1. Chính thống Eritrea: Giám mục cung đình trục xuất Đức Thượng Phụ đáng kính
Trong một diễn biến bi đát, 5 Giám Mục trong Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea đã trục xuất Đức Thượng Phụ Abune Antonios, người được toàn dân kính ngưỡng, khỏi Giáo Hội Chính Thống Giáo tại quốc gia này. Cho đến nay, ngài là vị Thượng Phụ duy nhất của Giáo Hội Chính Thống Eritrea được Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống trên thế giới nhìn nhận.
Eritrea là quốc gia Phi Châu nằm dọc theo bờ biển phía tây nam của Biển Đỏ. Kitô Giáo đã có mặt tại đây ít nhất là vào thế kỷ thứ 4 khi vương quốc Kitô giáo Aksum phát triển mạnh ở vùng mà ngày nay là Eritrea và Ethiopia. Vương quốc bắt đầu suy tàn vào thế kỷ thứ 7 sau cuộc xâm lược của người Hồi giáo, nhưng một phần dân số Eritrea vẫn luôn là người Kitô giáo.
Tổng thống Eritrea hiện nay là ông Isaias Afwerki, sinh ngày 2 tháng Hai năm 1946. Ông Afwerki là một người vô thần, được đào tạo tại Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập với Ethiopia. Mặt trận Giải phóng Nhân dân Eritrea của ông được tổ chức rập khuôn “giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc”, đã chiến thắng trong cuộc nội chiến nhằm tách ra khỏi Ethiopia vào năm 1991. Đây cũng là lực lượng trấn áp thẳng tay các thành phần đối lập, giúp ông ngồi vững trên ngai vàng trong suốt 28 năm qua. Thành tích nhân quyền của Eritrea thường xuyên được xếp hạng trong số những quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới.
Về phương diện tôn giáo, bắt chước Trung Quốc, Afwerki đã xen mình vào nội bộ Chính Thống Giáo Eritrea. Sau khi Đức Thượng Phụ Abune Yacob qua đời vào ngày 2 tháng 12 năm 2003, Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea đã bầu Đức Giám Mục Abune Antonios của Hamasiye làm Thượng Phụ. Ngài thường xuyên chỉ trích các thành tích nhân quyền tồi tệ của chính phủ. Tháng 8 năm 2005, Afwerki truất phế ngài, quản thúc tại gia, và chỉ định giáo dân Yoftahe Dimetros làm lãnh đạo Chính Thống Giáo Eritrea, y hệt như giáo gian Lưu Bách Niên lãnh đạo “Công Giáo yêu nước” Trung Quốc.
Các Giáo hội Chính thống Đông phương khác cũng như Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục công nhận Đức Thượng Phụ Antonios là nhà lãnh đạo chính thức.
Tháng Tư vừa qua Đức Thượng Phụ Antonios thuê người làm một cuốn phim tài liệu về Chính Thống Giáo Eritrea dưới triều đại giáo gian Yoftahe Dimetros. Cuốn phim chưa hoàn thành đã bị bại lộ.
Trong tuyên bố vừa được đưa ra, 5 trong 6 Giám Mục của Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Eritrea (thường được gọi mỉa mai là các Giám Mục cung đình, nô bộc của chế độ) nói rằng các hoạt động gần đây của Đức Thượng Phụ đã khiến họ nhận ra rằng “sự ăn năn của ông không phải là chân thật” nên họ quyết định trục xuất ông.
“Tên của ông không bao giờ được nhắc đến và ghi nhớ và những người vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”, tuyên bố nói thêm.
Chính thống giáo chiếm khoảng 30% trong số 4.9 triệu dân của Eritrea. Khoảng 60% dân số là người Hồi giáo Sunni, 5% là người Công Giáo và 2% theo Tin lành. Chính thống Eritrea có khoảng 1,500 nhà thờ, 22 tu viện và 15,000 linh mục.
2. Một phụ nữ Công Giáo thành công trong hoạt động tông đồ ngông cuồng xưng mình là Thiên Chúa
Maman Pauline, thành viên của ủy ban điều phối các hoạt động tông đồ của giáo phận Yopougon, là một phụ nữ Công Giáo rất nổi tiếng tại Bờ Biển Ngà. Cô sáng lập nhóm cầu nguyện Công Giáo Maria Rosa Mystica, nghĩa là Đức Maria Hoa Hồng Mầu Nhiệm, từ năm 2002. Maria Rosa Mystica cũng là một tổ chức bác ái rất mạnh tại quốc gia này.
Các buổi cầu nguyện do Maman Pauline “chủ sự” lôi kéo hàng chục ngàn người là chuyện bình thường. Trong hơn một thập niên qua, cô lôi cuốn được rất nhiều người trở lại đạo Công Giáo.
Tuy nhiên, các thành công vang dội đã khiến cô mất dần lòng khiêm nhường. Từ một người phụ nữ ăn mặc giản dị, Maman Pauline, ngày nay thường được nhìn thấy trong trang phục áo dài trắng, khoác bên ngoài một áo choàng trắng rất quý phái và đeo vương miện như một nhân vật quyền quý trong hoàng gia, và được bao quanh bởi một đội ngũ vệ sĩ hùng hậu.
Cô cũng “chế ra” nhiều thủ tục khác lạ. Trước các buổi cầu nguyện, các tín hữu được yêu cầu tắm rửa để “tẩy trần” trong một hồ bơi và tham dự các nghi lễ trừ tà.
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi vào tháng Tư vừa qua một thành viên trong nhóm cầu nguyện của cô là bà Adjoua nói trong một cuộc phỏng vấn với RTI, một đài truyền hình quốc gia, rằng “Maman Pauline là Thiên Chúa và đã cứu Bờ biển Ngà nhờ ánh sáng của cô.”
Trước khi trở lại đạo Công Giáo, Adjoua từng là một phù thủy, đã giết chết nhiều người. Bà nói Maman Pauline đã cứu rỗi linh hồn bà.
Sau đó, trong nhiều phóng sự truyền hình của RTI và các phương tiện truyền thông khác, một số thành viên trong nhóm Maria Rosa Mystica nói cô Maman Pauline đã bảo họ rằng cô là Thiên Chúa, và họ…cũng tin như vậy.
Câu chuyện này tương tự như câu chuyện của một người phụ nữ Công Giáo khác, tên là Parfaite, ở Benin, cũng thuộc Tây Phi, là người tự xưng mình là Chúa Kitô xuống thế làm người lần thứ hai. Bà Parfaite sau đó đã thành lập một giáo hội của mình, lôi cuốn nhiều người Công Giáo bỏ đạo theo bà.
Yannick Kouamé, một lãnh đạo Công Giáo địa phương, đã thách thức giáo phận Yopougnon tuyên bố một cách rõ ràng và dứt khoát để Giáo hội không thể bị đưa ra làm trò cười một lần nữa như đã xảy ra tại Benin.
Cha Marius Hervé Djadji, một nhà thần học tín lý, đã lặp lại những mối quan tâm này.
“Nếu Maman Pauline này là một người Công Giáo, cô ta nên khiêm tốn và thẳng thắn tố cáo những tuyên bố dị giáo như vậy. Nếu cô ấy im lặng, thì cô ấy ủng hộ điều đó.”
Ngài cảnh báo rằng các tín hữu Công Giáo trong giáo phận nên tránh các buổi cầu nguyện được nhóm này tổ chức hai lần trong một tuần.
“Qua sự hiện diện của anh chị em, anh chị em đang gieo rắc những nghi ngờ về đức tin của anh chị em vào Chúa Ba Ngôi. Hãy coi chừng những người xưng mình là tín hữu Công Giáo, nhưng lại làm ô nhiễm đức tin của anh chị em.”
Trước tình huống nghiêm trọng này, vào ngày 18 tháng Tư, Đức Cha Salomon Lezoutié đã ra lệnh đình chỉ các hoạt động của nhóm này.
Tuy nhiên, Đức Cha Bruno Kouamé – năm nay 91 tuổi, là Giám mục hiệu tòa Abengourou - đã công khai ủng hộ Maman Pauline, là người mà ngài đã rửa tội và ban phép thêm sức.
Đức Cha Bruno Kouamé thường xuyên tham dự các buổi cầu nguyện của nhóm và mô tả lệnh đình chỉ đối với Maria Rosa Mystica là “rất nguy hiểm”.
“Maman Pauline tập hợp được rất nhiều người. Giáo Hội Công Giáo nên dỗ dành Maman Pauline để những người theo cô vẫn gắn bó với Giáo Hội.”
Đức Cha Salomon Lezoutié đã ra một tối hậu thư cho Maman Pauline phải làm rõ vấn đề trên chính đài truyền hình RTI.
Thiệt là may. Ngày 4 tháng Tám vừa qua, Maman Pauline đã tuân thủ tối hậu thư của đấng bản quyền.
“Công việc của tôi là giúp đỡ những người lân cận của mình,” cô nói trên truyền hình.
“Chính Đức Maria là người đặt tôi ở vị trí đó, chính Đức Mẹ là người làm mọi việc. Đức Trinh Nữ Maria là mẹ của tôi và là mẹ của mọi người. Và thế giới phải biết điều đó.”
“Tôi luôn đặt Chúa Giêsu và Đức Mẹ trước tôi. Đức Maria và hài nhi Giêsu của Mẹ là trên hết, và tôi chỉ là thứ yếu.” Cô khẳng định thêm rằng mình sẽ không bao giờ lìa xa khỏi Giáo Hội Công Giáo.
Trong cuộc họp báo ngày 8 tháng Tám, Cha Patrick Ossein, Giám Đốc Truyền Thông của giáo phận Yopougon đã công bố kết luận của cuộc điều tra do giáo phận thực hiện từ tháng Tư đến nay.
“Chúng tôi đã nghe Maman Pauline, các nhà lãnh đạo cộng đồng cũng như những người của chương trình truyền hình, và chúng tôi đã đi đến kết luận rằng Maman Pauline đã không bảo Adjoua tuyên bố như thế, và cô ấy nói với chúng tôi rằng cô ấy không biết tại sao Adjoua lại làm như vậy.”
Giáo phận đã cho phép nhóm này tái hoạt động, nhưng thành lập các cơ chế giám sát các hoạt động của nhóm và lãnh đạo của nhóm để chặn đứng ngay bất kỳ biểu hiện sai trái nào.
Đức Cha Salomon Lezoutié cũng đã yêu cầu Maman Pauline ngừng sử dụng vệ sĩ, mà theo ngài là một hình thức phô trương không phù hợp với người làm việc tông đồ.
3. Tin rất buồn: Người Công Giáo đã gần biến mất tại Iraq
Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê ở Erbil nói với tờ National Review rằng người Công Giáo đã gần biến mất khỏi Iraq.
Vào đêm mùng 6 tháng Tám năm 2014, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã càn qua vùng đồng bằng Nineveh ở miền bắc Iraq, khiến hơn 120,000 Kitô hữu phải sống lưu vong ở Kurdistan. Năm năm sau, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại, và các biện pháp ổn định khu vực đã được đề ra.
Theo Đức Tổng Giám Mục Warda, cho đến nay, 40,000 Kitô hữu đã trở về quê hương của họ, tái lập lại chín thị trấn lịch sử của Kitô giáo trong vùng. Một số lớn những người tị nạn đã di cư sang Âu Châu và Hoa Kỳ. Một con số nhỏ hơn vẫn tiếp tục sống trong các trại tị nạn ở Erbil.
Một số người tị nạn đã quay về cố hương trong vùng đồng bằng Nineveh, nhưng rồi họ lại quay trở lại các trại tị nạn ở Erbil sau khi mùa màng của họ bị đốt phá, và gia đình họ nhận được các truyền đơn hăm dọa từ các tiểu tổ ISIS nằm vùng vẫn còn lén lút hoạt động trong khu vực.
Tính chung trong tổng số 40 triệu dân Iraq hiện nay, 69% dân số theo Hồi Giáo Shiite. Chỉ có khoảng 30% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, đó không phải là tình hình tại Mosul. Tuyệt đại dân chúng trong thành phố này theo Hồi Giáo Sunni. Chính vì thế, sau khi giải phóng được Mosul, lực lượng PMF của Hồi Giáo Shiite không bị giải giới nhưng vẫn hoạt động mạnh trong vùng với ý đồ thanh lọc tôn giáo tại Mosul và khu vực chung quanh. Cả các tín hữu Kitô lẫn người Hồi Giáo Sunni đều trong tầm ngắm của họ. Tuy nhiên, các tín hữu Kitô có lẽ là mục tiêu dễ nuốt hơn.
Trước thềm cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào năm 2003, Kitô hữu có khoảng 1.5 triệu người. Ngày nay, chỉ còn lại 1/6 con số này.
Đức Tổng Giám Mục Warda nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một phần của một “chu kỳ bạo lực nhắm vào các Kitô hữu ở Trung Đông được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt 1,400 năm qua.”
Từ đầu thời kỳ Hồi giáo vào thế kỷ thứ Bảy, Kitô hữu và những người không theo đạo Hồi khác “đã được khoan dung ở mức độ nào đó, phụ thuộc vào phán xét và ý thích của nhà cầm quyền địa phương. Nói chung, các Kitô hữu có được khoan dung hay không phụ thuộc vào cường độ của tinh thần thánh chiến thịnh hành vào từng thời điểm cụ thể.”
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng ngay cả trong thời Hoàng Kim, kéo dài từ thứ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 14, là thời kỳ có nhiều học giả Công Giáo nghi lễ Chanđê và Syria, và được đánh dấu bằng cuộc đối thoại Hồi giáo - Kitô giáo phong phú, chưa bao giờ có chuyện bình đẳng giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo.”
4. Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh giác về ý thức hệ độc tài đồng tính
Từ một hiện tượng bất thường, trào lưu đồng tính tại Ba Lan không chỉ dừng lại ở việc buộc xã hội phải chấp nhận đó là một chuyện bình thường mà các nhà hoạt động đồng tính còn muốn tiến xa hơn trong việc coi đó là một “chuẩn mực” của xã hội. Thay đổi sách giáo khoa, sa thải những người không chấp nhận “chuẩn mực” mới, tấn công các nhà thờ là các biểu hiện tiêu biểu của một ý thức độc tài muốn thay đổi tận gốc xã hội.
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cảnh cáo ý thức hệ độc tài về đồng tính này trong lá thư ngày 8 tháng 8, 2019. Toàn văn như sau:
Bất kể những ngày nghỉ, lẽ ra phải là thời gian nghỉ ngơi và suy ngẫm về vẻ đẹp của thiên nhiên do Thiên Chúa tạo thành, các cuộc tranh luận đang dấy lên ở Ba Lan về “ý thức hệ LGBT” (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới). Điều này có lẽ liên quan đến bầu khí tấn công của các nhóm LGBT và sự gia tăng đáng kể số lượng các cuộc tuần hành gọi là “tự hào” được tổ chức ở nước ta, song song với việc giới thiệu các chương trình giảng dạy mới của trường học về một cách tiếp cận mới liên quan đến giáo dục giới tính, phù hợp với ý thức hệ này, được một số chính quyền địa phương lên kế hoạch thực hiện sau kỳ nghỉ hè này.
Những người thuộc nhóm được gọi là thiểu số về tính dục này là anh chị em của chúng ta, là những người Chúa Kitô đã hiến mạng sống của Người cho họ và là những người mà Chúa cũng muốn cứu độ. Tuy nhiên, việc tôn trọng các cá nhân được nêu trên không thể dẫn đến sự chấp nhận một ý thức hệ muốn thay đổi tận gốc các phong tục xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân. “Cuộc nổi loạn về phong tục và đạo đức này – như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh - thường vẫy những ‘lá cờ tự do’, nhưng thực tế, nó đã mang đến sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số con người, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất” (Vatican, 17/11/2014).
Do đó, tôi kêu gọi các chính quyền địa phương đừng đưa ra các quyết định - dưới chiêu bài chống phân biệt đối xử - để che giấu một ý thức hệ phủ nhận sự khác biệt giới tính tự nhiên và sự bổ sung giữa người nam và người nữ. Tôi cũng kêu gọi các nghị sĩ chống lại các kế hoạch sâu rộng của trào lưu LGBT, nhằm mục đích thay đổi luật pháp Ba Lan để giới thiệu cái gọi là hôn nhân đồng tính và khả năng nhận con nuôi của họ.
Làn sóng chỉ trích đã ảnh hưởng đến Tòa Thị Chính Krakow, các trường Đại Học, cũng như phản ứng của các chủ nhân đối với những người thể hiện thái độ không tán thành ý thức hệ LGBT. Điều đó chứng minh tính chất độc tài toàn trị của ý thức hệ bắt nguồn từ những người đồng tính, bao gồm việc loại bỏ những người có suy nghĩ khác mình. Do đó, tôi kêu gọi tất cả những người có thiện chí hãy áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thảo luận công khai không chỉ với những người ủng hộ ý thức hệ đã nêu mà còn phải cho phép các đối thủ của mình có quyền bình đẳng để tranh luận.
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki
Thủ đô Poznań
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan
Warsaw, ngày 8 tháng 8 năm 2019
5. Pakistan: Hàng ngàn các thiếu nữ Công Giáo bị bắc cóc, cưỡng ép kết hôn và cải đạo sang Hồi giáo
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về hoàn cảnh của các thiếu nữ Kitô, và thậm chí là của cả các trẻ em gái ở Pakistan.
“Mỗi năm ít nhất một ngàn cô gái bị bắt cóc, hãm hiếp và buộc phải chuyển sang đạo Hồi, thậm chí bị buộc phải cưới những kẻ hành hạ họ,” Tabassum Yousaf, một luật sư Công Giáo Pakistan là một thành viên của cộng đồng Thánh Egidio, cho biết như trên.
Để thu hút sự chú ý về vấn đề này, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã tổ chức một cuộc họp báo ở Karachi vào hôm thứ Năm 8 tháng Tám, với sự tham dự của Đức Hồng Y Joseph Coutts và một số nhà lãnh đạo Hồi giáo.
Hiện tượng bắt buộc cải đạo sang Hồi Giáo nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số tại Pakistan, đặc biệt là Kitô hữu và người Ấn giáo.
Tháng 7 vừa qua, một cô gái Kitô giáo 14 tuổi đã bị bắt cóc ở Lahore và buộc phải kết hôn với kẻ bắt cóc mình. Cảnh sát sau đó đã thông báo cho cha mẹ cô rằng một giấy chứng nhận cải đạo đã được cấp cho cô. Trong trường hợp như thế, cô gái không thể quay trở lại là một Kitô hữu vì cô sẽ vướng vào tội bội giáo của Hồi Giáo, là tội bị tử hình tại Pakistan.
Mặc dù luật pháp Pakistan hiện hành quy định tuổi kết hôn hợp pháp là 16 đối với các cô gái, trong thực tế luật này không được áp dụng. Các luật gia và các nhà hoạt động nhân quyền cũng đang cổ vũ cho việc nâng tuổi kết hôn hợp pháp thành 18, nhưng họ gặp phải ngàn trùng những khó khăn.
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng đang ủng hộ các biện pháp bảo vệ pháp lý tốt hơn chống lại các vụ bắt cóc và cưỡng bức cải đạo. Gia đình của các nạn nhân thường phải đối mặt với một trận chiến khó khăn tại tòa án khi truy tố thủ phạm trước tòa.
Cuộc họp báo vào thứ Năm diễn ra chỉ vài ngày trước khi Pakistan cử hàng Ngày Dân tộc thiểu số, vào Thứ Bảy, 11 tháng Tám.
Bà Yousaf, luật sư Công Giáo, nói phương Tây và phương tiện truyền thông quốc tế “có thể làm được rất nhiều trong việc bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan.”
Ông Sardar Mushtaq Gill, một luật sư Kitô giáo nổi tiếng và là một nhà hoạt động nhân quyền ở Pakistan, nói với tờ Quan Sát Viên Rôma về cuộc sống của các Kitô hữu ở nước này như sau:
“Cuộc sống của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan được đánh dấu bằng bạo lực, phân biệt đối xử, và việc chà đạp các quyền cơ bản của con người. Đó là một vấn đề có tính hệ thống mà, và có nguồn gốc từ xa xưa trong lịch sử, trong thế giới quan, và văn hóa địa phương. Chính phủ cần được nhận thức về thực tế này và hành động phù hợp, để bảo vệ những công dân Pakistan không theo đạo Hồi và đề cao nhân quyền, công lý và tự do cho tất cả mọi người.”
6. Lần đầu tiên quan chức chính phủ Sri Lanka thừa nhận trách nhiệm vụ tấn công khủng bố sáng Chúa Nhật Phục sinh
Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Sri Lanka hôm 7 tháng Tám, Thủ tướng Wickremeinghe thừa nhận trách nhiệm của chính phủ trong các cuộc tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh
Thủ tướng Sri Lanka nói với Ủy ban Điều Tra của Quốc hội: “ Các quan chức an ninh của tôi không được thông báo.” Khoảng 263 người đã chết trong các cuộc tấn công vào ngày 21 tháng 4. Ông giải thích rằng Tổng thống Sirisena đã không mời thủ tướng tham dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia kể từ tháng 10 năm 2018.
Tuy nhiên, Thủ tướng Sri Lanka, Ranil Wickremeinghe nói trước Ủy ban Điều Tra của Quốc hội rằng chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, vì sự thất bại không hành động trước các tin tình báo và phản ứng lúng túng của các cơ quan thi hành pháp luật trong ngày Chúa Nhật Phục sinh đẫm máu vừa qua.
Ông Wickremeinghe lưu ý rằng lần cuối cùng ông tham gia một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia là vào tháng 10 năm 2018. Từ đó trở đi, Tổng thống Maithripala Sirisena không còn mời ông tham gia. Sirisena cũng loại trừ Tổng Thanh tra Cảnh sát, Pujith Jayasundara khỏi các cuộc họp này.
Trong cuộc họp báo hôm mùng 4 tháng Tám, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám mục của Colombo, cho biết ngài đã từ chối gặp bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào cho đến khi các báo cáo điều tra liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố vào hôm Chúa Nhật Phục sinh được công bố.
Trước đó, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith đã cáo buộc chính phủ “không có xương sống”, cứ đổ qua đổ lại cho nhau, không ai chịu nhận trách nhiệm và yêu cầu chính phủ nên từ chức.
Ngài nói rằng có một nỗ lực rõ ràng nhằm che giấu sự thật vì tất cả những người có trách nhiệm vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng.
“Chúng tôi không muốn chính phủ hoặc các chính trị gia sử dụng biến cố bi thảm này để giành lợi thế trong cuộc bầu cử, nhưng chúng tôi muốn thấy một quốc gia đoàn kết và có hành động thích hợp để ngăn chặn những việc như thế có thể xảy ra trong tương lai. Đó là những gì chúng tôi mong đợi,” ngài nói.
7. Cộng sản Trung Quốc loại bỏ các từ ngữ như Chúa và Kinh Thánh khỏi các sách dành cho trẻ em
Đốt sách chôn nho là một chủ trương tại Trung Quốc vào đời nhà Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên, năm 213 trước Chúa Giáng Sinh, thừa tướng của ông này là Lý Tư đã đề nghị Tần Thủy Hoàng dập tắt tự do ngôn luận nhằm thống nhất các chính kiến và tư tưởng bằng cách đốt hết tất cả các sách và chôn sống các nhà nho có tư tưởng khác với mình.
Để chuẩn bị cho mùa khai trường năm nay, được bắt đầu vào tháng Chín, chủ trương này đã được tái thể hiện lại một cách tinh vi. Thật thế, Nhà Xuất bản Giáo dục Nhân dân của Trung Quốc đã cho in lại hàng loạt sách giáo khoa dành cho trẻ em. Kitô hữu kinh hoàng nhận ra trong các sách giáo khoa mới được in ra, các từ 'Chúa' và 'Kinh thánh' đã bị loại bỏ hoàn toàn.
Ngay cả các tài liệu tham khảo thuộc loại văn học cổ điển, và các sách học tiếng Anh, chẳng hạn như các cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi “The Little Match Girl” của Hans Christian Andersen, “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe và “Vanka” của Anton Chekhov cũng chịu cùng chung số phận.
Peter Gao, một người Công Giáo nói với UCANews rằng tình hình đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc đã gia tăng rất mạnh sau thỏa thuận với Vatican.
“Chính quyền Trung Quốc đã gia tăng việc phá hủy các nhà thờ và thánh giá, và cấm trẻ vị thành niên vào nhà thờ, họ đã thẳng tay đàn áp Giáo hội. Bây giờ họ đi xa thêm một bước nữa là loại bỏ từ vựng tôn giáo khỏi các sách giáo khoa và cả những kiệt tác văn học thế giới.”
Theo UCANews, quyết định của cộng sản Trung Quốc thay đổi văn bản gốc không chỉ khiến các Kitô hữu tức giận mà còn gây ra sự bất bình trong ngành giáo dục tại quốc gia này.
8. Ấn tín tòa giải tội lại bị tấn công ở Wisconsin
Trong tổng số 329,257,000 dân Hoa Kỳ hiện nay, người Công Giáo chỉ chiếm có 20.8% dân số. Nếu tính đến số người thường xuyên gắn bó với Giáo Hội, thì còn ít hơn nữa. Cho nên, cách kiếm phiếu dễ ăn nhất của các nhà lập pháp tại Hoa Kỳ là tấn công vào ấn tín tòa giải tội. Tính toán thống kê mà nói, đa số cử tri sẽ ủng hộ cho họ.
Chính vì thế, bất chấp sự thất bại của dự luật SB 360 tại California vào đầu tháng Bẩy vừa qua, chưa đầy một tháng sau đó, hai dân biểu Chris Taylor và Melissa Sargent của Madison, và Thượng nghị sĩ Lena Taylor của Milwaukee lại vừa đệ trình một dự luật tương tự tại tiểu bang Wiscosin.
Dự luật được giới thiệu bởi 3 nhà lập pháp toan tính loại bỏ việc bảo vệ được ghi trong luật tiểu bang theo đó các linh mục không buộc phải tiết lộ các thông tin nghe thấy “trong bối cảnh tòa giải tội” hoặc nghe được “thông qua các giao tiếp được giữ kín.”
“Bây giờ là thời điểm tất cả các giáo sĩ đều phải báo cáo các hành vi lạm dụng trẻ em, trong đó có lạm dụng tình dục, không có ngoại lệ nào cả, bất kể mọi lý do,” bà Lena Taylor nói tại một cuộc họp báo tại Quốc Hội Tiểu bang Wisconsin.
Rút kinh nghiệm của thất bại tại California, đồng thời với dự luật này, hôm thứ Tư 7 tháng Tám, nhóm của bà Taylor cũng giới thiệu một dự luật bảo vệ các nạn nhân trẻ em trong đó loại bỏ thời hiệu tố cáo các tội lỗi lạm dụng tính dục. Luật của Wiscosin quy định rằng người bị lạm dụng tính dục trong thời niên thiếu có thể kiện cáo thủ phạm từ khi xảy ra vụ việc cho đến khi tròn 35 tuổi.
Tiểu bang Wiscosin có 1.2 triệu người Công Giáo sinh hoạt trong 715 giáo xứ. Giáo Hội sở hữu 277 trường Công Giáo và 38 bệnh viện Công Giáo.