Phối hợp với Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin gởi đến quý vị và anh chị em những hình ảnh chuẩn bị cho việc đón tiếp Đức Thánh Cha tại Bangkok.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi tổng dượt lại các lễ nghi chào đón Đức Thánh Cha tại Hoàng Cung Thái Lan trước sự hiện diện của Công Chúa Sirindhorn. Công Chúa này là em ruột của nhà vua. Bà sinh năm 1955, tức là nhỏ hơn nhà vua 3 tuổi. Công Chúa Sirindhorn thường được người Thái gọi là “Phra Thep”, tức là vị Công Chúa Thiên thần vì tính tình bà hiền lành. Bà có bằng tiến sĩ về giáo dục.
Chúng tôi thấy trong buổi tổng dượt này có Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan là Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, 70 tuổi, người Nam Hàn; và đông đảo các thành viên trong ngoại giao đoàn.
Theo chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có cuộc gặp gỡ với nhà vua Maha Vajirusongkorn tức là vua “Rama thứ 10” tại Cung điện Hoàng gia vào lúc 5 giờ chiều. Cuộc tiếp kiến này được ghi là cuộc tiến kiến riêng. Nhưng cảnh tổng dượt này khiến chúng tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ được tiếp đón rất trọng thị.
Các tham dự viên trong cuộc tổng dượt này còn hát cả quốc ca Thái. Như thế, Đức Thánh Cha chắc sẽ được tiếp đón rất long trọng.
Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Vua Thái được coi là Nguyên thủ quốc gia, Thống soái Lực lượng Vũ trang Hoàng gia, là người bảo hộ Phật giáo và người đứng đầu các tôn giáo.
Thái có một luật đặc biệt cấm không ai được phê bình nhà vua hay hoàng tộc. Luật này gọi là lèse-majesté, hay luật “khi quân”. Ai vướng vào tội này có thể bị tù tội rất nặng.
Vị vua hiện tại của Thái Lan là ông Vajiralongkorn (tức là vua Rama X) lên ngôi kể từ tháng 10 năm 2016. Theo hiến pháp, nhà vua được ban cho khá ít quyền lực, nhưng vẫn là người đứng đầu và là một biểu tượng quốc gia của Thái Lan. Mặc dù quyền lực Nhà vua Thái Lan trên lý thuyết chỉ mang tính biểu tượng, nhưng tiếng nói của Quốc vương có ảnh hưởng rất lớn với nền chính trị, truyền thống kính trọng nhà vua của người dân Thái Lan đã tạo nên cho Nhà vua uy quyền khó ai bì kịp.
Theo Hiến pháp ngày 24 tháng 8 năm 2007, Quốc hội Thái Lan là Quốc hội lưỡng viện. Hạ viện gồm 480 ghế và Thượng viện gồm 150 ghế. Tuy nhiên Hiến pháp 2007 đã bị bãi bỏ bởi cuộc đảo chính năm 2014, những người đảo chính sau đó đã điều hành đất nước như là một chế độ độc tài quân sự.
Chính phủ: bao gồm 36 thành viên gồm 3 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và 11 Thứ trưởng. Ngoài ra còn có một số Ủy ban của Chính phủ được lập ra để phối hợp thực hiện các chính sách chung.
Kể từ tháng 5 năm 2014, Thái Lan đã được cai trị bởi một chính quyền quân sự - Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan, trong đó bãi bỏ một phần hiến pháp 2007, tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc và ra lệnh giới nghiêm, cấm hội họp chính trị, bắt và giam giữ các nhà hoạt động chính trị chống cuộc đảo chính, áp đặt kiểm duyệt internet và nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông.
Sáng thứ Năm, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Thái Lan tại chùa Wat Ratchabophit vào lúc 10g sáng. Những hình ảnh quý vị và anh chị em xem thấy đây là vua Thái và Hoàng hậu Suthida vừa kết thúc cuộc viếng thăm ngôi chùa này.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là nhà thờ giáo xứ thánh Phêrô.
Theo chương trình, lúc 10g sáng thứ Sáu 22 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại ngôi nhà thờ này.
Lúc 11g, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các Giám mục Thái Lan và các Giám Mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại Đền thờ Chân phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thái Lan hiện có 14 Giám Mục trong đó có hai vị Hồng Y, đó là Đức Hồng Y Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám Mục Bangkok và Michael Michai Kitbunchu, năm nay đã 90 tuổi là Tổng Giám Mục nghỉ hưu của Bangkok.
Theo ban tổ chức, khoảng 200 Giám Mục Thái Lan và trong vùng sẽ có mặt tại Bangkok trong dịp này.
Vị linh mục mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Cha Andres Felipe Jaramillo, người Colombia đang truyền giáo tại Thái Lan.
Để giúp Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha trên toàn thế giới hiểu bài hát chủ đề được viết cho chuyến viếng thăm Thái Lan, cha đã dịch bài “Hãy để tình yêu là một nhịp cầu từ tiếng Thái sang tiếng Tây Ban Nha”.
Còn đây là hình ảnh sân vận động quốc gia của thủ đô Bangkok nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ vào chiều ngày thứ Năm 21 tháng 11 vào lúc 6 giờ chiều.
Một ngày sau đó, vào lúc 5g chiều thứ Sáu 22 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ với những người trẻ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo tại Thái gồm hai giáo tỉnh là Giáo tỉnh Bangkok với Tổng giáo phận Bangkok và 5 giáo phận là các Giáo phận Chanthaburi, Chiang Mai, Nakhon Sawan, Ratchaburi, Surat Thani; Giáo tỉnh Thare – Nonseng với Tổng giáo phận Thare – Nonseng, và 3 giáo phận là Nakhon Ratchasima, Ubon Ratchathani và Udon Thani.
Tổng cộng Giáo Hội tại Thái Lan có 436 giáo xứ được coi sóc bởi 662 linh mục.