Nạn móc túi tăng nhanh một cách đáng báo động tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức
Giới hữu trách đã lên tiếng cảnh giác các tín hữu hành hương sau một loạt các báo cáo về những hành vi trộm cắp đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng quan ngại tại một đền Thánh nổi tiếng nhất ở Pháp, là Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Các khách hành hương được nhắc nhở thận trọng hơn về tư trang của họ.
Pierre Aurignac, một công tố viên địa phương, nói với thông tấn xã AFP rằng thị trấn này đã có “một thống kê bùng nổ” về nạn vụ móc túi. Cho đến nay, ông cho biết, chỉ mới chín tháng đầu năm đã có 274 vụ móc túi được báo cáo, so với 117 vụ trong năm 2018.
Hầu hết các vụ móc túi xảy ra trên các đường phố gần đền thờ, chung quanh các cửa hàng bán các mặt hàng như tràng hạt, ảnh tượng, và nước Lộ Đức.
Ông Philippe Subercaze, một quan chức phụ trách an ninh thành phố cho biết thêm: “Những kẻ móc túi dân chuyên nghiệp được tổ chức rất chặt chẽ,”.
“Chúng đến từng đợt và luôn thay đổi. Ngay khi một tên bị nhận diện hoặc bị bắt, chúng thay ngay bằng những tên khác. Đó là một trò chơi mèo và chuột,” ông nói với tờ The Telegraph.
Kể từ năm ngoái, chính quyền dân sự Lộ Đức đã lắp đặt khoảng 50 camera quan sát và các quan chức của Giáo hội đã thiết lập thêm nhiều camera giám sát gần đền thờ.
Đền thờ Lộ Đức tập trung quanh một hang đá ở chân núi Pyrenees, là một dãy núi ngăn cách Tây Ban Nha và Pháp. Tại hang đá này, Thánh Bernadette Soubirous, con gái đầu lòng của một người thợ xay bột nghèo, đã được Đức Trinh Nữ Maria hiện ra vào năm 1858.
Từ lần xuất hiện đầu tiên của Đức Mẹ với sơ Bernadette Soubirous, nước từ hang đá Lộ Đức đã là một nguồn chữa lành kỳ diệu, cả cho những người đã đến thăm Lộ Đức lẫn những người đã sử dụng nước này ở những nơi xa xôi. Kể từ thời sơ Bernadette đến nay, hơn 7,000 trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng đã được báo cáo cho Ủy ban Y Khoa Lộ Đức bởi những người hành hương viếng thăm thánh địa này. Con số 7,000 phép lạ này không bao gồm những phép lạ đã xảy ra bên ngoài Lộ Đức.
Từ năm 1883 đến nay, chỉ có 70 trường hợp được công nhận là “phép lạ” theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của Ủy ban Y Khoa Lộ Đức.
Bác sĩ Alessandro di Franciscis, giám đốc Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:
“Một trường hợp khỏi bệnh được công nhận là phép lạ nếu nó diễn ra tức khắc, bệnh tật được chữa khỏi vĩnh viễn, và không thể giải thích được về mặt khoa học”.
70 trường hợp được Ủy ban Y Khoa Lộ Đức xác nhận đã được kiểm tra bởi một số lượng lớn các bác sĩ và các nhà khoa học, và không một trường hợp nào có thể gây ra tranh cãi.
Giáo sư Sarah Goldingay của Đại Học Exeter, một thành viên trong Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:
“Điều này không có nghĩa là 7,000 trường hợp khác không phải là các phép lạ. Những trường hợp này chỉ đơn giản là chúng tôi không có các phương tiện điều tra đến nơi đến chốn như các bệnh nhân ở quá xa, hay người ta có thể giải thích ít nhiều một cách khoa học mặc dù sự lành bệnh là tức khắc, và thật sự là ngoại thường”.
Theo số liệu chính thức, hơn 770,000 người đã đến thăm ngôi đền vào năm ngoái, nhưng chính quyền địa phương tin rằng con số này cao hơn nhiều, và lưu ý rằng một số người hành hương không ở lại trong một thời gian dài.
Ông Subercaze cảnh báo mọi người nên thận trọng. Đền thờ Lộ Đức được biết đến với phép lạ và sự hoán cải tâm linh, nên mọi người có thể có một cảm giác an toàn sai lầm.
Nhiều người nghĩ rằng khi họ đến Lộ Đức, không có gì mất an ninh có thể xảy ra và họ lơ là với các túi xách của mình hơn so với ở Paris.