1. Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên đã diễn ra tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng ngày thứ Năm Tư mùng 3 tháng 10, 2018.
Đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có khoảng 300 nghị phụ bao gồm các vị Hồng Y, giám mục, linh mục, tu sĩ và tham dự viên giáo dân đại diện mọi miền trên thế giới. 151 vị do các Hội Đồng Giám Mục đề cử; 39 vị do chính Đức Phanxicô đề cử. Ngoài ra, tất cả các vị đứng đầu các cơ quan cấp bộ và ngang bộ của Tòa Thánh sẽ tham dự. Đó là chưa kể 15 thành viên của Ủy ban Thượng Hội Đồng, do các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 14 (năm 2015) bầu ra.
Giáo Hội Việt Nam có hai Giám Mục tham dự là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Vinh; và Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Sàigòn.
Giáo Hội tại Hoa Kỳ đề cử 4 vị là Đức Hồng Y Daniel N. Dinardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục; Đức Cha Frank J. Caggiano, Giám Mục Bridgeport; Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez của Los Angeles và vị Giám Mục Phụ Tá của ngài là Đức Cha Robert Emmet Barron. Bên cạnh đó còn có Đức Hồng Y Blaise Cupich, Tổng Giám Mục Chicago được Đức Phanxicô đích thân mời; và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia là thành viên của Ủy ban Thượng Hội Đồng.
2. Những ý chỉ trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, chúng ta cùng cầu nguyện theo những ý chỉ sau đã được nêu lên trong thánh lễ khai mạc
Cầu cho Đức Thánh Cha và các nghị phụ
Xin Chúa tuôn đổ trên Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục của chúng con Thần Khí khôn ngoan và phân định để các ngài có thể tìm kiếm chân lý với một trái tim rộng mở và trong niềm vâng phục thánh ý Cha trong mọi sự.
Cầu cho các nhà cầm quyền
Xin Chúa tuôn đổ trên các nhà cầm quyền Thần Khí công lý và sự thật: để họ có thể hướng dẫn dân tộc họ hướng đến hòa bình thực sự và bảo vệ cuộc sống của mọi người.
Cầu cho mọi người trên thế giới
Xin Chúa lấp đầy lòng trí những người nam nữ với Thần Khó an ủi và ơn can đảm trong nghịch cảnh để họ có thể nhìn về tương lai với hy vọng và không sợ hãi những khó khăn trong cuộc sống.
Cầu cho các bậc cha mẹ và những nhà giáo dục
Xin Chúa đồng hành cùng các bậc cha mẹ và những nhà giáo dục với Thần Khí bác ái và kiênn nhẫn để họ có thể săn sóc con cái họ với lòng nhân lành như lòng từ nhân của chính Chúa, và họ có thể cởi mở trước viễn cảnh của những điều mới mẻ.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã xin Chúa xin nâng đỡ những ai bị thương tổn và những người đang sống trong khó khăn, với Thần Khí an ủi và hy vọng để họ đừng bị đè bẹp dưới trọng lượng của các gian truân nhưng có thể trải nghiệm niềm vui của tình bạn cá vị với Chúa.
4. Những hình ảnh đẹp trong chuyến tông du Lithuania
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong những ngày qua chúng tôi đã thực hiện 23 videos về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại các quốc gia vùng Baltic.
Trong chương trình này, chúng tôi xin tóm lược lại những hình ảnh đẹp trong chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia.
Trước hết, trong hai ngày 22 và 23 tháng 9, Đức Thánh Cha đã thăm Vilnius, thủ đô của Lithuania và thành phố Kaunas. Ngài gặp gỡ chính quyền dân sự, thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa, gặp gỡ giới trẻ, cử hành thánh lễ cho công chúng, gặp gỡ các Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh, cầu nguyện tại một đài tưởng niệm những người Do thái, và thăm Viện Bảo tàng Thời kỳ Liên Sô chiếm đóng và cuộc chiến đấu dành tự do của người dân Lithuania.
5. Những hình ảnh đẹp trong chuyến tông du Latvia
Ngày 24 tháng 9, Đức Thánh Cha bay từ Vilnius sang thăm Riga, thủ đô của Latvia. Nếu như người Công Giáo chiếm đa số tại Lithuania với tỉ lệ lên đến 77.2% dân số thì tại Latvia, chúng ta chỉ là một thiểu số chiếm 22.7% dân số.
Sau thế chiến thứ hai, khoảng chừng 136,000 cho tới 190,000 người Latvia đã bị cộng sản Liên Sô bắt giữ và đầy đi Siberia với lý do là đã cộng tác với quân Đức. Tiếng Latvia bị cấm dùng trong những nơi công cộng, và được thay thế bằng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức. Từ năm 1959, Liên Sô lại có kế hoạch Nga hóa Latvia nên người Latvia rất căm thù người Nga. Hiện nay, có khoảng 270, 000 trong số 740,000 người Latvia gốc Nga không được thừa nhận có quyền công dân vì họ là những di dân từ Nga sang trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô. Những người này không có bất cứ quốc tịch nào.
Chính vì thế, trong bài giảng tại Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, ở Aglona, Đức Thánh Cha nói:
“Trong ngôi đền thờ của Mẹ này, Mẹ xin tất cả chúng ta có thể tái cam kết chào đón nhau không có sự phân biệt đối xử nào. Bằng cách này, tất cả mọi người ở Latvia có thể biết rằng chúng ta sẵn sàng thể hiện cảm tình đối với người nghèo, nâng dậy những ai sa ngã, và tiếp nhận những người khác ngay khi họ đến, và ngay trong tình trạng hiện nay của họ.”
6. Những hình ảnh đẹp trong chuyến tông du Estonia
Ngày 25 tháng 9, Đức Thánh Cha viếng thăm Estonia, quốc gia có ít người Công Giáo nhất trong 3 nước vùng Baltic. Chỉ có 5,745 người Công Giáo trong 9 giáo xứ. Estonia là quốc gia giàu nhất, phát triển nhanh nhất trong 3 quốc gia vùng Baltic và cũng là nước thế tục hóa nhất.
Chính vì thế, trong bài giảng tại quảng trường Tự Do, Đức Thánh Cha nói:
“Anh chị em không thể giành được tự do của mình để kết cục lại trở thành những người nô lệ của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân hay sự khát khao quyền lực hoặc sự thống trị.”
7. Đức Giáo Hoàng công nhận 8 vị Giám Mục Trung Quốc từng bị vạ tuyệt thông
Trong khuôn khổ Hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định công nhận là Giám Mục trong tình hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh 8 vị đã từng bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận được tấn phong Giám Mục mà không được sự phê chuẩn của các vị đương kim Giáo Hoàng.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết với lòng ao ước duy trì việc công bố Tin Mừng ở Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chấp nhận cho hiệp thông hoàn toàn với giáo hội và coi là các Giám mục “chính thức”, những vị sau đã từng được tấn phong mà không được các Đức Giáo Hoàng phê chuẩn:
Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai) của Thừa Đức; Giuse Hoàng Bỉnh Chương (Huang Bingzhang) của Sán Đầu, đại biểu Quốc Vụ Viện Trung Quốc; Phaolô Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin) của Gia Định; Lưu Tân Hồng (Liu Xinhong) của Vu Hồ; Giuse Mã Anh Lâm (Ma Yinglin) của Côn Minh, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc, Giuse Nhạc Phúc Sanh (Yue Fusheng) của Hắc Long Giang, Ignatiô Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu) của Phúc Ninh; và Antôn Đồ Thế Hoa O.F.M (Tu Shihua - vị này qua đời ngày 4/01/2017, trước khi chết đã bày tỏ ước muốn hòa giải với Tòa Thánh).
Thông cáo cho biết thêm Đức Thánh Cha Phanxicô cầu mong rằng, với quyết định trên đây, Giáo hội có thể khởi đầu một cuộc hành trình mới, giúp khắc phục những vết thương quá khứ, thực hiện sự hiệp thông trọn vẹn của tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc.
Cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc được kêu gọi sống trong sự cộng tác huynh đệ hơn, để với quyết tâm mới, loan báo Tin Mừng. Thực vậy, Giáo hội hiện diện để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và tình thương tha thứ và cứu độ của Chúa Cha.
8. Đức Thánh Cha thiết lập giáo phận Thừa Đức
Trong khuôn khổ Hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thành lập giáo phận Thừa Đức ở Trung Quốc.
Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết với mong muốn thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ cho đàn chiên Chúa và chú ý với hiệu quả lớn hơn đến phúc lợi tinh thần của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thiết lập giáo phận Thừa Đức tại Trung Quốc. Giáo phận này sẽ thuộc về giáo tỉnh Bắc Kinh, với Nhà thờ Chúa Giêsu, người Mục Tử Tốt Lành, được chọn là nhà thờ chính tòa. Nhà thờ này được tọa lạc tại quận Shuangluan, Thành phố Thừa Đức.
Một phần lớn lãnh thổ của tân giáo phận đã từng thuộc về Miền Giám Quản Tông Tòa Đông Mông Cổ. Miền Giám Quản Tông Tòa này được hình thành vào ngày 21 tháng 12 1883 và sau đó được nâng lên hàng giáo phận với chiếu chỉ Quotidie Nos của Đức Giáo Hoàng Piô XII vào ngày 11 tháng Tư 1946.
Địa phận mới nằm ở tỉnh Hà Bắc với lãnh thổ được xác định bởi ranh giới dân sự hiện nay của thành phố Thừa Đức. Thành ra, một phần của hai giáo phận Cẩm Châu và Xích Phong giờ đây trở thành một phần của giáo phận Thừa Đức.
Giáo phận Thừa Đức có diện tích 39,519 km2 với dân số khoảng 3.7 triệu dân, trong đó, có khoảng 25,000 người Công Giáo, sinh hoạt trong 12 giáo xứ và được chăm sóc mục vụ bởi 7 linh mục, khoảng 10 nữ tu và một số chủng sinh.
Đối với Tòa Thánh, giáo phận Thừa Đức là giáo phận mới được thiết lập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Đối với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, giáo phận Thừa Đức thực sự đã được thành lập bởi “giáo hoàng đen” Lưu Bách Niên vào năm 2010 và giao cho “tân giám mục” Giuse Quách Kim Tài do y tấn phong làm “giám mục tiên khởi”. Cha Lombardi, khi còn là Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết, giáo phận Thừa Đức là giáo phận ma. “Giáo Hội Công Giáo không có giáo phận nào là giáo phận Thừa Đức,” ngài nói như trên hôm 18 tháng 11, 2010.
Với quyết định mới này, cả Quách Kim Tài, người đã bị vạ tuyệt thông vào năm 2010, và “giáo phận ma” Thừa Đức đã được chính thức công nhận.
9. Cuộc họp báo trên chuyến bay từ Tallin trở về Rôma
Trên chuyến bay từ Tallinn, Estonia, trở về Rôma, Đức Phanxicô đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về lạm dụng tình dục, che đậy lạm dụng và thoả thuận tạm thời với Trung Hoa.
Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã hiểu rõ hơn sự kinh khủng của nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục cũng như “sự thối nát” của việc che đậy nó.
Trong bài nói chuyện với giới trẻ Tallinn, Đức Thánh Cha nói: “giới trẻ bị xúc phạm khi thấy Giáo Hội không lên án việc lạm dụng một cách rõ ràng”. Được yêu cầu làm rõ nhận định này của ngài, Đức Phanxicô trả lời rằng giới trẻ bị xúc phạm bởi sự giả hình của người lớn, bởi chiến tranh, bởi việc thiếu nhất quán, bởi thối nát đặc biệt là tai tiếng lạm dụng tình dục và cả trong việc tường thuật về tai tiếng này.
Theo Đức Phanxicô, bất cứ thống kê nói gì về tỷ lệ giáo sĩ lạm dụng tình dục, “dù chỉ có một linh mục lạm dụng một bé trai hay bé gái, thẩy đều gớm ghiếc, vì người đó đã được Thiên Chúa chọn lựa để hướng dẫn đứa bé này về thiên đàng”.
Ngài nhấn mạnh rằng việc lạm dụng trẻ em cũng diễn ra trong nhiều môi trường khác. Tuy nhiên, điều đó vẫn không hề làm giảm tai tiếng này.
Nhưng, nói rằng Giáo Hội không làm gì để “thanh tẩy” là không đúng. Chịu khó đọc kỹ phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pensylvania, được công bố hồi tháng Tám hay các nghiên cứu tương tự, chúng ta thấy rõ ràng là đa số các trường hợp đã xẩy ra hàng mấy thập niên trước khi “Giáo Hội nhận thức ra rằng mình phải chiến đấu chống lại nó cách khác”.
Đây là lần thứ hai, Đức Phanxicô “phản công” dư luận tiêu cực đối với đáp trả của Giáo Hội trước nạn lạm dụng tình dục và che đậy nó. Ngài giải thích như sau: “Các thời trước đây, những chuyện này bị che đậy, nhưng chúng cũng bị che đậy trong các gia đình, khi ông chú lạm dụng cháu gái, hay người cha hiếp dâm con mình; việc này bị che đậy vì đây là chuyện rất, rất đáng xấu hổ. Đó là cách người ta nghĩ ở thế kỷ trước”.
Theo ngài, muốn hiểu điều xẩy ra trong quá khứ, người ta phải nhớ việc lạm dụng đã được xử lý ra sao vào lúc ấy.
Đức Phanxicô nói rằng “quá khứ nên được giải thích bằng cách sử dụng khoa giải thích đúng thời đại”. Vì theo ngài, “ý thức luân lý” của người ta phát triển theo thời gian, án tử hình là một điển hình.
Dù sao, ngài bảo “hãy nhìn vào điển hình Pensylvania. Hãy nhìn vào tỷ lệ và qúi bạn sẽ thấy khi bắt đầu hiểu, Giáo Hội đã làm tất cả những gì mình có thể”.
Thực vậy, ngài nói, ngài vốn khuyến khích các giám mục tường trình các vụ lạm dụng cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và ngài “không bao giờ, không bao giờ” ban ân xá cho một linh mục bị chứng minh có tội lạm dụng.
10. Đức Thánh Cha nói về phản ứng của các Giám Mục đối với cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò
Trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay trở về từ Estonia, Đức Phanxicô không nêu đích danh Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano, vị cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, người đã cho rằng Đức Phanxicô biết nhưng làm ngơ tác phong tình dục xấu xa của cựu Hồng Y Theodore E. McCarrick. Và câu hỏi của các nhà báo về vị Tổng Giám Mục này không được nêu lên vì Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh chỉ nên hỏi các câu hỏi trực tiếp liên hệ đến chuyến thăm ba nước vùng Baltic.
Nhưng Đức Phanxicô có nói “Khi có lời phát biểu nổi tiếng đó của một cựu sứ thần, các giám mục khắp thế giới đã viết thư cho tôi và cho biết các vị luôn gần gũi tôi và cầu nguyện cho tôi”.
Ngài cho biết một trong các lá thư trên đến từ Trung Hoa và được ký tên chung bởi 1 giám mục thuộc Hội Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước do nhà nước kiểm soát và 1 vị thuộc về Giáo Hội mà “ta có thể nói là Giáo Hội Công Giáo truyền thống”.
11. Đức Thánh Cha nghĩ rằng người Công Giáo thầm lặng tại Hoa Lục có thể đau buồn vì hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc
Được hỏi về thoả thuận tạm được công bố lúc ngài đang ở Lithuania và về nỗi đau khổ của người Công Giáo Trung Hoa đã liều mạng sống để trung thành với Đức Giáo Hoàng và không chấp nhận sự kiểm soát của đảng đối với Giáo Hội, Đức Phanxicô cho hay: một số người Công Giáo ở Trung Hoa “sẽ đau khổ” vì cảm thấy bị phản bội, “nhưng họ có đức tin lớn lao” và cuối cùng sẽ tin tưởng Đức Giáo Hoàng.
Ngài ca ngợi các nhà thương thuyết của Vatican đã “tiến hai bước, lùi một bước” trong 10 năm nay, nhưng ngài nhấn mạnh ngài chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận này và nhất là việc bình thường hóa tình trạng của 8 giám mục được tấn phong không có sự chấp thuận của Tòa Thánh.
Ngài nói: với mọi “hòa ước” và mọi cuộc thương thảo “cả hai bên đều mất một điều gì đó”. Đối với Tòa Thánh, điều mất ấy chính là quyền kiểm soát hoàn toàn việc bổ nhiệm giám mục.
Tuy nhiên, theo ngài, người ta nên nhớ trong nhiều thế kỷ, các nhà vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từng bổ nhiệm các giám mục cho Châu Mỹ La Tinh, và các hoàng đế Áo Hung cũng làm như thế trong lãnh thổ của họ.
Ngài cho hay: thoả thuận Vatican – Trung Hoa thiết lập “một cuộc đối thoại về các ứng viên sau cùng” cho các giáo phận ở Trung Hoa, “nhưng việc bổ nhiệm là do Đức Giáo Hoàng, ta nên biết rõ như thế”.
12. Lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng đối với người Công Giáo trên thế giới về hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc
Hiệp định giữa Tòa Thánh và Trung Quốc thực sự gây bối rối cho nhiều người Công Giáo trên thế giới. Nhiều người thật sự ngã lòng vì thỏa thuận này thừa nhận một vai trò quan trọng của chế độ Cộng sản Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt câu hỏi:
“Tại sao Giáo hội lại vi phạm chính bộ Giáo Luật của mình (theo đó ‘không trao quyền hay bất cứ đặc ân nào liên quan đến các cuộc bầu cử, bổ nhiệm, tiến cử, hoặc bổ nhiệm các giám mục cho các quan chức dân sự’) như một bước tiến nhằm trao đổi ngoại giao đầy đủ với một chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền, quá thường khi với một sự tàn bạo kinh hoàng?”
Đáp lại những âu lo và bối rối này, trong lá thư đề ngày 26 tháng 9, Đức Thánh Cha cho biết như sau:
“Anh chị em thân mến của Giáo Hội hoàn vũ, tất cả chúng ta được kêu gọi nhận ra mọi điều đang xảy ra hôm nay trong đời sống của Giáo Hội tại Trung Quốc như một trong những dấu chỉ của thời đại chúng ta. Chúng ta có một nhiệm vụ quan trọng: đồng hành với các anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc bằng việc cầu nguyện sốt sắng và tình bạn huynh đệ. Thật vậy, họ cần cảm thấy rằng trong cuộc hành trình hiện nay ở phía trước, họ không đơn độc. Họ cần được chấp nhận và nâng đỡ như một phần quan trọng của Giáo Hội. ‘tốt đẹp và thỏa lòng xiết bao, khi anh em sống với nhau trong hợp nhất!’ (Tv 133: 1).
Mỗi cộng đồng Công Giáo địa phương ở mọi nơi trên thế giới nên nỗ lực đánh giá và tích hợp các kho tàng thiêng liêng và văn hóa riêng của người Công Giáo Trung Quốc. Đã đến lúc cùng nhau thưởng ngoạn các hoa trái chân chính của Tin Mừng được gieo trồng tại “Trung Vương Quốc” xưa và dâng lên Chúa Giêsu Kitô một bài thánh ca đức tin và cảm tạ, được các nốt nhạc Trung Quốc chính hiệu làm cho phong phú.”