Lúc 08:30 Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để đến Sân bay quốc tế Malta
Lúc 10:00 ngài đã đến sân bay quốc tế Malta. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là nghi thức chào mừng Đức Thánh Cha.
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Malta diễn ra trong bối cảnh đảo quốc này đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Malta là một đảo quốc Nam Âu, gồm một quần đảo ở Địa Trung Hải. Nó tọa lạc ở vị trí 80 km về phía nam của Ý. Diện tích quốc gia này chỉ có 316 km vuông, với dân số khoảng 450,000 người, khiến nó trở thành một trong những quốc gia nhỏ nhất, nhưng với mật độ dân cư dày đặc. Thủ đô của Malta, là Valletta, với diện tích 0.8 km vuông, là thủ đô nhỏ nhất trong Liên minh Âu Châu. Để so sánh, Sàigòn có diện tích là 2,061 km vuông, tức là 2,500 lần lớn hơn. Nói cách khác, thủ đô của Malta chỉ bằng một phường của thành phố Sàigòn.
Malta có hai ngôn ngữ chính thức: tiếng Malta và tiếng Anh.
Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em một vài nhận xét trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha
Malta và Địa Trung Hải đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình đoàn kết. Đây là những lời mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, trong đó ngài kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ Âu Châu để Biển này, nơi thường xuyên trở thành nghĩa địa, có thể trở thành một khu vực đồng trách nhiệm cụ thể.
Những lời này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Florence, nơi đã quy tụ các thị trưởng và giám mục của khoảng 60 thành phố Địa Trung Hải, và một tháng trước chuyến tông du Malta của Đức Thánh Cha Phan xi cô.
Đối với Đức Tổng Giám Mục Scicluna, “cam kết đối thoại là con đường dẫn chúng ta đến một vùng biển chung, hòa hợp và công lý,” đồng thời đòi hỏi “sự đồng trách nhiệm của mỗi người”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phao lô như sau:
Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phao lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.
Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.
Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phan xi cô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.
Trong buổi yết kiến chung thứ tư vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài mong thực hiện chuyến viếng thăm “lãnh thổ sáng láng”, theo bước chân Thánh Phaolô, đấng đã được chào đón tại đó khi đắm tầu. Ngài nói thêm rằng chuyến viếng thăm cũng là dịp may độc đáo “trở về nguồn suối việc rao giảng Tin Mừng” tự trải nghiệm một cộng đồng Kitô hữu có lịch sử đã mấy ngàn năm nay.
Vì địa điểm địa dư và vị trí chiến lược của nó ở Địa Trung Hải, Malta là điểm dừng chân chính của nhiều người, đặc biệt từ Phi Châu, trên đường di dân, tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho họ và gia đình họ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận các cố gắng của đảo quốc này trong việc nghinh đón và cam kết đối với “nhiều anh chị em tầm trú của chúng ta”.
Chính vì thế, trong ngày thứ hai của chuyến đi ngài sẽ gặp gỡ khoảng 200 di dân tại Trung tâm Di dân “Phòng Thí nghiệm Hòa bình Gioan 23” ở Hal Far.
Với Kitô hữu Malta, chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô khuyến khích họ mở lòng ra nghinh đón những người ở bên lề xã hội. Đó là nhận định của Cha Joseph Mizzi, chánh xứ Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ở Rabat. Nhưng nó cũng sẽ nhắc nhớ họ đến gốc rễ xưa của đức tin họ.
Cha nhắc lại biến cố Thánh Phaolô bị đắm tầu ở đây và do đó đã lưu lại đảo trong 3 tháng tại nơi nay là Hang Thánh Phaolô. Trong thời gian này, Thánh Phaolô đã chữa bệnh cho cha của Publius, thống đống của Đảo. Ông này sau đó đã trở lại đạo và trở thành giám mục và vị thánh tiên khởi của Đảo.
Cha Mizzi vừa là chánh xứ Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vừa trông coi cả Hang Thánh Phaolô nữa, nên ngài nhấn mạnh hang này là đền thánh rất đặc biệt đối với người Malta vì nó nối kết họ với thời Kitô giáo tiên khởi: chính tại đây, Thánh Phaolô chữa bệnh cho cha của thống đốc Publius, đầu tầu đem cả đảo về cùng Chúa. Cả hai vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đều tới thăm hang này. Đức Phanxicô cũng sẽ viếng hang.
Cha Mizzi nhấn mạnh rằng Giáo hội ở Malta phải tiếp tục sứ mệnh do Thánh Phaolô để lại, nghĩa là “trở thành các môn đệ trung thành của Chúa Kitô và những nhà truyền giáo tốt lành của Dân Người”.
Sau các nghi thức tại đây, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm xã giao tổng thống Cộng Hòa Malta là Ông George Vella trong Phòng Đại sứ của dinh tổng thống được gọi là Dinh Đại Hiệp Sĩ – Grand Master. Dinh này được xây dựng giữa thế kỷ 16 và 18 tại thủ đô Valletta của Malta để làm dinh thự cho vị Đại Hiệp Sĩ dòng Thánh Gioan cai quản Malta.