Bản dịch của Vũ Văn An
Trong buổi yết kiến chung ngày 18 thang 11, được trực tiếp truyền hình từ Thư Viện Tông Tòa, không có công chúng tham dự, Đức Phanxicỗ đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện, tâp chú vào Đức Mẹ, như mô hình cầu nguyện.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Trong quá trình dạy giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp gỡ Đức Trinh Nữ Maria như người phụ nữ cầu nguyện. Đức Mẹ đã cầu nguyện. Khi thế giới vẫn chưa biết gì về ngài, khi ngài còn là một cô gái đơn sơ đính hôn với một người đàn ông thuộc nhà Đa-vít, Đức Maria đã cầu nguyện. Chúng ta có thể tưởng tượng cô gái trẻ Nazareth được bao bọc trong im lặng, liên tục đối thoại với Thiên Chúa, Đấng sẽ sớm giao phó cho ngài một sứ mệnh. Ngài đã tràn đầy ân sủng và vô nhiễm ngay từ khi được thụ thai; nhưng ngài chưa biết gì về ơn gọi bất ngờ và phi thường của mình cũng như vùng biển bão tố mà ngài sẽ phải vượt qua. Điều chắc chắn là: Đức Maria thuộc về đoàn rất nhiều người có tấm lòng khiêm tốn mà các sử gia chính thức không bao giờ đưa vào sách của họ, nhưng là người mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Con của Người xuống thế.
Đức Maria đã không tự ý tiến hành cuộc sống của mình: ngài chờ đợi Thiên Chúa cầm cương con đường của ngài và hướng dẫn ngài đến nơi Người muốn. Ngài ngoan ngoãn, và sẵn sàng chuẩn bị cho những biến cố lớn trong đó Thiên Chúa dự phần vào thế giới.
Sách Giáo lý nhắc đến sự hiện diện thường xuyên và đầy quan tâm của ngài trong thiết kế đầy nhân từ của Chúa Cha trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (xin xem
Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2617-2618).
Đức Maria đang cầu nguyện thì Tổng lãnh thiên thần Gabriel mang sứ điệp của Thiên Chúa đến cho ngài ở Nazareth. Suốt trong lịch sử cứu độ, câu thưa “Tôi đây” nhỏ bé nhưng bao la của ngài, một câu nói làm cho mọi tạo vật nhảy mừng hân hoan vào lúc đó, đã theo sau nhiều câu “Tôi đây” khác, của nhiều người tin cậy vâng lời, của nhiều người sẵn sàng mở lòng ra đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Không có cách nào tốt để cầu nguyện hơn là đặt mình vào một thái độ cởi mở, một tấm lòng rộng mở đối với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Tấm lòng rộng mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thế đó. Và Chúa luôn đáp trả. Có biết bao tín hữu đã sống việc cầu nguyện của họ như thế! Những ai có tấm lòng khiêm tốn nhất đều cầu nguyện như thế này: với lòng khiêm nhường từ trong yếu tính, có thể nói như thế; với lòng khiêm nhường đơn sơ: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Họ cầu nguyện như vậy và không buồn khi các vấn đề tràn ngập ngày sống của họ, nhưng họ tiếp tục đối mặt với thực tại và biết rằng trong tình yêu khiêm nhường, trong tình yêu dâng hiến theo mỗi hoàn cảnh, chúng ta trở thành công cụ cho ơn thánh của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Một lời cầu nguyện đơn giản nhưng là lời cầu nguyện trong đó chúng ta đặt mình trong tay Chúa để Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta có thể cầu nguyện như thế, hầu như không cần lời nói.
Cầu nguyện biết cách làm dịu những bồn chồn. Chúng ta bồn chồn, luôn muốn có những sự vật trước khi yêu cầu được chúng, và chúng ta muốn có ngay. Sự bồn chồn này làm hại chúng ta. Và việc cầu nguyện biết cách làm dịu sự bồn chồn, biết cách biến nó thành sự sẵn sàng. Khi chúng ta bồn chồn, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở trái tim tôi ra và khiến tôi cởi mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của Biến cố Truyền Tin, Đức Trinh Nữ Maria biết cách bác bỏ sự sợ hãi, ngay cả khi cảm thấy lời “xin vâng” của mình sẽ mang đến cho mình những thử thách vô cùng khó khăn. Nếu trong việc cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày Thiên Chúa ban là một lời mời gọi, thì trái tim chúng ta sẽ mở rộng ra và chúng ta sẽ chấp nhận mọi sự. Chúng ta sẽ học cách nói: “Chúa muốn gì, lạy Chúa. Chỉ cần Chúa hứa với con rằng Chúa sẽ có mặt trên mỗi bước đường con đi”. Điều này rất quan trọng: cầu xin Chúa hiện diện trên mọi bước đường ta đi: để Người không bỏ rơi chúng ta một mình, để Người không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ, để Người không bỏ rơi chúng ta trong những giờ phút tồi tệ. Kinh Lạy Cha kết thúc thế này: Ơn thánh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là cầu xin Chúa.
Đức Maria đã đồng hành suốt cuộc đời của Chúa Giêsu bằng lời cầu nguyện, cho đến khi Người chết và phục sinh; và cuối cùng, ngài tiếp tục và đã đồng hành với những bước đi đầu tiên của Giáo Hội sơ khai (xem Cv 1:14). Đức Maria cầu nguyện với các môn đệ, những người đã chứng kiến tai tiếng thập giá. Ngài đã cầu nguyện cùng với Thánh Phêrô, người đã sa ngã vì sợ và khóc lóc hối hận. Đức Maria ở đó, với các môn đệ, giữa những người nam và người nữ mà Con của ngài đã kêu gọi thành lập nên Cộng đồng của Người. Đức Maria không hành động như một linh mục giữa họ, không! Ngài là Mẹ của Chúa Giêsu, người đã cầu nguyện với họ, trong cộng đồng, như một thành viên của cộng đồng. Ngài cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ. Và, một lần nữa, lời cầu nguyện của ngài đi trước vào một tương lai sắp được ứng nghiệm: nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ công trình của Chúa Thánh thần, ngài trở thành Mẹ Giáo Hội. Cầu nguyện với Giáo hội sơ khai, ngài trở thành Mẹ của Giáo hội, đồng hành với các môn đệ trên những bước đầu tiên của Giáo hội bằng lời cầu nguyện, trông đợi Chúa Thánh Thần. Trong im lặng, luôn luôn âm thầm. Lời cầu nguyện của Đức Maria là lời cầu nguyện im lặng. Các sách Tin Mừng chỉ kể lại một trong những lời cầu nguyện của Đức Maria tại Cana, khi ngài cầu xin Con của ngài cho những người nghèo sắp gây ra ấn tượng kinh khủng trong bữa tiệc. Nào, chúng ta hãy tưởng tượng xem: có một tiệc cưới và tiệc cưới này sẽ kết thúc bằng sữa vì không còn rượu! Thật là một ấn tượng! Và ngài đã cầu nguyện và yêu cầu Con trai của ngài giải quyết vấn đề đó. Trong và từ bản chất, sự hiện diện của Đức Maria là lời cầu nguyện, và sự hiện diện của ngài giữa các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly, đang trông đợi Chúa Thánh Thần, cũng là lời cầu nguyện. Như thế, Đức Maria sinh ra Giáo hội, ngài là Mẹ của Giáo hội. Sách Giáo lý giải thích: “Trong đức tin của nữ tì khiêm nhường của Người, Hồng phúc của Thiên Chúa”, tức là Chúa Thánh Thần, “đã tìm thấy sự chấp nhận mà Người hằng mong đợi từ thuở khởi nguyên thời gian” (
Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2617).
Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác nữ tính tự nhiên được đề cao bởi sự kết hợp độc đáo nhất của ngài với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Đây là lý do tại sao, khi đọc Tin Mừng, chúng ta lưu ý điều này đôi khi dường như ngài biến mất, chỉ để xuất hiện trở lại trong những thời điểm chủ chốt: Đức Maria đã mở lòng đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa vốn hướng dẫn tâm hồn ngài, hướng dẫn ngài từng bước khi sự hiện diện của ngài được cần đến. Sự hiện diện âm thầm của ngài như một người mẹ và một người môn đệ. Đức Maria hiện diện vì ngài là Mẹ, nhưng ngài cũng hiện diện vì ngài là môn đệ đầu tiên, môn đệ đã học được nhiều nhất đường lối của Chúa Giêsu. Đức Maria không bao giờ nói: "Hãy đến đây, tôi sẽ lo liệu mọi chuyện". Thay vào đó, ngài nói: “Hãy làm bất cứ điều gì Người sẽ nói với anh em”, luôn chỉ tay về phía Chúa Giêsu. Tác phong này là điển hình của người môn đệ, và ngài là môn đệ đầu tiên: ngài cầu nguyện như Mẹ và ngài cầu nguyện như một môn đệ.
“Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Thánh sử Luca đã mô tả Mẹ của Chúa trong trình thuật tuổi thơ trong Tin Mừng của ngài như thế. Mọi sự diễn ra xung quanh ngài đều kết cục được suy đi nghĩ lại trong sâu thẳm trái tim ngài: những ngày tràn ngập niềm vui, cũng như những khoảnh khắc đen tối nhất khi ngay cả ngài cũng phải vật lộn mới hiểu được ơn cứu chuộc phải đi qua những nẻo đường nào. Mọi sự kết thúc trong trái tim ngài để có thể được sàng sẩy trong lời cầu nguyện và được biến đổi bởi đó: bất kể là những món quà của các đạo sĩ Phương đông, hay chuyến chạy trốn qua Ai Cập, cho đến ngày thứ Sáu khổ nạn khủng khiếp đó. Người Mẹ luôn lưu giữ mọi sự và mang nó vào cuộc đối thoại của ngài với Thiên Chúa. Một ai đó đã so sánh trái tim của Đức Maria với viên ngọc trai sáng láng không gì sánh kịp, được hình thành và làm mịn bằng việc kiên nhẫn chấp nhận thánh ý Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy gẫm trong lúc cầu nguyện. Đẹp đẽ biết bao nếu chúng ta cũng giống như Mẹ của chúng ta một chút! Với tấm lòng rộng mở đón nhận Lời Thiên Chúa, với tấm lòng thầm lặng, tấm lòng vâng phục, tấm lòng biết cách tiếp nhận Lời Chúa và để nó lớn lên cùng với hạt giống điều tốt cho Giáo Hội.