1. Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép bức tượng Đức Mẹ bị quân khủng bố Hồi Giáo IS xúc phạm
Một bức tượng của Đức Trinh nữ Maria từng bị Nhà nước Hồi giáo xúc phạm đã có mặt trong Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô ở Erbil hôm Chúa Nhật tuần qua.
Bức tượng bị chặt đầu, và bàn tay bị cắt đứt, trước đây được đạt trong nhà thờ Thánh Adday ở Karemlesh, một thị trấn toàn tòng Kitô Giáo nằm cách Mosul 28km về phía Đông.
Bức tượng đã được phục hồi một phần; đầu bức tượng đã được thay thế, mặc dù hai bàn tay thì chưa làm xong.
Phát biểu ngày 7 tháng 3 với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Cha Thabet Habeb, Cha sở của giáo xứ Thánh Adday, kể lại rằng lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của Đức Trinh Nữ bị chặt đầu, ngài đã trải qua “một cảm giác rất buồn, vì tôi thấy nhà thờ của mình hoang tàn, bức tượng cùng với bao nhiêu thứ khác bị phá phách. Chúng tôi đã cầu nguyện trước bức tượng Đức Trinh Nữ này trong nhiều năm mà nay bức tượng đã bị phá hủy. Bức tượng là một điều gì đó rất quan trọng đối với giáo xứ, đối với nhà thờ của chúng tôi”.
Cha Habeb cho biết bức tượng “sẽ trở lại Karemlesh và sẽ ở trong nhà thờ của chúng tôi khi chúng tôi trở về”.
Vị linh mục hy vọng rằng kết quả của chuyến thăm Iraq của Đức Thánh Cha là chính phủ và thế giới sẽ nhìn vào “Giáo Hội tử đạo này, và thấy rằng Giáo Hội phải được trợ giúp để có thể tiếp tục mang đến ánh sáng Tin Mừng”.
Nhà nước Hồi giáo tràn qua các vùng đất rộng lớn ở Syria và Iraq vào năm 2014, đưa ra tối hậu thư cho các gia đình Kitô hữu và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác – là phải chuyển sang đạo Hồi, hoặc phải chết hoặc phải ra đi.
Vào năm 2017, đồng bằng Ninivê đã được giải phóng khỏi sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency
Pope Francis blesses Marian statue desecrated by Islamic State
2. Tối Cao Pháp Viện quy định các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo
Hôm thứ hai, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết rằng các quan chức chính phủ có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu vi phạm tự do tôn giáo.
Trong vụ kiện Uzuegbunam kiện Preczewski, với tỷ số áp đảo 8 trên 1, Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng một sinh viên đại học bị hạn chế và có lúc bị cấm truyền giảng Tin Mừng trong khuôn viên trường đại học công lập có thể kiện các quan chức nhà trường về những thiệt hại về mặt danh nghĩa, vì họ đã vi phạm quyền tự do tôn giáo của anh ta.
Thẩm phán Clarence Thomas là tác giả của ý kiến đa số, trong khi Chánh án John Roberts là người duy nhất phản đối.
Nhóm Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, là tổ chức khởi kiện các vụ việc nhân danh tự do tôn giáo, đã hoan nghênh phán quyết của tòa án.
“Khi các quan chức chính phủ tham gia vào các hành vi sai trái mà không bị hậu quả nào, thì điều đó khiến nạn nhân mất quyền truy tố, làm xói mòn cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ các quyền hiến pháp và khuyến khích chính phủ tham gia vào các vi phạm trong tương lai,” Kristen Wagoner, tổng cố vấn của ADF nói.
“Chúng tôi rất vui mừng khi Tòa án Tối cao đã cân nhắc đứng về phía công lý cho những nạn nhân”, Wagoner nói.
Vụ việc liên quan đến Chike Uzuegbunam, một tín hữu Tin lành, khi đang theo học tại Georgia Gwinnett College vào năm 2016, đã tìm cách truyền giáo cho các sinh viên khác. Nhà trường có một chính sách nghiêm ngặt giới hạn nơi anh ta có thể truyền giáo và thời điểm anh ta có thể làm như vậy.
Ngay cả sau khi xin được giấy phép truyền giáo, anh đã bị ra lệnh dừng lại, vì nhà trường nói là các sinh viên khác phàn nàn. Khi anh khởi kiện các quan chức trường đại học đứng sau chính sách này, thì họ đã thay đổi chính sách và cho rằng vụ việc hiện đã được giải quyết.
Tuy nhiên, Uzuegbunam vẫn đòi bồi thường thiệt hại danh nghĩa cho những vi phạm quyền của mình. Tòa án đã phán quyết có lợi cho anh ta vào thứ Hai.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện không chỉ có lợi cho người sinh viên Tin lành này. Nó còn có tác dụng chặn đứng các cách hành xử chèn ép các tôn giáo đã rộ lên từ khi xảy ra đại dịch coronavirus.
Tại California, trong khi bao nhiêu người vào một siêu thị cũng được thì chỉ được một người vào cầu nguyện trong các nhà thờ rộng mênh mông.
Source:Catholic News Agency
Supreme Court rules government officials can be personally liable for religious freedom violations
3. Người Thụy Sĩ đồng ý cấm phụ nữ mặc burqa Hồi Giáo
Một đề xuất cực hữu nhằm cấm che mặt ở Thụy Sĩ đã giành được chiến thắng sít sao trong một cuộc trưng cầu dân ý vào hôm Chúa Nhật.
Các kết quả chính thức tạm thời cho thấy biện pháp sửa đổi hiến pháp Thụy Sĩ được thông qua với biên độ 51.2% phiếu thuận và -48.8% phiếu chống.
Đề xuất theo hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ không đề cập trực tiếp đến đạo Hồi, và thực ra cũng nhằm mục đích ngăn chặn những người biểu tình bạo lực trên đường phố đeo mặt nạ, tuy nhiên các chính trị gia địa phương, truyền thông và các nhà vận động đã gọi đó là lệnh cấm burqa.
“Ở Thụy Sĩ, truyền thống của chúng tôi là bạn thể hiện khuôn mặt của mình. Đó là dấu hiệu cho thấy các quyền tự do cơ bản của chúng tôi”, Walter Wobmann, chủ tịch ủy ban trưng cầu dân ý và là thành viên quốc hội của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ, đã nói trước cuộc bỏ phiếu.
Ông nói: “Che mặt là biểu tượng cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng trở nên nổi bật ở Âu Châu và không có chỗ đứng ở Thụy Sĩ”.
Các nhóm Hồi giáo đã lên án cuộc bỏ phiếu và nói rằng họ sẽ thách thức nó.
“Quyết định của ngày hôm nay mở ra những vết thương cũ, mở rộng hơn nữa nguyên tắc bất bình đẳng pháp lý và gửi một tín hiệu rõ ràng về sự loại trừ đối với thiểu số Hồi giáo,” Hội đồng Trung tâm của người Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết.
Họ thề sẽ đưa ra những thách thức pháp lý đối với luật này và tổ chức gây quỹ để giúp đỡ những phụ nữ bị phạt.
Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ cho biết: “Việc áp dụng các quy định về trang phục trong hiến pháp không phải là một cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ mà là một bước lùi vào quá khứ”, Liên đoàn các tổ chức Hồi giáo ở Thụy Sĩ đưa ra lập trường trên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị trung lập, khoan dung và xây dựng hòa bình của Thụy Sĩ trong cuộc tranh luận.
Pháp đã cấm đeo khăn che mặt nơi công cộng vào năm 2011 và Đan Mạch, Áo, Hà Lan và Bulgaria có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với việc đeo khăn che mặt nơi công cộng.
Source:Reuters
Swiss agree to outlaw facial coverings in 'burqa ban' vote
4. Cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa nữ quyền vào nhà thờ ở Oaxaca
Một nhóm nữ quyền tham gia cuộc tuần hành vì quyền phụ nữ ở thành phố Oaxaca hôm Chúa Nhật 7 tháng Ba đã tấn công nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, cũng như các tòa nhà khác, cả công cộng lẫn tư nhân.
Là một phần của cuộc biểu tình được tổ chức ở Mexico cho Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người phụ nữ đeo mặt nạ được trang bị gậy gộc đã phá cửa ngoài nhà thờ hai thánh Cosmas và Damian, đập vỡ cửa sổ, xâm nhập vào bên trong vẽ những hình vẽ dâm dục lên tường nhà thờ, phá hủy tủ kính, cửa sổ, băng ghế dài và tòa giải tội.
Một bức tượng của Thánh Thánh Giuđa Tađêô cũng bị phá hủy, và một trong những băng ghế đã bị hư hại và bị ném ra đường.
Trong cuộc tuần hành qua thành phố, chúng cũng cũng tấn công nhà thờ chính tòa Oaxaca, Bộ Y tế của tiểu bang, và các tòa nhà tư nhân và công cộng khác.
Ngày quốc tế phụ nữ đã được biến một cách tinh ranh thành ngày tấn công vào các nhà thờ để đòi hỏi cái gọi là quyền phá thai và hô hào cổ võ cho trào lưu đồng tính.
Tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Source:Catholic News Agency
Feminists attack, desecrate church in Oaxaca