1. Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Washington
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Washington. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra thông báo trên hôm thứ Sáu 12 tháng 10.
Việc chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Wuerl xảy ra gần ba năm sau khi ngài đến tuổi 75, là hạn tuổi mà các giám mục phải nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha.
Đức Hồng Y Wuerl sinh năm 1940 và được thụ phong linh mục tại giáo phận Pittsburgh vào năm 1966. Ngài từng là Giám Mục Phụ Tá của Seattle trong hai năm 1986, 1987, giám mục Pittsburgh từ 1988 đến 2006, và tổng giám mục Washington từ 2006 đến nay.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2010 và bổ nhiệm ngài làm Tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2012 về Tân Phúc Âm Hóa.
Đức Hồng Y đã là chủ đề của những lời chỉ trích gay gắt trong những tháng gần đây. Là người kế vị Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, Đức Hồng Y Wuerl đã phải đối diện với những chất vấn về những hiểu biết của ngài liên quan đến những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại McCarrick, được công khai trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 20 tháng Sáu.
Đức Hồng Y đã phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích sau khi một báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố vào ngày 14 tháng 8, trong đó nêu lên những cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Wuerl trong thời gian là Giám mục Pittsburgh (từ năm 1988 đến năm 2006) đã cho phép các linh mục bị buộc tội lạm dụng được tiếp tục làm việc mục vụ sau khi các cáo buộc đã được đưa ra.
Trong một lá thư gởi cho Đức Hồng Y được công bố hôm 12 tháng 10, Đức Thánh Cha đã yêu cầu Đức Hồng Y đảm nhận trọng trách Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Washington cho đến khi một vị Tổng Giám Mục khác được bổ nhiệm.
2. Tòa án tối cao Pakistan giữ nguyên án tử hình người phụ nữ Công Giáo bị cáo buộc phạm thượng
Tòa án tối cao Pakistan được tường thuật là đã giữ nguyên phán quyết của tòa dưới đối với trường hợp của Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo bị kết án tử hình vì tội phỉ báng tiên tri Muhammad. Báo chí tại Pakistan cho biết như thế hôm thứ Hai.
Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán đã được triệu tập theo lời thỉnh cầu cuối cùng của Bibi nhằm chống lại phán quyết được đưa ra vào năm 2010. Hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết nhưng từ chối công bố quyết định của họ, và không biết khi nào họ mới công bố quyết định sau cùng này.
Cho đến nay người ta vẫn chưa được biết lý do của sự chậm trễ này.
Năm 2009, Bibi bị buộc tội đưa ra những nhận xét phỉ báng tiên tri Hồi giáo Muhammad sau một cuộc tranh luận bắt nguồn từ một ly nước. Bibi đang thu hoạch quả dâu với các công nhân nông trại khác khi được yêu cầu đi lấy nước từ giếng.
Một người nhìn thấy cô uống nước từ một cái ly mà trước đó đã được những người Hồi giáo sử dụng. Người ấy nói với Bibi rằng một Kitô hữu không thể sử dụng chung một ly nước với người Hồi Giáo, vì Kitô hữu là người ô uế. Một cuộc cãi vã xảy ra sau đó, và năm ngày sau đó người ta báo cáo với một giáo sĩ Hồi giáo rằng Bibi đã phỉ báng Muhammad. Bibi và gia đình cô là những Kitô hữu duy nhất trong khu vực, và đã phải đối mặt với những áp lực buộc cải đạo sang Hồi giáo.
Cô bị kết tội phạm tội phạm thượng vào năm 2010, và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Cô kháng cáo ngay lập tức. Tòa án Tối cao Lahore đã y án vào năm 2014, sau đó cô đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của Pakistan. Tòa án tối cao đã đồng ý nghe kháng cáo của cô vào năm 2015 nhưng khất lần hẹn nữa cho đến nay mới xử.
Kể từ khi bị bắt giữ, Bibi đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã tiếp chồng và con gái cô và cầu nguyện cho cô.
Ở Pakistan, những người Hồi giáo cứng rắn đã kêu gọi tử hình cô ngay từ khi cô bị kết tội lần đầu. Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng ông ủng hộ các luật chống báng bổ khắc nghiệt của quốc gia này.
Nếu Tòa án tối cao Pakistan giữ nguyên phán quyết của tòa dưới như báo chí Pakistan tường thuật, Bibi sẽ trở thành người đầu tiên ở Pakistan bị tử hình vì tội phỉ báng.
Luật phỉ báng của Pakistan áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với những người xúc phạm Kinh Qur'an hoặc phỉ báng Muhammad. Hồi giáo là quốc giáo của Pakistan, và khoảng 97% dân số là người Hồi giáo.
Mặc dù chính phủ chưa bao giờ hành quyết một người bị cáo buộc báng bổ, nhưng không phải vì họ nhân nhượng với luật này. Đa số các nạn nhân bị cáo buộc phỉ báng Hồi Giáo bị đánh chết ngay tại chỗ hay bị sát hại trong nhà giam.
3. Hai Giám Mục Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên sẽ ra về trước khi các nghị phụ bỏ phiếu
Vatican đã xác nhận rằng hai giám mục Trung Quốc đang tham dự lần đầu tiên Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ trở về nhà trước khi các nghị phụ thảo ra kết luận cuối cùng của các ngài và trình lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Bộ trưởng bộ truyền thông của Vatican, ông Paolo Ruffini, cho biết hôm thứ Tư 10/10 rằng “không có gì đáng ngạc nhiên” về sự ra về sớm của Giám mục Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaoting -楊曉亭) của Diên An, và Giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) của Thừa Đức. Ông cho biết đã biết hai người có những công việc khác nên phải cắt ngắn sự tham gia của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô tỏ ra nghẹn ngào khi thông báo về sự hiện diện của hai Giám Mục Trung Quốc vào ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, mô tả sự hiện diện của họ như hoa trái tỏ tường đầu tiên của thỏa hiệp ngày 22 tháng 9 liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ căng thẳng giữa Rôma và Bắc Kinh.
Bất kể thái độ và những tuyên bố bất phục tùng Tòa Thánh trước đây của hai vị, các vị Giám Mục Trung Quốc này đã được đối xử như những vị khách quý tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên.
Cả hai người từ lâu đã là những người thực thi ngoan ngoãn các mệnh lệnh của chính quyền Trung Quốc. Quách Kim Tài là một trong bảy người còn sống được tha vạ tuyệt thông – và cũng là tổng thư ký của cái gọi là Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc, do Hội Công Giáo Yêu Nước dựng lên. Quách Kim Tài còn là Phó Chủ Tịch Hội Công Giáo Yêu Nước của “giáo hoàng đen” Lưu Bách Niên.
Cha Raymond de Souza, tổng biên tập tờ Convivium, ghi nhận rằng nhiều người cảm thấy bối rối trước việc đảng cộng sản Trung Quốc có quyền bổ nhiệm nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican.
Trong bài “Who appointed the Youth Synod’s Chinese bishops” – (“Ai đã bổ nhiệm các nghị phụ Trung Quốc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên”), đăng trên tờ Catholic Herald, cha Raymond cho biết:
“Các nghị phụ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma được bổ nhiệm bằng nhiều cách khác nhau. Hội Đồng Giám Mục của các quốc gia bầu các đại biểu giám mục của mình; một số quan chức trong giáo triều Rôma [lãnh đạo các bộ và các cơ quan ngang bộ\ đương nhiên là nghị phụ; các Giáo hội Đông phương cũng được chỉ định các đại diện của họ; và Đức Thánh Cha cũng có thể mời thêm một số vị khác.”
“Giáo luật và cả Tông Hiến [Episcopalis Communio] nhằm mở rộng quyền hạn và thẩm quyền của Thượng Hội Đồng Giám Mục, được Đức Thánh Cha công bố cách đây vài tuần cũng không bao gồm bất kỳ điều khoản nào cho phép đảng cộng sản Trung Quốc được bổ nhiệm nghị phụ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục. Nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng ở Rôma.”
4. Đức Thánh Cha thảo luận về Kinh Kính Mừng trong cuốn sách mới
Ngay cả những kẻ tội lỗi nhất cũng có thể tìm thấy nơi Đức Mẹ một người mẹ yêu thương nhưng những kẻ băng hoại chỉ biết nương tựa nơi những ham muốn mù quáng và ích kỉ của riêng mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm trên trong một cuốn sách được phát hành hôm thứ Tư 10 tháng 10 ở Ý. Ngài nói rằng Đức Maria không thể thâm nhập vào con tim của những người nam nữ băng hoại vì họ đã lựa chọn “satan” và “khóa trái cửa lại từ bên trong”.
“Đức Maria không thể là mẹ của những kẻ băng hoại bởi vì những kẻ ấy bán tháo hết mọi thứ, kể cả mẹ mình. Họ tìm kiếm lợi nhuận riêng, bất kể là kinh tế, trí tuệ, chính trị, dưới bất kỳ hình thức nào.”
Cuốn sách, có tựa đề “Ave Maria” (“Kính mừng Maria”), là những suy tư về kinh Kính Mừng do Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện trong một cuộc phỏng vấn với Cha Marco Pozza, một linh mục tuyên úy nhà tù ở thành phố Padova phía bắc nước Ý.
Đức Thánh Cha nói, theo trí tưởng tượng của ngài, trong suốt cuộc đời của Đức Maria, Mẹ vẫn là một “người phụ nữ bình thường” bất chấp hoàn cảnh bất thường được là mẹ của Thiên Chúa, và “Mẹ là một người phụ nữ mà bất kỳ người phụ nữ nào trên thế giới này đều có thể bắt chước.”
“Đức Maria rất giản dị. Mẹ làm việc, mua sắm hàng hóa, phụ giúp chồng và con trai mình: rất bình thường. Bình thường nghĩa là sống với người dân và giống như mọi người. Thật bất thường khi sống mà không có rễ trong một dân tộc, mà không có sự liên hệ với lịch sử một dân tộc.”
Không có những kết nối đó, Đức Giáo Hoàng nói, một tội lỗi có thể phát sinh mà “Satan, kẻ thù của chúng ta, rất ưa thích: đó là tội xem mình là tinh hoa.”
“Những kẻ xem mình là tinh hoa không biết đến ý nghĩa của việc sống giữa những người khác. Và khi tôi nói về tinh hoa, tôi không có ý muốn nói đến một tầng lớp xã hội: Tôi muốn nói về một thái độ của tâm hồn, “ Đức Thánh Cha giải thích.
“Có nhiều người cho rằng họ thuộc về tầng lớp tinh hoa của Giáo Hội. Nhưng, như Công Đồng Vatican Hai đã nói trong 'Lumen Gentium,' Giáo Hội là dân trung tín thánh thiện của Thiên Chúa. Giáo Hội là một dân tộc, dân của Thiên Chúa. Và ma quỷ rất thích kẻ xưng mình là tinh hoa.”
Trái lại, những người nhận ra mình là kẻ có tội có thể cảm nghiệm được sự bảo vệ của Mẹ Maria bởi vì Mẹ “là mẹ của tất cả chúng ta, những người tội lỗi, từ người thánh thiện nhất đến người rốt nhất.”
“Đó là thực tế.” Đức Giáo Hoàng nói. “Nếu tôi tự nhủ rằng mình không phải là kẻ tội lỗi, tôi sẽ là kẻ băng hoại nhất.”
Trong cuốn sách, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trình bày những suy tư của ngài về sự đau khổ của Đức Maria khi nhìn thấy cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá. Đó cũng là nỗi đau mà nhiều bà mẹ, đặc biệt là ở quê hương Á Căn Đình của ngài, đã từng trải nghiệm.
Ngài đã nhắc nhớ những nỗi đau những bà mẹ tại quảng trường Mayo, thường được gọi là “Madres de la Plaza de Mayo”, phải chịu đựng. Madres de la Plaza de Mayo là hiệp hội các bà mẹ tìm kiếm con cái của mình bị mất tích trong cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của Á Căn Đình. Nhiều người Á Căn Đình đã bị bắt cóc, tra tấn, giết hại hoặc biến mất trong giai đoạn 1976 và 1983 dưới chế độ độc tài quân phiệt Á Căn Đình, và nhiều người trong số những bà mẹ này cũng bị bắt giữ cùng với con cái của họ.
Sự đau đớn của họ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “không thể tả nổi”.
“Một trong số các bà mẹ nói với tôi, ‘Con muốn ít nhất là nhìn thấy cơ thể, hay hài cốt của con gái con, để biết nó được chôn cất chỗ nào’. Nhiều lần, họ hỏi tôi, ‘Nhưng Giáo Hội ở đâu trong thời điểm đó, tại sao Giáo Hội không bảo vệ chúng con?’ Tôi không nói bất cứ điều gì, và tôi tháp tùng với họ. Sự tuyệt vọng của các bà mẹ Plaza de Mayo thật là khủng khiếp. Chúng ta không thể làm gì hơn là tháp tùng với họ và tôn trọng nỗi đau của họ, nắm lấy tay họ.”
5. Các Giám Mục Phi Luật Tân cảnh cáo các linh mục muốn ra tranh cử
Các Giám Mục Công Giáo ở Phi Luật Tân đã cảnh cáo các linh mục có ý định ra tranh cử sau khi Hội Đồng Bầu Cử nước này bắt đầu nhận đơn của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa năm tới.
“Chính trị không phải là một phần trong nhiệm vụ của một linh mục,” Đức Cha Buenaventura Famadico, Giám Mục San Pablo, chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã nhấn mạnh như trên.
“Chúng ta hãy dành nhiệm vụ phục vụ trong chính phủ cho người dân vì nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta đã thất bại trong nhiệm vụ của chính mình”.
Ngài nói thêm rằng nhiệm vụ của một linh mục là “truyền bá lời Chúa và hướng dẫn các tín hữu.”
Việc nộp hồ sơ ứng cử cho cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2019, tức là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã bắt đầu hôm 11 tháng 10 và sẽ kết thúc vào ngày 17 tháng 10.
Ủy ban Bầu cử nói rằng 61 triệu người Phi Luật Tân sẽ hội đủ điều kiện để bỏ phiếu vào năm tới khi họ chọn ra các thượng nghị sĩ, dân biểu, và các nhà lãnh đạo địa phương.
Đức Cha Ruperto Santos, Giám Mục Balanga, cho biết ngài sẽ không cho phép bất kỳ thành viên nào trong hàng giáo sĩ của giáo phận ra tranh cử.
“Tôi chắc chắn chống lại điều này, và tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ linh mục nào của tôi ra tranh cử vì họ không thể phục vụ hai chủ.”
“Là linh mục, chúng ta đang phục vụ người dân, và chúng ta phục vụ họ mà không có bất kỳ đặc quyền, đặc lợi cá nhân. Các linh mục dành cho và chỉ dành cho Thiên Chúa,” Đức Cha Santos nói.
Theo Đức Cha Santos, các linh mục mưu tìm các chức vụ công quyền đang phản bội lại “ơn gọi thiêng liêng của mình”.
Đức Cha Arturo Bastes, Giám mục Sorsogon nói rằng giáo luật không cho phép các linh mục hoạt động trong guồng máy chính trị. “Điều này vi phạm giáo luật,” ngài nói.
Trong quá khứ, có các linh mục đã ra tranh cử và thắng cử, nhưng sau đó họ đã rời bỏ chức tư tế hoặc bị đình chỉ khỏi các nhiệm vụ của chức tư tế.
Trong khi đó, một viên chức trong Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, nhắc nhở các ứng viên nộp đơn ứng cử hãy tôn trọng các thánh đường vì đó là nơi thờ phượng.
Văn phòng Ủy ban Bầu cử Manila nằm ngay đối diện nhà thờ chính tòa Manila, nơi các ứng viên thường đến cầu nguyện trước khi nộp đơn ứng cử.
“Đừng đi đến đó như thể bạn đang tham dự một cuộc biểu tình chính trị bởi vì một nhà thờ là một nơi để cầu nguyện,” Cha Jerome Secillano, phát ngôn viên của Ủy ban Công chúng sự vụ nói.
Ngài cũng kêu gọi các ứng cử viên tôn trọng các thánh đường và đừng treo các biểu ngữ tranh cử bên ngoài các ngôi nhà thờ.
6. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh không làm dịu bớt làn sóng bách hại tại Hoa Lục
Thỏa thuận “tạm thời” giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, được ký vào ngày 22 tháng 9, xem ra không làm dịu bớt chút nào sự hung hăng của Bắc Kinh và bạo lực chống lại người Công Giáo. Sáng thứ Năm 11 tháng 10, cây thánh giá vẫn thường đứng trên tháp chuông của nhà thờ Công Giáo Long Loan (Yongqiang) đã bị kéo xuống trong khi bức tường bao quanh khu nhà thờ bị phá hủy.
Nhà thờ này thuộc giáo phận Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Cộng đồng Công Giáo Ôn Châu có khoảng 130 nghìn tín hữu. Từ năm 2016, giáo phận được coi sóc bởi Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (邵祝敏 -Shao Zhumin). Ngài được Tòa Thánh công nhận, nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh liên tục bắt bớ và gây nhiều khó khăn cho ngài.
Gần đây nhất, Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn bị công an bắt ngày 18 tháng 5 năm 2017 và bị đưa đi biệt tích khỏi giáo phận của ngài. Sau đó, chúng đã trả tự do cho ngài hôm 2 tháng Giêng năm nay.
Bọn cầm quyền trả tự do cho ngài có lẽ vì không muốn vụ này có một ảnh hưởng quốc tế sâu rộng. Thật thế, Đại sứ Đức tại Bắc Kinh, là Ông Michael Clauss liên tục gây sức ép với bọn cầm quyền Bắc Kinh về vụ Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn và cả Tòa Thánh cũng bày tỏ mối quan tâm sâu xa đối với số phận của ngài.
Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn, năm nay 54 tuổi, được Tòa Thánh công nhận nhưng bọn cầm quyền Bắc Kinh không nhìn nhận ngài là Giám Mục. Công an đã ép ngài phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng cộng sản được thành hình để biến Giáo Hội Trung Quốc thành một Giáo hội tự trị, độc lập với Tòa Thánh và Giáo Hội hoàn vũ.
Giáo phận Ôn châu hiện có 70 linh mục và 130 ngàn tín hữu trong đó có hơn 80 ngàn thuộc Giáo Hội thầm lặng.
Đây là lần đầu tiên một nhà thờ tại Ôn Châu bị tấn công trong chiến dịch triệt hạ thánh giá kéo dài trong suốt bốn năm qua. Chiến dịch này bắt đầu ngay tại Chiết Giang, vào năm 2014, trước khi lan sang nhiều tỉnh khác của Trung Quốc.
Cây thánh giá của nhà thờ Long Loan không phải là cây thánh giá đầu tiên bị phá hủy sau thỏa thuận Trung quốc-Vatican. Vào ngày 3 tháng 10, cây thánh giá tại một nhà thờ thuộc thành phố Trú Mã Điếm (Zhumadian), ở tỉnh Hà Nam đã bị giật xuống. Quan chức thuộc Mặt trận thống nhất, là cơ quan giám sát các hoạt động tôn giáo, nói cây thánh giá nhìn “chướng mắt” quá vì thấy tỏ tường ngay cả từ nhà ga thành phố, nên giật xuống.
7. Bắc Hàn mời Đức Thánh Cha sang thăm nước này
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thăm chính thức Tòa Thánh từ hôm thứ Tư 17 tháng. Trong chuyến thăm hai ngày này, tổng thống đã gửi một thông điệp từ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong đó nhà lãnh đạo miền Bắc cho biết sẽ nhiệt liệt chào đón Đức Giáo Hoàng nếu ngài thăm Bình Nhưỡng.
Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Blue House, phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Tổng thống Moon sẽ thăm chính thức Tòa Thánh vào ngày 17 và 18 tháng 10”. Ông giải thích về chuyến viếng thăm như sau: “Tổng thống muốn tái cầu xin sự chúc lành và ủng hộ của Tòa Thánh đối với tiến trình hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên; cũng như muốn thảo luận về những phương cách cải thiện sự hợp tác giữa Tòa Thánh và Nam Hàn trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Ông nói thêm: “Ông Kim đã nói với tổng thống Moon: ‘Tôi sẽ nhiệt liệt chào đón Đức Giáo Hoàng nếu ngài đến thăm Bình Nhưỡng’. Và tổng thống Moon sẽ chuyển thông điệp này đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
Phát ngôn viên Kim Eui-kyeom cũng đã đưa ra tin tức về một cuộc họp diễn ra giữa Kim Chính Ân và Đức Cha Hyginus Kim Hee-Joong, Tổng giám mục Gwangju và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc.
“Tôi muốn bổ sung thêm”, người phát ngôn tiếp tục nói – “ông Kim đã gặp Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Hàn, là Đức Tổng Giám Mục Hee-Joong, trên Núi Paektu. Đức Tổng Giám Mục nói với ông Kim rằng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đang nỗ lực hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tôi sẽ chuyển tin tức này đến Tòa Thánh. Khi nghe những lời này từ Đức Tổng Giám Mục, ông Kim trả lời: ‘Xin Đức Cha vui lòng làm như thế’”.
8. Nhận định của một Giám Mục Nam Hàn về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Bắc Triều Tiên
“Tôi nghĩ đối với Kim Chính Ân, một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại nhiều lợi ích từ khả năng có thể bình thường hóa quan hệ quốc tế với các nước khác. Tin tức rất tích cực, nhưng theo ý kiến của tôi vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng ta cần biết rằng cần có thời gian cho những phát triển như vậy.” Đức Cha Lazzaro You Heung-sik, Giám Mục Daejeon, đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho Asia-News bên lề Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên.
“Ngoại giao được thực hiện bằng các bước nhỏ, trước tiên một lá thư chính thức về lời mời này phải được trình lên Đức Giáo Hoàng, sau đó là thời gian chờ đợi phản ứng. Hơn nữa, chúng ta phải nhớ rằng các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng trên tất cả là các chuyến thăm mục vụ, chứ không phải những chuyến viếng thăm chính trị. Tôi không nghĩ rằng có thể tổ chức một chuyến thăm như vậy trong một khoảng thời gian ngắn,” Đức Cha Heung-sik nhận xét.
Ngài cho biết thêm “Trong quá khứ, đã có những nỗ lực thiết lập quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Vatican: Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý, là người đã chết cách đây vài năm, có mối quan hệ rất tốt với Giáo Hội Công Giáo và muốn mời một số viên chức Tòa Thánh sang thăm quốc gia này. Tuy nhiên, không có gì đã được thực hiện kể từ khi ông qua đời.”
Đức Cha Heung-sik cho biết thêm: “Khi tôi biết về thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tôi nghĩ: Điều này cũng có ảnh hưởng tích cực đến Bắc Triều Tiên, vì họ phụ thuộc rất nhiều vào Bắc Kinh”.
Vị Giám Mục Nam Hàn là chủ tịch Ủy ban Xã hội Hội Đồng Giám Mục Hàn quốc, nhấn mạnh rằng:
“Tôi muốn lưu ý thêm rằng để chào đón Đức Thánh Cha đến Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên trước hết cần thực hiện một số điều kiện: ví dụ như chấp nhận cho các linh mục hoạt động mục vụ ở miền Bắc và bảo đảm tự do tôn giáo lớn hơn cho người dân Bắc Triều Tiên. Hai sáng kiến này, được liên kết chặt chẽ, sẽ là những dấu chỉ cụ thể nhất trước mặt các quốc gia trên thế giới.”
9. Bắc Hàn cũng đã từng mời Đức Giáo Hoàng sang thăm nước này
Trong quá khứ, Bắc Hàn cũng đã từng mời Đức Giáo Hoàng sang thăm nước này. Trong bài Prominent Defector on N.Korea's Relationship with Religion, tờ The Chosunilbo cho biết như sau:
Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.
Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.
Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.
Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.
Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan. Ảnh dưới đây là một cảnh trong nhà thờ giả và giáo dân toàn bộ đều là là cộng sản giả dạng tín hữu.
Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.
Thae cho biết: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”
Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.
Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.
Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Chính Ân hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Chính Ân lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.
10. Tổng Giám Mục Anthony Fisher thật chí lý khi cho rằng những người trẻ tuổi muốn có một giáo huấn rõ ràng và đầy thách đố
Một trong những diễn từ đáng nhớ nhất tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên cho đến nay là diễn từ của Tổng Giám mục Anthony Fisher của Sydney, người đã xin lỗi những người trẻ vì tất cả các cách thế mà Giáo hội và các thành viên của Giáo hội đã làm hại họ hay khiến cho họ thất vọng.
Nhiều người trong chúng ta từ lâu đã mong được nghe một giám mục, thực ra là bất kỳ nhà lãnh đạo Giáo hội nào, mô tả thực tại như nó là. Vì thế, diễn từ của Tổng Giám mục Fisher rất được hoan nghênh. Trước hết, Đức Tổng Giám Mục đã xin lỗi vì vụ tai tiếng lạm dụng trẻ em và “vì những hành vi đáng xấu hổ của một số linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã gây khó khăn cho các bạn hoặc những người trẻ khác giống như các bạn, và thiệt hại khủng khiếp đã xảy ra.” Ngài xin lỗi vì “vì sự thất bại của quá nhiều giám mục và những người khác không đáp ứng một cách thích hợp khi các vụ lạm dụng được xác định, và không làm tất cả trong quyền lực của mình để giữ cho các bạn an toàn; và xin lỗi vì những thiệt hại như thế làm giảm uy tín của Giáo Hội và làm sa sút sự tin tưởng của các bạn.”
Thật là nhẹ nhõm khi nghe những lời nói thẳng thắn như vậy, không quanh co, không tìm kiếm lý do cho những thất bại của quá khứ, và không cố đổ lỗi cho “chủ nghĩa giáo sĩ trị” hoặc một số khái niệm mơ hồ đang là mốt thời trang hiện nay.
Nhưng Đức Tổng Giám Mục còn đi xa hơn trong phân tích của ngài về cách Giáo hội đã thất bại trong giới trẻ. Ngài nói rõ rằng đã có một sự thất bại trong hàng lãnh đạo Giáo Hội, và một sự thất bại trong việc trung tín với kho tàng đức tin và truyền thống. Ngài nhấn mạnh rằng những người trẻ tuổi muốn được giảng dạy rõ ràng và đầy thách đố, chứ không muốn được cung cấp một số phiên bản tan loãng của Tin Mừng. Đức Tổng Giám Mục đã xin lỗi vì Giáo Hội đã không thể “giới thiệu các bạn với chính Chúa Giêsu Kitô, với lời cứu độ của Ngài, và kế hoạch Ngài dành cho cuộc sống của các bạn.”
Giáo Hội, Đức Tổng Giám Mục Fisher nói tiếp, thường xuyên “bán rẻ các bạn” khi ngưng không thách thức những người trẻ sống theo ơn gọi khi chịu phép rửa tội của họ là nên thánh, khi cung cấp cho họ một thứ “phụng vụ thiếu vẻ đẹp và sự chào đón”, không dám chia sẻ với họ những truyền thống Giáo Hội như bí tích hòa giải, hành hương và Thánh Thể.
Ngoài ra, ngài xin lỗi vì “sự nghèo nàn của những bài thuyết giảng, giáo lý hay đường hướng tâm linh” đã không truyền cảm hứng cho sự hoán cải. Ngài cũng xin lỗi vì các gia đình, giáo phận và các dòng tu đã chấp nhận một thứ “não trạng tránh thai”, nghĩa là không cố gắng trong việc sản sinh các ơn gọi mới.
Ở Úc có rất nhiều Giám Mục ưa thích những truyền thống tốt đẹp và xa tránh những điều vô nghĩa. Nhưng lời nói thẳng của Tổng Giám mục Fisher chưa chắc sẽ được lắng nghe rộng rãi, đặc biệt là nơi những người chịu trách nhiệm về những “phụng vụ thiếu vẻ đẹp”, hoặc những người muốn nhấn mạnh rằng những người trẻ đang đòi hỏi một giáo huấn Công Giáo mới, ít thách đố hơn. Lời nói của Đức Tổng Giám Mục cũng sẽ không được hoan nghênh bởi những người háo hức muốn phủ nhận rằng có những mối liên hệ nhất định giữa những vụ tai tiếng lạm dụng trẻ em và sự tháo thứ trong giáo lý và tín lý Công Giáo.
11. Trung Quốc chính thức thông qua luật về các trại học tập cải tạo
Các nhà làm luật tại miền tây Tân Cương của Trung Quốc đã thông qua luật về các trại học tập cải tạo dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) trong bối cảnh có những lo ngại quốc tế về sự gia tăng những người đột nhiên bị biến mất với quy mô lớn ở đó.
Chính quyền Tân Cương cho biết các trại học tập cải tạo là nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan thông qua việc “chuyển đổi tư tưởng”.
Các nhóm nhân quyền nói rằng các tù nhân buộc phải thề trung thành với Đại đế Tập Cận Bình, phải chỉ trích và từ bỏ đức tin của họ.
Tháng Tám vừa qua, Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc cho rằng bọn cầm quyền đã bắt giữ hơn một triệu người trong khu vực Tân Cương.
Nhưng các quan chức tham dự một cuộc họp nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng người Duy Ngô Nhĩ “bị lừa dối bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” và đang trải qua quá trình giáo dục và tái định cư.
Luật mới của Tân Cương là dấu chỉ cụ thể đầu tiên về những gì Trung Quốc đang làm trong khu vực. Theo luật mới, các hành vi có thể dẫn đến bị bắt giam bao gồm việc từ chối xem truyền hình, không chịu nghe đài phát thanh nhà nước và ngăn chặn trẻ em không cho theo học các trường của chính phủ. Nói rằng một món ăn là không thuần khiết đối với người Hồi Giáo cũng có thể bị tù.
Trung Quốc cho biết trong mạng lưới các trung tâm giam giữ của họ, các tù nhân sẽ được dạy tiếng Quan Thoại, các khái niệm pháp lý và được đào tạo nghề nghiệp.
Bằng cách cho các trại này một nền tảng pháp lý, Trung Quốc dường như đã xác nhận những gì nhiều người đã nói trong nhiều tháng qua rằng bọn cầm quyền đang điều hành những trại cải tạo khổng lồ để giam giữ cả triệu người Hồi giáo ở Tân Cương dưới chiêu bài chống chủ nghĩa cực đoan.
Và chủ nghĩa cực đoan được định nghĩa rộng rãi đến nỗi ngay cả những bậc cha mẹ không muốn con cái kết hôn với một người không Hồi Giáo hoặc thuộc một sắc dân khác cũng bị coi là cực đoan tôn giáo.
12. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hoãn lại việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine
Vấn đề cấp Tomos, tức là quy chế tự trị, cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập tại Ukraine đã bị hoãn lại. “Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào một thời điểm thuận lợi hơn trong tương lai,” Tổng Giám Mục Asen Emosence của Arsenios bên Áo và đồng thời là Giám Quản Chính Thống Giáo Hung Gia Lợi cho tờ Deutsche Welle biết như trên.
Tuy nhiên, tờ Regnum báo cáo rằng 9 trong số 12 vị lãnh đạo trong phiên khoáng đại kết thúc hôm 11 tháng 10 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.
“Chúng tôi không muốn tạo ra bất kỳ vấn nạn mới nào, nhưng với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng tôi sẽ tiến hành ban cấp quy chế này trong một diễn trình hòa bình”, Tổng Giám Mục Asen Emosence cho biết như trên khi đề cập đến những căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Tòa Constantinople về vấn đề này.
Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon và Giám mục Ilarion, là đại diện toàn quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Constantinople sau vài tuần lưu lại Kiev trong nỗ lực hiệp nhất 3 hệ phái Chính Thống Giáo tại đây.
“Sau 27 năm, tôi nghĩ các Giáo Hội ở Ukraine đã sẵn sàng hiệp nhất,” Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon nói.
Việc cấp Tomos cho Ukarine đã bị trì hoãn nhiều lần, mặc dù các chính trị gia Ukraine và một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo đang mong mỏi một cách tuyệt vọng nhận được Tomos trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào ngày 31 tháng 3 năm 2019.
Trong một bài giảng tại Washington, DC vào tháng 9 vừa qua, Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev đã nói về cuộc bầu cử sắp tới. Ngài nêu bật động lực chính trị trong việc kêu gọi Constantinople cho tự trị. Ngài nói: “Chúng tôi muốn điều này xảy ra trong năm nay. Tại sao trong năm nay? Bởi vì Mạc Tư Khoa hy vọng năm sau, sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, một tổng thống thân Nga hơn có thể được bầu và sẽ không quan tâm đến việc hình thành một Giáo hội tự trị thống nhất, và do đó vấn đề của Tomos sẽ bị trì hoãn cho đến không biết khi nào”
13. Tổng Giám Mục Canada kêu gọi Giáo Hội hiệp nhất
Trong một lá thư đăng trên trang web của tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục Anthony Mancini của Halifax-Yarmouth nói rằng Giáo Hội “đang bị chia thành các phe phái bị chi phối bởi các ý thức hệ, mỗi phe cố gắng đưa ra một số thay đổi trong Giáo Hội.”
Ngài thỉnh cầu Giáo Hội “trở thành” hiệp nhất một lần nữa.
Đức Tổng Giám Mục Mancini viết: “Một số người đang cố gắng trở lại với một quá khứ được lý tưởng hóa, trong khi có những người lại đang cố gắng vẽ vời ra một tương lai phản ánh chương trình nghị sự của họ nhiều hơn là Giáo Hội của Chúa Kitô”.
Đức Cha Mancini là một tiếng nói thẳng thắn lên án cả sự lạm dụng tình dục của các linh mục và “sự thất bại có hệ thống của hàng lãnh đạo” trong việc đối phó với tai ương này.
Ngài cho biết hồi tháng Tám vừa qua, ngài đã “đau đớn” và “xấu hổ” bởi một báo cáo cho thấy có hơn 1,000 trẻ em ở sáu giáo phận ở tiểu bang Pennsylvania bị lạm dụng trong khoảng thời gian 70 năm. Ngài nói rằng các cáo buộc này được cảm nhận mạnh mẽ ở Nova Scotia nơi một vụ kiện chống lại Tổng giáo phận Halifax-Yarmouth của ngài đã được đệ trình trong tháng này.
Trong lá thư mới nhất kêu gọi một Năm Đền Tạ, Đức Tổng Giám Mục Mancini lưu ý rằng tình hình của Giáo Hội là đáng lo ngại. Đã có những lời kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức và một số giám mục phải bị loại bỏ, và ngài nói rằng nhiều người Công Giáo đã viết thư cho ngài cho biết họ rời bỏ Giáo Hội.
“Có thể hiểu được rằng chỗ nào có con người thì chỗ đó có sự đa dạng các ý kiến, nhưng sự đa dạng có thể dẫn đến sự chia rẽ nếu nó bị thúc đẩy bởi giận dữ và tổn thương. Hoặc nó cũng có thể dẫn đến sự thống nhất về mục đích và sứ mệnh, nếu tầm nhìn, lòng thương xót và tình yêu hiện diện,” ngài viết.
“Để đáp lại tình trạng khủng hoảng và các triệu chứng của một đời sống tinh thần không lành mạnh trong Giáo Hội chúng ta, tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy bước vào một năm thanh tẩy, cầu nguyện và ăn chay đặc biệt, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã yêu cầu chúng ta thực hiện”
“Cầu xin Năm Đền Tạ này mang lại niềm tin và quyết tâm cho chúng ta bất kể những tội lỗi, thất bại, nhục nhã và xấu hổ. Trong Chúa Kitô tất cả đều có thể và không có Chúa Kitô, không có gì là có thể,” ngài viết.
“Hội thánh chúng ta cần được hiệp nhất, thanh tẩy và biến đổi.”
14. Tiệm bánh người Công Giáo thắng trong vụ ‘gay cake’ tại Tối Cao Pháp Viện Anh
Một tiệm bánh của người Công Giáo ở Bắc Ái Nhĩ Lan đã thắng kiện trong một kháng cáo chống lại một phán quyết cho rằng tiệm bánh đã phân biệt đối xử với một người đàn ông đồng tính khi từ chối làm cho một chiếc bánh có dòng chữ “ủng hộ hôn nhân đồng tính”.
Tối Cao Pháp Viện Anh đã đồng thanh nhất trí ủng hộ tiệm bánh trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào thứ Tư 10 tháng 10.
Tòa án tối cao ở Belfast vào năm 2015 truyền rằng vợ chồng Daniel và Amy McArthur, là chủ tiệm bánh, đã phân biệt đối xử với khách hàng khi họ từ chối làm một chiếc bánh với khẩu hiệu “ủng trợ hôn nhân đồng tính” trên đó. Họ được lệnh phải trả 500 bảng Anh tiền bồi thường thiệt hại.
Tòa án phúc thẩm Belfast sau đó đã từ chối kháng cáo của họ vào tháng 10 năm 2016.
Hai vợ chồng này đã kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Anh. Tòa này đã sử lần đầu tiên vào tháng Năm năm nay.
Chánh án Baroness Hale cho biết những người làm bánh đã không từ chối thực hiện đơn đặt hàng vì kỳ thị tính dục của khách hàng. “Các thợ làm bánh phản đối cái thông điệp chứ không phải là người đàn ông đặt hàng,” bà nói.
Bà cũng nói thêm rằng “không ai bị buộc phải chiều theo hoặc bày tỏ những ý kiến mà họ không tin”.
“Tòa truyền rằng không hề có phân biệt đối xử về quan điểm chính trị hoặc niềm tin tôn giáo ở đây,” bà kết luận.
Việc Tối Cao Pháp Viện Anh lật ngược lại bản án cho ta thấy rằng ngày nay không phải người đồng tính bị phân biệt đối xử nhưng chính là những người có niềm tin tôn giáo mới là những nạn nhân.
Vào năm 2016, hai vợ chồng tiệm bánh này nhận được cả sự ủng hộ bất ngờ từ một người vận động cho quyền lợi người đồng tính là Peter Tatchell, là người đã mô tả vụ kiện chống lại tiệm bánh này là một “bước quá xa”.
15. Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã ra thông báo về hiện tượng “Đức Mẹ Naju”
Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã ra thông báo số 168/2018 về hiện tượng “Đức Mẹ Naju” tại Tổng Giáo phận Gwangju, Hàn Quốc và bày tỏ quan ngại khi một số giáo dân và giám mục đã tiếp tục đến đây hành hương.
Thông báo này nhắc lại: Ngày 16 tháng 7 năm 2012, Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc đã công bố lập trường về hiện tượng Naju, khẳng định việc tôn kính Đức Mẹ “khóc” tại Naju là sai lạc về tín lý. Vì thế, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc đã khuyến cáo các tín hữu không được đến đây.
Hiện tượng “Đức Mẹ Naju” xuất phát từ tin đồn có tượng Đức Mẹ “khóc” ngày 30 tháng 6 năm 1985 tại nhà hai vợ chồng ông Julio Kim Man-bok và bà Julia Youn Hong-sun, những người tự xưng rằng họ được ơn mạc khải đặc biệt.
Ngày 21 tháng 1 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Andreas Choi Chang-mou, bản quyền Tổng Giáo phận Kwangju, đã ban hành sắc lệnh về “hiện tượng Naju” do linh mục Aloysius Chang Hong-bin phổ biến và cổ võ. Đức Tổng Giám Mục Andreas đã xác định, vì những sai lạc về tín lý và không còn khả năng hoán cải, linh mục Aloysius không còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và không còn thi hành tác vụ linh mục cách thành sự và hợp pháp. Trước đó, theo chỉ thị của Tòa Thánh, ngày 30 tháng 12 năm 1994, Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Gwangju đã thành lập Ủy ban điều tra về hiện tượng “Đức Mẹ Naju”. Sau đó, với kết quả điều tra, ngày 23 tháng 4 năm 2008, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố kết luận rằng hiện tượng xảy ra tại Naju “không chứng minh được tính chất siêu nhiên”, vì thế, đấng bản quyền giáo phận đã khẳng định việc tôn sùng này không phù hợp với cử hành đạo đức Kitô giáo đồng thời tuyên bố bất cứ ai cử hành và tham dự cử hành bí tích tại đền “Đức Mẹ Naju” sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.