1. Bỏ qua các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha đến Tòa Đại Sứ Nga để phản đối
Hôm Thứ Sáu, 25 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ quan ngại của ngài đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Đây được xem là diễn biến chưa từng có về mặt ngoại giao. Thông thường, để bày tỏ sự phản đối, chính quyền sở tại sẽ đưa công hàm đến Đại sứ quán hay trong trường hợp nghiêm trọng hơn thì triệu tập đại sứ đến Bộ Ngoại Giao để bày tỏ sự bất mãn của mình.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Giáo Hoàng đã dành hơn nửa giờ tại đại sứ quán.
Ông Bruni nói: “Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm của mình về chiến tranh,” nhưng từ chối cho biết các chi tiết về chuyến thăm hoặc nội dung cuộc trò chuyện.
Ông Bruni cũng không bình luận về một báo cáo của các phương tiện truyền thông Á Căn Đình cho rằng Đức Giáo Hoàng, 85 tuổi, đã đề nghị Vatican đứng làm trung gian hòa giải., Theo phóng viên thông tấn xã TASS của Nga thường trú tại Rôma Đại sứ Nga Aleksandr Avdeyev, đã phủ nhận điều này.
Avdeyev nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng cuộc họp kéo dài khoảng 40 phút và Đức Giáo Hoàng bày tỏ “quan ngại sâu xa” về tình hình nhân đạo ở Ukraine.
Đại sứ nói rằng Đức Giáo Hoàng “kêu gọi bảo vệ trẻ em, bảo vệ những người bệnh tật và đau khổ, và bảo vệ mọi người.”
Khi được Reuters liên lạc để đưa ra bình luận, đại sứ quán Nga cho biết đại sứ không có mặt.
Chuyến thăm của một Đức Giáo Hoàng đến đại sứ quán để bày tỏ sự phản đối với đại sứ trong thời điểm xung đột là chưa từng có trong ký ức sống động.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 14 tháng 2, trước cuộc xâm lược, đại sứ Ukraine tại Vatican, Andriy Yurash, cho biết Kiev rất mong Vatican đứng làm trung gian hòa giải xung đột.
Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết Tòa thánh hy vọng rằng những người nắm giữ vận mệnh của thế giới trong tay họ sẽ có một “tia sáng lương tâm”.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc tấn công lớn nhất của một quốc gia chống lại quốc gia khác ở Âu Châu kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình ở Ukraine trước cuộc xâm lược hôm thứ Năm. Ngài đã tuyên bố Thứ Tư tới, 2 tháng Ba, Thứ Tư Lễ Tro, là ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine.
Hôm thứ Sáu, Tòa Thánh cũng cho biết rằng Đức Phanxicô sẽ không thể chủ sự các buổi lễ Thứ Tư Lễ Tro vì cơn đau cấp tính ở đầu gối của ngài. Ngài cũng sẽ phải bỏ qua một chuyến đi đến Florence vào Chúa Nhật này để bế mạc khóa họp của 58 giám mục và 65 thị trưởng từ khoảng 30 quốc gia Địa Trung Hải, vùng biển được coi “là cái nôi của nền văn minh,” nhưng ngày nay đã trở thành biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới.”
Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Giêrusalem của Công Giáo nghi lễ Latinh, đang tham dự cuộc họp tại Florence, đã được tờ Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia đình Kitô, hỏi về thái độ im lặng của Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa.
Ngài nói:
“Họ không im lặng, trên thực tế họ đứng về phía Putin. Chúng ta sẽ nhìn xem thái độ tai hại này sẽ đi đến đâu. Trong mọi trường hợp, các tôn giáo không thể tự mình giải quyết hết các vấn đề. Xã hội dân sự được tạo thành từ tư tưởng tôn giáo, xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị. Những điểm này cần có sự hội tụ, điều này đúng trong mọi bối cảnh mà các tôn giáo có sức nặng trong việc định nghĩa bản sắc và trong việc hình thành văn hóa.”
Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng Thượng Phụ Kirill đã không làm việc mà ông ta phải làm là ngăn chặn bàn tay của kẻ xâm lược.
Source:Reuters
Departing from protocol, pope goes to Russian embassy over Ukraine
2. Ukraine lại bị thế giới bỏ rơi lần nữa
Trong chập chùng tuyệt vọng, Tổng thống Ukraine cầu xin thế giới giúp đỡ giữa bóng đen của 'bức màn sắt mới'
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine đang lắng nghe âm thanh của bức màn sắt mới rơi xuống khi quân đội Nga tiến qua lãnh thổ đất nước của ông.
Ông Zelenskyy nói: “Những gì chúng ta nghe thấy ngày nay không chỉ là những vụ nổ tên lửa, tiếng súng giao tranh và tiếng ầm ầm của máy bay. Đây là âm thanh của một bức màn sắt mới, đã hạ xuống và đang khiến nước Nga bị loại khỏi thế giới văn minh”
“Nhiệm vụ quốc gia của chúng tôi là bảo đảm bức màn này không rơi trên đất của chúng tôi.”
Trong bối cảnh lo ngại về chính sách bành trướng của Nga, ông đã kêu gọi các đồng minh ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga bằng cách giúp Ukraine trang bị khí tài quân sự.
“Nếu bạn không giúp chúng tôi bây giờ, nếu bạn không cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, ngày mai chiến tranh sẽ gõ cửa nhà bạn.”
Cũng như nhiều người Ukraine, tổng thống Zelenskyy không hồ nghi rằng Ukraine đang bị bỏ rơi lần thứ n. Gọi là lần thứ n vì không ai nhớ nổi quốc gia tội nghiệp này đã bị bao nhiêu lần.
Ông Zelenskyy cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng một loạt các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu vào thứ Sáu về một nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo lên án Nga xâm lược Ukraine.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết sẽ yêu cầu Mạc Tư Khoa “ngay lập tức, hoàn toàn, vô điều kiện”, rút khỏi Ukraine.
Nga, với tư cách là một trong năm thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an, có khả năng sẽ phủ quyết nghị quyết, quan chức Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, Washington và những người khác coi hội đồng là một địa điểm quan trọng, nơi Mạc Tư Khoa phải buộc phải giải thích về các hành vi của mình.
“Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn và không làm gì cả”, một viên chức nói với các phóng viên trong một báo cáo tóm tắt.
Ngay sau những bình luận đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh cho cái mà ông vẫn từ chối gọi là một cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Putin cũng cho biết ông tin rằng Nga vẫn là một phần của nền kinh tế toàn cầu bất chấp một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia của ông và không có kế hoạch làm tổn hại hệ thống đó.
Các lực lượng Ukraine đã chiến đấu với quân xâm lược Nga từ ba phía sau khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc tấn công bằng đường bộ, đường biển và đường không trong cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 137 dân thường và quân nhân đã thiệt mạng tính đến chiều ngày thứ Năm.
Ông gọi họ là “anh hùng” trong một video gởi quốc dân đồng bào được phát hành trong đó ông cũng cho biết hàng trăm người khác đã bị thương.
Tổng thống Zelensky nói rằng mặc dù Nga tuyên bố rằng họ chỉ tấn công các mục tiêu quân sự, các địa điểm dân sự cũng đã bị tấn công.
“Họ đang giết người và biến các thành phố yên bình thành mục tiêu quân sự. Đó là tội lỗi sẽ không bao giờ được tha thứ. “
Tổng thống cho biết tất cả lính biên phòng trên đảo Zmiinyi ở vùng Odesa đã thiệt mạng hôm thứ Năm. Cơ quan bảo vệ biên giới của Ukraine trước đó trong ngày đã báo cáo rằng hòn đảo này đã bị quân Nga chiếm.
Hãng thông tấn Interfax Ukraine cho biết, Zelensky đã ký sắc lệnh về việc tổng động viên toàn quốc. Các lính nghĩa vụ và quân dự bị sẽ được triệu tập trong 90 ngày tới để “bảo đảm quốc phòng, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu”.
Trước đó, ông đã kêu gọi người Ukraine bảo vệ đất nước của họ và nói rằng vũ khí sẽ được trao cho bất kỳ ai chuẩn bị chiến đấu.
Source:Sydney Morning Herald
Russia-Ukraine LIVE updates
3. Chiếm được Ukraine, Nga sẽ xóa sổ Giáo Hội Chính Thống Ukraine thống nhất
Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.
Hai nhóm sau đã chấp nhận thống nhất trong Giáo Hội Chính Thống tân lập. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập là ly giáo và cảnh cáo bất cứ Giáo Hội Chính Thống Giáo nào trên thế giới dám công nhận Giáo Hội mới này.
Tâm tình bài Nga đã dâng cao đặc biệt sau nạn đói diệt chủng Holodomor diễn ra trong hai năm 1931-1932 khiến ít nhất 7 triệu người chết vì đói. Thông qua chính sách siết chặt định mức tài nguyên nông nghiệp, Stalin chặn đứng việc cung cấp thóc giống, xăng dầu và các phương tiện canh tác cho các nông dân Ukraine. Chính sách nham hiểm này dẫn đến nạn đói kinh hoàng ngay trong thời bình, gọi là Holodomor. Tuyên bố chung của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận của 25 quốc gia vào năm 2003 nhìn nhận con số người chết trong biến cố Holodomor là từ 7 đến 10 triệu người trong hai năm 1932-1933. Trong khi đó, các sử gia Ukraine cho rằng ít nhất là 12 triệu người đã chết đói trong thời kỳ đó.
Khác với Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo không có một cơ cấu thống nhất, nhưng chia thành 15 Giáo Hội tự trị là Constantinople, Alexandria, Antiokia, Giêrusalem, Nga, Serbia, Rumani, Bảo Gia Lợi, Georgia, Síp, Hy Lạp, Ba Lan, Albania, Tiệp Khắc, Hoa Kỳ. Giáo Hội Chính Thống Giáo tại Ukraine và Belarus không phải là các Giáo Hội độc lập nhưng phụ thuộc vào Chính Thống Giáo Nga.
Từ năm 2018, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constatinople đã nhiều lần bày tỏ ý muốn hiệp nhất ba Giáo Hội Chính Thống tại Ukraine thành một. Nhưng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa không đồng ý vì âu lo Giáo Hội tân lập sẽ tách khỏi Mạc Tư Khoa. Sau khi hai trong ba Giáo Hội Chính Thống Giáo tại Ukraine hiệp nhất với nhau, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã khẳng định sẽ trao quy chế tự trị cho Giáo Hội tân lập.
Đáp lại, Thánh Công Đồng Chính Thống Nga (bao gồm Nga, Belarusia và Ukraine) đã quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople.
Hàng lãnh đạo Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho rằng họ không thể tiếp tục “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople vì xem quyết định của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô là một hành động lấn chiếm trên “lãnh thổ giáo luật” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, và vì Tòa Thượng Phụ Constatinople đã thừa nhận các nhóm ly giáo, và công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev, cùng với tất cả các “giám mục” và “giáo sĩ” được phong chức bởi vị Thượng Phụ này.
Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Nga, Belarusia và Ukraine là các quốc gia nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Chính Thống Giáo Nga, tức là dưới quyền tài phán của Tòa này.
Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không đồng ý như vậy. Ngài giải thích như sau:
“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14. Việc di dời này không hề có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”
Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói thêm rằng không có biến cố lịch sử nào của Giáo hội Chính thống ở Ukraine “có thể biện minh cho bất kỳ sự can thiệp nào của Giáo hội tại Nga.” Hơn thế nữa, “Nga, là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình đau khổ hiện nay ở Ukraine, vì thế không thể đứng ra giải quyết vấn đề này.
Do đó, ngài nhấn mạnh rằng: “Thượng Phụ Đại kết đã chủ động giải quyết vấn đề bất công này.”
Ngày 6 tháng Giêng, 2019, Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là ông Petro Poroshenko, Chủ tịch Quốc Hội Andriy Parubiy và các thành viên của phái đoàn đã tham gia vào nghi thức trao Tomos trong Phụng vụ Thánh do Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Epiphaniy cử hành.
Nếu Nga chiếm được Ukraine, khả năng đó là rất cao. Hầu chắc, họ sẽ xóa sổ Giáo Hội Chính Thống Giáo mới của Ukraine.
© 2020 - VietCatholic Network - Designed by J.B. Đặng Minh An