1. Bức Tâm Thư của các Nghị phụ Giám mục gửi Giới Trẻ.
Bức Tâm Thư của các Nghị phụ Giám mục gửi Giới trẻ: “sự yếu đuối và lỗi lầm của chúng tôi không phải là một trở ngại cho niềm tin mến của các bạn.”
Trong một bức thư được đọc tại buổi lễ kết thúc Thượng Hội Đồng về Giới trẻ, các giám mục nghị phụ đã viết thư cho những người bạn trẻ: “sự yếu đuối và lỗi lầm của chúng tôi không phải là một trở ngại cho niềm tin mến của các bạn.”
“Những yếu điểm của chúng tôi không găn cản sự dấn thân của các bạn,” các nghị phụ viết trong bức thư đề ngày 28/10 rằng “Giáo hội là Mẹ của anh chị em; Người Mẹ ấy không bao giờ bỏ rơi các bạn”.
Đức Thánh Cha Phanxicô, đại diện cho tất cả những người lớn tuổi trong Thánh lễ kết thúc Thượng Hội Đồng, khiêm tốn xin lỗi những người trẻ; Đức Thánh Cha nói: “Cha muốn đại diện tất cả những người lớn để nói với chúng con, những người trẻ: Hãy tha thứ cho chúng tôi vì chúng tôi thường không lắng nghe các con...”
Đức Thánh Cha giảng tiếp: “Là Giáo Hội của Chúa Kitô, chúng tôi muốn lắng nghe chúng con bằng trái tim yêu thương, vì cuộc đời của chúng con thật là quý giá trong mắt của Chúa, vì Thiên Chúa luôn trẻ trung và Ngài yêu quí trẻ thơ và những người trẻ; và trong cái nhìn của Cha và tất cả, cuộc sống của chúng con thật quý giá, nó cần được thăng tiến trong tương lai...”
Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe trong suốt Thượng Hội Đồng kéo dài gần một tháng với hơn 260 các giám mục nghị phụ.
Đức Thánh Cha nói: “Chương đầu tiên của tài liệu của phiên họp Thượng Hội Đồng được xuất bản vào tối thứ Bảy có tựa đề “Một Giáo hội lắng nghe.” Những người trẻ tuổi “bày tỏ mong muốn được lắng nghe, được thừa nhận, được cùng đồng hành”.
Lắng nghe là “bước đầu tiên trong cuộc hành trình của đức tin,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài kết luận của Ngài. “Hãy là người tông đồ bằng đôi tai để lắng nghe trước khi nói.”
Suy ngẫm về câu chuyện phúc âm về việc Chúa Giêsu chữa lành người mù Bartimaeus, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Chúa Giêsu cần thời gian, Ngài cần thời gian để lắng nghe. “
“Rất nhiều người trẻ cũng giống như Bartimaeus, đang tìm kiếm ánh sáng trong cuộc sống của họ. Họ tìm kiếm sự sống, nhưng thường hay tìm kiếm những lời hứa xuông và ít tìm kiếm những gì thực sự cần quan tâm tới.”
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích người Công Giáo là những người bạn thân quen, những người cùng kiếm tìm sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói “Không phải vì chúng ta là Công Giáo nên chờ mong các anh chị em khác tìm đến gõ cửa của chúng ta, nhưng ngược lại, chúng ta nên ra đi, đến với tha nhân, không phải vì mình mà vì Chúa Giêsu”.
Chúa Kitô “sai chúng ta đến nói với mọi người rằng: “Thiên Chúa yêu thương các bạn, các bạn hãy mở lòng mình ra để được yêu mến”.
“Chúng ta hãy tự hỏi, là những Kitô hữu, chúng ta đã trở thành những người lân cận, sẵn sàng bước ra khỏi lòng mình và tiếp đón tha nhân như là 'một người anh chị em của mình', những người mà Thiên Chúa luôn khao khát kiếm tìm và yêu thương.”
“Là một bạn láng riềng, có nghĩa là chúng ta luôn mang lại sự tươi mới của Thiên Chúa cho cuộc sống của anh chị em của chúng ta”.
Đức Thánh Cha nói: “Đức tin phải đi đôi với việc làm, chứ không suông là lý thuyết. Khi gặp gỡ với Chúa Giêsu trong cuộc sống, khơi lên sức sống cho Giáo Hội. Tiếp theo sau đó, tha nhân không cảm nghiệm được những thành quả bằng những lời nói suông mà bằng chính hành động xuyên qua cuộc sống của chúng ta.”
2. Tài Liệu Sau Cùng đã được thông qua
Vào chiều thứ bảy 27/10, Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Giám Mục thường lệ lần thứ XV gồm 3 phần, 12 chương, 167 đoạn và dài 60 trang đã được chấp thuận tại Đại Sảnh Thượng Hội đồng.
Đức Hồng Y Da Rocha cho hay: Bản văn đã được tiếp nhận với một tràng vỗ tay. Đó là “kết quả của tinh thần đồng đội thực sự” về phía các nghị phụ Thượng Hội Đồng, cùng với các người tham gia khác và “đặc biệt, các người trẻ”. Do đó, tài liệu tập hợp 364 sửa đổi, hay tu chính. “Hầu hết trong số này”, Đức Hồng Y cho hay “chính xác và mang tính xây dựng”. Hơn nữa, toàn bộ tài liệu được thông qua với 2/3 đa số phiếu thuận cần thiết.
Nguồn cảm hứng cho Tài liệu sau cùng của Thượng hội đồng về tuổi trẻ là tình tiết nói về các môn đệ Emmau, được thánh sử Luca thuật lại. Nó đã được đọc trong Đại Sảnh Thượng hội đồng bởi Tổng Tường Trình Viên, Đức Hồng Y Sérgio da Rocha, các thư ký đặc biệt, Cha Giacomo Costa và Cha Rossano Sala, cùng với Đức Giám Mục Bruno Forte, một thành viên của Ủy ban soạn thảo bản văn.
3. Nội dung của Tài Liệu Sau Cùng
Tài Liệu Sau Cùng được chia thành ba phần.
Phần thứ nhất: “Người đi với họ”
Phần đầu của tài liệu xem xét các khía cạnh cụ thể của đời sống người trẻ. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của trường học và giáo xứ. Nó thừa nhận sự cần thiết của việc người giáo dân phải được đào tạo để đồng hành với người trẻ đặc biệt bởi vì rất nhiều linh mục và giám mục quá bận rộn. Tài liệu ghi nhận vai trò không thể thay thế của các cơ sở giáo dục Công Giáo. Thách thức mà tài liệu bàn tới là sự cần thiết phải suy nghĩ lại vai trò của giáo xứ về sứ mệnh ơn gọi của nó bởi vì nó thường không hữu hiệu và không được năng động lắm, nhất là trong lĩnh vực giáo lý.
Thực tại người trẻ về di dân, lạm dụng, “văn hóa vứt bỏ” cũng nằm trong phần một. Về lạm dụng, Tài liệu Thượng Hội Đồng kêu gọi phải có sự “cam kết vững chắc trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt không để cho sự lạm dụng như thế được lặp lại, bắt đầu với việc lựa chọn và đào tạo các người được trao phó các vai trò lãnh đạo và giáo dục”. Thế giới nghệ thuật, âm nhạc và thể thao cũng được thảo luận về việc sử dụng chúng như là “các tài nguyên mục vụ”.
Phần hai: “Mắt họ mở ra”
Tài liệu Thượng Hội Đồng gọi người trẻ là một trong những “nơi chốn thần học” trong đó Chúa tự làm cho Người hiện diện. Nhờ họ, tài liệu nói, Giáo hội có thể tự đổi mới mình, rũ bỏ “sự nặng nề và chậm chạp của mình”. Nó cho hay: Sứ mệnh, là một “la bàn chắc chắn” cho tuổi trẻ vì nó là sự tự hiến mang lại hạnh phúc đích thực và lâu dài. Nối kết chặt chẽ với khái niệm sứ mệnh là ơn gọi. Mỗi ơn gọi phép rửa là một lời kêu gọi sống thánh thiện.
Hai khía cạnh khác được đề cập trong phần hai có thể trợ giúp trong việc phát triển sứ mệnh và ơn gọi của người trẻ, là đồng hành và biện phân.
Phần thứ ba: “Họ lên đường không chậm trễ”
Hình tượng về Giáo Hội trẻ được các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trình bày là Maria Magdalêna, nhân chứng đầu tiên của Phục Sinh. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khẳng định rằng mọi người trẻ, kể cả những người có tầm nhìn khác nhau về cuộc sống, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa.
“Cùng đi với nhau” là năng động tính có tính thượng hội đồng được các nghị phụ đem ra ánh sáng trong phần ba. Họ mời các Hội đồng Giám mục khắp thế giới tiếp tục diễn trình biện phân với mục đích khai triển được các giải pháp mục vụ chuyên biệt. Định nghĩa được cung cấp về “tính thượng hội đồng” là một phong cách đối với sứ mệnh, một phong cách biết khuyến khích chúng ta chuyển từ “tôi” sang “chúng ta” và xem xét sự đa dạng các khuôn mặt, các nhạy cảm, các nguồn gốc và văn hóa. Một yêu cầu được lặp đi lặp lại tại đại sảnh, là việc thành lập “Sách chỉ dẫn thừa tác vụ tuổi trẻ về nguyên tắc ơn gọi” ở bình diện quốc gia, có thể giúp các nhà lãnh đạo giáo phận và giáo xứ hội đủ điều kiện để được huấn luyện và hành động “với” và “cho” người trẻ, giúp vượt qua một sự phân mảnh trong việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội.
Tài liệu Thượng Hội Đồng nhắc nhở các gia đình và cộng đồng Kitô giáo về tầm quan trọng của việc đồng hành với người trẻ để khám phá hồng phúc tính dục của họ. Các giám mục nhìn nhận sự khó khăn của Giáo Hội trong việc truyền đạt “vẻ đẹp của viễn kiến Kitô giáo về tính dục” trong bối cảnh văn hóa hiện tại. Tài liệu nói rằng việc cấp bách là tìm ra “những cách thích hợp hơn có thể được diễn dịch một cách cụ thể thành sự khai triển ra các nẻo đường đào tạo đổi mới”.
Cuối cùng, Tài liệu mang các chủ đề khác nhau được bàn thảo tại Thượng Hội Đồng vào một lực đẩy ơn gọi duy nhất, đó là, lời kêu gọi nên thánh. “Các khác nhau về ơn gọi đều hội tụ vào lời kêu gọi nên thánh duy nhất và phổ quát”. Qua sự thánh thiện của rất nhiều người trẻ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giữa thời bách để mãi trung thành với Tin Mừng, Giáo Hội có thể đổi mới sự hăng hái thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình.
4. Tổng Giám Mục Ái Nhĩ Lan nói: Tuổi trẻ cần sự nhất quán trong tín lý Công Giáo, không cần những thay đổi
Trong một thế giới thay đổi liên tục, những người trẻ cần Giáo hội trở thành một nguồn mạch ổn định với những giáo huấn nhất quán, một nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của Ái Nhĩ Lan đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 26/10.
Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh, và cũng là giáo chủ Công Giáo toàn Ái Nhĩ Lan nói: “Những người trẻ đang khao khát những điểm tham chiếu ổn định, những hình thái bỏ neo cố định, những điều mà họ có thể bám víu vào, chứ không phải những gì cứ liên tục thay đổi”
Ngài nhấn mạnh rằng: “Giáo hội phải trình bày cách rõ ràng và không sợ hãi một thông điệp đôi khi đi ngược lại trào lưu mà những người trẻ đang trải qua và nghe thấy ở những nơi khác.”
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, ngài nói: “một trong những thông điệp tôi chắc chắn sẽ mang về nhà là tầm quan trọng của một Giáo Hội dám mạnh dạn trình bày không chút sợ hãi thông điệp của mình - một thông điệp quá thường khi đi ngược lại trào lưu văn hóa - trước một thế giới trong đó người trẻ đang chết đuối và đang bị ngạt thở.”
Đức Tổng Giám Mục đã lưu ý rằng ngày nay những người trẻ trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những áp lực rất nặng nề. Đó có thể là thực tại nghèo đói và nạn buôn người ở một số quốc gia, hay tỷ lệ mắc bệnh tâm thần gia tăng và cảm giác “hoàn toàn lạc lối” có thể được tìm thấy ở nhiều xã hội phương Tây.
Giữa những thách thức này, ngài bày tỏ hy vọng rằng Giáo hội có thể nói với họ: “Nghe này, bạn có lý do để sống, có lý do để hy vọng, có lý do để tiếp tục giữ lấy món quà quý giá là cuộc sống mà bạn đã được trao ban.”
Ngài nhấn mạnh rằng: “Tôi mong muốn Giáo Hội đừng chạy theo những thời trang và đừng thay đổi liên tục hết điều này tới điều khác với hy vọng rằng cách nào đó nó sẽ thu hút nhiều người trẻ hơn. Không có như vậy đâu!”.
Đức Tổng Giám Mục Martin cũng đề cập đến một trong những vấn đề nổi bật ở Ái Nhĩ Lan, là việc hợp pháp hóa phá thai gần đây thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Năm vừa qua. Ngài cho biết cuộc bầu cử hợp pháp hóa phá thai đã được thông qua với khoảng 66 phần trăm số phiếu - chỉ 34 phần trăm số phiếu chống lại việc hợp pháp hóa phá thai.
Nghiên cứu cuộc trưng cầu dân ý này chặt chẽ hơn, ta có thể thấy tỷ số những người bênh vực sự sống còn bi đát hơn trong giới trẻ. Đức Tổng Giám Mục nhận xét cay đắng rằng: “Chỉ có khoảng 17% thanh niên ủng hộ sự sống. Thật là kinh hoàng.”
Ngài đặt câu hỏi: “Tại sao những người trẻ, những người nhiệt tình với cuộc sống, những người nhiệt tình với công lý - lại dễ dàng bị thuyết phục rằng nếu họ loại bỏ quyền cơ bản là quyền được sống, thì cách nào đó họ đang trở thành một người từ bi hơn?”
Đức Tổng Giám Mục cho biết sau cuộc trưng cầu dân ý, ngài đã nói chuyện với một vài người trẻ, những người đã bỏ phiếu để bảo vệ cuộc sống của thai nhi và những người đã vận động cho chính nghĩa phò sinh. Ngài cho biết họ hoàn toàn chán nản, cảm thấy như thông điệp của họ “đã bị từ chối.”
Nhưng điều mà Tổng Giám mục Martin nhận thấy nơi chứng tá “can đảm” và “đi ngược trào lưu văn hóa” của họ là Giáo Hội giờ đây càng cần nhiều hơn “những nhà truyền giáo cho cuộc sống. Chúng ta cần nhiều hơn những người dũng cảm lên tiếng.”
Đó sẽ là một trong những thông điệp mà ngài sẽ mang về quê hương mình từ Thượng Hội Đồng Giám Mục về người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi.
Cuối cùng, ngài nói: “đừng từ bỏ thực tế là có rất nhiều người trẻ vẫn sẵn sàng đứng lên để bênh vực giáo huấn của Giáo Hội trong lĩnh vực quan trọng này.”
5. Nhận định về dự thảo Phúc Trình sau cùng của Thượng Hội Đồng tuổi trẻ năm 2018
Nhận định đầu tiên: dự thảo phúc trình sau cùng tốt hơn người ta tưởng. Điểm son là đã sử dụng trình thuật Emmau trong Luca 24 làm cái “khung” Thánh Kinh cho toàn tài liệu. Lại có cả một tiết rất mạnh lên án việc lạm dụng tình dục bởi bất cứ người nào; thành thực nhìn nhận việc thiếu trách nhiệm của các giám mục trong việc áp dụng kỷ luật đối với các linh mục lạm dụng; và thừa nhận việc này gây trở ngại lớn lao cho việc truyền giảng Tin Mừng. Dự thảo phúc trình sau cùng còn một điểm son nữa là đã nối kết phép rửa với việc truyền giáo, phản ảnh thách đố của Đức Phanxicô, một thách đố mà vì các tranh chấp gần đây, bị người ta lãng quên phần nào, đó là Đạo Công Giáo phải trở thành một Giáo Hội của các môn đệ hồi tâm triệt để, lúc nào cũng ở trong trạng thái truyền giáo.
Tuy nhiên, có một số vấn đề vẫn còn bất cập. Như đoạn nói về việc lạm dụng tình dục. Đoạn này nên được củng cố hơn nữa và làm cho khả tín hơn nữa đối với hàng ngũ giáo dân nếu không coi chủ nghĩa giáo sĩ trị là nguyên nhân duy nhất. Không ai không thừa nhận chủ nghĩa giáo sĩ trị là một vấn đề trong Giáo Hội, nhất là ở Châu Mỹ La Tinh. Nhưng biến nó thành lý do duy nhất của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục là bỏ qua việc trục trặc chức năng tính dục (sexual dysfunction), một trục trặc rõ ràng là nguyên nhân hàng đầu của lạm dụng tính dục bởi bất cứ người nào. Có đủ chứng cớ không hàm hồ và có tính thực nghiệm cao độ cho thấy có sự nối kết giữa một số hình thức trục trặc chức năng tính dục và việc giáo sĩ lạm dụng tình dục, ta nên thừa nhận điều này.
Bất cập thứ hai có thể là việc nói đến ơn gọi làm cha làm mẹ. Chức phận làm mẹ được ca ngợi nhiều trong dự thảo phúc trình, nhưng chức phận làm cha ít được nói đến, giống như nền văn hóa Phương Tây hiện nay, một nền văn hóa có đặc trưng là bỏ qua hay tối thiểu hóa chức phận làm cha, đem lại nhiều hậu quả không tốt.
Dự thảo phúc trình sau cùng dường như sa vào lối nói mới trong việc nhấn mạnh đến việc phải “xây dựng” căn tính con người, một lối nói quá gần một cách nguy hiểm với ý niệm hậu hiện đại coi mọi khía cạnh trong căn tính con người, kể cả căn tính tính dục, chỉ là chuyện khẳng định (assertion) chứ không phải thực tại. Đó không phải là điều ta biết được từ mặc khải, và bất cứ hàm hồ nào về điểm này cũng đòi được sửa chữa.
Suốt thời gian Thượng Hội Đồng, nhóm thảo luận nói tiếng Đức nhấn mạnh rằng giáo huấn của Giáo Hội về tính dục và đạo đức học về tình yêu nhân bản cần được “nói rõ chi tiết” (elaborated) theo nhân học và thần học. Làm như thể việc này chưa bao giờ được thực hiện, phớt lờ cả Thần Học Thân Xác của Thánh Gioan Phaolô II. Thuật ngữ “nói rõ chi tiết” này xuất hiện khá nhiều trong dự thảo phúc trình sau cùng, nó cần được bổ túc, sửa chữa, thậm chí bỏ đi.
Cũng nên khẳng định một cách tích cực về đức khiết tịnh, vốn là toàn vẹn tính của tình yêu, ơn gọi của mọi con người. Không ai chối cãi nhiệm vụ của Giáo Hội là giảng dậy đạo đức học của mình về tình yêu nhân bản một cách thuyết phục và hấp dẫn. Nhưng nếu cho rằng Đạo Công Giáo không lưu ý bao nhiêu trong việc nói đến nó cho tới nay là điều ngớ ngẩn và là một hình thức lấy lòng nền văn hóa duy tục hiện hành.
“Biện phân” được thảo luận rất nhiều trong tài liệu nhưng hầu như luôn theo chiều cảm giới. Giản lược “biện phân” vào chuyện cảm xúc và cảm quan chủ quan khiến Thượng Hội Đồng không còn chỗ bàn tới sinh hoạt tâm trí, tới nhu cầu thông thạo giáo lý như một phần không thể thiếu trong việc đào luyện của Kitô Giáo hoặc bàn tới thần học, coi nó như một phương thế để biện phân. Trong cả các phiên họp toàn thể lẫn trong các thảo luận nhóm, đã có nhiều lời phê bình về xu hướng phản tri thức này của Tài Liệu Làm Việc, nhưng các quan tâm này đã không được phản ảnh trong dự thảo phúc trình sau cùng.
6. Phản ứng của Đức Thánh Cha và tổng thống Donald Trump về vụ tàn sát người Do Thái
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phó dâng linh hồn các nạn nhân của vụ thảm sát tại hội đường Do Thái ở Pittsburgh và bày tỏ về sự gần gũi của ngài với cộng đồng Do Thái trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 10 với khoảng 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Ðức Thánh Cha nói:
“Tôi bày tỏ sự gần gũi với thành phố Pittsburg ở Mỹ, và đặc biệt là với cộng đoàn Do thái, bị thương tổn hôm 27 tháng 10 vì một cuộc khủng bố kinh hoàng tại hội đường Do thái. Xin Ðấng Tối cao đón nhận những người quá cố vào trong an bình của Chúa, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị thương. Trong thực tế, tất cả chúng ta đều bị thương tổn hành vi bạo lực vô nhân đạo này. Xin Chúa giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa oán thù đang bùng lên trong các xã hội chúng ta, củng cố ý thức nhân đạo, tôn trọng sự sống, các giá trị luân lý và dân sự, và sự kính sợ Thiên Chúa là Tình Thương và là Cha của tất cả mọi người”.
Phản ứng trước vụ thảm sát này tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói:
“Chúng ta phải đứng về phía các anh chị em Do Thái của chúng ta để đánh bại chủ nghĩa bài Do Thái và đánh bại các thế lực thù hận. Phải như thế. Qua nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải chịu đựng sự bách hại khủng khiếp. Các bạn biết điều đó. Chúng ta đều đã đọc qua. Chúng ta đều đã được học về điều này.”
Đối với tay súng bị bắt và những người khác mưu toan tấn công tín hữu các tôn giáo, tổng thống nói, “chúng ta phải tái lập án tử hình. Họ phải trả giá tới cùng. Họ không thể làm như thế. Họ không thể làm điều này trên đất nước chúng ta. Chúng ta phải vạch ra một giới hạn và khẳng định dứt khoát : Không bao giờ nữa.”
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo hôm thứ Hai rằng tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump dự định đến thăm Pittsburgh vào ngày thứ ba để “bày tỏ sự ủng hộ của người dân Mỹ và nỗi đau buồn với cộng đồng Pittsburgh.”
Tuy nhiên, 11 nhà lãnh đạo Do Thái trong vùng, tức giận vì lập trường không cấm mua bán súng ống của tổng thống Trump, đã tuyên bố rằng tổng thống không nên đến.
7. Viện Nghiên cứu Gia đình của Đại học Utah cho biết những phụ nữ có nhiều người tình là những người bất hạnh nhất trong đời sống hôn nhân
Nicholas Wolfinger, một nhà xã hội học tại Viện Nghiên cứu Gia đình của Đại học Utah cho biết những phụ nữ Mỹ không có tình nhân nào trước khi gặp người phối ngẫu của mình có nhiều khả năng có được một cuộc hôn nhân “rất hạnh phúc”.
Trong khi đó, một tỷ lệ rất thấp về hạnh phúc hôn nhân được tìm thấy nơi những phụ nữ có nhiều tình nhân trước đám cưới, và một tỷ lệ còn tệ hại hơn được tìm thấy nơi những phụ nữ đã bước thêm một hay nhiều bước nữa. Ông Nicholas cho biết thêm rằng đối với nam giới, sự hài lòng về hôn nhân vẫn còn rất cao dù cho đương sự đã từng trải qua một vài mối tình, nhưng đối với phụ nữ tỷ lệ này là rất thấp.
Bradford Wilcox, một nhà xã hội học khác tại Viện Nghiên cứu Gia đình nhận xét rằng ngày nay trong xã hội Mỹ nhiều phụ nữ có khuynh hướng “sống thử” trong những cuộc hôn nhân không có giấy giá thú cho đến khi họ gặp được người trong mộng. Theo Bradford Wilcox, phần đông những phụ nữ nghĩ như thế là những người bất hạnh nhất trong hôn nhân.
“Vào thập niên 2010, chỉ có khoảng 5% cô dâu còn là trinh nữ. Tuy nhiên, chỉ 6% các cuộc hôn nhân của họ tan biến trong vòng năm năm. Tỷ lệ này lên đến 20 phần trăm đối với hầu hết mọi người.”
Trong nghiên cứu mới nhất này, Viện Nghiên cứu Gia đình của Đại học Utah mô tả những người phụ nữ hạnh phúc nhất mà họ tìm thấy là những người có ít người tình trước khi cưới, tham dự thường xuyên các nghi lễ tôn giáo và có thu nhập hơn 78,000 Mỹ Kim một năm.
8. Đại hội quốc tế các nữ tu Công Giáo và Phật Giáo
Bảy mươi nữ tu đến từ 16 quốc gia đã có cuộc gặp gỡ tại Đài Loan từ ngày 14 đến 18 tháng 10 để chia sẻ ý tưởng và trao đổi về đời sống chiêm niệm.
Đây là đại hội liên đới quốc tế đầu tiên dành cho các ni cô và các nữ tu. Đại hội nói lên sự hiểu biết lẫn nhau và những gắn bó hữu nghị của các tôn giáo trước một thế giới đang cần đến hy vọng và những chia sẻ ủi an hơn bao giờ.
Đại hội đã qui tụ 70 ni cô và nữ tu đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Campuchia, Phi Luật Tân, Ba Tây, Ý, Đức, Na Uy và Hoa Kỳ.
Đại hội kéo dài 4 ngày đã thảo luận các vấn đề như: nguồn gốc, sự tiến hóa và hiện trạng của đời sống viện tu đối với phụ nữ trong Phật giáo và Kitô giáo; Thiền định Phật giáo và Chiêm niệm Kitô giáo.
Trong một tuyên bố chung, các nữ tu cho biết Đại hội nuôi dưỡng sự hiểu biết hỗ tương dành cho nhau và liên kết tình bạn giữa họ thành những nhịp cầu nối kết những con đường tâm linh khác nhau giữa họ.
Các ni cô Phật giáo và các nữ tu Công Giáo phát biểu rằng họ có thể là nhân chứng cho một thực tại về một cuộc sống sung mãn đầy ý nghĩa và an vui giữa một thế giới bị thống trị bởi những chủ nghĩa tiêu thụ, duy vật và duy cá nhân.
Họ cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trong việc mang lại sự dịu hiền, từ tâm, niềm hy vọng và chia sẻ ủi an cho những ai đang khát khao niềm an bình.
Đại hội được Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn của Vatican tổ chức, phối hợp với Tu viện Phật giáo Phật Quang Sơn ở Đài Loan, Hiệp hội các bề trên tổng quyền dòng nữ tại Đài Loan và Phong trào Đối thoại Liên Dòng và Viện tu.