1. Giáo Hội tại Ấn Độ thiệt hại nặng: Virus giết 14 linh mục chỉ trong vòng 4 ngày
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Ấn với khoảng 30,000 linh mục triều và dòng, đã mất 20 linh mục từ đầu tháng Tư đến nay. Tuy nhiên, tình hình đặc biệt nghiêm trọng vì chỉ trong vòng 4 ngày, từ 20 đến 24 tháng Tư, đã có 14 linh mục chết vì virus Tầu và các biến thể của thứ virus độc địa này.
Tử vong vì coronavirus tại Ấn Độ đã lên đến 195,116 người, trong số 17,306,300 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong một ngày duy nhất, hôm 24 tháng Tư, đã có 354,531 trường hợp nhiễm bệnh và xu hướng này tiếp tục tăng từ hôm 7 tháng Ba cho đến nay mà không có cách nào kềm chế lại được. Để thấy mức độ lây nhiễm ở Ấn Độ kinh hoàng như thế nào, ta hãy xem qua các con số sau: Tại Mỹ trong ngày 24 tháng Tư, chỉ có 34,288 trường hợp nhiễm bệnh mới, nghĩa là chưa bằng 10% so với Ấn Độ. Brazil là nước bị chỉ trích nặng nhất vì thái độ quyết liệt không muốn áp dụng các hạn chế di chuyển của tổng thống Jair Bolsonaro cũng chỉ có 32,572 trường hợp nhiễm bệnh mới trong 24 giờ của ngày 24 tháng Tư.
Tính đến thời điểm công bố báo cáo của Asia News, vị trẻ nhất và là linh mục mới nhất qua đời vì coronavirus là cha Lijo Thomas, 38 tuổi, thuộc Tổng giáo phận Nagpur. Ngài qua đời chiều ngày 23 Tháng Tư tại nhà thương Chúa Kitô, ở thành phố Chandrapur thuộc bang Maharashtra, ở miền tây Ấn Độ.
Ban sáng cùng ngày, cha Christudas, 58 tuổi, thuộc giáo phận Dumka ở bang Jharkhand ở miền đông bắc Ấn, đã từ trần. Cùng ngày 23 Tháng Tư, ba linh mục dòng Tên thuộc tỉnh dòng Madurai, Bombay, Karnataka cũng trở thành nạn nhân của Covid-19.
Trong 10 ngày qua, Ấn Độ lâm vào tình trạng nguy kịch vì đại dịch, ngày nào cũng có hơn 300,000 người bị lây nhiễm, và hơn 2,000 người chết. Hệ thống y tế của Ấn Độ sụp đổ vì số ca nhiễm quá nhiều, các bệnh nhân thiếu dưỡng khí trong các nhà thương. Bang Maharashtra, nơi có thành phố Mumbai, bị dịch nặng nhất. Hôm 22 Tháng Tư vừa qua, chỉ riêng tại bang này đã có khoảng 67,000 người bị nhiễm coronavirus trong một ngày.
Xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Ấn Độ và cho Giáo Hội tại đất nước này, vốn đã chịu nhiều đau thương vì các đợt bách hại thường xuyên.
Source:Matters India
Covid-19 claims 14 Catholic priests in four days
2. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ phong chức linh mục cho 9 thầy phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 25 Tháng Tư, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh, cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và đồng thời là Ngày Thế giới cầu cho ơn thiên triệu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để truyền chức cho chín linh mục. Các vị tuy thuộc các quốc tịch khác nhau, nhưng sẽ phục vụ tại giáo phận Rôma.
Trong số các tiến chức, có 5 thầy được đào tạo tại Đại chủng viện Rôma, hai tại Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng, một tại Chủng viện Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa và một tiến chức gia nhập giáo phận Rôma. Tổng cộng có sáu người Ý, 3 vị còn lại thuộc ba quốc tịch: Rumani, Colombia và Brazil. Thầy trẻ nhất 26 tuổi và người lớn nhất 43 tuổi.
Từ đầu đại dịch hồi tháng Ba năm ngoái, Đức Thánh Cha đã nhiều lần cử hành thánh lễ và các lễ nghi tại Bàn thờ Ngai tòa. Tuy nhiên, sáng Chúa Nhật vừa qua, lần đầu tiên ngài tái cử hành tại bàn thờ tuyên xưng Đức tin, tức là bàn thờ chính trên mộ thánh Phêrô, với một cộng đoàn đông đảo gần 3,000 người.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, những người con, người em này của chúng ta đã được kêu gọi lãnh nhận chức tư tế. Chúng ta hãy cẩn thận xem xét thừa tác vụ trong Hội Thánh mà họ sẽ được nâng lên.
Anh chị em thân mến, như anh chị em đã biết, Chúa Giêsu là thầy cả thượng phẩm duy nhất của Tân Ước; nhưng trong Người, tất cả dân thánh của Thiên Chúa đều được lập thành dân tư tế. Trong số tất cả các môn đệ của mình, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để bằng cách công khai thực thi chức vụ tư tế trong Giáo Hội nhân danh Ngài vì thiện ích của tất cả mọi người, họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người trong tư cách là các thầy dậy, tư tế và mục tử.
Sau khi suy tư chín chắn, giờ đây chúng ta sắp nâng những anh em này lên hàng tư tế, để khi phục vụ Chúa Kitô, như các thầy dậy, tư tế và mục tử, họ hợp tác xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh, là dân Chúa và là đền thánh của Chúa Thánh Thần.
Còn các các con, những người con yêu dấu, sắp được nâng lên hàng tư tế, hãy cẩn trọng nhớ rằng qua việc thực thi thừa tác vụ thánh chức, các con sẽ tham gia vào sứ mệnh của Chúa Kitô, là vị Thầy duy nhất. Các con sẽ là những người chăn dắt đàn chiên như Người, đây là điều Người muốn nơi các con, những mục tử của Hội Thánh, những người chăn dắt dân tộc thánh thiện của Thiên Chúa. Mục tử phải đi với dân Chúa: đôi khi ở phía trước đàn chiên, đôi khi ở giữa hoặc phía sau, nhưng luôn ở đó, với dân Chúa.
Có một thời - theo ngôn ngữ vào thời đó - người ta nói về “sự nghiệp trong giáo hội”, với một ý nghĩa khác xa ngày nay. Đây không phải là một “sự nghiệp”, nhưng đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như Chúa đã làm cho dân Ngài. Và sự phục vụ này của Thiên Chúa dành cho dân Ngài để lại những “dấu vết”, và một phong cách, mà các con phải tuân theo. Phong cách đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa. Gần gũi, từ bi, dịu dàng.
Linh mục phải có bốn sự gần gũi. Trước hết là gần gũi Thiên Chúa trong kinh nguyện, trong các bí tích, trong thánh lễ. Hãy thân thưa với Chúa, hãy cận kề bên Chúa. Trong toàn bộ câu chuyện về Chúa Kitô, Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta qua Con của Ngài. Chúa cũng gần gũi chúng ta, mỗi người chúng ta, trên đường đời của chúng ta. Cả trong những lúc tối tăm của tội lỗi, Chúa luôn ở đó, gần gũi với chúng ta. Các con hãy gần gũi dân Chúa. Nhưng trước tiên là gần gũi Thiên Chúa qua kinh nguyện. Một linh mục không cầu nguyện thì dần dần ngọn lửa Thánh Linh trong tâm hồn sẽ bị dập tắt.
Thứ hai, các con cũng phải gần gũi với các Giám mục, và trong trường hợp này các con là các “Phó Giám mục”. Hãy gần gũi với các ngài, bởi vì khi quây quần quanh vị Giám Mục của mình, các con sẽ có sự hiệp nhất. Ý cha muốn nói là các con không phải là tôi tớ - vì các con chỉ là tôi tớ cho Chúa – nhưng các con hãy là những người cộng tác với các Giám mục. Khi đề cập đến sự gần gũi, cha nhớ có lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp chuyện chẳng may - có thể nói là ngài đã “lỡ lời”. Điều đầu tiên cha nghĩ đến và khuyên vị linh mục này là gọi cho Đức Giám Mục. Ngay cả trong những thời điểm tồi tệ, vị linh mục ấy nên gọi cho vị Giám Mục để ngài gần gũi với mình. Hãy gần gũi với Chúa trong lời cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Có người nói: “Nhưng tôi không thích vị Giám Mục này”. “Nhưng Giám Mục là cha của bạn”. “Nhưng vị Giám mục này đối xử với tôi rất tệ”. “Hãy khiêm tốn, hãy đến với Đức Giám Mục”.
Thứ ba, các con hãy gần gũi với nhau. Và cha đề nghị các con một giải pháp để thực hiện ngay từ ngày hôm nay: đừng bao giờ nói xấu một linh mục nào trong các con. Nếu các con có điều gì đó không hài lòng với người khác, hãy hành xử như các chính nhân quân tử, hãy đến và nói thẳng với anh ta. “Nhưng đây là một điều rất tồi tệ… Tôi không biết anh ấy sẽ phản ứng thế nào…”. Hãy đến với Giám Mục, là người sẽ giúp bạn. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ buôn chuyện. Đừng nói nhiều. Đừng sa đà vào những câu chuyện phiếm. Sự đoàn kết giữa các con: trong linh mục đoàn, trong các ủy ban, trong công việc. Hãy gần gũi giữa các con với nhau và với Giám mục.
Và thứ tư: đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với các tín hữu dân thánh của Chúa. Không ai trong số các các con học để trở thành một linh mục. Các con đã nghiên cứu các khoa học giáo hội, như Giáo hội yêu cầu các con thực hiện. Nhưng các con đã được chọn, từ dân Chúa. Chúa phán với Đavít: “Ta đã chọn ngươi từ đàn chiên”. Đừng quên nơi các con xuất thân: gia đình, dân tộc của mình... Đừng đánh mất ý thức các con là con của dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthêô: “Hãy nhớ mẹ anh, bà anh”. Hãy nhớ các con từ đâu đến, đó là từ dân Chúa. Tác giả của Thư gửi người Do Thái nói: “Hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho bạn”. Hãy là linh mục của nhân dân, chứ đừng là giáo sĩ của nhà nước!
Bốn sự gần gũi của linh mục: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với Giám mục, gần gũi giữa các con, gần gũi với dân Chúa. Phong cách gần gũi vốn là phong cách của Chúa. Phong cách của Thiên Chúa cũng là phong cách của lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Đừng đóng cửa trái tim mình trước những vấn đề. Và các con sẽ thấy được rất nhiều điều! Khi mọi người đến để nói với các con về vấn đề của họ và xin được đồng hành. Các con đừng tiếc thời gian lắng nghe và an ủi. Lòng trắc ẩn dẫn các con đến sự tha thứ, đến lòng thương xót. Các con hãy thương xót, hãy tha thứ. Vì Chúa tha thứ mọi thứ, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chính chúng ta mới là người mệt mỏi cầu xin sự tha thứ. Hãy gần gũi và có lòng trắc ẩn. Hãy có lòng nhân ái dịu dàng, với sự dịu dàng của những người trong một mái gia đình, sự dịu dàng của anh em với nhau, sự dịu dàng của một người cha. Sự dịu dàng đó khiến các con cảm thấy rằng các con đang ở trong nhà của Thiên Chúa
Cha cầu chúc các con có được phong cách này, là phong cách của Chúa.
Cha đã đề cập với các con những điều liên quan đến thừa tác vụ linh mục, nhưng cha cũng muốn đề cập ở đây những điều khác nữa cùng dân Chúa. Hãy tránh xa sự phù phiếm, hãy tránh xa niềm kiêu hãnh về tiền bạc. Ma quỷ xâm nhập “từ các túi tiền”. Hãy nghĩ đến điều này. Hãy nghèo đi, vì dân Chúa là những người nghèo. Hãy là người nghèo để biết thương người nghèo. Đừng trở thành người theo đuổi danh vọng, đừng trở thành công chức. Khi một linh mục hành động như một doanh nhân, làm chủ giáo xứ, hay cộng đoàn nơi họ ở, thì linh mục ấy đánh mất đi sự gần gũi với dân chúng, đánh mất đi sự thanh bần, là điều làm cho linh mục giống Chúa Kitô khó nghèo, chịu đóng đanh. Cuối cùng linh mục ấy trở thành thương gia, linh mục thương gia, chứ không phải là người phục vụ. Cha đã nghe một câu chuyện khiến cha rất xúc động. Một linh mục rất thông minh, rất thực tế, rất có năng lực, nắm trong tay nhiều quyền hành, nhưng một ngày nọ, lòng dạ ông chai cứng vì chức vụ đó, ông thấy một nhân viên của mình, một người lớn tuổi, mắc lỗi, đã mắng mỏ người nhân viên này, và sa thải ông ta. Và người nhân viên cao tuổi đó đã chết vì chuyện này. Linh mục ấy đã được thụ phong chức tư tế, nhưng cuối cùng lại trở thành một thương nhân tàn nhẫn. Hãy luôn luôn nhớ đến hình ảnh này, các con đừng quên câu chuyện này.
Các mục tử gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với anh em, và với dân Chúa. Mục tử là người phục vụ, là người chăn chiên, không phải doanh nhân. Hãy tránh xa tiền bạc.
Hãy nhớ rằng con đường của bốn sự gần gũi này là con đường đẹp, con đường của các mục tử chân chính, là những người được Chúa Giêsu an ủi, bởi vì Ngài là Mục tử nhân lành. Và hãy tìm niềm an ủi nơi Chúa Giêsu, hãy tìm niềm an ủi nơi Đức Mẹ - đừng quên Mẹ - hãy luôn tìm niềm an ủi ở đó, để được ủi an từ đó.
Và hãy vác những thánh giá - sẽ có những thánh giá trong cuộc đời chúng ta. Nhưng trong tay Chúa Giêsu và Đức Mẹ, chúng ta không đừng sợ. Nếu các con ở gần Chúa, Đức Giám Mục, giữa các anh em và dân Chúa, nếu các con có phong cách của Chúa - gần gũi, từ bi và dịu dàng – thì đừng sợ, mọi việc sẽ ổn thỏa.
Source:Libreria Editrice Vaticana
SANTA MESSA CON ORDINAZIONI PRESBITERALI OMELIA DEL SANTO PADRE FRANCESCO Basilica di San Pietro IV Domenica di Pasqua, 25 aprile 2021