1. Biến thể mới của coronavirus đang tăng mạnh ở New York
Hôm thứ Tư 24 tháng Hai, các nhà nghiên cứu cho biết đang có sự gia tăng ở Thành phố New York một biến thể mới của coronavirus có một số điểm tương đồng với một biến thể dễ lây truyền và khó chữa hơn được phát hiện ở Nam Phi.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia cho biết biến thể mới, được gọi là B.1.526, được xác định lần đầu tiên trong các mẫu thu thập ở New York vào tháng 11, và vào giữa tháng 2 đã chiếm khoảng 12% trường hợp.
Biến thể này cũng được mô tả trong nghiên cứu ban đầu được công bố trực tuyến vào ngày 15 tháng 2 bởi các nhà khoa học của Viện Công nghệ California.
Các nhà nghiên cứu của Đại Học Columbia cho biết phân tích các cơ sở dữ liệu đã được công bố công khai không cho thấy tỷ lệ cao các trường hợp lây nhiễm các biến thể coronavirus ở Nam Phi và Brazil như trong trường hợp của Thành phố New York và các khu vực lân cận.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin coronavirus mới ra mắt gần đây vẫn có khả năng vô hiệu hóa vi-rút và bảo vệ khỏi những triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả đối với các trường hợp nhiễm các biến thể mới. Các nhà sản xuất vắc xin cũng đang nghiên cứu để phát triển các mũi tiêm tăng cường để chống lại các phiên bản đột biến của vi rút.
Source:Reuters
New coronavirus variant identified in New York: researchers
2. Vắc xin Pfizer có hiệu quả 94% trong nghiên cứu thực tế
Trong một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, vắc-xin Pfizer/BioNTech hai liều đã được chứng minh là có hiệu quả trong thực tế - tương tự như trong các phòng thí nghiệm.
Hôm thứ Tư 24 tháng Hai, nghiên cứu đầu tiên về vắc-xin trong tự nhiên - được thực hiện ở Israel - cho thấy nó có hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa bệnh.
Hiện đã hai tháng kể từ khi Israel triển khai vắc xin, đây là một trong những quốc gia triển khai vắc xin nhanh nhất trên thế giới.
Cho đến nay vẫn còn một số điều chưa chắc chắn là vắc xin coronavirus có hiệu quả như thế nào trong các điều kiện khác với các điều kiện kiểm soát được của các thử nghiệm lâm sàng.
Nhưng hệ thống y tế tập trung của Israel cung cấp một nguồn dữ liệu phong phú, cho thấy rằng trong số những người được tiêm cả hai liều vắc-xin Pfizer, ít nhất là 94% trường hợp không mắc phải COVID-19 có triệu chứng ở tất cả các nhóm tuổi.
Gần một nửa trong số chín triệu dân Israel đã được tiêm liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên và một phần ba đã được tiêm cả hai loại vắc-xin này.
Khi sự lây nhiễm COVID-19 giảm xuống, Israel đã nới lỏng lệnh khóa cửa quốc gia lần thứ ba và mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, cửa hàng, trường học và nhiều nơi làm việc trong hai tuần qua.
Các địa điểm giải trí như nhà hát, phòng tập thể dục, khách sạn và thậm chí cả các buổi hòa nhạc được mở cửa vào Chủ nhật, nhưng chỉ dành cho những người có “Thẻ xanh”, tức là một giấy chứng nhận của chính phủ cho thấy họ đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi và được cho là đã miễn dịch.
Cũng trong ngày thứ Tư, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết tất cả những người Israel đủ điều kiện từ 16 tuổi trở lên dự kiến sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng 3, cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại sớm nhất vào ngày 5 tháng 4.
Source:Reuters
Pfizer vaccine is 94% effective in real-world study
3. Bắt tên gian hùng cả gan dám bán Vương Cung Thánh Đường Istanbul
Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn thành Padua, nằm ở khu trung tâm sang trọng Istiklal Caddesi, trên một trong những đại lộ nổi tiếng nhất ở Istanbul, vừa thoát ngỏi nguy cơ bị bán trên thị trường bất động sản như một tòa nhà tư nhân sang trọng. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa cho biết như trên.
Trong những ngày gần đây, Sebahattin Gök đã bị bắt và đưa ra trước vành móng ngựa. Năm ngoái, nhờ vào một mạng lưới những tên đồng phạm, hắn đã tổ chức một hoạt động lừa đảo phức tạp để chiếm hữu trái phép giấy tờ của nhà thờ Công Giáo lớn nhất của thủ đô Istanbul nhằm bán lại cho ai trả giá cao nhất. Các cuộc điều tra về vụ án đã xác nhận rằng “băng nhóm” của Gök và các cộng sự của hắn chuyên lừa đảo bất động sản của các cộng đồng tôn giáo và giáo hội cũng như chủ sở hữu nước ngoài hoặc những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn thành Padua, được dựng lên vào năm 1725 bởi cộng đồng người Ý ở Istanbul. Nơi thờ tự hiện tại, do các tu sĩ Dòng Phanxicô coi sóc, được xây dựng lại theo phong cách tân Gothic của Venice từ năm 1906 đến năm 1912. Theo phong tục thời đó, tài sản của nhà thờ thuộc sở hữu của các thành viên của Hoàng gia Ý. Vào tháng Giêng năm 1971, những người thừa kế của gia đình hoàng gia từ bỏ quyền đối với tài sản, và nhường cho Hiệp hội Sent Antuan Kilisesi, nghĩa là Hiệp hội Nhà thờ Thánh Antôn, là một Hiệp hội của cộng đồng Công Giáo địa phương.
Trong những năm gần đây, Sebahattin Gök đã thực hiện một số chuyến đi đến Ý, Pháp và Hoa Kỳ, thu thập các thư ủy quyền và các chữ ký của những người mà sau này hắn đã giới thiệu là người thừa kế hợp pháp cho chủ sở hữu ban đầu của Vương Cung Thánh Đường. Thông qua những bức thư này, và sau khi cũng kiếm được một giấy chứng nhận thừa kế đáng ngờ từ một công tố viên, doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã trình diện với cơ quan đăng ký đất đai để đòi quyền sở hữu nơi thờ phượng này thay mặt cho các chủ sở hữu hợp pháp.
Đứng trước nguy cơ này, năm ngoái, các tu sĩ dòng Phanxicô chịu trách nhiệm coi sóc nhà thờ đã khiếu nại lên tòa án Thổ Nhĩ Kỳ, xin một biện pháp bảo vệ nhằm bảo tồn nơi thờ tự và cơ sở liền kề. Trong quá trình điều tra, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra rằng cùng một mạng lưới đồng phạm có liên hệ với Gök đã thực hiện một nỗ lực tương tự nhằm chiếm đoạt bất hợp pháp nhà thờ Galata của Bulgaria và các nơi thờ tự và các tòa nhà được xây dựng trong quá khứ bởi cộng đồng người Armenia, người Pháp, người Ý và Do Thái, và đã khởi tố 34 vụ kiện chống lại hắn ta vì những nỗ lực bất chính này.
Việc bắt giữ Gök diễn ra với cáo buộc giả mạo công chứng thư nhằm mục đích lừa đảo. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi gây tranh cãi về tình trạng là nhiều nhà thờ và cơ sở của giáo hội nằm rải rác trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong đó các giấy tờ sở hữu tài sản đã bị mất trong nhiều thế kỷ qua và cuối cùng đã trở thành tài sản của các cá nhân hoặc chuyển thành tài sản của Bộ Ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ.
Source:Fides
Arrest of a crook who tried to sell the Basilica of St. Anthony
4. Các giám mục Mã Lai Á phản đối việc trục xuất người tị nạn Miến Điện
Các giám mục Công Giáo ở Mã Lai Á đã thúc giục chính phủ thể hiện lòng nhân đạo và kiềm chế việc trục xuất hàng trăm công dân Miến Điện bao gồm cả người tị nạn và người xin tị nạn chính trị.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Mã Lai Á, gọi tắt là CBCM, cho biết Giáo hội rất quan tâm đến số phận của các công dân Miến Điện kể từ khi truyền thông địa phương và quốc tế đưa tin về kế hoạch của chính phủ Mã Lai Á.
“Gần đây đã có thông tin trên một số phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế rằng Mã Lai Á chuẩn bị hồi hương 1,200 công dân Miến Điện từ bờ biển của chúng ta, và trong số họ có cả những người tị nạn và xin tị nạn chính trị. Vào thời điểm bất ổn chính trị nghiêm trọng ở Miến Điện, đức tin của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể im lặng và đồng lõa với hành động này đối với những người đã bỏ trốn do một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, CBCM cho biết trong một tuyên bố hôm 23 tháng 2.
“Việc bảo đảm an ninh cá nhân cho những người tị nạn, người di cư và người xin tị nạn chính trị dễ bị tổn thương nhất không những phải phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn phải phù hợp với luật nhân đạo, dựa trên lòng nhân từ, lòng trắc ẩn và tình yêu thương”.
Các giám mục chỉ ra rằng Giáo hội cảm thương trước hoàn cảnh của những người tị nạn. Trong thông điệp Fratelli tutti (Về tình huynh đệ và xã hội) gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở Giáo hội rằng tất cả chúng ta đều là một phần của một gia đình nhân loại lớn hơn và tình huynh đệ nhân loại của chúng ta “vượt qua những biên giới địa lý và những rào cản về khoảng cách”.
“Trong tinh thần yêu thương huynh đệ, Giáo Hội không thể làm ngơ trước những người cần và những người dễ bị tổn thương, bất kể họ là ai và họ đến từ đâu, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng,” các Giám Mục nói thêm.
Các giám mục kêu gọi chính phủ Mã Lai Á đừng đặt cuộc sống của những công dân Miến Điện này vào một số phận bất định và không rõ bằng cách cho họ hồi hương trong những thời điểm không chắc chắn này.
“Chúng tôi cũng yêu cầu một tổ chức quốc tế như UNHCR được phép xác minh những cá nhân này để đảm bảo an ninh cá nhân của họ. Là những người Mã Lai Á quan tâm, chúng ta không nên để bất kỳ ai phải chịu đựng những tình huống được đánh dấu bằng sự sợ hãi, không chắc chắn và bất an”, tuyên bố cho biết.
Việc trục xuất diễn ra trong bối cảnh một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ được bầu hợp pháp của Miến Điện.
Đầu tháng này, đại sứ quán Miến Điện tại Kuala Lumpur đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Mã Lai Á với yêu cầu hồi hương “1,200 công dân Miến Điện không có giấy tờ” trên ba tàu hải quân. Các con tàu được chuẩn bị khởi hành từ bờ biển Mã Lai Á vào ngày 23 tháng 2.
Kể từ năm ngoái, các cuộc truy quét chống người nhập cư đã chứng kiến hàng trăm người di cư và người xin tị nạn ở Kuala Lumpur và các khu vực khác của Mã Lai Á bị bắt giữ. Hàng trăm người di cư không có giấy tờ tùy thân bị đưa vào 12 trung tâm giam giữ quá tải và nhiều người trong số họ đến từ Miến Điện.
Source:UCANews
Malaysian bishops oppose deportation of Myanmar refugees