1. Đức Hồng Y Oscar Maradiaga cảnh cáo: Kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức là tội phạm đến Chúa Thánh Thần
Đức Hồng Y Oscar Maradiaga, Điều Hợp Viên Hội đồng Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chỉ trích cay đắng một nhà báo, mô tả Edward Pentin là một ký giả “đánh thuê”.
Pentin, một phóng viên chính của tờ Catholic Catholic Register, trong hệ thống Đài Truyền Hình Công Giáo EWTN của Mỹ, đã công bố các khiếu nại về quấy rối tình dục, mà các chủng sinh phải chịu đựng trong chủng viện của Tổng Giáo Phận Tegucigalpa, Honduras, do Đức Hồng Y Maradiaga lãnh đạo. Pentin cũng đã đưa ra các báo cáo về những bất quy tắc tài chính trong tổng giáo phận, dẫn đến việc buộc Đức Giám Mục Juan Jose Pineda, phụ tá của Đức Hồng Y phải từ chức.
Đức Hồng Y đã không trả lời các khiếu nại của các chủng sinh vì cho rằng các cáo buộc này chỉ là những lời “phỉ báng vô danh”. Ngài nói rằng động lực chủ yếu của những lời chỉ trích về sự lãnh đạo của ngài thực sự được thúc đẩy bởi mong muốn phá hoại các cải tổ của Đức Đức Thánh Cha Phanxicô và Công Đồng Vatican II.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Maradiaga cũng bác bỏ những lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. Ngài cảnh cáo: “Yêu cầu Đức Giáo Hoàng từ chức, theo ý kiến của tôi, là một tội lỗi chống lại Chúa Thánh Thần.”
Đáp lại những lời buộc tội giận dữ của Đức Hồng Y, Edward Pentin nhận xét rằng anh đã tìm kiếm câu trả lời của Đức Hồng Y Maradiaga đối với các khiếu nại trong một số trường hợp, nhưng chưa bao giờ nhận được hồi âm. Anh nói: “Thật đáng buồn và đáng tiếc là Đức Hồng Y đã quyết định khởi động cuộc tấn công nhắm vào tôi này hơn là đối phó với những vấn đề rất nghiêm trọng liên quan đến Giáo hội ở Honduras mà tôi đã báo cáo mà ngài vẫn chưa trả lời.”
2. Ý kiến của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke về lời kêu gọi Đức Thánh Cha từ chức
Khi được hỏi liệu có gì sai trái khi yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức, như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã làm trong lá thư dài 11 trang của mình, Đức Hồng Y Raymond L. Burke đã có câu trả lời khác hẳn Đức Hồng Y Maradiaga. Ngài nói: “Tôi không thể nói điều đó là sai trái.”
“Tôi chỉ có thể nói rằng để đi đến chuyện đó ta phải điều tra và có câu trả lời về vấn đề này. Yêu cầu từ chức trong bất kỳ trường hợp nào đều là hợp luật; bất cứ ai cũng có thể làm điều đó trong trường hợp một mục tử thất bại trong việc hoàn thành chức trách của mình, nhưng sự thật cần phải được xác minh”. Đức Hồng Y Raymond L. Burke, nguyên Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn được công bố sáng thứ Tư 29 tháng 8 trên tờ La Repubblica, là tờ báo có số phát hành cao nhất nước Ý hàng ngày.
Đức Hồng Y Burke là một trong số ít các giám mục nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ công khai với việc Đức Tổng Giám Mục Viganò tố cáo Đức Giáo Hoàng. Chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên; ngài được coi là một trong những nhà lãnh đạo của các nhóm truyền thống, và cả Đức Tổng Giám Mục Viganò và Đức Hồng Y Burke đều công khai tranh biện các khía cạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng về hôn nhân và gia đình. Cựu Sứ Thần Tòa Thánh cũng công khai đứng về phía những người bất đồng chính kiến với Tông huấn Amoris Laetitia. Tháng Giêng năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã ghi tên mình vào danh sách những người ủng hộ “những sự thật bất biến về bí tích hôn phối của các giám mục Kazakhstan”.
“Tôi đã rúng động sâu xa vì toàn bộ các phần trong tài liệu đều nghiêm trọng,” Đức Hồng Y Burke nói. “Tôi phải đọc nó nhiều lần vì lần đọc đầu tiên khiến tôi không nói nên lời. Tôi tin rằng vào thời điểm này cần phải có một báo cáo đầy đủ và khách quan về phiá Đức Giáo Hoàng và Vatican.”
Bình luận về cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò cho rằng có các Hồng Y và Giám Mục muốn thay đổi giáo lý Hội Thánh về đồng tính luyến ái, Đức Hồng Y Burke nói, “Đúng thế, có những nỗ lực nhằm tương đối hóa giáo huấn của Giáo Hội từ trước đến nay vẫn cho hành vi đồng tính là rối loạn tự bản chất.” Đức Hồng Y đã nhắc lại buổi họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khi người ta đưa ra “ý tưởng cho rằng Hội thánh nên nhìn nhận những yếu tố tích cực hiện diện trong quan hệ đồng giới.” Nhưng ngài nói thêm, “toàn bộ điều đó chẳng có khía cạnh tích cực nào cả.” Hơn nữa, ngài mô tả là “một vấn đề” khi trong Giáo Hội có những giáo sĩ “ủng hộ cho linh mục Dòng Tên James Martin, là người có một quan điểm tháo thứ và sai trái về tình dục đồng giới.”
Ngài nói tiếp rằng “các dữ liệu cho thấy phần lớn những lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ là các hành vi đồng tính phạm tội với những người trẻ.”
Đức Hồng Y Burke nhấn mạnh rằng: “Tôi nghĩ một người đồng tính không thể trở thành linh mục vì người ấy không thể thực hiện chiều sâu mà quan hệ cha con được yêu cầu. Anh ta phải có tất cả những đặc điểm để trở thành một người cha.”
Ngài nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng ngài không phải là “một nhân vật phản diện” của Đức Thánh Cha Phanxicô và không có “thù hiềm cá nhân nào với Đức Giáo Hoàng.” Ngài giải thích: “Cố gắng của tôi đơn giản chỉ là để bảo vệ sự thật đức tin và sự minh bạch trong việc trình bày đức tin.”
Vị Hồng Y Hoa Kỳ là một trong bốn Hồng Y đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày các điểm hồ nghi (dubia) liên quan đến các khía cạnh khác nhau của Tông huấn Amoris Laetitia. Hai vị trong số đó là Đức Hồng Y Joachim Meisner, người Đức; và Đức Hồng Y Carlo Caffarra, người Ý, đã qua đời. Vị thứ tư là Đức Hồng Y Walter Brandmuller, người Đức. Những điểm hồ nghi của các vị tập trung vào khả thể cho những người Công Giáo ly hôn dân sự và tái hôn được nhận Bí tích Thánh Thể trong một số hoàn cảnh nhất định. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Burke nói rằng ngài không biết tại sao Đức Giáo Hoàng đến nay vẫn không trả lời các câu hỏi của các ngài.
Ngài thừa nhận trong cuộc phỏng vấn rằng ngài có những điểm bất đồng với huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chẳng hạn, “về sự kiện là những người đang mắc tội trọng làm sao có thể Rước Lễ được. Hoặc những người ngoài Công Giáo làm sao có thể nhận bí tích Thánh Thể trong một số trường hợp nhất định, điều đó vượt quá kỷ luật hiện nay của Giáo Hội. Điều đó là không thể được.”
3. Chánh án và công tố viên, cả hai đều là người Công Giáo, đã kết án tử hình một kẻ giết người hàng loạt
Một chánh án Công Giáo Mỹ đã kết án tử hình một kẻ giết người hàng loạt, và lập luận rằng nếu ông làm khác đi sẽ là “sai về mặt thần học”, mặc dù gần đây Đức Giáo Hoàng xác nhận rằng án tử hình là không thể chấp nhận được.
Patrick Dinkelacker, một chánh án Tòa Thỉnh Cầu Phổ thông (Common Pleas) tại Hamilton County, Ohio, đã kết án tử hình Anthony Kirkland vào ngày 28 tháng Tám. Công tố viên Joseph Deters, cũng là một người Công Giáo, và cũng ủng hộ án tử hình trong trường hợp này.
Trong lời tuyên án Kirkland, Chánh án Dinkelacker nói: “Là một người tin tưởng về mặt luân lý sự thánh thiêng của cuộc sống, phán xử người khác để xác định xem việc áp đặt án tử hình có phù hợp không là một nghĩa vụ không dễ dàng gì”.
“Trong vùng đất rộng lớn mênh mông này của nước Mỹ, chúng ta phải sống theo luật pháp,” ông nói như trên, theo tường thuật của tờ Cincinnati Enquirer.
Ngày 2 tháng 8 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố việc sửa đổi khoản 2267 của Sách Giáo Lý Công Giáo theo đó:
“Việc dùng đến hình phạt tử hình như một phần của thẩm quyền hợp pháp, sau một phiên tòa công bằng, từ lâu đã được coi là một phản ứng thích đáng đối với tính chất nghiêm trọng của một số tội phạm và được coi là một phương tiện chấp nhận được, cho dù là quá đáng, để bảo vệ thiện ích.
Tuy nhiên, ngày nay, có một nhận thức ngày càng tăng rằng nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả sau khi đương sự đã phạm các tội rất nghiêm trọng. Ngoài ra, đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, bảo đảm sự bảo vệ thích đáng các công dân nhưng, đồng thời, không cần phải dứt khoát tước mất khả năng chuộc lỗi của can phạm.
Do đó, Giáo Hội dạy, trong ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của người đó”, và Giáo Hội quyết tâm nỗ lực hoạt động để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới”.
Tuy nhiên, ngày 15 tháng 8, 45 nhà trí thức Công Giáo trong đó nhiều vị là giáo sư luật tại các đại học bày tỏ sự bất đồng.
Họ quả quyết rằng không ai trong số họ ủng hộ việc sử dụng án tử hình, nhưng dạy như trên là mâu thuẫn với Thánh Kinh (Sáng Thế 9:6). Án tử hình cũng là giáo huấn nhất quán của huấn quyền cả hai thiên niên kỷ qua.
Họ gọi tình huống do việc sửa đổi này tạo ra là một “tình huống gây gương mù” vì tạo ra “mơ hồ hỗn độn lớn lao cho Giáo Hội”. Do đó, họ kêu gọi “các vị Hồng Y cố vấn để Đức Thánh Cha... kết liễu gương mù này, rút lại đoạn Sách Giáo Lý này và giảng dạy lời Chúa một cách không thay đổi”.
Người đàn ông bị kết án, Anthony Kirkland, 49 tuổi, là một tay sát thủ liên hoàn đã giết chết tổng cộng 5 người. Y bị kết án chung thân vì giết ba người phụ nữ, và án tử hình vì giết hai thiếu nữ vị thành niên.
Chánh án Dinkelacker nói với đài truyền hình địa phương Fox 19 Now: “Tôi đã tuyên thệ tuân theo luật pháp và tôi sẽ làm điều đó. Làm khác đi là sai về mặt đạo đức, pháp lý, triết học và thần học.”
4. Linh mục Phi Luật Tân chỉ trích Duterte suýt bị sát thủ giết chết
Cha Amado Picardal nói các sát thủ truy sát ngài vì những chỉ trích của ngài đối với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte
Một vị linh mục đã từ lâu nổi tiếng chỉ trích cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp đẫm máu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định những kẻ sát thủ cố tình bịt miệng ngài.
Cha Amado Picardal thuộc dòng Chúa Cứu Thế cho biết ngài đã phải trốn vào một “nơi an toàn hơn” sau khi có người thấy những kẻ đi xe môtô truy tìm ngài.
Hơn 4 tháng qua, vị linh mục sống ẩn dật tại một nhà tĩnh tâm trên núi ở miền trung Phi Luật Tân.
Cha Picardal, nổi tiếng là nhà hoạt động và chỉ trích ông Duterte từ lâu trước khi cựu thị trưởng của Davao trở thành tổng thống, nói với ucanews.com hồi tháng 4 rằng đã đến lúc ngài “sống đời chiêm niệm”.
Vị linh mục, còn được gọi là “linh mục đi xe đạp” vì ngài đi xe đạp vòng quanh đất nước để phản đối các vụ giết người liên quan đến ma túy, nói đã đến lúc ngài im lặng.
Cha Picardal, đang ở tuổi 64, cho biết ngài đã ở “giai đoạn cuối” của cuộc đời, vì thế ngài muốn tự chăm sóc bản thân ở nơi tĩnh mịch.
“Trong đời người luôn có một giai đoạn bạn năng nổ, lớn tiếng nói thẳng, sau đó có lúc cần sống đời chiêm niệm. Các giai đoạn này một chuỗi với nhau”, vị linh mục giải thích.
5. Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Giáo Hoàng thanh thản trước những cáo buộc.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô “thanh thản” trước những cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò.
Đức Hồng Y đã đưa ra những nhận xét của ngài sau khi hãng tin Ansa của Ý, trích dẫn những cộng tác viên thân thiết của Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cảm thấy “chới với” vì vụ này.
Đức Hồng Y Parolin nói với tờ La Stampa rằng “sự cay đắng và bất an” trong những ngày gần đây không ảnh hưởng đến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngài nói: “Tôi đã nhìn thấy một tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói rằng Đức Giáo Hoàng thanh thản. Từ những gì tôi thấy (trong những ngày này, tôi đã ở bên cạnh ngài trong chuyến đi đến Ái Nhĩ Lan và sau đó), ngài có vẻ thanh thản. Đức Giáo Hoàng có một đặc sủng lớn lao, ngay cả khi phải đối mặt với những điều rõ ràng tạo ra rất nhiều cay đắng và bất an. Nhưng ngài có khả năng tiếp cận vấn đề rất thanh thản.”
Đức Hồng Y cho biết ngài cảm thấy “rất đau đớn” trước những cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò, nhưng nói thêm: “Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta hoạt động trong việc tìm kiếm sự thật và công lý, rằng đây là những điểm tham khảo, chứ không phải những gì khác. Chắc chắn tình hình không đáng lo ngại chút nào.”
Đức Hồng Y từ chối bình luận trực tiếp về những tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Viganò. Ngài nói: “Tốt hơn là đừng đi sâu vào chi tiết những điều như vậy. Tôi lặp lại điều mà Đức Giáo Hoàng nói: bạn hãy đọc nó, và đưa ra phán đoán của bạn. Văn bản tự nói về mình.”
Trong bức thư 11 trang của ngài, Đức Tổng Giám Mục Viganò nói Đức Giáo Hoàng biết về những hành vi tình dục sai trái của nguyên Hồng Y Theodore McCarrick ít nhất là từ năm 2013 nhưng đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã áp đặt trong năm 2009 hoặc 2010.
Avvenire, tờ báo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia, đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của tờ Ansa cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã “chới với” rồi, và nói rằng đó là một “mưu mô bỉ ổi”.
Theo John Allen của Crux, phát ngôn viên Vatican Greg Burke cũng bác bỏ câu chuyện này. Ông nói với anh rằng: “Đức Giáo Hoàng có vẻ lòng dạ tơi bời với anh trên máy bay đêm Chúa Nhật không? Làm ơn đi …”
6. Tình hình tự do tôn giáo tại Á Châu càng ngày càng tệ hại
Các quyền tự do tôn giáo đang dần bị xói mòn trên khắp các khu vực lớn ở châu Á và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang gia tăng, đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo đã cảnh báo như trên.
“Tự do tôn giáo thường xuyên bị chà đạp trên khắp châu Á”, Ahmad Shaheed phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Thái Lan tại Bangkok. “Nói chung, nhân quyền đang thoái lui ở châu Á.”
Shaheed, một nhà ngoại giao người Maldives, là người đảm nhiệm chức vụ đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo vào tháng 11 năm 2016, trích dẫn những trường hợp của các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nơi tín đồ các tôn giáo thường xuyên bị bách hại. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các quốc gia như Miến Điện và Pakistan, nơi các nhóm tôn giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các cuộc tấn công bạo lực.
Ở Miến Điện, quốc gia coi Phật giáo là quốc giáo, hàng trăm ngàn người Rohingya Hồi giáo đã bị quân đội lùa sang nước láng giềng Bangladesh trong một nỗ lực mà các nhà quan sát nước ngoài mô tả là cuộc thanh lọc chủng tộc đại quy mô.
Trong khi đó, tại quốc gia Hồi giáo ở Pakistan, các Kitô hữu địa phương và người Hồi Giáo Ahmadis đã phải đối mặt với phân biệt đối xử dai dẳng cũng như những chính sách loại trừ xã hội, chính trị và kinh tế có hệ thống.
7. Đức Hồng Y Donald Wuerl cầu xin sự tha thứ vì “sai lầm trong phán đoán”
Đức Hồng Y Donald Wuerl đã cầu xin sự tha thứ cho những “sai lầm trong phán đoán” của ngài trong bối cảnh báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania cho rằng ngài đã không giải quyết đến nơi đến chốn các cáo buộc lạm dụng tình dục khi còn là giám mục Pittsburgh.
Trong một lá thư gửi đến các linh mục trong tổng giáo phận Washington, Đức Hồng Y Wuerl viết: “Tôi xin anh em, như tôi đã làm tại nhà thờ chính tòa, cầu nguyện cho tôi, tha thứ cho những sai sót của tôi, cho những khuyết điểm của tôi, và xin ghi nhận sự hối tiếc của tôi vì bất kỳ đau khổ nào tôi đã gây ra”.
Tờ Catholic Standard, một tờ báo của tổng giáo phận Washington, đã công bố lá thư của Đức Hồng Y Wuerl hôm thứ Năm 30 tháng 8.
“Tôi yêu cầu anh em hãy nói cho đàn chiên của mình - những người nam nữ và trẻ em - mà chúng ta yêu mến và chăm sóc mục vụ biết rằng tôi nhận ra và chia sẻ nỗi đau của họ”, Đức Hồng Y nói.
“Hãy cho họ biết rằng tôi ước gì có thể quét sạch đi mặc dù điều đó giờ đây không thể thực hiện được. Tôi sẽ sẵn sàng cho đi mọi thứ, như tất cả chúng ta sẽ làm như vậy, để xoay ngược đồng hồ lại sao cho Giáo Hội làm mọi việc đều đúng đắn.”
Những tiết lộ gần đây trong báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania về Đức Hồng Y Wuerl đã khiến nhiều người viết thư thỉnh cầu trực tuyến xin ngài từ chức và có cả các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài các nhà thờ ở Washington DC. Vào ngày 22 tháng 8, Giáo phận Pittsburgh đã ra thông báo xóa tên của Đức Hồng Y Wuerl khỏi một trường trung học Công Giáo. Trường này trước gọi là Cardinal Wuerl North Catholic High School nay chỉ gọi là North Catholic High School.
Đức Hồng Y Wuerl bị nêu tên trong một báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania vì khi còn là Giám mục Pittsburgh đã cho phép các linh mục lạm dụng trở lại làm mục vụ.
Thêm vào đó, Đức Tổng Giám Mục Carlo Viganò, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng Đức Hồng Y Wuerl đã biết những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái của Tổng Giám mục Theodore McCarrick, là người tiền nhiệm của ngài tại tổng giáo phận Washington.
Người phát ngôn của Đức Hồng Y nói với Catholic News Agency: “Đức Hồng Y Wuerl đã không nhận được tài liệu hoặc thông tin cụ thể nào từ Tòa thánh về hành vi của nguyên Hồng Y McCarrick hay bất kỳ sự cấm đoán nào về cuộc sống và tác vụ của ngài như Tổng Giám mục Viganò đã nói.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc ngài xử lý cuộc khủng hoảng. Đức Hồng Y Wuerl nói trong tuyên bố của mình: “Cuối cùng, chúng ta cần phải bền đỗ trong lời cầu nguyện và lòng trung thành với Đức Thánh Cha Phanxicô. Càng ngày, rõ ràng ngài càng là đối tượng của một cuộc tấn công cường tập. Tại mỗi Thánh lễ, chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài. Khi chúng ta làm như vậy với giọng nói của mình, mong chúng ta cũng có thể làm như vậy với con tim của mình.”
Đức Hồng Y Wuerl xác nhận rằng ngài sẽ cử hành Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật, bất kể các cuộc biểu tình chống đối. “Tôi hy vọng đưa ra một số suy nghĩ về cách chúng ta như là một Giáo hội - tất cả chúng ta giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - có thể bắt đầu với một đức tin được củng cố trong lời cầu nguyện để phân định bình diện cải tổ đâm rễ nơi tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch cho phép Giáo Hội tiến vào một thời kỳ mới”
8. Cần phải thay đổi não trạng văn hóa tại Ấn để chống những lạm dụng tình dục trẻ em
Sơ Arina Gonsalves là một thành viên của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trước các về vụ tai tiếng lạm dụng tình dục liên quan đến các giáo sĩ ở Ái Nhĩ Lan, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập trong chuyến thăm Dublin gần đây của ngài trong khuôn khổ Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, chị đã dành cho thông tấn xã Asia News một cuộc phỏng vấn.
Theo Sơ Arina Gonsalves, ở Ấn Độ “chúng ta cần phải thay đổi văn hóa của sự im lặng liên quan đến lạm dụng tình dục của trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm nữ tu Ấn Độ làm thành viên mới của Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên. Cô có một lịch sử lâu dài về những dấn thân cá nhân trong Tổng Giáo Phận Bombay để bảo vệ trẻ em.
“Lời xin lỗi được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha ở Ái Nhĩ Lan cho thấy ngài chân thành quan tâm đến các nạn nhân trẻ em bị lạm dụng trong quá khứ. Điều này cũng cho thấy sự khiêm tốn lớn lao của ngài và trách nhiệm cá nhân về những gì đã xảy ra trong Giáo Hội”
Sơ nói thêm Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra rõ ràng “mối liên hệ giữa lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm. Xin tha thứ và tìm kiếm cách đền bù là tốt nhưng chúng ta cần phải thực hiện các bước phòng ngừa trong tương lai.”
Theo chị Arina, “bước tiến này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi triệt để về văn hóa sao cho sự an toàn của trẻ em được đặt lên ưu tiên hàng đầu”. Đồng thời, chị thừa nhận rằng “Chỉ hàng giáo sĩ mà thôi sẽ không thể mang lại sự thay đổi triệt để như vậy. Chúng ta phải cần đến và phải nhận được sự giúp đỡ từ cả cộng đồng. Chúng ta cần tạo ra một nền văn hóa trách nhiệm để công lý được hiển trị.”
9. 8 nhà thờ của Chính Thống Giáo Coptic phải đóng cửa vì bị tấn công
Trong tuần qua, một giáo phận Coptic ở Thượng Ai Cập đã phải đóng cửa ngôi nhà thờ thứ tám của mình sau các cuộc tấn công của dân làng phản đối việc hợp phá hóa các ngôi nhà thờ đã được xây dựng từ lâu.
Trên khắp Ai Cập, có hàng ngàn nhà thờ được thừa nhận không chính thức là nơi thờ tự.
Hai năm trước đây, chính phủ đã giới thiệu một tu chính án cho phép các nhà thờ được có những quyền giống như đền thờ Hồi giáo. Khoảng 3500 nhà thờ đã được xây dựng từ trước mà không có giấy phép chính thức đang đợi để được hợp pháp hoá vào thời điểm đó: một số đã chờ đợi hơn 20 năm. Các cuộc thảo luận để khắc phục tình trạng bất công đối với Kitô giáo đã không ngừng diễn ra kể từ những năm 1970.
Vào tháng Giêng năm nay, Bộ Gia cư Ai Cập đã thông báo rằng các Kitô hữu được phép tiếp tục thờ phượng trong các nhà thờ không có giấy phép, trong khi chờ đợi tiến trình hợp pháp hoá.
Nhưng tại Luxor, tám nhà thờ đã phải đóng cửa trong khi chờ hợp pháp hóa, Gamil Ayed, một luật sư Kitô giáo ở thành phố Esna, nói với World Watch Monitor.
Các thầy giảng kinh Quran trong vùng không ngừng tung ra các Fatwa xúi giục người Hồi Giáo tấn công phá phách các nhà thờ.
10. Tình cảnh người tị nạn Venezuela
Khi tình cảnh người dân Venezuela ngày càng xấu đi, và các nước láng giềng bắt đầu áp đặt những biện pháp khó khăn hơn đối với những người đang cố gắng vượt biên giới vào quốc gia của họ, các nhà lãnh đạo Công Giáo trong khu vực đang kêu gọi tình đoàn kết và sự giúp đỡ thiết thực cho người tị nạn.
Đức Cha Ubaldo Santana, Tổng giám mục hiệu tòa của Maracaibo, Venezuela, cho biết: “Làn sóng di dân khổng lồ của hàng triệu người Venezuela là một tiếng kêu tuyệt vọng nhằm phản đối một chế đợ áp bức, nô lệ hóa, và giết người”.
Ngài nói rằng người dân đang tuyệt vọng tìm kiếm một cách để “tồn tại, mà không đánh mất nhân phẩm của họ và công cáo trước các quốc gia quyền cơ bản của họ đã bị vi phạm.”
Ngài cảm ơn các giáo phận biên giới đã cung cấp chỗ ở và những phẩm vật cứu trợ cho những người đang đổ vào nước họ.
“Công việc được thực hiện bởi các giáo phận Cúcuta, Riohacha ở Colombia và Boa Vista ở Brazil thông qua Caritas và các tổ chức nhân đạo khác để chăm sóc cho những người di cư Venezuela là phi thường. Cảm ơn vô cùng”, Đức Tổng Giám Mục viết trên Twitter.
Theo Caritas International, khoảng 4 triệu người đã rời Venezuela vì cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đặc trưng bởi sự thiếu hụt lương thực và thuốc men dưới thời chính phủ xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro, cai trị đất nước này kể từ năm 2013.
Trước đây những người tị nạn có thể tràn qua Colombia và Brazil mà chỉ cần có thẻ căn cước hay bằng lái xe là được. Ngày nay, cả hai quốc gia này đòi hỏi họ phải có hộ chiếu. Dân chúng phải trả đến 2,000 Mỹ Kim mới có được một hộ chiếu Venezuela. Vì thế, hàng trăm ngàn người đang bị kẹt tại biên giới.
11. Tuyên bố từ Đức Giám Mục Thomas John Paprocki liên quan đến chứng từ của cựu Sứ Thần Tòa Thánh
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đối diện với cuộc khủng hoảng hiện nay sau khi Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đưa ra chứng từ của mình, các Giám Mục tại Hoa Kỳ có khuynh hướng yêu cầu một cuộc thanh tra tông tòa.
Dưới đây là một trong những lời tuyên bố theo khuynh hướng này của Đức Cha Thomas John Paprocki, Giám Mục Springfield, Illinois, Hoa Kỳ.
Cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, đã tiết lộ một tập hợp các sự kiện và hoàn cảnh gây hoang mang sâu sắc vì các tiết lộ này liên quan đến nhận thức, hành động và sự lơ là ở cấp độ cao nhất của Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục Viganò đã đưa ra chứng từ bằng văn bản của mình nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “phải thành thật nói rằng khi nào là lần đầu tiên ngài biết về những tội ác của McCarrick, là người đã lạm dụng quyền lực của mình với các chủng sinh và linh mục. Dù thế nào đi nữa, Đức Giáo Hoàng đã biết điều này từ tôi vào ngày 23 tháng 6 năm 2013 và tiếp tục bao che cho con người ấy.”
Khi được hỏi về điều này trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng trở về từ Ái Nhĩ Lan vào ngày 26 tháng Tám, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Hãy đọc kỹ lời tuyên bố và đưa ra quyết định riêng của bạn. Tôi sẽ không nói một lời nào về điều này.” Thành thật mà nói, nhưng với tất cả sự tôn trọng cần thiết, câu trả lời đó không thỏa đáng. Với mức độ nghiêm trọng của nội dung và những hệ quả trong tuyên bố của cựu Sứ Thần Tòa Thánh, điều quan trọng là tất cả các sự kiện của tình huống này phải được xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng và cẩn thận. Hướng tới mục đích đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các quan chức Vatican và Đức Đương kim Sứ Thần Tòa Thánh nên công khai các hồ sơ thích hợp cho thấy ai biết những gì và khi nào về Tổng Giám mục (trước đây là Hồng Y) McCarrick và đưa ra các trách nhiệm giải trình mà Đức Thánh Cha đã từng hứa.
Về vấn đề này, tôi đồng ý hoàn toàn với tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ngày hôm qua “tái khẳng định lời kêu gọi một cuộc thanh tra khẩn cấp và toàn diện về những lý do tại sao sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của một giám mục anh em lại có thể được dung thứ trong thời gian quá lâu và đã không có gì ngăn cản việc thăng tiến của người ấy. Bức thư gần đây của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò khiến cuộc thanh tra này càng trở thành một vấn đề trung tâm và cấp bách. Các câu hỏi được nêu ra xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng.”
12. Nam Hàn đưa phá thai vào danh sách “các thực hành y khoa vô luân”
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa phá thai vào danh sách các “thực hành y khoa vô luân” và luật phá thai của quốc gia đã được sửa đổi để cho phép các nhà chức trách đình chỉ việc hành nghề của các chuyên gia y tế thực hiện phá thai bất hợp pháp.
Phá thai được báo cáo là rất phổ biến ở Hàn Quốc, mặc dù phá thai về nguyên tắc là bất hợp pháp, ngoại trừ trong trường hợp hiếp dâm, loạn luân, hoặc để cứu mạng sống của người mẹ.
Khoảng 340,000 vụ phá thai được thực hiện hàng năm ở Hàn Quốc, trong khi chỉ có 440,000 trẻ em được sinh ra, theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Luật, Chính sách và Gia đình.
Theo luật hiện hành, các bác sĩ thực hiện phá thai có thể bị kết án đến hai năm tù giam, và phụ nữ phá thai có thể bị phạt tiền và phạt tù một năm.
13. Vatican News bác bỏ tin các tín hữu hò reo Viagnò trong buổi triều yết chung thứ Tư 29 tháng 8
Khi một nhóm thanh niên bắt đầu hò reo tên vị Giám mục của họ tại buổi triều yết chung hôm thứ Tư, một số người nghĩ rằng họ đang hò reo tên của Đức Tổng Giám Mục Viganò, là người đã đưa ra các cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.
Đó là cảnh thường thấy vào thứ Tư tại quảng trường Thánh Phêrô. Sau khi Đức Giáo Hoàng kết thúc bài giáo lý của ngài, ban phép lành, và chào đón những người được ưu ái gặp gỡ cá nhân với ngài trong một vài phút ngắn ngủi gọi là “baciamano”. Các nhóm khác hoan nghênh khi những người thân yêu của họ được Đức Giáo Hoàng bắt tay. Đó là những gì đã xảy ra vào thứ Tư 29 tháng 8, khi một nhóm thanh niên đã cổ vũ Đức Giám Mục của họ, là Đức Cha Benvenuto Italo Castellani, khi ngài lên khán đài để triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Tất cả sẽ là chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng thực tế là một số người đã bị thuyết phục rằng họ đã nghe thấy một nhóm hò reo tên “Viganò”, cựu Sứ Thần Tòa Thánh Hoa Kỳ, và là tác giả một tài liệu chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tin tức cho rằng đám đông đã hò reo Viganò như một cử chỉ phản kháng Đức Thánh Cha đã nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, và từ đó được truyền sang các phương tiện truyền thông “chính mạch”, mà không được xác minh. Tuy nhiên, quý vị và anh chị em hãy lắng nghe cẩn thận đoạn video sau thu được trong buổi triều yết chung ngày 29 tháng 8. Ta có thể nghe thấy tiếng hò reo cổ vũ “Italo”, cái tên quen thuộc của Đức Giám Mục giáo phận Lucca. Các nhà báo chuyên nghiệp đã có thể xác định sự hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô của một nhóm xác nhận đến từ Lucca, và xin lưu ý rằng việc hò reo bắt đầu tại thời điểm Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt tay Đức Cha Castellani.
Từ khi bắt đầu giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ niềm tin lớn lao vào các nhà báo và những người khác làm việc trong lĩnh vực thông tin. Ngài đã cho thấy niềm tin này năm này qua năm khác, khi chấp nhận các cuộc phỏng vấn ngay cả với các cơ quan truyền thông không có đông đảo khán thính giá - chẳng hạn như một tờ báo điều hành bởi những người vô gia cư ở Milan, hoặc đài phát thanh của một khu ổ chuột ở Á Căn Đình.
14. Mái ngói một nhà thờ ở Rôma sụp đổ giữa ban ngày may là không có ai thiệt mạng
Lúc ba giờ chiều ngày thứ Năm 30 tháng 8, đột nhiên mái ngói của nhà thờ San Giuseppe dei Falegnami (Thánh Giuse Thợ Mộc) đột nhiên sụp đổ. Vào thời điểm đó, bên trong nhà thờ có năm khách du lịch bên trong, nhưng không ai bị hề hấn gì.
Không cần phải gọi các lực lượng an ninh vì tiếng động quá lớn này ngay lập tức thu hút sự chú ý của viên cảnh sát Lucio Granini, là người đầu tiên vào hiện trường để kiểm tra các thiệt hại.
Cảnh sát viên Lucio Granini nói:
“Chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn. Chúng tôi chạy đến và bước vào nhà thờ. Bên trong nhà thờ có nhiều người, cả nhân viên nhà thờ và các khách du lịch. Chúng tôi nhanh chóng di tản họ ra bên ngoài. Mái vòm đã bị phá hủy và toàn bộ trần nhà sụp xuống.”
Trong nhà thờ này, nằm bên cạnh Roman forum, các đám cưới thường được tổ chức, và theo dự trù thứ bảy này sẽ có một đám cưới.
Cha Danielle Libanoli là cha sở nhà thờ cho biết:
“Đây là một nhà thờ nhỏ và có vị trí tốt rất thích hợp cho các lễ cưới nên nhiều cặp vợ chồng muốn tổ chức đám cưới của họ ở đây. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì thứ bảy này có một đám cưới đã được lên kế hoạch và nếu tai nạn này xảy ra ngày hôm đó thì chúng ta sẽ ở đây khóc thương cho họ.”
Sau vụ sụp đổ cầu Genoa ngày 14 tháng 8, Ý đã quyết định cắt giảm việc sử dụng nhiều cây cầu không đạt độ an toàn tiêu chuẩn, với sự sụp đổ nhà thờ này, các hạn chế có lẽ sẽ được mở rộng đến một số tòa nhà.
15. Đức Tổng Giám Mục Auza: Thương thảo hòa bình đòi hỏi một nền “văn hóa gặp gỡ” liên quan đến tất cả các bên
Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, đã đọc một diễn từ trong một cuộc tranh luận mở rộng tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Tư 29 tháng 8 về việc hòa giải và giải quyết các tranh chấp.
Thương thảo chân thật trong việc dàn xếp các cuộc tranh chấp đòi hỏi một “nền văn hóa cuộc gặp gỡ” đặt con người, phẩm giá của họ và thiện ích chung ở trung tâm của tất cả các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế.
Phát biểu hôm thứ tư tại một cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hòa giải và giải quyết các tranh chấp, nhà ngoại giao Vatican đã rút ra những bài học từ các tiến trình hòa giải mà Tòa Thánh đã làm trung gian thành công trong việc giải quyết các tranh chấp giữa Á Căn Đình và Chí Lợi, Mozambique và gần đây tại Colombia.
“Con đường dẫn đến hòa bình và sự hiểu biết lẫn nhau càng cam go, chúng ta càng phải nỗ lực nhiều hơn để thừa nhận lẫn nhau, để chữa lành các vết thương, để xây dựng các nhịp cầu, để tăng cường các mối quan hệ và hỗ trợ lẫn nhau”, Đức Tổng Giám Mục Auza trích dẫn Đức Thánh Cha Phanxicô, và nhấn mạnh rằng văn hóa gặp gỡ, liên quan đến sự tôn trọng lẫn nhau và hiểu biết, phải là trung tâm không chỉ trong việc giải quyết các tranh chấp mà còn trong cuộc sống hàng ngày.
16. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput: Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên nên được hoãn lại, chúng ta không còn đủ uy tín
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia nói với một hội nghị thảo luận về “những người trẻ” trong Giáo Hội rằng dưới ánh sáng cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo đang diễn ra hiện nay, ngài đã viết cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu dời lại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên ở Rôma.
“Các giám mục tuyệt đối không còn uy tín” trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sắp tới, Đức Tổng Giám Mục Chaput nói tại Cardinal’s Forum, là một cuộc gặp gỡ hàng năm của các nhà khoa bảng tham gia trong việc đào tạo các chủng sinh và các khóa học nâng cao cho anh chị em giáo dân hôm 30 tháng 8.
Theo dự trù Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sẽ diễn ra từ 3 đến 28 tháng 10 năm 2018.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuộc thảo luận hôm ngày 30 tháng 8 ở Philadelphia đã diễn ra tại Chủng viện St. Charles Borromeo, về chủ đề “Những người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi.” Khoảng 300 người đã tham dự sự kiện này.
Đức Tổng Giám Mục Chaput nói rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên nên được dời lại. Ngài nói:
“Tôi đã viết thư cho Đức Thánh Cha và kêu gọi ngài dời lại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sắp tới. Ngay bây giờ, các giám mục tuyệt đối không còn uy tín để đề cập đến chủ đề này”, Đức Tổng Giám Mục nói.
Thay vì một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, Đức Tổng Giám Mục đề nghị rằng một Thượng Hội Đồng Giám Mục về các Giám Mục nên được tổ chức để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay.
“Tôi đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nên bắt đầu lập kế hoạch cho một Thượng Hội Đồng Giám Mục về cuộc sống của các giám mục,” ngài nói tiếp.
Trong một diễn biến khác, tất cả các Giám Mục của Dallas và linh mục đoàn cùng với các đại diện giáo dân cũng đã viết thư cho Đức Thánh Cha yêu cầu triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về giáo sĩ để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng đang làm điêu đứng Giáo Hội.
Trước đó, Đức Cha Philip Egan của Giáo phận Portsmouth, ở miền nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm điêu đứng Giáo Hội.
Bức thư đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. Đức Cha Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.
“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Cha Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”
Đức Cha Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.
Đức Cha Egan đề nghị rằng một Thượng Hội Đồng Giám Mục như vậy có thể được tổ chức sau những “công nghị ở địa phương”, trong đó các Giám Mục tham dự và lắng nghe ý kiến của anh chị em giáo dân. Công nghị ấy được điều hành hoàn toàn bởi các thành viên giáo dân là những người có chuyên môn cụ thể về các vụ lạm dụng tính dục, và những người tham gia vào việc hình thành chính sách bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác.
Kết quả của các cuộc họp này có thể được đưa vào tài liệu làm việc chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma.
Các chủ đề được đề xuất cho Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận có thể bao gồm “căn tính linh mục [hoặc] giám mục” và đưa ra các hướng dẫn về “lối sống và những hỗ trợ cho việc tuân giữ luật độc thân”, đề xuất ra các “quy tắc sống cho các linh mục [và] các giám mục” và thiết lập “các hình thức giám sát hàng giáo sĩ”