1. Một vị tử đạo Tiệp đã cười tươi như hoa trước khi chết
Án tuyên thánh cho một linh mục Công Giáo bị cả Đức Quốc xã và cộng sản bỏ tù đã tiến được một bước đáng kể với sự kết thúc giai đoạn ban đầu tại giáo phận.
Cha Adolf Kajpr là một linh mục dòng Tên và là một nhà báo đã bị giam trong trại tập trung Dachau sau khi xuất bản một tạp chí Công Giáo chỉ trích Đức Quốc xã. Đặc biệt, một số phát hành vào năm 1939 đã có một trang bìa mô tả Chúa Kitô chiến thắng cái chết được thể hiện bằng các biểu tượng của chủ nghĩa Quốc xã.
Năm năm sau đó, khi mới được giải phóng khỏi trại Dachau, vào năm 1945, Cha Kajpr đã bị bắt lần thứ hai bởi bọn cầm quyền cộng sản ở Praha và bị kết án 12 năm trong một trại kiên giam, từ chuyên môn gọi là gulag, vì viết những bài viết cộng sản cho là “nổi loạn”.
Trong 24 năm làm linh mục, cha Kajpr đã bị bỏ tù hơn 12 năm. Ngài mất năm 1959 trong một bãi lầy ở Leopoldov, Slovakia.
Giai đoạn cấp giáo phận về án tuyên thánh cho cha Kajpr được hoàn thành vào ngày 4 tháng Giêng. Đức Hồng Y Dominik Duka đã dâng một thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Ignatius ở Praha để đánh dấu sự kiện này.
“Adolf Kajpr biết ý nghĩa của việc nói sự thật và những hậu quả của nó,” Đức Hồng Y Duka nói trong bài giảng của ngài.
Cha Vojtěch Novotný, phụ tá cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Cha Kajpr, nói rằng hồ sơ điều tra của giáo phận đang được gửi đến Rôma bao gồm các tài liệu lưu trữ, lời khai cá nhân và các hồ sơ đã được Vatican thu thập để đánh giá xem liệu cha có phải đã chết như một vị tử đạo hay không.
“Tôi đã hiểu lý do tại sao các vị thánh Kitô Giáo thường được vẽ với vầng hào quang trên đầu: các ngài tỏa ra ánh sáng của Chúa Kitô, và những tín hữu khác bị thu hút trước ánh sáng của họ,” Cha Vojtěch Novotný viết.
Cha Kajpr sinh năm 1902 tại nơi ngày nay là Cộng hòa Tiệp. Khi ngài mới lên 4 tuổi, cha mẹ ngài lần lượt qua đời trong vòng một năm, để lại Kajpr mồ côi. Một người cô đã nuôi dạy Kajpr và các anh trai của ngài, giáo dục họ theo đức tin Công Giáo.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Kajpr buộc phải bỏ học và làm người học việc của một thợ nấu rượu ở tuổi thiếu niên. Sau khi hoàn thành hai năm nghĩa vụ quân sự trong quân đội Tiệp ở tuổi đôi mươi, ngài ghi danh vào một trường trung học ở Praha do Dòng Tên điều hành.
Kajpr ghi danh vào tập viện Dòng Tên năm 1928 và được thụ phong năm 1935. Ngài phục vụ tại giáo xứ Thánh Ignatius ở Praha bắt đầu từ năm 1937 và dạy triết học tại trường thần học của giáo phận.
Từ năm 1937 đến năm 1941, ngài là biên tập viên của bốn tạp chí. Các ấn phẩm Công Giáo của ngài đã thu hút sự chú ý của Gestapo. Chúng đã liên tục theo dõi ngài vì các bài báo cho đến khi cuối cùng ngài bị bắt vào năm 1941.
Kajpr đã trải qua nhiều trại tập trung của Đức Quốc xã, từ Terezín đến Mauthausen và cuối cùng đến Dachau, nơi ngài ở lại cho đến khi trại này được giải phóng vào năm 1945.
Khi trở về Praha, Cha Kajpr tiếp tục công việc giảng dạy và xuất bản. Trong các ấn phẩm định kỳ, ngài lên tiếng chống lại chủ nghĩa vô thần, và vì thế ngài đã bị bắt và bị buộc tội viết bài “nổi loạn”, chống bọn cầm quyền cộng sản. Ngài bị kết tội phản quốc năm 1950 và bị kết án 12 năm tù.
Theo cha phụ tá cáo thỉnh viên, những người bạn tù của Kajpr đã làm chứng rằng vị linh mục đã dành thời gian trong tù cho các hoạt động mục vụ bí mật, cũng như cho việc giáo dục các tù nhân về triết học và văn học.
Cha Kajpr chết trong bệnh viện nhà tù vào ngày 17 tháng 9 năm 1959, sau khi bị hai cơn đau tim. Một nhân chứng cho biết tại thời điểm qua đời, ngài đã cười vì một câu nói đùa.
Bề trên Tổng quyền Dòng Tên đã chấp thuận mở nguyên nhân phong chân phước cho Kajpr vào năm 2017. Giai đoạn cấp giáo phận của tiến trình chính thức bắt đầu vào tháng 9 năm 2019 sau khi Đức Hồng Y Duka nhận được sự đồng ý của giám mục tổng giáo phận nơi Cha Kajpr qua đời ở Slovakia.
Source:Catholic News Agency
‘A martyr who died laughing’: Cause of priest imprisoned by Nazis and communists advances
2. Giáo Hội tại Malta cấm các linh mục tu sĩ tham gia một nhóm cầu nguyện
Sau cuộc điều tra kéo dài 5 tháng về các cáo buộc thao túng tâm lý và tâm linh, hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, Giáo Hội tại Malta đã đưa ra phán quyết cấm các linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia một nhóm cầu nguyện.
Một tuyên bố ngày 8 tháng Giêng của Hội đồng Giám mục Malta cho biết Tổng giáo phận Malta và Giáo phận Gozo đã quyết định cắt đứt quan hệ với nhóm Komunità Ġesù Salvatur, nghĩa là Cộng đồng các tín hữu của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Malta, một quốc đảo ở Địa Trung Hải với dân số 494,000 người, chỉ có hai giáo phận Công Giáo. Người Công Giáo chiếm khoảng 94% dân số.
Trong video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, phát ngôn viên của tổng giáo phận Malta cho biết các linh mục và tu sĩ không được phép tham gia các cuộc họp do cộng đồng này tổ chức; và nhóm này bị cấm sử dụng nhà thờ hoặc nhà nguyện Công Giáo và giáo dân không được tham dự các sự kiện của cộng đồng này.
Theo truyền thông địa phương, Giáo hội đã tiến hành một cuộc điều tra vào tháng 7 sau khi các thành viên cũ cáo buộc nhóm này tham gia vào việc kiểm soát hành vi.
Vào ngày 12 tháng 7, Tổng giáo phận Malta thông báo rằng họ đã tách mình ra khỏi cộng đồng này. Cộng đồng có một trang Facebook được gần 4,000 người theo dõi.
Tuyên bố nêu ra bốn lý do cho quyết định của Giáo hội.
Trước hết, cộng đồng đã đưa ra “cách giải thích Kinh thánh cực đoan trong các cuộc nói chuyện và các cuộc họp”.
Thứ hai, tuyên bố lập luận rằng nhóm đã thể hiện “khuynh hướng Neo-Gnostic và Neo-Pelagian, nghĩa là Tân Ngộ Đạo và Tân Pelagiô”. Thuyết Ngộ Đạo cho rằng người ta có thể đạt đến ơn Cứu Độ nếu có một nhận thức nhất định về Thiên Chúa. Thuyết Pelagiô cho rằng con người tự mình có thể hoàn thiện vì Thiên Chúa không thể thử thách con người những gì là không thể. Cả hai thuyết này đều bác bỏ hay đánh giá thấp vai trò của ân sủng Chúa trong hành trình hướng đến ơn Cứu Độ.
Cộng đồng đã trình bày “một sự hiểu biết thiếu sót về đau khổ cứu chuộc, một cách giải thích không đúng các văn bản Kinh Thánh, một thái độ méo mó đối với những người phải đối mặt với những tình huống thử thách khác nhau trong cuộc sống và việc rao giảng phúc âm thịnh vượng.” Nói cách khác các thành công hay thất bại về kinh tế, các rủi ro hay may mắn trong cuộc đời được cộng đồng này xem là chỉ dấu cho thấy một người có ân nghĩa với Chúa hay không.
Tuyên bố nói thêm: “Cộng đồng chấp nhận một nền giáo hội học bị bóp méo và do đó một nền thần học thiếu sót về sự cứu rỗi: một sự phân chia rõ rệt giữa người được chọn và những người bị lên án; những người tin và những người không tin; những người ‘hành động bình tĩnh’ và tuân theo mệnh lệnh của Cộng đồng so với những người không làm thế.”
Thứ ba, tuyên bố nói rằng nhóm đã có “sự hiểu biết không đúng đắn” về mối quan hệ giữa “các phẩm trật trong Giáo Hội và đặc sủng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.”
Thứ tư, họ nói rằng “các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng tâm lý và tinh thần” đã làm hỏng các hoạt động của cộng đồng.
Source:Catholic News Agency
Catholic Church in Malta confirms break with ‘closed cult community’ after investigation
3. Muốn bảo vệ chiên hãy có gan đối diện với chó sói
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ cuối cùng của Đức Cha Raúl Vera López của giáo phận Saltillo trước khi ngài chính thức giao giáo phận lại cho vị tân Giám Mục.
Đức Cha Vera, dòng Đa Minh, là người nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Muốn bảo vệ chiên hãy có gan đối diện với chó sói.”
Ngài giải thích như sau “Có những bất công mà chúng ta không thể chấp nhận được”, và trong những trường hợp như thế “đừng là những Kitô hữu thờ ơ. Thế nào là Kitô hữu thờ ơ? Thưa: là những người không dám cất lên tiếng nói của mình trước những bất công, dối trá và man rợ”.
Đức Cha Vera tròn 75 tuổi vào tháng 6 vừa qua, và theo giáo luật, ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào tháng 11, Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của ngài. Người kế vị của ngài, là Đức Cha Hilario González García của giáo phận Linares, sẽ nhận tòa vào giữa tháng Giêng.
Mùa thu năm nay, ngài đã nhiễm coronavirus, nhưng may mắn thoát chết. Suy tư về 33 năm giám mục của ngài, Đức Cha giải thích tại sao ngài luôn sẵn sàng lên tiếng trước những bất công.
“Từ Phúc âm, Giáo Hội dạy cách chúng ta nhìn chính trị, cách chúng ta nhìn nền kinh tế. Nếu bạn đề xuất một lối sống theo Phúc âm, bạn phải thật sự sống đề xuất ấy trong mọi sự và bạn không thể sống nửa vời. Tôi luôn đối đầu với mọi thứ. Khi tôi phải lên tiếng chống lại bạo lực, tôi đã lên tiếng. Và khi cần chống lại tham nhũng, tôi đã lên tiếng. Người mục tử phải chăm sóc đàn chiên của mình và để làm điều đó phải dám đối đầu với chó sói.”
Những lời bình luận của Đức Cha Vera từ lâu đã khiến các chính trị gia và giới tinh hoa địa phương tức giận. Họ tấn công ngài trên các phương tiện truyền thông và không quyên góp cho giáo phận. Năm 2014, một nhóm không hài lòng đã treo một biểu ngữ trước nhà thờ lớn ở Saltillo. Biểu ngữ ấy viết: “Chúng tôi muốn có một giám mục Công Giáo.”
Hồng Y Norberto Rivera Carrera của Thành phố Mexico thậm chí còn đến Saltillo để rửa tội cho đứa con của một cựu thống đốc có mâu thuẫn với Đức Cha Vera. Một giám mục lân cận từng cấm Đức Cha Vera cử hành thánh lễ tại một khu mỏ bị sập khiến 65 công nhân thiệt mạng.
Vào năm 2012 lễ kỷ niệm 25 năm Đức Cha Vera làm giám mục, đã không có giám mục Mễ Tây Cơ nào tham dự. Không phải vì các Giám Mục không đồng ý với ngài. Nhưng e rằng những chuyện không may có thể xảy ra.
Những lời chỉ trích cuồng nhiệt của Đức Cha Vera về các chủ đề gây tranh cãi như tham nhũng, nhân quyền hoặc bạo lực ở Mễ Tây Cơ đã trở thành tin tức quốc gia và được đáp lại bằng những lời dọa giết từ các băng đảng buôn bán ma túy và cả từ phía nhà cầm quyền, khiến ít ai dám lui tới với ngài.
Source:Crux
To care for the sheep, confront the wolf, says retired Mexican bishop