Ở Italia hầu như cái gì cũng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài
Tình hình tại Italia đang rơi vào hỗn loạn sau khi chính phủ ban hành liên tiếp các sắc lệnh cô lập.
Thoạt đầu, hôm Chúa Nhật 8 tháng Ba, Thủ tướng Italia, ông Giuseppe Conte, đã ra lệnh cách ly khu vực phía bắc của đất nước bao gồm miền Lombardy và 14 tỉnh lân cận trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Động thái này đã đặt khoảng 16 triệu người trong tình trạng bị cách ly cho đến ngày 3 Tháng Tư. Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 22 tháng Hai, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại miền Lombardy, chính phủ Ý chỉ cách ly 50,000 người.
“Chúng tôi hiểu rằng những biện pháp này sẽ đòi hỏi sự hy sinh, nhưng đây là thái độ có trách nhiệm của mỗi cá nhân,” ông Conte nói trong một cuộc họp báo vào hôm Chúa Nhật.
Đến nay trong khi người ta chưa biết cuối cùng lệnh cách ly kinh hoàng này có mang lại hiệu quả nào hay không, thì thật sự nó đã tạo ra một sự hoảng loạn rất lớn tại Italia.
Ở Italia hầu như cái gì cũng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Ngay cả các tài liệu trên bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng, cũng bị rò rỉ.
Lần này cũng như thế, dự thảo lệnh cách ly khu vực phía bắc của đất nước đã bị rò rỉ ra cho báo chí và được lưu hành rộng rãi vào tối thứ Bảy, khiến cho hàng chục ngàn người vội vã rời khỏi các khu vực bị cách ly bằng mọi phương tiện.
Tờ La Repubblica đưa tin, tại Milan, khoảng 500 người đã lao nhanh ra nhà ga trung ương ở Milan, cố gắng đáp ngay những chuyến tàu cuối cùng để thoát ra khỏi vùng bị cách ly.
Ngay vào sáng Chúa Nhật, nhiều người vẫn lang thang ở phi trường Milan hoang vắng cố gắng tìm kiếm trong tuyệt vọng một con đường thoát thân.
Roberto Burioni, một nhà dịch tễ học nói:
“Thật điên rồ. Một sắc lệnh nghiêm trọng như thế lại bị rò rỉ, mọi người hoảng loạn và cố gắng thoát khỏi vùng được giả định sắp bị cách ly, mang theo sự lây nhiễm với họ. Cuối cùng, tác dụng duy nhất của cái lệnh cách ly này là giúp cho sự lây lan của virus nhanh hơn và rộng khắp đất nước.”
Trước các chỉ trích gay gắt như thế, trong một động thái hết sức bất ngờ, ông Conte đã ký một sắc lệnh cô lập cả nước. Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày thứ Ba 10 tháng Ba. Về cơ bản điều này nghĩa là các công dân Ý bị cấm di chuyển khỏi khu vực mình đang cư trú.
Động thái phong tỏa quyết liệt của chính phủ được đưa ra sau khi các xét nghiệm cho thấy có sự gia tăng lớn về số lượng nhiễm trùng coronavirus. Trong bản cập nhật hàng ngày, cơ quan bảo vệ dân sự của Ý hôm thứ Ba cho biết số người nhiễm bệnh đã lên tới 9,172 người, trong đó 463 người đã chết.
Trong số những người bị nhiễm coronavirus có cả người đứng đầu Đảng Dân chủ, Nicola Zingaretti.
Hôm thứ Sáu, Hiệp hội các Giám đốc Y tế Italia, gọi tắt là ANAAO, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thiếu giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện trong vùng Lombardy.
ANAAO cho biết: “Gần 95 phần trăm của các giường hiện có đã được sử dụng.”
“Chúng tôi dự đoán đến ngày 26 tháng Ba, 18,000 bệnh nhân sẽ phải nhập viện. Khoảng 2,700 đến 3,200 người trong số này cần được chăm sóc đặc biệt,” Antonio Pesenti, điều phối viên của các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Lombardy, nói với tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều.
“Ngày nay, chúng tôi đã có hơn 1,000 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt. Tình trạng của họ có thể trở nên xấu hơn vào bất cứ lúc nào.”
Các viện bảo tàng bị đóng cửa và mọi nghi lễ dân sự và tôn giáo, bao gồm cả các tang lễ, đều bị đình chỉ. Các quán bar và quán rượu có thể bảo đảm khoảng cách một mét giữa các khách hàng có thể được mở cửa nhưng phải đóng cửa trước 6 giờ tối.
Phòng tập thể dục, bể bơi, nhà hát sẽ phải đóng cửa, và các vận động viên sẽ phải tập luyện trong nhà mà không có đám đông xung quanh.
“Chúng ta phải hành động để tránh sự lây lan của nhiễm trùng và sự quá tải của hệ thống y tế của chúng ta,” ông Conte nói.
Trong những ngày gần đây, những lo ngại đã được đặt ra về sự sẵn sàng có thể chăm sóc cho các bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất.
Lo sợ coronavirus, ít nhất 50 tù nhân đã vượt ngục trong 27 vụ nổi loạn
Dân chúng đã phản đối mạnh trước quyết định cô lập này của chính phủ Ý, đặc biệt là các tù nhân.
Đối diện với tin tức gia đình không thể thăm viếng do sắc lệnh cô lập của thủ tướng Giuseppe Conte, và trước nguy cơ chết vì lây nhiễm coronavirus trong điều kiện đông đúc của các nhà giam, các tù nhân tại ít nhất 27 nhà tù trên khắp nước Ý đã nổi loạn.
Tờ Corriere della Sera cho biết tại nhà tù San Vittore ở Milan, các tù nhân đã nổi loạn và hôm thứ Hai 9 tháng Ba. 20 tù nhân được nhìn thấy lang thang trên các mái nhà với các biểu ngữ phản đối, chẳng hạn, “Indulto”, nghĩa là “Xin ân xá”.
Hàng chục vụ nổi loạn của các tù nhân được ghi nhận tại Foggia, Naples và Fronsione. Riêng tại Modena, 6 tù nhân đã chết. Cảnh sát giải thích là vì họ cướp một bệnh xá trong nhà tù và sau đó chết vì dùng quá liều chất methadone cướp được trong bệnh xá này.
Một nhóm tù nhân đã đốt cháy nhà tù trung tâm của thành phố Rôma là nhà tù Rebibbia, nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng vào thăm tên sát thủ mưu giết ngài Ali Agca, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly năm 2015.
30 tù nhân chạy trốn khỏi nhà tù. Còi báo động vang khắp thành phố trong đêm thứ Hai khi các máy bay trực thăng lượn trên khu vực để hướng dẫn cảnh sát chống bạo động tái chiếm nhà tù.
Ít nhất 50 tù nhân đã trốn thoát khỏi các nhà tù trong 27 vụ nổi loạn được ghi nhận hôm thứ Hai 9 tháng Ba.
Chính quyền các khu vực đã chấp nhận quyết định của thủ tướng với một thái độ hoài nghi.
“Nó đi đúng hướng, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng nó trông rất lộn xộn,” chủ tịch miền Lombardy, ông Attilio Fontana của đảng Liên minh Cánh hữu nói.
Luca Zaia, chủ tịch của vùng Veneto, trong đó bao gồm thành phố Venice, và các thành phố quan yếu khác trong khu bị cách ly, đã phản đối kịch liệt sắc lệnh này, coi đó là một phản ứng “quá mức cần thiết”.
“Chúng ta đang đối phó với một số khu vực rất giới hạn, không có ảnh hưởng đến toàn thể dân số nói chung, vì vậy tôi không thể hiểu được lý do đằng sau một hành động không cân xứng như vậy,” ông Zaia nói.
Carlo Calenda, người đứng đầu đảng Hành động Cấp tiến, tin rằng vấn đề thực sự nằm ở sự mơ hồ của các mệnh lệnh.
“Đó là điều không thể chấp nhận được. Có hợp pháp để dùng quân đội và cảnh sát để chặn đường không?”
“Thế nào là lý do ‘không thể trì hoãn’,” ông Calenda vặn hỏi.
Việc kiểm dịch sẽ giáng một đòn trí mạng lên các khu kinh tế của Ý. Khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến từ các khu vực trong miền Lombardy và Veneto.
Ở Ý, nơi nhiều người không làm việc toàn thời gian, việc cách ly này sẽ khiến họ rơi vào tình cảnh điêu đứng vì không có thu nhập.
Đức Thánh Cha Phanxicô thường lên án tình trạng các chủ nhân tại Ý chỉ thuê mướn nhân công theo mùa để giảm chi phí sản xuất và không phải trả tiền hưu bổng.