1. Tổng thống Trump đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen
Mỹ có thể đang siết chặt thị trường tại Hoa Kỳ đối với nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết hôm thứ Sáu, chính quyền Trump đang xem xét liệu có nên đưa Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn, gọi tắt là SMIC, vào danh sách đen hay không. Việc thêm SMIC vào danh sách đen hiện bao gồm hơn 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc sẽ buộc các nhà cung cấp Mỹ phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt, là điều ngày càng khó có thể xin được.
Danh sách đen đó bao gồm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE. Chính quyền Trump thường sử dụng danh sách đó để đánh vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc. SMIC đã phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Những quy định này bắt buộc những công ty nào cung cấp chip cho Huawei và các nhà sản xuất khác phải xin giấy phép của Mỹ trước khi sản xuất chip cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này nếu họ dựa vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ.
Các nguồn tin trong ngành cho biết việc đưa SMIC vào danh sách có thể ảnh hưởng đến các công ty Mỹ. Trong số đó, các nhà cung cấp thiết bị chip như Lam Research, KLA, và Applied Materials. SMIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Nhiều công ty làm ăn với Trung Quốc tỏ ra bực mình với Tổng thống Trump vì thái độ chống Trung Quốc quyết liệt của ông. Chính vì thế, Tổng thống Trump phải cân nhắc sự chống đối này khi cuộc bầu cử đang đến gần.
Source:Reuters
U.S. weighs blacklisting top Chinese chipmaker
2. Nhóm Công Giáo ủng hộ Biden xúc phạm Đức Giáo Hoàng
Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết nhiều người Công Giáo bất mãn trước đườg lối tuyên truyền sống sượng của nhóm “Catholic for Biden”, tức là nhóm những người Công Giáo ủng hộ Biden.
Tiếp cận các cử tri Công Giáo trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden, nhóm này nói với những người Công Giáo rằng các ưu tiên của Biden phù hợp với các ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, bất chấp một sự thật rõ ràng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nghiêm khắc lên án hành vi phá thai, trong khi Biden theo đuổi một lập trường phò phá thai cực đoan, thậm chí ủng hộ phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ, ngay cả khi thai nhi đã chào đời, và ủng hộ việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho việc phá thai.
Vào tối thứ Năm, nhóm “Người Công Giáo ủng hộ Biden” đã tổ chức buổi ra mắt trực tuyến chính thức. Các diễn giả tại sự kiện này bao gồm Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, Sơ Simone Campbell, và cựu khoa trưởng khoa chính trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, là Tiến sĩ Stephen Schneck.
Durbin, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ năm 1997, đã bị cấm rước lễ vào năm 2004 tại Giáo phận Springfield quê nhà ở Illinois. Vào năm 2018, Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Springfield cảnh giác người Công Giáo rằng lệnh cấm này vẫn có hiệu lực.
Ba diễn giả tự xưng mình là người Công Giáo này khuyên các cử tri Công Giáo không nên là những cử tri chỉ săm soi vào vấn đề về phá thai mà quên đi các vấn đề khác.
Biden đã cam kết hỗ trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân, tài trợ và hệ thống hóa việc phá thai hợp pháp trong hiến pháp.
Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Biden thề sẽ hủy bỏ tu chính án này và cái gọi là “kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo ý kiến công chúng” của ông ta sẽ bao gồm việc tài trợ cho mọi ca phá thai trong mọi trường hợp. Liên Đoàn Hành Động Vì Quyền Phá Thai Quốc Gia đã tán thành việc ứng cử của ông ta, và Quỹ hành động của Planned Parenthood cho biết họ “xúc động” trước việc ông ta chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm bạn tranh cử với mình.
Trong cuộc nói chuyện trực tuyến này, các diễn giả đã đưa ra câu tuyên truyền này “Bạn có phải là Cử tri ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô không? Nếu có hãy ủng hộ Biden.” Ba tên bịp bợm này cho rằng “Donald Trump bác bỏ phần lớn Giáo huấn Xã hội Công Giáo,” trong khi cả quyết rằng Biden chia sẻ “các ưu tiên Công Giáo” của “Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Trong tông huấn “Gaudete et exsultate”, nghĩa là “Mừng rỡ Hân Hoan” được công bố năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tất cả cuộc sống con người, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều thiêng liêng.
Đức Thánh Cha nói rằng “việc bảo vệ những đứa trẻ vô tội” phải “rõ ràng, vững chắc và đầy nhiệt huyết,” nói thêm rằng “cũng thiêng liêng như thế, là cuộc sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi và kém may mắn, người già yếu và dễ bị tổn thương trước các hình thức giết hại được che đậy dưới hình thức trợ tử, những nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức nô lệ mới và mọi hình thức từ chối.”
Trích dẫn các từ “cũng thiêng liêng như thế” trong tông huấn của Đức Thánh Cha, ba tên diễn giả bịp bợm này nói rằng “các ưu tiên thiêng liêng là ngang nhau” nhằm đánh đồng việc phá thai với một số vấn đề khác có tầm quan trọng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời tố cáo mạnh mẽ hành vi phá thai. Ngài đã ví hành động này như “việc thuê một sát thủ” và lên án việc phá thai có chọn lọc, tức là giết chết các thai nhi có dị tật, “giống như Đức Quốc xã thanh lọc chủng tộc, nhưng với đôi găng tay trắng.”
Trong tông huấn Evangelii Gaudium nghĩa là Niềm Vui Phúc Âm công bố năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “việc bảo vệ sự sống chưa sinh này được liên kết chặt chẽ với việc bảo vệ quyền của mỗi người và mọi quyền khác”.
Source:Catholic News Agency
‘Catholics for Biden’ claims Democratic candidate shares pope’s priorities
3. Cha Bernardo nhận định thoả thuận Vatican-Bắc Kinh đã mang lại thành quả quá ít ỏi
Khi Vatican chuẩn bị gia hạn thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục vào cuối tháng này, một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề Trung Quốc đã lập luận rằng mặc dù mong muốn đối thoại là điều dễ hiểu, nhưng hai năm sau thỏa thuận này, thành quả thu được là quá ít ỏi.
“Tôi hiểu sự tích cực, sự cám dỗ để có mối quan hệ này với Trung Quốc, nhưng tôi phải nói rằng có rất ít kết quả,” Cha Bernardo Cervellera nói, và bày tỏ hy vọng rằng “Vatican, khi gia hạn thỏa thuận này, thay vì vẫn tiếp tục chiều chuộng nhiều hơn các yêu cầu của Trung Quốc, cần phải đặt nhiều yêu cầu hơn tương xứng với các yêu cầu của họ”.
Cha Bernardo là giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại và từng là một linh mục hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc.
Ngài đã phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến ngày 4 tháng 9 do Viện Acton, một tổ chức Công Giáo đấu tranh cho tự do tôn giáo, tổ chức, đã đưa ra đánh giá của ngài về tình trạng của lục địa Á Châu trong bối cảnh đại dịch coronavirus và luật an ninh quốc gia mới ở Hương Cảng.
Nói về thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican đã thực hiện với Trung Quốc vào năm 2018, và sẽ được gia hạn trong tháng này, Cha Bernardo lưu ý rằng nhiều quan chức Vatican đã ca ngợi thỏa thuận này là một điều gì đó vừa tích cực vừa có hiệu quả, trong khi “Trung Quốc đã không bao giờ nói bất cứ điều gì.”
Ngài đề cập đến một bài báo được đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó trích dẫn các quan chức Vatican ca ngợi thỏa thuận, nhưng không hề đề cập đến ý kiến từ các thành viên của bọn cầm quyền Trung Quốc.
Ngài nhận định rằng việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận này để lại cho ngài ấn tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể coi hiệp định này là một điều gì đó có chút tích cực nào đó, nhưng theo quan điểm của họ, “những rủi ro ngày càng tăng đến mức họ phải yêu cầu Vatican đáp ứng mọi thứ.”
Ngài nhấn mạnh rằng, mọi thứ, theo nghĩa này, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc làm, và chắc chắn phải làm gián đoạn quan hệ với Đài Loan.”
“Đây chắc chắn là động cơ cơ bản khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc rất quan tâm đến mối quan hệ với Vatican. Bởi vì như thế, họ có thể lấy đi của Đài Loan đại sứ quán duy nhất mà nước này có thể có ở Âu châu”
Hiện nay Đài Loan có quan hệ ngoại giao với chỉ 15 quốc gia, và Tòa thánh là mối quan hệ ngoại giao duy nhất của họ ở Âu châu.
Cha Bernardo thừa nhận rằng ngài hiểu lý do tại sao việc theo đuổi đối thoại với Trung Quốc lại hấp dẫn đối với nhièu người, vì kể từ khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền Đảng Cộng sản vào năm 1949, cánh cửa đã đóng chặt, bất chấp mọi nỗ lực từ các vị giáo hoàng trước đó, bao gồm cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ XVI.
“Trung Quốc không bao giờ muốn có một mối quan hệ; họ luôn đóng cửa. Họ không bao giờ muốn đối thoại. Giờ đây, Vatican đã có chủ đề đối thoại rất mỏng này, tôi hiểu rằng họ muốn giữ nó,” Cha Bernardo nói, nhưng nói thêm rằng theo quan điểm của ngài, cho đến nay sau khi thỏa thuận được ký kết đã hai năm, có rất ít thành quả.
Ngài nói: “Bản thân thỏa thuận này là nhằm bổ nhiệm các giám mục mới, nhưng từ khi đạt được thỏa thuận cho đến nay, không một giám mục mới nào được bổ nhiệm”. Cha Bernardo lưu ý rằng hai giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được Bắc Kinh công nhận trong hai năm qua, đều đã được lựa chọn nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký năm 2018.
“Vì vậy, ta không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả những điều này đã xảy ra.”
Trong thực tế, cả ba vị vừa được Bắc Kinh công nhận là các vị đã chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Nhiều người không ngại gọi các ngài là các “hồi chánh viên”. Và cùng với hành động hồi chánh này 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ.
Cha Bernardo cũng đưa ra đánh giá của mình về lục địa Á Châu trong mối tương quan với đại dịch coronavirus, nhấn mạnh ba yếu tố mà ngài nói là nổi bật trong vài năm qua, một số yếu tố đó đã được làm rõ hơn trong bối cảnh coronavirus và các cuộc biểu tình ở Hương Cảng.
Các nền kinh tế của Á Châu, bao gồm Trung Quốc, đã quỵ ngã “trên đầu gối” bởi coronavirus, nhưng các nhà lãnh đạo trong khu vực, theo nhận xét của Cha Bernardo, đang ngày càng “kiêu ngạo”. Cha Bernardo giải thích thêm rằng, điều này có nghĩa là “họ không còn cố gắng muốn duy trì hình ảnh của một người cởi mở”.
Ngài nói: “Tất cả họ đều đang biến đổi thành những nhà độc tài muốn tồn tại trong nhiều thập kỷ.” Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan và Miến Điện là nạn nhân của xu hướng mới này, là điều mà theo Cha Bernardo thường dẫn đến việc “bóp nghẹt nhân quyền một cách thẳng thừng” đặc biệt đối với những người thiểu số, là những người mà số phận của họ không gây ra chút chú ý đáng kể nào đối với cộng đồng toàn cầu.
Cùng với điều này là sự bồn chồn ngày càng tăng trong giới trẻ, những người muốn “tìm kiếm ý nghĩa nào đó cho cuộc sống và công việc của họ. Trong khi phần lớn nền văn hóa Á Châu theo truyền thống tập trung vào cộng đồng, những người trẻ tuổi trên lục địa này ngày càng chú trọng đến ý nghĩa của một tình huống nhất định đối với cá nhân họ.”
“Đây là một điều gì đó rất mới, đây là một điều gì đó đang tạo ra sự xáo trộn ở nhiều nơi ở Á Châu”, Cha Bernardo nói và nhận định rằng đây là điều đã xảy ra đặc biệt ở Hương Cảng, nơi các cuộc biểu tình quy mô lớn hầu hết do giới trẻ đảm trách, một số trong những người biểu tình chỉ mới 13 hoặc 14 tuổi.
Kể từ tháng 6 năm ngoái, Hương Cảng đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình lớn, đầu tiên là phản đối một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, mặc dù dự luật đó cuối cùng đã được rút lại, và giờ đây là một biện pháp an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh soạn thảo nhằm ngăn chặn những gì họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố”, “mưu toan lật đổ”, “và sự can thiệp nước ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Hương Cảng”.
“Vấn đề của những người trẻ ở Hương Cảng, là họ mạo hiểm tất cả những điều này để phản đối Trung Quốc, chống lại nhà cầm quyền, và họ có nguy cơ không tìm được việc làm. Họ có nguy cơ không được đi học phổ thông hay vào đại học, bởi vì Trung Quốc đang thực hiện những luật lệ của chúng rất rất nghiêm ngặt. Vì vậy, những người trẻ tuổi này thực sự đang mạo hiểm mọi thứ, nhưng để làm gì? Thưa: Vì sự tự do của họ.”
Đây là những người trẻ tuổi “muốn vượt qua chủ nghĩa cực đoan, và các ý thức hệ”. Cha Bernardo nói thêm rằng ở Trung Quốc “không ai tin vào chủ nghĩa cộng sản. Không một ai. Nhiều người đặt mình dưới gốc cây Cộng sản, không phải vì tin tưởng nhưng chỉ vì lợi ích từ xã hội”.
“Ở Trung Quốc, bạn luôn có tội và phải chứng minh mình vô tội. Không phải là bạn vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, mà là ngược lại. Mọi thứ đều phục vụ cho đảng.”
Cha Bernardo cũng chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội Công Giáo trên lục địa Á Châu, và lưu ý rằng trong khi Á Châu chỉ chứa hơn một nửa dân số toàn cầu, với khoảng 3 tới 4 tỷ người, thì có khoảng 120 đến 130 triệu người Công Giáo. Đó là một con số đầy “ấn tượng” trong bối cảnh các Kitô hữu chỉ là một thiểu số thường xuyên bị bách hại.
“Ít nhất 60 phần trăm các nước Á Châu có vấn đề với tự do tôn giáo. Dù thế, Giáo hội bị đàn áp và bị giới hạn về tự do tôn giáo này, vẫn đang gia tăng 5% mỗi năm,” trong khi tại Âu châu, số lượng tín hữu Kitô phần lớn chỉ giữ nguyên được nhờ vào dòng Kitô hữu di cư.
Số trẻ sơ sinh con cái của các tín hữu Kitô di cư sang Âu Châu đang cân bằng số người chết, nhưng Cha Bernardo lưu ý rằng so với các khu vực khác trên thế giới như Á Châu và Phi Châu, thì ở Âu Châu “có rất ít động lực cho việc truyền giáo.”