1. Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, giáo chủ Công Giáo Ba Lan sẽ được tuyên phong Chân Phước vào ngày 7 tháng 6, 2020
Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, là người cố vấn và là bạn thân thiết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sẽ được tuyên Chân Phước vào ngày 7 tháng 6 năm 2020 trong một buổi lễ được tổ chức tại Quảng trường Pilsudskiego ở Warsaw. Đức Hồng Y Kazimierz Nycz, Tổng Giám Mục Warsaw tuyên bố như trên hôm Thứ Hai.
Buổi lễ tuyên Chân Phước sẽ được Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh chủ sự.
Tưởng cũng nên nhắc lại Đức Thánh Cha đã ký sắc lệnh công nhận một phép lạ do lời cầu bầu của vị Tân Chân Phước sau một cuộc họp vào hôm 2 tháng Mười với Đức Hồng Y Angelo Becciu, tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh. Tòa Thánh đã chính thức công bố tin tức này vào hôm thứ Năm 3 tháng 10.
Phép lạ liên quan đến sự chữa lành của một thiếu nữ 19 tuổi bị bệnh ung thư tuyến giáp vào năm 1989. Cô gái trẻ nhận được chẩn đoán của các bác sĩ là bệnh tình của cô không thể nào chữa khỏi, và cô không còn sống được bao lâu. Một nhóm các nữ tu Ba Lan bắt đầu cầu nguyện cho sự chữa lành của cô nhờ sự cầu bầu của Đức Hồng Y Wyszynski, là người cũng đã chết vì ung thư 8 năm trước đó.
Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết cô gái trẻ đã được lành bệnh gần như tức khắc. Các khối u đột nhiên biến mất mà Y khoa không thể giải thích được. Mọi người đều tin là phép lạ, nhưng Giáo Hội tại Ba Lan đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 30 năm qua để chứng minh rằng đây là một phép lạ diễn ra tức khắc, triệt để và khối u không quay trở lại.
2. Hội Đồng Giám Mục Ba Lan xin Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Tiến Sĩ Hội Thánh
Nhân ngày lễ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hôm 22 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki của Poznan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã gửi thỉnh cầu này lên Đức Thánh Cha.
Đức cha Gadecki nói với hãng tin Zenit: “Triều đại Giáo hoàng của vị Giáo hoàng từ Ba Lan có nhiều quyết định đột phá và những sự kiện quan trọng đã thay đổi cái nhìn về chức vị Giáo hoàng và ảnh hưởng đến tiến trình của lịch sử châu Âu và thế giới.” Theo Đức Tổng Giám Mục, thánh Gioan Phaolô II là gương mẫu của sự thánh thiện và lãnh đạo, giống như các vị bổn mạng khác của châu Âu, như hai thánh Cirillo và Metodio. Ngài giữ vai trò quan trọng trong việc thống nhất châu Âu.
Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, nguyên tổng giám mục Krakow và cũng là thư ký riêng của thánh Gioan Phaolô II, ủng hộ đề nghị này và nhận định: “Di sản của Giáo hoàng Wojtyla là một tổng hợp phong phú, linh hoạt và sáng tạo nhiều con đường suy tư của con người. Không nghi ngờ rằng nó vẫn còn, và trong một thời gian dài sẽ vẫn là một dự án đổi mới văn hóa quan trọng và toàn diện trên phạm vi toàn cầu”.
Đức Hồng Y mô tả thánh Gioan Phaolô vừa hiện đại vừa cổ điển. Qua sự cân bằng truyền thống này, thánh nhân mang đến cho cuộc sống của Giáo hội một luồng khí thở trong lành, và qua nó, đến với những không gian rộng lớn hơn của văn hóa, chính trị và khoa học, được hiểu cách rộng rãi. Và theo nghĩa này, “thánh Giáo hoàng trở thành một thầy dạy thực sự và Tiến sĩ của Giáo hội và một người gìn giữ các giá trị của châu Âu, là nền tảng không thể xóa nhòa của nền văn minh hiện đại”
3. Đức Thánh Cha Phanxicô âu lo về những gì đang xảy ra ở Chí Lợi.
Phát biểu trong buổi triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha nói: “Tôi hy vọng rằng, bằng cách chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực, đối thoại sẽ được sử dụng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng và đối phó với những khó khăn đã tạo ra các cuộc biểu tình này, vì lợi ích của toàn dân.”
Bạo loạn, tấn công đốt phá và đụng độ dữ dội đã tàn phá Chí Lợi trong hơn một tuần qua. Chính phủ loan báo số người chết đã lên đến 15 người trong một biến động gần như làm tê liệt quốc gia Nam Mỹ này.
Tình trạng bất ổn đã bùng lên vào tuần trước khi chính phủ tuyên bố tăng giá vé tàu điện ngầm. Sự tức giận bùng lên với những yêu cầu cải thiện về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tiền lương.
Tổng thống Sebastian Pinera đã công bố một chương trình kêu gọi tăng mức lương một cách khiêm tốn cho người có thu nhập thấp nhất và tăng thuế đối với những người giàu nhất khi ông tìm cách làm dịu các cơn giận dữ trên đường phố.
Khoảng một nửa trong số 16 khu vực của Chí Lợi vẫn nằm trong tình trạng khẩn cấp và một số nơi quân đội đã ra lệnh giới nghiêm.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha có lẽ không có mấy tác dụng. Giáo Hội Chí Lợi đã bị tổn thương rất trầm trọng vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Nhưng cần phải nói ngay rằng những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ không nhất thiết tương ứng với quy mô của những vụ lạm dụng. Thật thế, trước thềm chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến quốc gia này hồi tháng Giêng năm ngoái, người ta nói nhiều về những tai tiếng này khiến nhiều người nghĩ rằng có rất nhiều giáo sĩ Chí Lợi mắc vào tội ác này. Không đúng. Ngày thứ Tư 10 tháng Giêng, 2018, vài ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, báo chí rộ lên một thống kê của một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ tên là BishopAccountability.org chuyên săn lùng các Giám Mục nào “bao che” tội ác này của các linh mục thuộc quyền và đưa các ngài ra tòa. Thống kê của tổ chức cố gắng lôi ra hết các giáo sĩ Chí Lợi phạm vào tội ác này từ thời xa xưa cho đến nay cũng chỉ đưa ra được 80 vị, trong đó có những vị tòa chưa có phán quyết. Thống kê này bao gồm cả những vị làm việc mục vụ tại Chí Lợi nhưng không phải là người Chí Lợi như linh mục Jeremiah Healy, người Ái Nhĩ Lan, linh mục Cornell Bradley, người Mỹ và linh mục Richard Joey Aguinaldo, người Phi Luật Tân.
Theo niên giám Tòa Thánh năm 2016, Chí Lợi có 2251 linh mục (1137 linh mục triều và 1114 linh mục dòng), 1091 phó tế vĩnh viễn, 1906 nam tu sĩ không có chức linh mục và 4048 nữ tu. Các vị chăm sóc mục vụ cho 952 giáo xứ thuộc 5 tổng giáo phận, 19 giáo phận, 2 miền Phủ Doãn Tông Tòa và một giáo phận của quân đội.
4. Vụ giáng chức Thứ Phi Sineenat Wongvajirapakdi có liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Thứ Phi Sineenat Wongvajirapakdi, nay chính xác phải gọi là cô Niramon Ounprom, là tên khai sinh của cô, đã bị tước mất chức Thứ Phi và mọi cấp bậc trong quân đội, vì các mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt với hoàng hậu Suthida trong đó có những vấn đề liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha. Tờ Khao Sod (ข่าวสด) nghĩa là “Tin Mới Nhất” cho biết như trên hôm 25 tháng 10.
Theo dự trù, lúc 7g tối thứ Ba 19 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok.
Lúc 12:30 trưa thứ Tư 20 tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha sẽ đến Terminal 2. Terminal 2 của sân bay Bangkok được dành cho không quân Thái Lan. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Hoàng Gia Thái Lan được ghi là một cuộc tiếp kiến riêng chứ không phải là một cuộc tiếp kiến chính thức. Có lẽ, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không được hưởng cùng một mức độ danh dự ngoại giao như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm 35 năm trước trước đó. Nhiều quan sát viên cho rằng hy vọng nhà vua và hoàng hậu sẽ ra tận sân bay đón Đức Thánh Cha vượt quá một kỳ vọng hợp lý.
Khi còn được nhà vua sủng ái, cô Niramon đã đến phong quân hàm Trung tướng không quân. Với tư cách này, cô có thể sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô nếu nhà vua và hoàng hậu không có mặt trong cuộc đón tiếp này.
Cô Niramon được mô tả là người hoạt bát, có bằng cử nhân về Y tá, đã từng tốt nghiệp phi công tại Đức trước khi được đào tạo thành phi công lái máy bay chiến đấu trong Không lực Hoàng gia Thái.
Trong thông báo về việc cách chức Thứ Phi và mọi cấp bậc trong quân đội của cô, Quốc vương Maha Vajirusongkorn nói cô đã lạm dụng danh nghĩa ông để đưa ra các sắp đặt theo ý kiến riêng của mình không chỉ liên quan đến các lễ tiết ngoại giao, mà còn cả trong hoàng cung. Có lẽ điều này đã khiến hoàng hậu không hài lòng.
Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người đàn bà đã kết thúc với việc Thứ Phi Sineenat bị đánh xuống hàng thứ dân. Thực ra, tình trạng của cô còn tệ hơn một thứ dân, Niramon bị giam lỏng trong hoàng cung không được tự do đi lại.
5. Dân chúng Syria lũ lượt chạy trốn quân Thổ Nhĩ Kỳ
Thông tấn xã CNS của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết các cơ quan bác ái tại Iraq bày tỏ lo ngại về tình hình thường dân Syria phải bỏ nhà cửa lánh nạn trước cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria. Họ nói rằng khi lệnh ngừng bắn sắp hết hạn, họ đang chứng kiến ngày càng nhiều người tị nạn chạy trốn vào Iraq trong khi những người khác bị mắc kẹt trong nước giữa lằn tên mũi đạn.
Chỉ trong 24 giờ của ngày 24 tháng 10, 1,736 người Syria đã tràn qua biên giới vào Iraq. Đó là con số người tị nạn cao nhất vượt biên giới trong một ngày kể từ khi bắt đầu chiến dịch xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Karl Schembri thuộc Hội đồng Tị nạn Na Uy cho biết.
Ibrahim Barsoum, một viên chức làm việc cho Chương trình Trợ giúp Kitô hữu ở Bắc Iraq, đã mô tả tình trạng người tị nạn trong một cuộc gọi điện thoại với thông tấn xã CNS từ Dahuk, một tỉnh ở miền bắc Iraq.
Ông cho biết “Những người tị nạn đi cùng với những kẻ đưa lậu người qua biên giới hoặc tự mình tìm đường vượt qua biên giới vào ban đêm, và lực lượng an ninh người Kurd ở Iraq đã tiếp nhận họ. Nhiều người trong số họ cần hỗ trợ ngay lập tức và khẩn cấp. Thực phẩm và nhu cầu cơ bản cho mùa đông như chăn và thậm chí là quần áo. Họ không có thứ gì. Họ bỏ mọi thứ sau lưng chạy để giữ mạng sống của mình và con cái. Đó thật là một bi kịch.”
Caritas Đức, cơ quan viện trợ bác ái của Giáo Hội Công Giáo Đức, nói với CNS:
“Người dân rất sợ hãi trước tình hình này. Họ tràn sang miền bắc Iraq ngày càng nhiều vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ, và cả bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang tấn công họ”. Một phụ nữ 23 tuổi ở Hassakeh, Syria, nói với Hội đồng tị nạn Na Uy: “Người ta đến từ khắp mọi nơi - Hassakeh, Kobane, Qamishli - nhưng chỉ những người có tiền mới có thể vượt qua biên giới. Mọi người phải trả rất nhiều tiền, đôi khi 500 Mỹ Kim mỗi người.”
Cô nói thêm: “Những người nghèo không thể đi, và bị mắc kẹt ở Syria.”
Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ đang lên kế hoạch đón nhận đến 50,000 người tị nạn Syria chạy trốn vào miền bắc Iraq trong những tháng tới.
6. Một nửa ngôi làng Hồi Giáo cải đạo sang Công Giáo trong cùng một ngày
Thông tấn xã Asia News của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, cho biết 67 người, trong đó có 6 trẻ sơ sinh, đã trở thành Kitô hữu, tại Kointail, một ngôi làng trong khu vực giáo xứ Bhutahara, thuộc Giáo phận Rajshahi.
Giáo xứ được lãnh đạo bởi Cha Emilio Spinelli, một nhà truyền giáo PIME, cùng với Cha Swapan Martin, là cha phó của ngài.
Cả 67 người được nhận phép Rửa Tội trong cùng ngày Chúa Nhật Truyền Giáo.
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho ngôi làng này đón nhận phép Rửa Tội trong 17 năm qua,” cha Swapan nói với AsiaNews. “Ban đầu chỉ có một gia đình được rửa tội. Sau đó chúng tôi, các linh mục, nữ tu và giáo lý viên dần dần chiếm được cảm tình của mọi người, cho đến nay 12 gia đình, tức là một nửa ngôi làng đã chào đón Chúa Giêsu Kitô là Chúa của họ.”
Cha Swapan lưu ý rằng để “chiếm được cảm tình của dân chúng, chúng tôi không chỉ dạy Kinh Thánh, nhưng còn sống, cầu nguyện và ăn uống với họ. Tôi thực sự rất vui khi được rửa tội cho những người này.”
Ngày nay giáo xứ Bhutahara bao gồm 40 ngôi làng và có khoảng 4,000 thành viên. Nhà nguyện, làm bằng thiếc và đất, ở Kointail cách đó khoảng 22 km.
Cha Swapan cho biết thêm rằng “20 gia đình khác đã nói với chúng tôi rằng họ muốn được rửa tội trong tương lai”.