1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về tiến trình tái thiết Notre Dame de Paris
Hai năm sau khi ngọn lửa tàn khốc thiêu đốt ngôi nhà thờ nổi tiếng nhất Paris và gây chấn động thế giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Notre Dame de Paris để chứng tỏ rằng di sản của Pháp không bị lãng quên bất chấp đại dịch.
Được tháp tùng bởi các bộ trưởng, kiến trúc sư và một vị tướng hồi hưu của quân đội Pháp, những người đang giám sát việc trùng tu một di tích lịch sử đã có từ thế kỷ 12, tổng thống Macron đã xem xét tiến độ của dự án tái thiết đầy tham vọng. Ông mang lại cho công chúng Pháp, là những người đang mệt mỏi vì đại dịch, niềm hy vọng rằng ngày hoàn thành sẽ sớm đến.
“Chúng ta đang thấy ở đây, trong hai năm, một công việc to lớn đã được hoàn thành như thế nào”, ông Macron nói, và nhắc nhớ cảm xúc trên khắp nước Pháp trước những hình ảnh ngọn lửa nuốt chửng Nhà thờ Đức Bà vào ngày 15 tháng 4 năm 2019. “Chúng ta cũng có thể thấy những gì còn lại được thực hiện”.
Ông Macron đã hứa rằng nhà thờ sẽ được xây dựng lại vào năm 2024, nhưng các quan chức thừa nhận rằng công trình sẽ không thể hoàn thành vào lúc đó. Họ viện dẫn các yếu tố như đại dịch COVID-19 đã làm chậm tốc độ tái thiết. Ngọn lửa cũng phát tán một lượng lớn chì độc hại lên nhà thờ Đức Bà và khu vực xung quanh, làm phức tạp thêm công việc dọn dẹp trước khi các nỗ lực trùng tu có thể bắt đầu.
Tổng thống Pháp gửi lời “cảm ơn sâu sắc” và thông điệp quyết tâm tới tất cả những người lao động được huy động để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà.
Ông Macron nói: “Chúng ta sẽ cần phải đạt được các mục tiêu của mình đã đặt ra trong ba năm kể từ bây giờ”.
Cần trục và giàn giáo từ dự án đồ sộ này đã tạo thành vết sẹo cho đường chân trời của thủ đô nước Pháp, và công việc xây dựng lại có thể mất hàng thập kỷ. Các quan chức cho biết trong tháng này rằng nhà thờ bị cháy rụi và sân dạo quanh nhà thờ có thể được tái thiết trong 15 hoặc 20 năm nữa. Nhưng họ cam kết rằng Nhà thờ Đức Bà ít nhất sẽ mở cửa để cầu nguyện và “trở lại việc thờ phượng” trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè 2024 mà Paris đăng cai tổ chức.
“Mục tiêu là trả lại Nhà thờ Đức Bà cho những người thờ phượng và đến thăm vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là vào năm 2024, Thánh lễ sẽ có thể được tổ chức bên trong nhà thờ,” Jeremie Patrier-Leitus, người phát ngôn của việc trùng tu, nói với thông tấn xã AP.
Patrier-Leitus muốn thế giới biết rằng “Nhà thờ Đức Bà đang đứng lên. Ngôi nhà thờ vẫn ở đó. Tất cả chúng tôi đều tập hợp và huy động để trùng tu nhà thờ và đưa viên ngọc của kiến trúc Gothic Pháp này trở lại thế giới”.
Trước vụ hỏa hoạn, ngôi nhà thờ này đón 20 triệu khách du lịch mỗi năm.
Kể từ năm 2019, các nghi lễ tôn giáo đã diễn ra tạm thời tại nhà thờ Saint-Germain l'Auxerrois gần đó. Ngôi nhà thờ này nhỏ hơn nhiều và thiếu các yếu tố gây kinh ngạc là những gì đã thu hút các tín đồ đến Notre Dame de Paris trong gần 900 năm.
Phủ tổng thống Elysee cho biết chuyến thăm của ông Macron “sẽ là cơ hội để người đứng đầu nhà nước cảm ơn một lần nữa tất cả những người đã giúp cứu nhà thờ khỏi ngọn lửa” và hoạt động trong việc tái thiết sau đó.
Hai năm là một cái chớp mắt trong một dòng thời gian trùng tu. Dự án Nhà thờ Đức Bà vẫn đang trong giai đoạn củng cố ban đầu. Giai đoạn khôi phục thực tế dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa đông năm sau. Nhưng cảm giác choáng ngợp của những người yêu mến Nhà thờ Đức Bà là sự nhẹ nhõm khi dự án cho đến nay đã thành công.
“Hôm nay tôi có thể nói rằng thánh đường đã được cứu. Các công việc phục hồi diễn ra nhanh chóng và giờ đây chúng tôi có thể thực hiện công việc tái thiết khổng lồ mà sẽ không gây mất ổn định cho toàn bộ tòa nhà,” Cha Patrick Chauvet là Cha Sở của Notre Dame, nói với AP.
Giai đoạn dọn dẹp và gia cố để giữ cho ngôi nhà thờ đứng vững tiêu tốn 165 triệu euro, và là giai đoạn rất quan trọng: 40,000 ống kim loại từ giàn giáo tại thời điểm hỏa hoạn đã tan chảy trong khi cháy và phải được kiên nhẫn cắt bỏ khỏi mái nhà thờ. Các hầm bên trong thánh đường cũng phải được ổn định lại. Tuy nhiên, trong một dấu chỉ phấn khởi, 1,000 cây sồi đã bị đốn hạ trong khoảng 200 khu rừng ở Pháp vào mùa xuân này để làm khung cho ngọn tháp của nhà thờ - nơi sẽ được chiêm ngưỡng trên đường chân trời Paris trong nhiều thế kỷ tới.
Source:AP
Macron visits Notre Dame 2 years after devastating fire
2. Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit: Thân thể Chúa Phục sinh có phải là thân thể trước đó không?
Trong thánh lễ chiều Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục sinh tại nhà thờ Saint-Germain l'Auxerrois, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã trình bày một bài giảng rất hay về các các dấu đinh trên thân thể Chúa Phục sinh và khẳng định rằng thân thể Chúa Phục sinh là thân thể của Người trước đó chứ không phải một cơ thể khác, như chủ trương của một số người. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: Đó không phải là một sự luân hồi. Đó là một sự phục sinh. Từ đó, ngài trình bày mối quan hệ giữa thân xác, tinh thần và linh hồn.
Câu chuyện ngài trình bày có liên quan đến Royan, thủ phủ của miền Côte de Beauté, ở phía tây nam nước Pháp, thuộc tỉnh Charente-Maritime trong vùng Nouvelle-Aquitaine. Royan là một trong những thị trấn nghỉ mát ven biển Đại Tây Dương chủ yếu của Pháp.
Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:
Khoảng 25 năm trước, một linh mục ở Royan đã yêu cầu tôi thiết kế cho ngôi nhà thờ của ngài một tượng Chúa Kitô. Ngài đặc biệt muốn có một Chúa Kitô phục sinh trên thập tự giá. Ban đầu chuyện này xem ra có vẻ khó khăn đối với tôi vì tôi chưa từng thấy tận mắt một cây thánh giá nào như thế. Hoặc là Chúa Kitô đang chết ở trên thập tự giá, hoặc Ngài đã sống lại. Làm gì có tượng Chúa Kitô Phục sinh lại ở trên thánh giá. Nhưng cuối cùng, tôi cũng thiết kế được một tượng Chúa khải hoàn từ trên thập tự giá. Ngài rất vui với thiết kế này nhưng sau một vài ngày, ngài nói: “Còn thiếu một thứ gì đó”. Tôi thực sự không thể nhìn ra thiếu cái gì và hỏi lại ngài: “Thưa cha, còn thiếu cái gì?” Ngài nói với tôi: “Dấu đinh trên bàn tay và bàn chân của Chúa”. Tôi tự nói với mình: “Cha ấy có lý”. Khi Chúa Giêsu sống lại, trong thân thể phục sinh của Ngài có những dấu ấn về cuộc đời Ngài, về cuộc khổ nạn mà Ngài đã trải qua và đã chỉ cho Tôma thấy. Quả thực là những dấu vết được ghi khắc nơi cơ thể của Người, dọc dài toàn bộ cuộc đời dương thế của Chúa, vẫn xuất hiện vào ngày Người sống lại. Chúa Kitô vẫn có tay, có chân, và đã đưa con cá nướng các môn đệ trao cho Ngài lên miệng. Đó thực sự là Người, Người còn sống, đó là cơ thể của Người chứ không phải một cơ thể khác. Đó không phải là một sự luân hồi. Đó là một sự phục sinh!
Làm thế nào để hiểu được mầu nhiệm phi thường này, một điều chưa từng có trước Chúa Giêsu, và sau Chúa Giêsu cũng chẳng có. Việc các môn đệ sợ hãi là điều dễ hiểu. Có cái gì đó thật phi thường ở đây! Hãy tưởng tượng trong giây lát anh chị em nhìn thấy một người mà anh chị em yêu quý, người mà anh chị em đã tận mắt thấy đã chết, người mà anh chị em đã đặt trong ngôi mộ, nhưng rồi chính người ấy đang ở đó, trước mặt anh chị em, không phải là một bóng ma, mà là một người thật với cơ thể của người đó. Và điều này diễn ra trong khi anh chị em đang thu mình trong một căn phòng khoá trái cửa lại, không chỉ một mà là hai ba lần cửa. Đáng sợ. Có điều gì đó đáng sợ hãi.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đây mà” khi nhìn họ sợ hãi khi thấy Người đứng ở giữa họ. Nhưng ông là ai? Chữ “Thầy” của Chúa Kitô, trong bối cảnh này, buộc tôi tự hỏi về bản thân mình. Tôi là ai?
Rõ ràng là chúng ta được cấu tạo bởi một cơ thể và một tinh thần cho phép chúng ta hiểu được bản thân mình hoặc ít nhất là nhận thức được sự tồn tại của chúng ta. Các nhà triết học Hy Lạp coi thể xác là nhà tù của linh hồn. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô buộc phải nhấn mạnh rất nhiều đến việc khẳng định sự phục sinh của thân thể Chúa Giêsu khi thánh nhân viết thư cho các tín hữu Hy Lạp ở Cô-rinh-tô, và đưa ra tất cả các bằng chứng, cũng như trích dẫn tất cả các nhân chứng về sự phục sinh của Chúa Kitô.
Ngày nay, nhiều người cùng thời với chúng ta coi cơ thể của họ như một công cụ có thể dùng theo ý họ. Họ chăm sóc nó giống như anh chị em chăm sóc chiếc xe của anh chị em, họ sử dụng nó để dụ dỗ người khác, để di chuyển và họ đang ở trong tâm trạng của những người nói rằng “Tôi sở hữu một cơ thể”. Khi chết, người ta sẽ vứt bỏ cơ thể của chúng ta bằng cách đốt nó như thể nó là một chiếc áo cũ.
Nguyên ủy của sự sống mà chúng ta gọi là linh hồn, theo thánh ý Chúa, được sinh ra cùng lúc với cơ thể này. Đây là lý do tại sao nơi con người chúng ta, nó được gọi là “âme spirituelle”, nghĩa là “linh hồn tâm linh”. Mọi sinh vật đều có linh hồn, nhưng chỉ có con người mới có linh hồn tâm linh vì nó liên quan đến Thiên Chúa. Nó do Thiên Chúa trực tiếp tạo ra. Vào lúc chết, linh hồn tâm linh này vẫn tồn tại bên ngoài sự chết để tái nhập vào Đấng Tạo Hóa của nó. Thi thể được chôn cất của chúng ta, được chôn cất giống như của Chúa Giêsu, sẽ được hồi sinh khi Chúa Kitô trở lại, mà ta gọi là Parousie.
Đây là lý do tại sao thể xác của chúng ta cũng quan trọng như linh hồn của chúng ta vì khi thân xác sống lại, giống như thân xác Chúa Giêsu, cơ thể này sẽ thoát khỏi mọi giới hạn trần gian về thời gian và không gian.
Ngài sẽ hoàn thành viên mãn ơn gọi của con người là được ở cùng Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong lúc này đây, thể xác của chúng ta được cư ngụ bởi sự hiện diện của Thiên Chúa khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu trong Thánh Lễ để tình yêu của Người đến đốt cháy linh hồn, tinh thần chúng ta, và soi sáng chúng ta bằng sự hiện diện thiêng liêng của Người. Chúng ta đã nghe những câu Kinh Thánh đã mở mang trí óc của chúng ta như Chúa Kitô đã khai lòng mở trí các môn đệ của Ngài.
Giờ đây chúng ta hãy để trái tim của chúng ta sống trong tình yêu cháy sáng của Người bằng cách sống xứng đáng với mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô.
Source:L'Eglise Catholique à Paris
Homélie de Mgr Michel Aupetit - Messe du 3e dimanche de Pâques à St Germain l’Auxerrois