hôm 5 tháng 11, Austen Ivereigh tung ra cuốn sách Wounded Shepherd – Mục tử bị thương, với nhiều vu cáo chống lại các Giám Mục Mỹ.

Chính vì thế, ngày 7 tháng 11, Ông James Rogers, Giám đốc Truyền thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau đây.

Cuốn sách mới của Austen Ivereigh, Wounded Shepherd - Mục tử bị thương, tiếp tục một huyền thoại đáng tiếc và không chính xác rằng Đức Thánh Cha gặp phải sự chống đối trong hàng lãnh đạo và các nhân viên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Cách riêng, tác giả chê bai vị Tổng Thư Ký và một cố vấn cho Ủy ban về các vấn đề Giáo luật khi cho rằng các ngài đã soạn thảo các tài liệu vào tháng 10 trong đó đã cố tình phớt lờ Rôma. Điều này là sai và gây hiểu nhầm.

Vào tháng 8, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo đã bắt đầu triệu tập các giám mục để tham khảo ý kiến về các biện pháp nhằm tăng cường các chương trình bảo vệ trẻ em đã có hiệu lực từ trước và đã được ban hành thông qua Hiến chương Dallas. Đến đầu tháng 9, những cuộc tham vấn đó đã được kết tinh thành một bản dự thảo được hình thành dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường trực và với sự cộng tác của Ủy ban Giáo sĩ, Đời sống Thánh hiến và Ơn gọi, Ủy ban về các vấn đề Giáo luật và Quản trị Giáo hội, và Ủy ban về Trẻ em và Bảo vệ Thanh thiếu niên, và được hỗ trợ bởi Ủy ban Tín lý và Văn phòng Tổng Cố vấn.

Theo dự trù, các đề xuất dừng lại ở nơi bắt đầu thuộc về thẩm quyền của Tòa Thánh. Ví dụ, giống như Hiến chương [Dallas] trước đó, ủy ban giáo dân dựa trên sự tham gia tự nguyện của các giám mục, tổng hợp các báo cáo lạm dụng có thể tin được để gửi trực tiếp đến Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ liên quan đến các quy định bắt buộc báo cáo của luật dân sự. Trong khi các cuộc trao đổi ý kiến không chính thức với Tòa Thánh diễn ra vào tháng 10, chúng tôi đã hình dung rằng Tòa Thánh sẽ có cơ hội xem xét và đưa ra các điều chỉnh đối với những dự thảo một khi những tài liệu này nhận được sự đóng góp ý kiến của toàn thể các giám mục Hoa Kỳ, [vào thời điểm đó] chúng tôi nhận định rằng những sửa đổi đáng kể vẫn chưa thể diễn ra.

Quyết định của Đức Hồng Y DiNardo trì hoãn việc bỏ phiếu về các đề xuất này vào tháng 11 năm 2018 là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy ngài và anh em giám mục của ngài cộng tác và vâng phục Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố luật mới của Giáo hội phổ quát nhằm thiết lập một chương trình bảo vệ toàn cầu, Đức Hồng Y DiNardo đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp và nhanh chóng bảo đảm các đề xuất của Hội Đồng Giám Mục sẽ sẵn sàng để được bỏ phiếu vào tháng 6 năm nay và sẽ bổ sung cho chương trình của chính Đức Thánh Cha. Chương trình nghị sự tháng Sáu được đưa ra mà không có sự phản đối nào của Tòa Thánh. Vì những hành động quyết liệt của Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Giáo hội là nơi an toàn hơn cho trẻ em và người lớn trong các tình huống dễ bị tổn thương.

4. Ngôi nhà thờ giáo xứ lớn nhất nước Mỹ đang được ráo riết xây cất

Viễn kiến của Đức Cha John Thomas Steinbock đã có một bước tiến quan trọng vào hôm thứ Ba với việc khởi công xây cất cho một nhà thờ Công Giáo mới ở Visalia.

Theo các quan chức dự án, Nhà thờ St. Charles Borromeo sẽ có chỗ cho hơn 3,000 người khi được khánh thành vào mùa xuân năm 2021. Như thế, ngôi nhà thờ này là nhà thờ giáo xứ Công Giáo có sức chứa lớn nhất tại Hoa Kỳ. Ngôi nhà thờ lớn nhất hiện nay là Vương cung thánh đường Baltimore với khoảng 2,000 chỗ ngồi.

Đền thờ quốc gia ở Washington, D.C., có 10.000 chỗ ngồi.

Đức Cha Steinbock là giám mục thứ tư của Giáo phận Fresno. Ngài đảm nhận trách vụ này từ năm 1991 cho đến khi qua đời vào năm 2010.

Đức ông Raymond Dreiling, cha sở Nhà thờ Công Giáo St. Mary, ở Visalia, cho biết vào năm 2007, Đức Cha Steinbock nói với ngài rằng nhiệm vụ của ngài là xây dựng một nhà thờ giáo xứ lớn nhất Hoa Kỳ khi cha Dreiling lần đầu tiên đến Visalia.

Đức Cha Steinbock đã hợp nhất ba giáo xứ trong vùng Visalia – là các giáo xứ St. Marys, Holy Family và St. Thomas - để thành lập Giáo xứ Công Giáo Chúa Chiên Lành, như một bước để biến ngôi nhà thờ giáo xứ lớn nước Mỹ thành hiện thực.

Các giám mục kế vị Đức Cha Steinbock, là Đức Cha Armando Xavier Ochoa và hiện nay là Đức Cha Joseph Vincent Brennan, đều ủng hộ viễn kiến này.

Cha Dreiling nói vào năm 2007 Đức Cố Giám Mục đã đặt tên cho ngôi nhà thờ này là nhà thờ Thánh Charles Borromeo để tôn vinh Đức Cha Charles O’Mahony là người đã có tầm nhìn xa khi mua bất động sản này vào năm 1961.

5. Cảnh sát cho côn đồ san bằng một nhà thờ Công Giáo tại bang Punjab

Một đám đông những người Hồi giáo cực đoan đã phá hủy một bức tường và cửa trước của một nhà thờ Công Giáo ở làng Waqya Chak, quận Arifwala, thuộc bang Punjab, Pakistan. Vụ phá hủy diễn ra vào ngày 4 tháng 11 dưới con mắt của cảnh sát.

Khoảng 4 nghìn người sống trong làng. Có 70 gia đình Công Giáo, và bây giờ họ sống với nỗi đau và giận dữ. Nhà thờ được xây dựng vào năm 2007. Đây không phải là một tòa nhà thực sự, vì cộng đồng Công Giáo thường trú không có kinh phí để xây dựng một nhà thờ, mà chỉ là một mảnh đất nhỏ có rào chắn, được một thành viên trong cộng đoàn dâng tặng. Bên trong có một công trình khiêm tốn nơi các thánh lễ được cử hành và các linh mục giáo xứ của các nhà thờ gần đó đến cử hành phụng vụ trong các ngày lễ lớn của Kitô giáo.

Gần đây, anh Naseer Masih, một giáo lý viên, là người dâng tặng miếng đất này, xây nên một bức tường để tăng sự tôn nghiêm của một nơi thờ phượng. Chẳng may, những người Hồi giáo chung quanh phản đối sự hiện diện của bức tường này.

Vào ngày 4 tháng 11, 50 cảnh sát đã đến trước cổng và hỏi người Công Giáo rằng họ có bao giờ gặp vấn đề khi cầu nguyện trong nhà thờ không. Kitô hữu đã trả lời rằng họ chưa bao giờ gặp khó khăn. Cảnh sát vặn hỏi họ nếu không gặp khó khăn thì xây tường làm gì.

Trong khi đó, một đám đông gồm 60 người đã tụ tập mang theo một chiếc máy cầy và búa. Với chiếc máy cầy họ xô đổ bức tường, sau đó nhiều người Hồi giáo lao vào dùng búa đập tan bức tường. Tất cả diễn ra trước mắt cảnh sát.

6. Pachamama tiếp tục gây chia rẽ. Người ném 5 hình tượng Pachamama công khai danh tính của mình

Alexander Tschugguel, 26 tuổi, một thanh niên Công Giáo đến từ Vienna, Áo, là người đã ném năm hình ảnh Pachamama xuống sông Tiber ở Rome vào sáng 21/10.

Tschugguel tiết lộ danh tính của mình trong một video trên cùng một tài khoản Youtube đã từng công bố việc đánh cắp năm hình ảnh Pachamama từ Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina và ném xuống sông Tiber.

Tschugguel nói rằng anh ta đã hành động sau nhiều ngày cầu nguyện và suy nghĩ đã dẫn anh ta đến niềm tin rằng những hình ảnh trưng bày tại Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina là những hình ảnh ngẫu tượng đối nghịch với Điều răn thứ nhất, và những hình ảnh đó không thuộc về một nhà thờ Công Giáo.

Tschugguel giải thích việc tiết lộ danh tính là vì: “Tôi không muốn họ nghĩ rằng đó là một hành động hèn nhát.” Anh nhận mình là người chịu trách nhiệm trong vụ này. “Chúng tôi không muốn công khai việc này sớm hơn vì chúng tôi muốn chính hành động đó là điểm chính của các cuộc thảo luận, chúng tôi muốn mọi người nói về những gì đã xảy ra chứ không phải ai đã làm điều đó.”

“Tuy nhiên, bây giờ, hai tuần sau đó, tức là một tuần sau Thượng Hội Đồng Amazon. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi muốn đối mặt với họ. Chúng tôi muốn cho họ thấy có một số giáo dân như chúng tôi sẵn sàng đứng lên và chúng tôi không chấp nhận những điều như thế xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo.”

Nhiều người không đồng ý với Alexander Tschugguel, nhưng cũng có nhiều người như Đức Giám Mục Athanasius Schneider, Giáo sư Roberto de Mattei, Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò gọi thanh niên này là một “anh hùng” bảo vệ đức tin.

Tưởng cũng nên nhắc lại là khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười.

Với tư cách là Giám mục của thành Rôma, nghĩa là người đứng đầu Giáo Hội địa phương ở Thành phố vĩnh cửu, Đức Phanxicô đã gởi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi trộm cắp các bức tượng và ném chúng xuống sông.

Trong một đoạn video được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Phanxicô cho biết những bức tượng đã được trưng bày không có ý thờ ngẫu tượng trong Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nằm ở giữa đường Đại Lộ Hòa Giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng các quan chức thực thi pháp luật tại Rôma đã thu hồi những bức tượng bị vứt xuống sống và đang giữ chúng tại một đồn cảnh sát.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu là diễn biến mới nhất trong một bộ phim dài gần cả tháng xung quanh các bức tượng này. Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong một buổi cầu nguyện của người bản địa vào ngày 4 tháng Mười được tổ chức trong khu vườn của Vatican trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng.

7. Pachamama tiếp tục gây chia rẽ. Linh mục Mễ Tây Cơ tổ chức lễ đền tạ và đốt hình nộm Pachamama

Video trong đó một linh mục của Tổng giáo phận Mexico City tập hợp anh chị em giáo dân đọc kinh phạt tạ “tội lỗi thờ ngẫu tượng” tại Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, và đốt các hình nộm Pachamama – tức là các hình ảnh người phụ nữ mang thai khỏa thân của người bản địa Amazon, đã lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông.

Cha Hugo Valdemar Romero, cựu phát ngôn viên của Tổng giáo phận Mexico, đã nói với giới truyền thông rằng ngài bị thúc đẩy phải dẫn dắt cộng đoàn của mình cầu nguyện phạt tạ, và đốt hình nộm của Pachamama, vì các tai tiếng và nỗi đau gây ra bởi các hành vi thờ ngẫu tượng nghiêm trọng, được thực hiện tại Vatican trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

“Nhiều tín hữu cảm thấy rất đau khổ và tức giận. Họ nhìn hàng giáo sĩ chúng tôi và yêu cầu chúng tôi làm điều gì đó để thể hiện thái độ của chính chúng tôi đối với việc thờ ngẫu tượng và cầu xin Chúa tha thứ cho rất nhiều những hành vi báng bổ và phạm thánh. Vì vậy, tôi quyết định thực hiện những hành vi đền tạ này,” ngài nói.

Khi được hỏi liệu ngài có lo lắng trước các phản ứng bất lợi của hàng giáo phẩm địa phương hay không khi đốt những hình nộm Pachamama này, Cha Valdemar Romero cho biết cho đến nay, ngài không thấy ai phản đối, nhưng ngài sẵn sàng trả lời cho hành động của mình.

“Tôi chưa nhận được bất kỳ sự kiểm duyệt nào, và dĩ nhiên tôi sẵn sàng trả lời cho hành động của mình. Những hành động này, tuy nhiên, không nằm ngoài luật pháp của Thiên Chúa hay giáo luật. Tôi không sợ bởi vì tôi cảm thấy được Chúa bảo vệ và đặc biệt là Đức Mẹ Guadalupe, tôi sẽ luôn bảo vệ Danh dự của Đức Mẹ.”

Vị linh mục đã đối chiếu Pachamama với Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu của Đức Mẹ Guadalupe, khi Mẹ hiện ra với Thánh Juan Diego trên đồi Tepeyac ở Mễ Tây Cơ năm 1531.

“Tôi đã nói chuyện với một nhà trừ tà ở Mexico City, là người đã nói với tôi rằng hình dáng của Pachamama là một sự nhạo báng Đức Trinh nữ Guadalupe.”

Cha Valdemar Romero giải thích thêm:

“Đức Maria của chúng ta, Santa Maria de Guadalupe xuất hiện trong hình ảnh linh thánh của một phụ nữ mang thai. Mẹ chuẩn bị hạ sinh Chúa Giêsu, Ánh sáng của thế gian và là Thiên Chúa duy nhất, là cùng đích duy nhất của cuộc đời chúng ta. Mẹ đến với tư cách là Người phụ nữ của Sách Khải huyền, được bao bọc dưới ánh mặt trời và với mặt trăng dưới chân Mẹ”.

“Ngược lại, Pachamama này sắp sinh ra một sinh vật màu đỏ, là màu của quỷ và sinh vật đó không khác gì một ‘giáo hội mới’ – trong ngoặc kép. ‘Giáo hội’ này được sinh ra bởi thượng hội đồng vừa kết thúc – và được gọi là ‘giáo hội với khuôn mặt của người Amazon’ có các nghi thức chính thống, nhưng đang thúc đẩy khái niệm nữ phó tế và các linh mục đã kết hôn, tất cả đều trái với giáo lý Công Giáo và truyền thống của Giáo hội”.

8. Hội đồng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ biến một nhà thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo

Hội đồng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định biến Nhà thờ cổ Thánh Savoir Chora thành một đền thờ Hồi giáo.

Kitô hữu chính thống và Công Giáo sợ rằng quyết định này có thể tạo tiền lệ cho Hagia Sophia, cũng đang bị đe dọa biến đổi từ một bảo tàng viện thành một nhà thờ Hồi giáo.

Nhà thờ Thánh Saviour of Chora được xây dựng vào thế kỷ thứ năm, và nằm ở quận Edirnekapı phía tây Istanbul. Đó là một trong những nơi tuyệt vời nhất của nghệ thuật Byzantine, và đến nay vẫn bảo tồn các bức tranh khảm và bích họa. Năm 1511, ngôi nhà thờ bị đế quốc Ottoman cướp khỏi tay Giáo Hội Công Giáo và chuyển thành đền thờ Hồi giáo.

Mustafa Kemal Atatürk được coi một vị “cha già dân tộc”, là người đã khai sáng ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế cho đế quốc Ottoman, là người quyết liệt chống lại ý tưởng về một thứ “nhà nước Hồi Giáo”. Ông chủ trương một sự tách biệt lành mạnh giữa Hồi Giáo và nhà nước.

Vì thế, năm 1945 ngôi nhà thờ được chuyển thành bảo tàng viện cho đến ngày hôm nay.

Vương cung thánh đường Thánh Sophia, là một tòa nhà hùng vĩ được Đại đế Justiniô xây cất vào năm 535, cũng bị sử dụng làm nhà thờ Hồi giáo sau khi Constantinople sụp đổ. Nhưng với sự ra đời của chính phủ thế tục Thổ Nhĩ Kỳ, ngôi nhà thờ đã được chuyển thành bảo tàng viện vào năm 1935.

Sau cuộc đảo chính vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, mà đến giờ phút này nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả, do chính Erdogan dựng lên, Tổng thống Recep Erdogan đã thâu tóm vào trong tay rất nhiều quyền hành. Tính chất thế tục, biệt lập với Hồi Giáo của chính quyền Erdogan mai một nhanh chóng.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Erdogan đã đến cầu nguyện tại Hagia Sophia vào ngày 14 tháng 4, 2017, cùng với các nhà hoạt động Hồi giáo, là những người luôn lập luận rằng tòa nhà này là một đền thờ Hồi giáo.

Nguồn tin: Vietcatholic:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giờ Lễ
CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ

GIỜ LỄ CUỐI TUẦN

-       Thứ Bảy: 7:00 PM (thay cho Chúa Nhật)
-       Chúa Nhật: 8:00 AM & 10:00 AM

GIỜ LỄ NGÀY THƯỜNG

Thứ Hai – Thứ Sáu:
-       6:30 PM Kinh Mân Côi
-       7:00 PM Thánh lễ
Thứ Bảy:
-       8:00 AM Thánh lễ 

CHẦU THÁNH THỂ

Thứ Sáu Đầu Tháng  ngay sau Thánh lễ 7:00 PM
Chúa Nhật Đầu Tháng lúc 1:10 PM dành cho các em trong Trường Thánh Don Bosco.


THÔNG TIN LIÊN LẠC
 

CHA CHÁNH XỨ

Fr. Hoàng Thanh Sơn, O.P.
Office: (602) 395-0421
Cell: (346) 812-7106
 

CHA PHÓ XỨ

Fr. Nguyễn Hoàng Anh, O.P.   
Phone: (832) 283-6258

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây