Matthew Schmitz là một trong hai chủ biên của tờ First Things. Ông là cây bút thường xuyên của tờ Catholic Herald, và là cộng tác viên thường trực của New York Times, the Wall Street Journal, the Washington Post, the Spectator, và các báo chí khác tại Hoa Kỳ.
Hôm 13 tháng Giêng, tờ First Things đã đăng một bài nhận định của ông về cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
A Call to Arms
Một Lời Kêu Gọi Chiến Đấu
Matthew Schmitz
Ngay khi có tin cho biết Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah đã xuất bản một cuốn sách bảo vệ luật độc thân linh mục, hai vị đã lập tức bị buộc tội tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô. Thoạt nhìn, ta thấy ngay đó là một cáo buộc kỳ lạ. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo vệ chuẩn mực độc thân linh mục, trong khi tự hỏi liệu các ngoại lệ mở rộng có khả thi hay không. Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho biết các vị hoàn toàn không chỉ trích Đức Thánh Cha, nhưng viết cuốn sách này “trong tinh thần vâng phục hiếu thảo đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”
Nhưng trong Giáo hội chúng ta ngày nay, bất kỳ sự khẳng định rõ ràng nào về chính thống đều được hiểu như là một thách thức đối với uy quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là một sự thật bi đát, mà Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận thức rõ. “Chúng tôi muốn tách biệt với tất cả những gì có thể gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Giáo Hội,” các ngài viết trong phần giới thiệu cuốn Từ thẳm sâu tâm hồn: Chức tư tế, Luật độc thân linh mục và Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo” (First Things có trong tay bản sắp chữ của ấn bản tiếng Anh). “Những tranh cãi cá nhân, thao túng chính trị, những trò chơi quyền lực, những thao túng ý thức hệ và những lời phê bình đầy cay đắng là trò chơi của ma quỷ – là kẻ gây chia rẽ, và là cha đẻ của sự dối trá.”
Cho dù bày tỏ lòng vâng phục của mình, cả Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều cho rằng khoảnh khắc phi thường này đòi hỏi phải có một phản ứng ngoại thường từ giáo dân. Đức Hồng Y Sarah nhắc lại và đánh giá cao gương của Thánh Catêrina thành Siena. Ngài nhận xét rằng “Trước đây, phát biểu ý kiến tự do hơn so với ngày nay. Thật tốt để nhắc nhớ, như một mẫu gương, những lời trách móc của Thánh Catêrina thành Siena đối với Đức Giáo Hoàng Gregory XI. Giám mục nào, Giáo hoàng nào ngày hôm nay sẽ cho phép mình bị thách thức một cách kịch liệt như thế? Hôm nay, những tiếng nói háo hức tranh cãi sẽ ngay lập tức mô tả Thánh Catêrina thành Siena là kẻ thù của Giáo hoàng hay là kẻ cầm đầu các đối thủ của ngài.”
Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah cho rằng các vị có “bổn phận thiêng liêng phải nhắc nhớ sự thật về chức tư tế Công Giáo. Vì qua các tấn kích nhắm vào chức tư tế ấy, toàn bộ vẻ đẹp của Giáo hội đang bị đặt thành vấn đề.” Bổn phận long trọng này mở rộng đến tất cả các Kitô hữu. Các ngài viết “Điều cấp bách và cần thiết đối với tất cả mọi người – giám mục, linh mục và giáo dân là phải ngăn chặn đừng để mình bị đe dọa bởi những lời thỉnh cầu lầm lạc, những trò đóng kịch, những lời dối trá hiểm ác và những sai lầm thịnh hành của thời đại chúng ta đang cố gắng hạ thấp nếp sống độc thân linh mục. Chúng ta hãy lên tiếng mạnh dạn tuyên xưng đức tin mà đừng sợ bị cho là không có lòng bác ái.”
Điều này không gì khác hơn là một lời kêu gọi chiến đấu không dùng vũ khí thế gian, cũng không phá vỡ sự hiệp nhất Kitô giáo bằng những lời cay đắng, nhưng là sử dụng thanh kiếm của Thần Khí, là Lời Chúa. Cuốn sách này được dành riêng cho một tập hợp các suy tư thần học và mục vụ, được chia thành bốn phần: suy tư của Đức Bênêđíctô, suy tư của Đức Hồng Y Sarah, và lời giới thiệu cũng như kết luận của hai vị đồng tác giả.
Đức Bênêđíctô, trong phần suy tư của ngài, truy nguyên cuộc tấn công luật độc thân linh mục cho tới tận sự khinh miệt đối với chính ý tưởng chức tư tế, là điều đi liền với sự phủ nhận Cựu Ước của bè rối Marcion [nổi lên vào khoảng năm 144. Marcion tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế do Chúa Cha sai đến và Thánh Phaolô là vị tông đồ cả của Người. Nhưng ông phủ nhận Cựu Ước và Thiên Chúa của Israel – chú thích của người dịch] Trong lối văn xuôi sáng sủa không thể bắt chước được của mình, Đức Bênêđíctô mô tả cách thế các phong tục xung quanh việc kiêng khem tình dục trong chức tư tế thời Aaron đã tiền định sự hiểu biết của chính Giáo hội về luật độc thân linh mục như thế nào:
Sự tiền định trong Cựu Ước này được viên mãn nơi các linh mục của Giáo hội trong một cách thế mới mẻ và sâu sắc hơn: họ phải sống chỉ bởi Thiên Chúa và cho Người. Thánh Phaolô nói rõ ràng hệ quả của điều này một cách cụ thể. Người tông đồ phải sống dựa trên những gì mọi người ban cho anh ta, bởi vì chính anh ta ban cho họ Lời của Thiên Chúa là bánh chân chính và là cuộc sống đích thực của chúng ta. Trong Cựu Ước, các tư tế Lêvi từ bỏ quyền sở hữu đất đai. Trong Tân Ước, sự từ bỏ này được chuyển hóa và đổi mới nơi các linh mục, vì họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, từ bỏ hôn nhân và gia đình.
Đức Bênêđíctô cũng xúc động nhớ lại khi ngài được đón nhận vào hàng tư tế. Tại thời điểm đó, ngài không còn là giáo dân nữa nhưng trở thành giáo sĩ. Ngài đã đọc những lời Dominus Pars hereditatis meae et calicis mei, nghĩa là Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, như một phần trong nghi thức phong chức, đó là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa – chứ không phải là đất đai, gia đình – là gia nghiệp và là chén phần phúc của linh mục.
Đức Hồng Y Sarah, rút ra từ kinh nghiệm của chính mình, công việc mục vụ cho những làng quê xa xôi thiếu vắng các linh mục dưới chính sách khủng bố của Sekou Toure, để kết luận rằng “phong chức linh mục cho người nam đã lập gia đình sẽ là một thảm họa mục vụ, dẫn đến sự nhầm lẫn giáo hội học và làm lu mờ sự hiểu biết của chúng ta về chức linh mục.” Ngài tin rằng việc cung cấp linh mục cho các làng quê chịu thiệt thòi bằng cách phong chức linh mục cho những người nam đã lập gia đình là một hành động khinh miệt, khi tước mất của họ quyền có được chứng tá của một người nam tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Ngài viết: “Tôi tưởng tượng việc loan báo Tin Mừng ở làng tôi sẽ như thế nào nếu như họ đã phong chức linh mục cho một người đàn ông có gia đình. Tôi chắc chắn sẽ không phải là một linh mục như ngày hôm nay, bởi vì tính cách triệt để trong cuộc sống của các nhà truyền giáo là những gì thu hút tôi.”
Theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, quá nhiều linh mục Công Giáo “đã trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị hay kinh tế,” cung cấp được các nhu cầu vật chất chứ không phải là các nhu cầu tinh thần mà họ được ủy thác để chăm sóc. Ngài viết: “Tôi thấy hổ thẹn khi thừa nhận rằng anh chị em Tin Lành đôi khi trung thành với Chúa Kitô hơn chúng ta.”
Đức Hồng Y Sarah chỉ ra rằng tại đất nước của ngài, cũng như ở Nhật Bản sau khi các nhà truyền giáo đã bị hành quyết vì đạo hoặc bị trục xuất, chính các giáo lý viên giáo dân đã bảo tồn đức tin. Và một trong các yếu tố đức tin mà họ bảo tồn là chức tư tế độc thân. Các Kitô hữu Nhật Bản được dạy phải nhìn vào ba dấu chỉ sau để nhận biết ai là linh mục: “Họ sống độc thân, họ có một bức tượng của Đức Maria, họ vâng phục Đức Giáo Hoàng Rôma.” Điểm cuối cùng này không bị mất đối với Đức Hồng Y Sarah, là người không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng (tôi có thể nói từ kinh nghiệm của mình) còn kêu gọi những người đến với ngài với những nghi ngờ và lo lắng hãy làm như vậy.
Cuộc sống độc thân đang bị tấn công. Những ai đang tìm cách bãi bỏ kỷ luật độc thân linh mục viện dẫn các ngoại lệ trước đây của quy luật này như là tiền lệ cho yêu sách của họ, nhưng thực tế họ hy vọng sẽ tiến xa hơn. Theo kế hoạch của họ, việc phong chức cho người nam đã có gia đình sẽ không phải là một ngoại lệ nhưng phải trở thành một chuẩn mực. Những suy tư của Đức Bênêđíctô chứng minh rằng động thái này thiếu sự đảm bảo thần học. Những phản ánh của Đức Hồng Y Sarah cho thấy nó thiếu sự biện minh mục vụ. Như thế thì điều gì đang thúc đẩy đề xuất thay đổi này?
Chúng ta đang sống không phải trong một thế giới phi Kitô giáo cho bằng trong một thế giới hậu Kitô giáo, nơi có đầy những con người phẫn nộ với Giáo hội vì đã nhắc nhở họ về những sự thật mà họ đã từ bỏ. Cơ man các giáo sĩ bối rối trước tình huống này và tìm kiếm những dịp để báo hiệu sự háo hức của họ đối với một Giáo hội buông trôi giáo huấn về tính dục, dẹp tan kỷ luật về tình trạng độc thân và từ bỏ bất cứ điều gì khác thiên hạ không vừa ý. Những người chống đối kỷ luật độc thân không đáp ứng các nhu cầu mục vụ cho bằng một mong muốn của hàng giáo sĩ được có hòa bình với thế gian, theo các điều khoản của thế gian. Bởi vì thế gian muốn chúng ta tuân phục những ưu tiên và quyền lực của nó, nó ghét sự độc thân, vì đó là một dấu chỉ cho sự vâng phục triệt để đối với Thiên Chúa.
Theo những cách khác nhau, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đều nhận ra rằng độc thân linh mục không phải là một kỷ luật độc đoán. Đó là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội từ chối vâng phục luận lý của thế gian này và thay vào đó tuân theo luận lý của một thế giới nơi người ta không lấy vợ lấy chồng. Chừng nào các Kitô hữu vẫn còn bị cám dỗ thần tượng hóa các quyền lực trần thế – đảng phái, quốc gia và thị trường – thì chúng ta không thể bỏ rơi dấu chỉ trung thành với Nước Trời này.