Cuộc đời của hai thánh Behnam và Sarah được ghi lại trong Biên niên ký được viết bởi một tu sĩ cư ngụ tại Edessa, ngày nay là Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ vào trong thế kỷ 12. Theo Biên niên ký này, Công chúa Sarah và anh là Hoàng tử Behnam, sống vào thế kỷ thứ Tư đã được chữa lành khỏi bệnh phong hủi bởi thánh Mátthêu thành Qaraqosh bên cạnh một con suối kỳ diệu. Sau khi được chữa lành xác thịt, thánh nhân cũng đã rửa tội cho họ.
Vua cha Nimrud Sinharib Đệ Nhị đã tức điên lên khi biết con theo đạo. Trong lúc điên cuồng, nhà vua đã cho quân giết Công chúa Sarah và Hoàng tử Behnam, cùng với 40 người hầu của họ.
Hoàng hậu Sirin đã bí mật cho đào một đường hầm dài 7 km từ hoàng cung đến nơi các con bà tử đạo, để bà có thể đi và khóc con mình. Khi nhà vua khám phá, ông xúc động và đưa toàn dân theo đạo thánh Chúa. Ông cũng cho xây tại nơi các con mình tử đạo nhà thờ và tu viện kính hai thánh Behnam và Sarah.
Thánh Tám, năm 2014, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm được thành phố Qaraqosh của Iraq. Chúng gây ra các tàn phá kinh hoàng và vẽ bậy bạ lên các bức tường như quý vị và anh chị em có thể thấy đây.
Sau khi thành phố Mosul được hoàn toàn giải phóng vào ngày 10 tháng Bẩy, 2017, các nỗ lực tái thiết nhà thờ và tu viện gần đó đã được ráo riết tiến hành, và đã thành công. Nhân Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hôm thứ Năm 15 tháng Tám vừa qua, các tín hữu đã vui mừng đón Đức Tổng Giám Mục Petros Mouche của Mosul, và các linh mục từ khắp nơi đến tái thánh hiến ngôi thánh đường lịch sử này.
Đức Tổng Giám Mục Mouche đã thánh hiến một bàn thờ mới của nhà thờ. Bàn thờ cũ đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS đốt cháy. Sau khi cải tạo và xây dựng lại, nội thất của nhà thờ đã được sơn màu trắng, che hết các hình vẽ bậy bạ và những vết cháy do bọn khủng bố gây ra.
Tất cả những người tham dự đều bày tỏ vui mừng trước sự hồi sinh đang diễn ra của cộng đoàn các tín hữu vùng Qaraqosh.
“Cộng đồng của chúng tôi giờ đây có khoảng 800 gia đình,” cha George Jahola nói với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn hôm 15 tháng Tám.
“Vào năm 2014, khi chúng tôi bỏ lại nhà thờ và nhà cửa của mình để chạy giặc. Thành phố này có khoảng 50,000 cư dân Kitô giáo,” Cha Jahola bùi ngùi nói.
“Bây giờ dân số Kitô giáo trong thành phố đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước đây. Khoảng 26,000 Kitô hữu đã trở lại Qaraqosh,” Cha Jahola nói thêm.
Qaraqosh, nếu hiểu theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì có nghĩa là “con chim đen”. Đó là ý mỉa mai của người Thổ. Nguyên nghĩa, Qaraqosh cần phải được hiểu là “vùng đất Chúa ban.”
Trong thời gian chiếm đóng, Nhà nước Hồi giáo đã mạo phạm các nhà thờ ở Qaraqosh. Trong một số trường hợp, chúng viết các hướng dẫn chiến đấu trên tường nhà thờ. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết nhà thờ Thánh George của Công Giáo nghi lễ Syria đã bị biến thành một nhà máy chế tạo bom và được sử dụng làm kho lưu trữ các nguồn cung cấp hóa chất chết người để tạo ra các vũ khí hóa học. Trong khi đó, nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội đã bị sử dụng làm trường bắn trong nhà. Một số nhà thờ khác bị chúng đặt bom đánh sập.
“Nhà thờ hai thánh Behnam và Sarah đã bị cháy nám đen và tháp chuông đã bị phá hủy. Nhưng chúng tôi không bao giờ ngừng mơ ứớc rằng nhà thờ của chúng tôi sẽ được xây dựng lại đẹp như thuở nào,” Cha Jahola nói, biểu lộ niềm vui trước thực tại trước mắt là ngôi nhà thờ ngày nay đã được gần như trước đây.
Thánh lễ Giáng sinh đã được cử hành tại nhà thờ vào tháng 12 năm 2018 trong khi nhà thờ vẫn còn đang được tái thiết. Tháp chuông đã được xây dựng lại vào đầu năm 2019.
Theo Cha Jahola các tín hữu đã bắt đầu dự án tái thiết ngay cả trước khi thành phố Mosul, và đồng bằng Nineveh được giải phóng, khi họ còn là những người tị nạn tại thành phố Erbil. Họ đã làm việc cật lực để tái xây dựng lại các ngôi nhà và cộng đồng của mình.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã được đánh bại khỏi Mosul vào tháng Bẩy, năm 2017, và thị trấn cuối cùng còn lại của chúng tại Syria đã sụp đổ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu chạy trốn khỏi cuộc tấn công của ISIS vào năm 2014 đã không dám trở về nhà của họ ở Mosul và vùng Nineveh.
Mặc dù các vùng lãnh thổ bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã biến mất, các mối đe dọa an ninh đối với các Kitô hữu và người Yazidis trong khu vực vẫn còn. Theo ước tính của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, có tới 15,000 quân IS vẫn còn lẩn trốn đây đó.
Kitô giáo đã có mặt ở đồng bằng Nineveh và vùng Kurdistan của Iraq kể từ thế kỷ thứ nhất, ngay từ thời các thánh Tông Đồ. Nhiều cộng đoàn ngày nay vẫn còn dùng tiếng Aramaic là ngôn ngữ chính Chúa Giêsu đã nói khi xuống thế làm người.