1. Vị Hồng Y can đảm kêu gọi nỗ lực quốc tế vạch mặt ai gây ra coronavirus trả công lý cho các nạn nhân
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Sri Lanka đã kêu gọi một cuộc điều tra mang tầm vóc quốc tế về nguyên nhân gây ra đại dịch coronavirus, những kẻ nào thực sự đứng đàng sau thảm kịch kinh hoàng này.
Thông tấn xã UCANews cho biết phát biểu trong một thánh lễ được truyền hình vào ngày Chúa Nhật 15 tháng Ba, vị Hồng Y tổng giám mục của thủ đô Colombo nói rằng những quốc gia giàu có không được phép giỡn chơi trên mạng sống của công chúng vô tội. Ngài nói rằng chính những cuộc thử nghiệm với thiên nhiên diễn ra trong các phòng thí nghiệm đã dẫn đến dịch bệnh coronavirus.
Đức Hồng Y Ranjith nói: “Chúng tôi biết rằng ở một vài khu vực trên thế giới, một số nhà nghiên cứu thuộc nhiều thành phần, vì nhiều lý do khác nhau đang tham gia vào việc nghiên cứu để phá hủy đời sống con người và thiên nhiên. Một số loại virus này là sản phẩm của các thí nghiệm mà mục đích được che đậy”.
Ngài nói thêm: “Loại nghiên cứu này không được thực hiện bởi những khoa học gia ở các nước nghèo mà ở trong các phòng thí nghiệm của các nước giàu có. Việc sản sinh ra những thứ như vậy là một tội ác rất nghiêm trọng đối với nhân loại. Tôi cầu xin Chúa tiết lộ ai đã tạo ra những mầm mống độc địa này. Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế phải tìm cho ra những kẻ đứng sau những sự cố này và trừng phạt họ. Loại nghiên cứu như vậy nên bị ngăn cấm.”
Đức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên sau Giáo hội Sri Lanka phải hủy bỏ các Thánh lễ và những nghi thức phụng vụ khác ở tất cả các giáo xứ vì sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm coronavirus tại quốc gia này. Hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã ra thông báo đình chỉ tất cả các nghi thức phụng vụ cho đến cuối tháng. Quyết định này đã được đưa ra vào giữa mùa Chay, khi lẽ ra phải có các cuộc tụ họp công cộng đông đảo của anh chị em giáo dân như ngắm đàng Thánh Giá, hành hương Mùa Chay, suy niệm trong nhóm, những nghi thức chữa bệnh và cầu nguyện theo nhóm.
Trong một cuộc họp báo ngắn ngủi, Đức Hồng Y Ranjith đã yêu cầu tất cả các đảng phái chính trị hãy hợp sức với nhau để chiến đấu chống lại Covid-19 đồng thời yêu cầu mọi người đừng thu gom thêm hàng hóa một cách không cần thiết. Số ca nhiễm bệnh ở Sri Lanka đã tăng lên 18 trường hợp. Hầu hết các bệnh nhân này là người mới từ Ý đến. Chính phủ quốc gia này đã tuyên bố ngày 16 tháng 3 là một ngày nghỉ lễ sau sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm virus. Bộ giáo dục đã quyết định đóng cửa tất cả các trường công cho đến ngày 20 tháng Tư, đồng thời các trường do Giáo Hội Công Giáo điều hành cũng đã bị đóng cửa.
Sri Lanka đã cấm tất cả du khách có nguồn gốc từ 8 nước châu Âu kể cả Anh, Na Uy và Bỉ. Một thời hạn cách ly hai tuần đã được đưa ra cho những người đến từ châu Âu. Chính phủ tại đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện điện tử, in ấn và truyền thông xã hội để giáo dục mọi người về dịch coronavirus.
Đức Giám Mục Valence Mendis của giáo phận Chilaw nói rằng ngày 21 tháng Ba là ngày cầu nguyện cách riêng cho người Công Giáo. Ngài nói: “Tôi kêu gọi tất cả moị người hãy đến với nhau để cầu nguyện cho tất cả chúng ta ở đất nước này và cho tất cả những người mắc bệnh này ở các quốc gia khác”.
Đức Giám Mục Raymond Wickramasinghe của giáo phận Galle, Chủ tịch Ủy ban Di dân, đã kêu gọi cầu nguyện cho những người lao động nhập cư và những sinh viên bị mắc kẹt vì đại dịch ở nhiều nơi trên thế giới. “Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới không được chăm sóc y tế vì họ sống trong nghèo đói”, Đức cha Wickramasinghe nói. “Tôi hy vọng sẽ có những nỗ lực hợp tác để bảo đảm mọi người đều được tiếp cận với phương pháp điều trị thích hợp nhằm phục hồi và duy trì sức khỏe của họ.”
Mervin Nilantha, người Sri Lanka hiện sống lưu vong ở Milan, thành phố hiện đang bị dịch bệnh hoành hành ở Ý, nói qua điện thoại rằng anh và gia đình không thể rời khỏi căn phòng nhỏ của họ và đang cầu xin Chúa vì họ không thể về lại Sri Lanka. “Chúng tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với những người bạn Sri Lanka ở Ý cũng như với với cha, mẹ và người thân của tôi.” Nilantha nói. “Chúng tôi liên tục cầu nguyện để mạng sống của chúng tôi được cứu thoát”
2. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Tuần Thánh và lễ Phục sinh không có sự tham dự của giáo dân
Do đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành các nghi lễ trong Tuần Thánh và Phục Sinh mà không có sự tham dự của nhiều tín hữu như thường lệ. Tòa Thánh đang nghiên cứu cách thức cử hành và tham dự các nghi lễ trong sự tôn trọng các biện pháp tránh lây nhiễm.
Trên trang web của mình, Phủ Giáo hoàng đã thông báo: “Do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hiện nay, tất cả các nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh sẽ được cử hành mà không có sự hiện diện của nhiều tín hữu.”
Phủ Giáo hoàng là văn phòng chịu trách nhiệm phân phát các vé cho các tín hữu tham dự các buổi tiếp kiến chung và các nghi lễ phụng vụ công cộng của Đức Thánh Cha.
Thông cáo của Phủ Giáo hoàng cũng cho biết là các buổi tiếp kiến chung và đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật sẽ tiếp tục diễn ra tại Thư viện Dinh Tông tòa và sẽ được livestream trên internet và phát sóng trực tiếp trên các đài truyền hình cho đến ngày 12/04.
Chương trình Tuần Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 05/04/2020. Tiếp đến là Thánh lễ truyền Dầu vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, 09/04, tại đền thờ thánh Phêrô. Chiều thứ Sáu Tuần Thánh Đức Thánh Cha cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và vào chiều tối ngài sẽ chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể tại đấu trường Colosseo. Đêm thứ Bảy, ngài cũng chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại đền thờ. Sáng Chúa Nhật ngài cử hành Thánh lễ Phục Sinh tại quảng trường thánh Phê rô và vào lúc 12 giờ trưa, tại ban công chính giữa trước đền thờ thánh Phêrô, ngài sẽ công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành truyền thống “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.
Theo truyền thống, mỗi năm có rất nhiều tín hữu hành hương xin tham dự các nghi lễ trong Tuần Thánh do Đức Thánh Cha cử hành. Nhưng năm nay, các nghi lễ do Đức Thánh Cha cử hành không có sự tham dự của nhiều giáo dân và cách thức cử hành cũng đang được nghiên cứu.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, cho biết rằng hiện Tòa Thánh đang nghiên cứu cách thức cử hành và tham gia các nghi lễ với sự tôn trọng các biện pháp an ninh để tránh lây truyền coronavirus. Ông nói rằng những cách thức này sẽ được công bố ngay khi được xác định, phù hợp với sự phát triển của tình trạng dịch bệnh.
Ông Bruni cũng cho biết thêm là bất kể được cử hành theo phương thức nào, các nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh sẽ được phát trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình và phát trực tuyến trên trang web của Vatican News, và các hình ảnh sẽ được Vatican Media phân phát cho các phương tiện truyền thông yêu cầu”.
Sáng thứ Bảy 14/03, Đức Thánh Cha cũng đã quyết định tiếp tục cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta trong những ngày tới để các tín hữu có thể hiệp thông tham dự qua internet hay các đài truyền hình
3. Hà Lan sẽ không trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô vào lễ Phục sinh năm 2020.
Năm 2020, do đại dịch virus corona, Hà Lan sẽ không cung cấp hoa cho Vatican để trang trí quảng trường thánh Phêrô trong dịp lễ Phục Sinh năm 2020.
Hơn 35 năm qua, quảng trường thánh Phêrô ở Vatican đã được trang hoàng với hoa tulip, hoa thủy tiên, hoa hồng hoặc hoa lan được tặng bởi Hà Lan, một trong những trung tâm cung cấp hoa lớn nhất của thế giới. Các chuyên gia trang trí hoa của Hà Lan sắp xếp hàng chục ngàn bông hoa và cây cảnh trước bậc thềm đền thờ thánh Phêrô, tạo thành một vườn hoa nhỏ đủ màu sắc với các loại hoa mang những ý nghĩa biểu tượng.
Thông thường, vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại sân đền thờ thánh Phêrô và sau đó, vào lúc 12 giờ, ngài xuất hiện tại ban công chính giữa đền thờ thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới. Vào dịp lễ Phục sinh năm 2019 đã có hơn 70 ngàn người đến Vatican để nghe Ðức Thánh Cha Phanxicô đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho Roma và toàn thế giới.
Ông Paul Decker, chuyên viên về hoa, phụ trách việc trang trí hoa tại quảng trường thánh Phêrô viết trên Twitter: “Sự phát triển của virus corona ở Ý rất nghiêm trọng. Sau khi tham khảo ý kiến với tất cả các bên liên quan, chúng tôi đã quyết định hủy việc trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô năm nay.” Phát biểu trên radio NOS, ông Decker cho biết đây là lần đầu tiên họ không trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô trong dịp này
4. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý kêu gọi cải thiện điều kiện nhà tù, ân xá cho các phạm nhân trong thời dịch bệnh
Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã lên tiếng kêu gọi cải thiện điều kiện sống trong các nhà tù Ý, và ân xá cho các phạm nhân trong thời dịch bệnh.
Nhắc lại quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, theo đó, nhà tù không phải là nơi có mục đích duy nhất là trừng phạt những người phạm pháp, nhưng còn là nơi mở ra một tương lai tái hội nhập họ vào đời sống xã hội, Đức Hồng Y than phiền tình trạng quá đông các tù nhân phải chen chúc trong một xà lim. Có những nơi, 14 người bị nhốt chung trong một phòng.
Như chúng tôi đã đưa tin, đối diện với tin tức gia đình không thể thăm viếng do sắc lệnh cô lập của thủ tướng Giuseppe Conte, và trước nguy cơ chết vì lây nhiễm coronavirus trong điều kiện đông đúc của các nhà giam, các tù nhân tại ít nhất 27 nhà tù trên khắp nước Ý đã nổi loạn.
Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết vụ nổi loạn đầu tiên nổ ra tại nhà tù Salerno vào hôm Chúa Nhật mùng 8 tháng Ba.
Ít nhất 27 vụ nổi loạn của các tù nhân đã được ghi nhận tại Foggia, Naples và Fronsione. Tại nhà tù San Vittore ở Milan, khoảng 20 tù nhân được nhìn thấy lang thang trên các mái nhà với các biểu ngữ phản đối, chẳng hạn, “Indulto”, nghĩa là “Xin ân xá”.
Bộ nội vụ Italia xác nhận đã có 12 tù nhân chết trong các vụ nổi loạn này. Cảnh sát giải thích là vì họ cướp các bệnh xá trong nhà tù và sau đó chết vì dùng quá liều chất methadone cướp được trong các bệnh xá này.
Trước các tin tức đáng buồn này, sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đặc biệt cho những người bị cầm tù, xin Chúa an ủi họ trong thời khắc khó khăn này.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Trong thánh lễ hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cách riêng cho những người đang trong cảnh tù đầy, tôi muốn cầu nguyện cho các anh chị em của chúng ta. Họ đang đau khổ và hoang mang nên chúng tôi phải gần gũi họ trong lời cầu nguyện của chúng ta xin Chúa an ủi họ.”
Ít nhất 72 tù nhân đã trốn thoát khỏi các nhà tù trong 27 vụ nổi loạn nhưng một số đã bị bắt trở lại. Đến nay trật tự đã được lặp lại và Bộ nội vụ Italia cho biết có 16 tù nhân vẫn còn trốn tránh chưa bị bắt.
Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti nói ngài hiểu được âu lo của các tù nhân trước nguy cơ chết vì lây nhiễm coronavirus trong điều kiện đông đúc của các nhà giam. Ngài lên tiếng yêu cầu chính phủ Ý nghiên cứu ân xá cho các tù nhân trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
5. Hội đồng Giám mục Ba Lan hoãn khóa họp toàn thể.
Vì dịch Coronavirus, Hội đồng Giám mục Ba Lan hoãn khóa họp toàn thể, lẽ ra tiến hành trong hai ngày 12 và 13 tháng 3 năm 2020.
Ðức cha Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan thông báo tin trên đây hôm 11 tháng 3 năm 2020, và thay vào đó là phiên họp của 13 giám mục thuộc Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục vào thứ Năm, 12 tháng 3 năm 2020 tại thủ đô Varsava.
Trước đó, hôm 10 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, đã ra lệnh ngưng tất cả các cuộc họp và những sinh hoạt tụ tập quá 100 người. Hội đồng Giám mục Ba Lan có 151 thành viên, là một trong những Hội đồng Giám mục đông nhất Âu châu.
Ðể tránh các cuộc tập trung đông đảo tín hữu, hôm 10 tháng 3 năm 2020, Ðức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan đề nghị gia tăng các thánh lễ Chúa Nhật, để số tín hữu dự lễ được phân tán mỏng hơn. Những người già và người bệnh được khuyên nên ở nhà và tham dự thánh lễ qua truyền hình và truyền thanh. Ngoài ra, cách đây hai tuần, các giám mục Ba Lan kêu gọi các tín hữu, trong thánh lễ, khi chúc bình an cho nhau, chỉ cúi mình, thay vì bắt tay nhau như thông lệ.
Ngoài ra, ngày 11 tháng 3 năm 2020, chính phủ Ba Lan quyết định, từ ngày thứ hai 16 tháng 3 năm 2020, tất cả các trường học và vườn trẻ trên toàn quốc đóng cửa, ít là hai tuần lễ. Theo Bộ y tế Ba Lan, tính đến trưa ngày 13 tháng 3 năm 2020 có 61 người bị nhiễm virus Corona và một trường hợp tử vong.