Quý vị và anh chị em đang theo dõi Lễ Tuyên Thánh cho 5 vị Chân Phước diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật 13 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên trong khuôn khổ Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.
Bây giờ là gần 10h sáng. Chúng tôi ghi nhận hàng trăm ngàn tín hữu đang đứng chật quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ long trọng này.
Trên khán đài danh dự dành cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, chúng tôi ghi nhận có sự hiện diện của Thái tử Charles của Anh quốc, tổng thống Sergio Mattarella của Ý, tổng thống Ueli Maurer của Thụy Sĩ, tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, và một phái đoàn của chính phủ Ấn. Đặc biệt, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Đức Cha Portsmouth Christopher Foster thay mặt cho Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, giáo chủ Anh Giáo.
Trong khi đó, ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bài “Cantico delle creature”, nghĩa là “Khúc hát Trời xanh”. Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa. Vinh quang Chúa tồn tại đến muôn muôn đời. Alleluia. Nào toàn thể địa cầu hãy hát lên mừng Chúa. Alleluia. Toàn thể triều thần thiên quốc hãy tán dương Ngài. Alleluia.
“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.
Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.
Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, các thiên sứ của Người, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chín tầng trời thăm thẳm, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận cao xanh, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi cơ binh thượng giới, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào mưa sương tất cả, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi luồng gió cơn dông, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, sức nóng với lửa hồng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, trời nồng và khí lạnh, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sương đọng mưa tuôn, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa thời đông tiết giá, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này băng phủ tuyết rơi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi đêm ngày đắp đổi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, ánh sáng và bóng tối, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chớp giật với mây trôi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tất cả mười phương đất, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi suối nước tràn đầy, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sông sâu biển cả, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thủy tộc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi phàm nhân dương thế, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, dòng dõi Ít-ra-en, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tư tế phụng thờ Chúa, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, tôi tớ phục vụ Người, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hồn thiêng hàng công chính, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, người thánh kẻ khiêm nhường, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, này Kha-na-ni-a, A-da-ri-a và Mi-sa-ên hỡi, muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn. Vì Người đã kéo ta ra khỏi âm phủ, đã cứu ta khỏi tay tử thần, và đã giải thoát ta khỏi lò lửa nóng bừng, khỏi lửa hồng đốt cháy.
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hỡi tất cả những ai kính sợ Chúa, hãy chúc tụng Chúa là Thần các thần, hãy dâng lời tạ ơn và ca tụng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Giờ đây Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.
Nhân danh Cha và con và Thánh Thần.
Rồi Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.
Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài soi sáng và gìn giữ Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.
Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha.
Đức Hồng Y nói:
Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh các Chân Phước John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.
Kính thưa quý vị và anh chị em.
Giờ đây, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đọc tiểu sử các vị Chân Phước sắp được tuyên thánh trước Đức Thánh Cha và cộng đoàn.
Tiểu Sử Đức Hồng Y John Henry Newman, người Anh
Đức Hồng Y John Henry Newman chào đời trong một gia đình Anh giáo ở thành phố Luân Đôn vào ngày 21 tháng 2 năm 1801. Khi lên mười sáu tuổi, ngài bắt đầu theo học tại Đại học Oxford. Ngài trở thành giáo sư tại trường đại học Oriel và được phong chức linh mục Anh giáo. Sau đó, ngài tham gia Phong trào Oxford, và trở thành một trong những người cổ vũ chính cho phong trào này, cũng như tìm cách phục hồi các khía cạnh Công Giáo trong Anh giáo. Năm 1845, bất kể môi trường thù địch với Công Giáo vào thời điểm đó, Newman đã trở thành một người Công Giáo dưới sự hướng dẫn của Cha (nay là Chân phước) Dominic Barbieri.
Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo tại Rôma vào năm 1847, và năm 1848 ngài thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giảng do Thánh Philip Neri khởi xướng ở Birmingham, Anh quốc. Rồi ngài thành lập thêm một trường đại học Công Giáo ở Dublin. Newman tiếp tục cuộc sống của mình trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng với tư cách là một nhà văn sung mãn và một mục tử được nhiều người yêu mến. Năm 1879, Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài chọn khẩu hiệu của mình là “Cor ad cor loquitour” (Trái tim nói với trái tim). Mặc dù là một Hồng Y, ngài không muốn được tấn phong Giám mục, và được sự cho phép đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, ngài tiếp tục cư trú tại Birmingham. Ngài vẫn ở đó, trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng mà ngài đã thành lập, cho đến khi qua đời vào ngày 11 tháng 8 năm 1890.
Đức Hồng Y Newman đã dành phần lớn cuộc đời của mình để đóng góp đáng kể cho đời sống tri thức của Giáo Hội, cả với tư cách là một người Anh giáo và một người Công Giáo. Cho đến nay, ngài vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển tư tưởng thần học Công Giáo và được coi là một tiên tri, đặc biệt liên quan đến chủ đề hình thành lương tâm đúng đắn. Đức Hồng Y Newman đã muốn ghi trên bia mộ của ngài những từ ngữ tóm tắt hành trình đức tin của mình, đó là “Ex umbris et imaginibus in veritatem” - “Ra khỏi bóng tối và ảo ảnh tiến vào chân lý”. Năm 1958, án tuyên thánh cho ngài được mở ra và năm 1991, ngài được tuyên Bậc Đáng Kính. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tuyên chân phước cho Đức Hồng Y Newman tại Birmingham vào năm 2010.
Tiểu Sử Chân Phước Giuseppina Vannini, người Ý
Chân Phước Giuseppina Vannini, vị sáng lập Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô, chào đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 7 năm 1859. Cha mẹ ngài là ông Angelo và bà Annunziata Vannini. Ngài được rửa tội vào ngày hôm sau tại Nhà thờ Thánh Andrea delle Fratte và được cha mẹ đặt tên là Giuditta Adelaide Agata. Năm mới lên bảy tuổi, cha mẹ qua đời, ngài trở thành trẻ mồ côi nhưng Giuditta tìm được một mái nhà nơi các Nữ Tử Bác Ái. Bị thu hút bởi tiếng gọi của Chúa, mà cô đã cảm nghiệm vào ngày rước lễ đầu tiên, Giuditta muốn hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài nhưng không thể vào tu viện vì sức khỏe kém.
Một cuộc gặp gỡ được Chúa quan phòng đã diễn ra với Cha (nay là Chân Phước) Camillian Luigi Tezza. Cuộc gặp gỡ này đã mở đường cho Giuditta từ bỏ chính mình để hiến dâng hoàn toàn cho Chúa. Vào ngày 17 tháng 12 năm 1891 tại Rôma, cô tâm sự với cha giảng tĩnh tâm rằng cô đau khổ vì thất bại không thể đi tu. Cha Tezza đề nghị cô thành lập một Tu hội dành riêng cho việc phục vụ người bệnh. Sau hai ngày cầu nguyện, Giuditta đồng ý, và nói thêm rằng cô không có khả năng gì ngoài việc muốn từ bỏ chính mình cho Chúa Quan Phòng với lòng con thảo.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1892, trong nhà nguyện và cũng là nơi Thánh Camilô qua đời, Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô đã ra đời. Giuditta nhận tên mới là Sơ Giuseppina và ba năm sau, vào ngày 8 tháng 12 năm 1895, cô khấn trọn và sau đó được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của Tu hội mới.
Mẹ Giuseppina Vannini qua đời tại Rome vào ngày 23 tháng 2 năm 1911 và được Thánh Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước vào ngày 16 tháng 10 năm 1994. Cuộc sống thánh thiện của Mẹ Giuseppina Vannini dạy chúng ta, ngay cả ngày nay, thông qua Tu hội mà Mẹ thành lập, cách thức để làm chứng một cách đơn sơ và cụ thể cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với người nghèo, người bệnh tật và đau khổ, trong niềm xác tín rằng “mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).
Tiểu Sử Chân Phước Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, người Ấn Độ
Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan sinh ngày 26 tháng 4 năm 1876 tại Puthenchira, là con thứ ba trong số năm người con trong một gia đình Công Giáo. Cô đã nhận được một nền giáo dục Kitô từ mẹ mình. Với lòng nhiệt thành về đàng thiêng liêng, cô đã được rước lễ lần đầu khi lên chín tuổi, là lứa tuổi rất sớm để được rước lễ lần đầu vào thời đó.
Thresia muốn cống hiến hết mình cho cuộc sống của một ẩn sĩ, nhưng gia đình cô đã phản đối. Được Chúa ban cho một sự nhạy cảm sâu sắc và lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ và các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, cô đã đứng về phía người nghèo, người bệnh, người hấp hối và người bị loại trừ. Cô bước ra ngoài xã hội để gặp những người gặp khó khăn về gia cảnh và đến thăm nhà tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng. Tràn đầy tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa, cô đã nhận được thị kiến, các trạng thái xuất thần và những dấu thánh. Đức Cha John Menachery hiểu được ước muốn hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa của cô, nên vào năm 1913 đã cho phép cô xây dựng một tu viện ẩn dật, sau này trở thành trụ sở của một Tu hội có tên là “Cộng đoàn Thánh Gia”, và được khánh thành vào ngày 14 tháng 5 năm 1914.
Đức Cha đã bổ nhiệm Thresia là Mẹ Bề trên của cộng đoàn này. Danh tiếng và hương thơm thánh thiện và các hoạt động tông đồ của Mẹ đối với các gia đình đã thu hút nhiều phụ nữ trẻ tận hiến trong Tu hội mới, theo thời gian Tu hội đã tăng trưởng về số lượng với một sức sống mãnh liệt trong lời cầu nguyện và đền tội. Mọi người từ mọi tầng lớp đã tuôn đến với Mẹ, đặc biệt là để giải quyết các vấn đề gia đình.
Mẹ qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1926 do một vết thương ở chân, vì bị tiểu đường, vết thương đã trở nên nguy hiểm. Hương thơm thánh thiện của Mẹ Mariam Thresia lan truyền nhanh chóng và ngôi mộ của Mẹ đã trở thành một địa điểm hành hương. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước cho Mẹ vào ngày 9 tháng 4 năm 2000. Nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn và các cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhận được những ơn nhờ lời chuyển cầu của Mẹ.
Tiểu Sử Chân Phước Dulce Lopes Pontes, người Brazil
Dulce Lopes Pontes, nhủ danh María Rita, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1914 tại San Salvador de Bahía, trong một gia đình giàu có, đặc trưng bởi niềm tin Kitô mạnh mẽ và lòng bác ái mãnh liệt. Từ nhỏ cô đã nổi bật với sự nhạy cảm tuyệt vời đối với người nghèo và người đang gặp cảnh quẫn bách.
Sau khi hoàn thành bậc Đại Học, cô dâng mình cho Chúa trong Tu hội Truyền giáo Đức Mẹ Thiên Chúa Vô nhiễm Nguyên tội, liên kết với Dòng Anh Em Hèn Mọn, trong đó cô làm y tá và giáo viên. Được khích lệ bởi một lòng ao ước truyền giáo mãnh liệt, Chị Dulce dấn thân sâu sắc trong việc giáo dục cho các công nhân, nhưng trên hết là giúp đỡ và chăm sóc cho những người nghèo, người đau yếu và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Công việc bác ái của Sơ Dulce đã có kết quả cụ thể là việc hình thành một mạng lưới các dịch vụ xã hội và các Mái ấm San Antonio. Lòng bác ái của Sơ Dulce thắm đậm tình mẫu tử và đầy dịu dàng. Sự cống hiến của Sơ cho người nghèo có nguồn gốc siêu nhiên và Sơ đã được ban cho những năng lượng và tài nguyên cần thiết để mang lại sự sống cho một hoạt động phục vụ đáng ngưỡng mộ.
Những tháng cuối đời của Sơ Dulce được đánh dấu bởi những bệnh tật mà Sơ đã can đảm đối diện với một tấm lòng thanh thản và sự phó thác hoàn toàn mọi sự trong vòng tay Chúa. Vào ngày 13 tháng 3 năm 1992, Sơ Dulce qua đời tại San Salvador de Bahia, giữa một một danh tiếng và hương thơm thánh thiện tuyệt vời. Vào ngày 3 tháng 4 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã công nhận những nhân đức anh hùng của Sơ Dulce và vào ngày 22 tháng 5 năm 2011, ngài đã tuyên phong Chân Phước cho Sơ.
Tiểu Sử Chân Phước Marguerite Bays, người Thụy Sĩ
Marguerite Bays sinh ngày 8 tháng 9 năm 1815 tại La Pierraz de Siviriz ở bang Fribourg (Thụy Sĩ). Khi lên tám tuổi, cô đã được Thêm Sức và khi lên mười một tuổi được Rước lễ lần đầu [Ở một số nước trẻ em được Thêm Sức trước khi được Rước lễ lần đầu. Hiện nay, ở Mỹ có 12 giáo phận cho trẻ em chịu phép Thêm Sức trước khi rước lễ lần đầu - http://vietcatholic.net/News/Html/248927.htm]. Khoảng mười lăm tuổi, cô được học nghề thợ may, một nghề nghiệp mà cô theo đuổi trong suốt cuộc đời. Dù không có cơ hội sống tận hiến trong một dòng tu, Marguerite đã chọn cuộc sống độc thân, cống hiến hết mình cho gia đình và giáo xứ.
Năm 1860, anh trai của cô, Claude, là người quản lý trang trại của gia đình, kết hôn với Josette là một công nhân làm việc cho gia đình cô. Josette không che giấu sự ghét bỏ mạnh mẽ đối với Marguerite. Tuy nhiên, Marguerite vẫn tiếp tục phục vụ gia đình, đáp lại những lời lăng mạ với lòng bác ái. Thái độ của cô cuối cùng đã cảm hoá được người chị dâu nhận ra những sai trái của mình. Mỗi ngày, Marguerite đều tham dự thánh lễ, và xem đó là thời khắc quan trọng nhất trong ngày của cô. Vào các ngày Chúa Nhật, cô luôn Chầu Mình Thánh Chúa trong một thời gian dài, đi Đàng Thánh giá và lần chuỗi Mân côi. Với một lòng nhiệt thành tuyệt vời, cô đã cống hiến cho việc dạy giáo lý cho các trẻ em, và đào tạo chúng về đời sống tôn giáo và luân lý. Cô cũng giúp các cô gái trẻ chuẩn bị cho tương lai làm vợ và làm mẹ.
Ở tuổi ba mươi lăm, vào năm 1853, cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật vì bệnh ung thư ruột. Băn khoăn với cách thức chăm sóc cần thiết cho mình, cô cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hoặc là chữa lành hoàn toàn cho cô hoặc là để cô đau khổ theo cách thức có thể thông phần trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của cô đã được nhậm lời hoàn toàn vào ngày 8 tháng 12 năm 1854, chính là ngày mà Đức Giáo Hoàng Pius IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Từ ngày đó, cuộc sống của Marguerite đã được liên kết với Chúa Kitô khổ nạn. Năm vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh xuất hiện trên cơ thể cô, và vào mỗi ngày thứ Sáu đúng ba giờ chiều, cũng trong tất cả các ngày Tuần Thánh, trên thân xác Marguerite đã tái hiện lại những đau khổ của Chúa Giêsu từ vườn Giệtsimani đến đồi Canvê. Theo nguyện vọng của cô, cô đã qua đời vào đúng ngày lễ Thánh Tâm, ngày 27 tháng 6 năm 1879. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên Chân Phước cho cô vào ngày 29 tháng 10 năm 1995.
Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.
Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.
Xin Chúa thương xót chúng con
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con
Xin Chúa thương xót chúng con
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Đáp: Cầu cho chúng con
Các Thánh Thiên Thần cùng các Thánh Tổng lãnh Thiên Thần.
Thánh Gioan Baotixita.
Thánh Thánh Giuse.
Thánh Phêrô.
Thánh Phaolô.
Thánh Anrê.
Thánh Giacôbê.
Thánh Gioan.
Thánh Tôma.
Thánh Giacôbê.
Thánh Philípphê.
Thánh Batôlômêô.
Thánh Matthêô.
Thánh Ximong.
Thánh Tađêô.
Thánh Mátthia.
Thánh Banabê.
Các Thánh Tông đồ cùng các Thánh Sử.
Thánh Nữ Maria Mađalêna.
Thánh Stêphanô
Thánh Ignatiô thành Antiôkia
Thánh Laurensô
Thánh Perpetua và Thánh Felicity
Thánh Anê
Thánh Grêgôriô
Thánh Augustionô
Thánh Athanasiô
Thánh Basilô
Thánh Martinô.
Thánh Biển Đức
Thánh Phanxicô và Thánh Đôminicô
Thánh Phanxicô Xaviê
Thánh Gioan Maria Vianney
Thánh Nữ Catherine thành Siena.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Các thánh nam cùng các thánh nữ
Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha dâng lời nguyện:
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Và giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.
Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước sau:
John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays
là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen
Kính thưa quý vị và anh chị em
Cộng đoàn cùng vỗ tay reo mừng trước lời công bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thánh tích của các Chân Phước John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays đang được rước lên trên bàn thờ.
Trong khi đó ca đoàn cùng hát bài Iubilate Deo, nghĩa là Mừng vui trong Chúa với những lời sau:
Hãy tán tụng Chúa, Hãy hát lên mừng Chúa.
Ca vang niềm hân hoan lên tới Chúa, hỡi bạn ơi; lời tán tụng thật là phù hợp với những trái tim trung thành. Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát vang lên, với tất cả khả năng của bạn.
Chúa nhìn đến những ai kính sợ ngài, những ai hy vọng nơi tình yêu Ngài, cứu linh hồn họ khỏi hư nát, gìn giữ họ qua cơn đói kém.
Trong Ngài trái tim chúng ta nhảy mừng. Chúng ta tin tưởng vào danh thánh Ngài. Xin tình yêu Chúa tuôn đổ trên chúng con, Lạy Chúa, chúng con đặt mọi hy vọng nơi Ngài.
Đức Hồng Y Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu đang tiến lên trước Đức Thánh Cha và nói:
Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.
Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.