Lòng sùng kính Đức Mẹ của người Malta dâng cao sau thời đại dịch coronavirus
Nằm ngay sát bên cạnh Ý, Malta đã may mắn tránh được đại hoạ virus độc địa. Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này chỉ có 2,247 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong đó có 15 trường hợp tử vong. Lòng sùng kính Đức Mẹ nổi tiếng của người Malta lại tăng lên gấp bội.
Lòng tôn sùng của người Malta đối với Đức Mẹ Hang Đá đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Nguồn gốc của lòng tôn sùng này bắt nguồn từ khoảng năm 1400 sau Chúa Giáng Sinh khi Đức Mẹ hiện ra với một người thợ săn trong một hang động, gần Mdina. Dân chúng trong vùng đã tạc một bức tượng Đức Mẹ để kính nhớ biến cố này. Sự kiện phi thường đó đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng không được ghi lại. Mãi đến năm 1670, một Sử gia dòng Đa Minh, là Cha Francis Mary Azzopardo, mới viết lại sự kiện này bằng tiếng Ý.
Tình trạng thiếu tài liệu trong một thời gian dài không ngăn được người dân tin vào câu chuyện được truyền khẩu. Thật vậy, qua nhiều thế kỷ, lòng sùng kính của người Malta đối với Đức Mẹ Hang Đá của họ không bao giờ bị chùn bước. Các tín hữu thường xuyên thăm viếng hang đá và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ.
Lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Hang Đá đã được thúc đẩy rất mạnh vào khoảng năm 1450/ Lúc đó, ba linh mục dòng Đa Minh từ tỉnh Sicilia đã sang thành lập Dòng ở Malta và yêu cầu được ban cho hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. Yêu cầu này được đấng bản quyền ban cho ngay sau đó. Rất nhanh chóng, lòng sùng kính Đức Mẹ đã gia tăng đến mức hầm mộ trở nên quá nhỏ đối với những người sùng kính lũ lượt kéo đến viếng thăm. Vì lý do này, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã phải xây dựng một nhà thờ lớn hơn và một tu viện mới. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã đặt tên nhà thờ mới là Nhà thờ Hang Đức Mẹ. Trong thời kỳ này, Malta liên tục bị đe dọa bởi một cuộc xâm lược của người Hồi Giáo. Trên thực tế, vào năm 1551, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công dữ dội hòn đảo và chiếm giữ được tu viện dòng Đa Minh.
Vào năm 1630, tu viện phải được trùng tu vì sự phá phách của quân thánh chiến Hồi Giáo. Tuy thế, ngọn đèn dầu trước tượng đài Đức Mẹ vẫn được giữ cho tiếp tục cháy, bất kể Nhà thờ đã phải đóng cửa. Một người phụ nữ lấy một ít dầu từ ngọn đèn này bôi lên tay chân của Gian Maria, đứa con trai bị liệt của bà. Anh ấy đã được chữa khỏi ngay lập tức!
Một phép màu khác đã được ban cho anh Tommaso Gioanello đến từ Cospicua. Vào năm 1640, khi đang làm việc trong một nhà kho, một xà ngang rơi xuống và đập vào đầu anh ta. Khi nhìn thấy cây xà ngang rơi xuống, anh ta đã kêu lên “Lạy Đức Mẹ xin cứu con”. Chỉ vài ngày sau tai nạn khủng khiếp đó, anh đã đi lại như bình thường.
Năm 1887, một trận dịch tả tấn công Đảo Malta. Nhiều người đã cầu cứu Đức Mẹ Hang Đá và được chữa lành. Mười hai năm sau, Malta lại hứng chịu một trận dịch khác. Lần này là bệnh đậu mùa. Msida bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cha xứ đã dẫn dắt cộng đoàn cầu nguyện với Đức Mẹ Hang Đá và Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của họ. Msida đã được giải thoát khỏi tai họa này. Một giấy chứng nhận đã được cấp bởi nhân viên y tế địa phương và tất cả những người dân địa phương đã ký vào tờ khai. Những tài liệu này với được giữ ở Tu viện Rabat.
Vào ngày 13 tháng 2 năm 1954, một cậu bé ở thành phố Lia bị viêm màng não. Ngày hôm sau anh được đưa đến bệnh viện và cha mẹ anh được thông báo rằng tính mạng của con trai họ đang gặp nguy hiểm. Bà ngoại của cậu bé đã cầu nguyện với Đức Mẹ Hang Đá; một người hàng xóm của họ cũng đã cầu nguyện cho cậu bé và hứa sẽ đến thăm Thánh địa và phân phát những bức ảnh thánh về Đức Mẹ Hang Đá nếu cậu bé được chữa khỏi. Ngày 1 tháng 3, cậu bé được xuất viện.
Đức Mẹ Hang Đá Malta luôn có tình yêu thương dịu dàng đối với các bà mẹ. Thật vậy, một câu chuyện đáng kinh ngạc khác, xảy ra vào năm 1954, đó là một phụ nữ đến từ Dingli sinh con rất khó khăn và nguy hiểm, vì bà bị huyết áp cao và bệnh thận. Bác sĩ đã đề nghị nhập viện và cảnh báo người chồng chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Tất cả gia đình và hàng xóm của ngôi làng nhỏ đó cầu nguyện với Đức Mẹ không ngừng. Một đoàn hành hương cũng rời giáo xứ làng đến Nhà thờ Đức Mẹ Hang Đá. Người phụ nữ này cũng dùng dầu của Đức Mẹ, do một người hàng xóm tặng, để làm dấu thánh giá. Vào ngày 3 tháng 5, người phụ nữ đã sinh con trai mẹ tròn con vuông chỉ trong một giờ!
Năm 1980, các linh mục, tu sĩ dòng Đa Minh đã quyết định đặt một bản sao bằng đá cẩm thạch từ Ý, để giữ nguyên bức tượng gốc. Bức tượng cũ sau hơn 500 năm đã bị lão hóa, và bị hao mòn nhiều, đặc biệt là sau biết bao các cuộc rước liên quan đến các lễ hội và các cuộc hành hương. Trên thực tế, các linh mục, tu sĩ sợ rằng thiệt hại không thể phục hồi sẽ xảy ra nếu bức tượng tiếp tục được sử dụng trong các cuộc rước. Thật vậy, bức tượng đã từng bị vỡ thành nhiều mảnh và sau đó được phục hồi. Đến năm 1981, bản sao đã đến Malta. Năm 1999, một số tín hữu nhận thấy một đốm đen gần mắt của tác phẩm điêu khắc mới về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng. Lúc đầu, vì một số lý do, không ai báo cáo điều này. Tuy nhiên, vào ngày 6 tháng 5, một phụ nữ nhận thấy một giọt nước mắt hơi đỏ từ mắt phải của Đức Trinh Nữ, và ngay lập tức thông báo cho Cha Sở và cha Giám tỉnh dòng Đa Minh. Nhưng trước khi các nhân chứng đến nơi, một người nào đó đã lau nước mắt trên khuôn mặt của Đức Mẹ. Phản ứng của các vị bề trên là là nếu đó là một phép lạ thì nước mắt sẽ xuất hiện trở lại.
Ngày hôm sau không có giọt nước mắt đỏ nào xuất hiện, cho đến 6 giờ chiều. Lúc 6 giờ mười phút, một người phụ nữ đến thăm Nhà thờ và nhìn thấy những giọt nước mắt đỏ hồng chảy ra từ mắt Đức Trinh Nữ. Bà báo cho Cha xứ, và ngài đã thông báo ngay cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Mercieca.
Chứng kiến tất cả những sự lạ này, Đức Cha Mercieca đã hành động ngay lập tức và thiết lập một cuộc điều tra dưới sự giám sát của Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh. Các nghiên cứu pháp y cũng được thực hiện. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2003, Tòa Tổng Giám mục Malta đã ra một thông cáo báo chí, khích lệ anh chị em giáo dân ở Malta nên tiếp tục sống và củng cố tình yêu truyền thống của họ đối với Đức Mẹ. Tuyên bố cũng nói rằng theo báo cáo của Ủy ban Chuyên gia, và lời khuyên của Bộ Giáo lý Đức tin, đây là một sự kiện phi thường không thể giải thích được về khoa học. Dịp này, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng sẽ là điều đáng giá khi tình yêu này của người Malta đối với Đức Mẹ tiếp tục đón nhận, một cách xứng đáng và đích thực, lòng sùng kính lâu đời đối với hình ảnh Đức Mẹ Hang Đá. Cùng ngày hôm đó, Tỉnh Dòng Đa Minh Malta cũng đã đưa ra một thông cáo báo chí được công bố vào ngày 13 tháng 12 xác nhận tính chất chân thực của phép lạ này.