1. Đã đề ra luật phá thai, tổng thống Á Căn Đình còn xách mé Đức Thánh Cha
Tổng thống Alberto Fernandez đã trình lên Quốc hội một dự luật, kêu gọi làm cho việc phá thai “được hợp pháp, an toàn và tự do” trên cả nước.
Nếu được chấp thuận, luật này sẽ cho phép cả những thiếu nữ dưới 13 tuổi phá thai mà không cần sự đồng thuận của cha mẹ, việc phá thai theo yêu cầu được hợp pháp hóa cho tới tuần thứ 14 của thai kỳ, và cho phép phá thai vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ nếu nó được xác định là gây nguy hiểm đến tính mạng, thể chất hoặc tâm lý của người mẹ hoặc nếu đó là kết quả của lạm dụng tình dục.
Tổng thống Fernandez lý luận rằng hợp pháp hóa phá thai sẽ là giải pháp cho các phụ nữ nghèo không đủ khả năng trả chi phí phá thai tại các phòng khám tư, và giảm bớt số phụ nữ chết vì phá thai bất hợp pháp. Ông nói rằng dù là người Công Giáo, ông xem phá thai là vấn đề sức khỏe cộng đồng và hy vọng Ðức Giáo Hoàng không nổi giận với ông vì ông thúc đẩy hợp pháp hóa phá thai. Nhiều người cho rằng, khi nói những câu này Fernandez thực ra chỉ có ý xách mé Đức Thánh Cha hơn là tìm cách làm cho ngài đừng nổi giận.
Đáp lại, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn và khích lệ các phụ nữ ở quê nhà Á Căn Đình của ngài, những người đã xin ngài giúp nói lên sự phản đối của họ đối với dự luật hợp pháp hóa việc phá thai được tổng thống Á Căn Đình đưa ra.
Ngày 18 tháng 11 năm 2020, 8 phụ nữ sống trong những khu ổ chuột lớn nhất trong tổng giáo phận Buenos Aires trước đây của Ðức Thánh Cha đã viết thư cho ngài bày tỏ lo ngại rằng dự luật phá thai nhắm đến các phụ nữ nghèo và xin ngài giúp cho tiếng nói của họ được lắng nghe.
Trong thư hồi âm đề ngày 22 tháng 11 năm 2020 gửi các phụ nữ Á Căn Đình, Ðức Thánh Cha nói rằng vấn đề phá thai “chủ yếu không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề đạo đức con người, là điều đi trước bất kỳ hệ phái tôn giáo nào”.
Ðức Thánh Cha đặt ra hai câu hỏi: “Có công bằng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có công bằng không nếu thuê một kẻ giết thuê để giải quyết một vấn đề?” Ðây là lần đầu tiên ngài trực tiếp nói về chiến dịch ủng hộ phá thai tại quê nhà của ngài.
Ðức Thánh Cha khen ngợi các phụ nữ chống phá thai “thật sự là những phụ nữ hiểu sự sống này là gì” và ngài “ngưỡng mộ công việc và chứng tá của họ”. Ngài cám ơn những gì họ làm và thực hiện. Ngài nói tiếp: “Quê nhà hãnh diện có những phụ nữ như họ.”
Source:Catholic News Agency
Argentine president hopes Pope Francis 'won't be angry' over abortion bill
2. Giám Mục Ấn lên tiếng xin lỗi sau khi giáo dân chỉ ra rằng ngài đã trúng kế của người Hồi Giáo
Một vị Hồng Y người Ấn Độ đã thành lập một ủy ban để xem xét vấn đề hôn nhân khác đạo vì vấn đề này đã trở thành một điểm nóng chính trị ở nước này.
Đức Hồng Y George Alencherry, nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã triệu tập một ủy ban sau khi một phụ nữ Công Giáo kết hôn với một người đàn ông Hồi giáo tại Nhà thờ Thánh Joseph ở trung tâm thành phố Kochi, thuộc bang Kerala, miền Nam nước này.
Các câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến vấn đề là liệu người phụ nữ Công Giáo trong cuộc hôn nhân này có hội đủ hay không tất cả các yêu cầu chính thức khi kết hôn với một người chưa rửa tội, đặc biệt trong bối cảnh người ấy sẽ quyết liệt từ chối phép rửa tội, và sẽ ngăn cản không cho con cái của ông được rửa tội. Thậm chí, ông ta có nhiều khả năng sẽ buộc người vợ mình phải theo đạo Hồi. Nhiều người cho rằng người phụ nữ Công Giáo này thuộc một giáo phận khác, đã không được phép thích hợp tại giáo phận gốc của mình.
Buổi lễ thu hút sự chú ý lớn hơn do sự hiện diện của Đức Cha Matthew Vaniakizhakel, giám mục đã nghỉ hưu của Satna.
Trong một bức thư, Đức Cha xin lỗi vì đã tham dự buổi lễ.
“Tôi đã tham dự hôn lễ hỗn hợp vì có mối quan hệ thân thiết với gia đình cô dâu. Tuy nhiên, tôi rất hối hận khi tham dự hôn lễ này”, Đức Cha Vaniakizhakel viết.
Kerala là trung tâm Kitô giáo của Ấn Độ. Mặc dù các tín hữu Kitô chỉ chiếm hơn 2% dân số trên toàn Ấn Độ, nhưng họ chiếm gần 20% dân số ở Kerala.
Bang Kerala cũng là trụ sở chính của Giáo Hội Syro-Malabar, một trong những Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức phương Đông có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Cha Alex Onampally, thư ký của Ủy ban Truyền thông của Giáo Hội Syro-Malabar, nói với tờ Crux rằng Đức Hồng Y Alencherry sẽ ban hành hướng dẫn mới về hôn nhân khác đạo sau khi ủy ban công bố báo cáo của mình.
Giáo luật nghiêm cấm các cuộc hôn nhân khác đạo, nhưng các nhà chức trách Giáo hội có thể đưa ra một miễn trừ nếu người phối ngẫu Công Giáo hứa sẽ không từ bỏ đức tin của mình và nuôi dạy con cái theo đức tin Công Giáo. Nếu không hội đủ các điều kiện này, cuộc hôn nhân bị Giáo Hội Công Giáo coi là vô hiệu.
Mặc dù các miễn trừ như thế thường được chấp nhận ở phương Tây, nhưng chúng thường bị từ chối ở Ấn Độ do nhận thấy mối nguy hiểm đối với đức tin của người Công Giáo.
Một số nhà hoạt động Công Giáo đưa ra cáo buộc người Hồi Giáo đang tiến hành một cuộc “thánh chiến tình ái”. Họ cáo buộc rằng người Hồi giáo kết hôn với những người không theo đạo Hồi để chuyển họ sang đạo Hồi.
Các cuộc biểu tình chống trào lưu “thánh chiến tình ái” đã khiến bang Uttar Pradesh, ở miền bắc Ấn Độ, thông qua đạo luật gây trở ngại cho hôn nhân giữa các cặp vợ chồng khác đạo, bao gồm một thời gian chờ đợi nhất định và sự chấp thuận của các quan chức chính phủ. Luật áp dụng hình phạt lên đến 10 năm tù đối với những người vi phạm.
Source:Crux
Fears of ‘Love Jihad’ cause Catholic Church in India to look at interfaith marriages
3. Hàng chục bản án chung thân và các án tù khắc nghiệt dành cho “các nhà lãnh đạo đảo chính”
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều bản án chung thân đối với khoảng 500 người bị xét xử liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016.
Nhiều người bị cáo buộc là tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gülen, là người bị kết tội chủ mưu của âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Phiên tòa tập trung vào các sự kiện tại căn cứ không quân Akinci, ở Ankara, nơi các thủ lĩnh cuộc đảo chính được cho là đã dẫn đầu cuộc tấn công của họ.
Hàng chục phi công và sĩ quan cao cấp tại căn cứ bị kết tội mưu toan lật đổ chính phủ hợp hiến và dự định giết chết Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Các bị cáo bị kết tội đã đánh bom một số điểm chiến lược ở thủ đô, bao gồm cả tòa nhà quốc hội.
Ít nhất 27 người bị tuyên nhiều bản án chung thân, mỗi người đều có những điều khoản khắc nghiệt hơn bản án chung thân bình thường. Vào năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cái gọi là án tù chung thân với các tình tiết gia trọng để thay thế án tử hình.
Trong số 475 người hiện đang bị xét xử có 365 người đã phải ở trong tù trong nhiều năm qua. Tổng cộng có 337 người bị kết án, bao gồm Tư lệnh Không quân Akin Ozturk, cùng với 4 người cầm đầu khác được mệnh danh là nhóm “tứ nhân bang lừa đảo dân sự” vì có quan hệ với mạng lưới của Gülen.
Sau đêm âm mưu đảo chính vào giữa tháng 7 năm 2016, khiến 250 người chết và quyền lực của Erdoğan bị lung lay trong vài giờ, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc săn lùng phù thủy toàn diện.
Hàng chục nghìn người bị cáo buộc đã tham gia vào âm mưu đảo chính này, ở trong và ngoài nước – bao gồm các nhà trí thức, các nhà hoạt động chính trị, quân nhân, thẩm phán, giáo viên, người dân thường. Họ bị kết tội có liên hệ với Fethullah Gülen, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Theo tổng thống Erdoğan, những người ủng hộ Gülen đã thâm nhập vào lực lượng cảnh sát, cơ quan tư pháp và các tổ chức quan trọng khác để tạo ra một “nhà nước trong nhà nước”.
Khoảng 292,000 người đã bị bắt giam và gần 100,000 người đang chờ xét xử.
Khoảng 150,000 công chức đã bị sa thải hoặc đình chỉ sau cuộc đảo chính, bao gồm khoảng 20,000 người bị trục xuất khỏi quân đội. Các tòa án đã tuyên hơn 2,500 bản án chung thân.
Source:Asia News
Dozens of life sentences and harsh prison for “coup leaders”