1. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm các nước Á Châu trong năm 2020
Trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Panama, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2022 sẽ được tổ chức tại Lisbon. Năm 2017, Bồ Đào Nha đã chính thức xin đăng cai tổ chức sự kiện này. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đích thân ngài hay vị Giáo Hoàng kế nhiệm ngài sẽ tham dự.
Tông du Bồ Đào Nha năm 2022 là chuyến tông du duy nhất được xác định cho đến nay.
Những chuyến tông du chúng tôi đề cập đến trong phần sau đều chỉ là những dự đoán của các phương tiện truyền thông Công Giáo, cho đến nay chưa được Tòa Thánh chính thức xác nhận.
Trong phạm vi các nước Á Châu. Quốc gia được kể là có nhiều triển vọng nhất là Singapore.
Sáng ngày 28 tháng Năm, năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Singapore Tony Tan tại điện Tông Tòa của Vatican. Đây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo của Singapore đến thăm Tòa Thánh. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống Singapore đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha đến thăm quốc gia này. Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của tổng thống ngay trong buổi gặp gỡ giữa hai vị.
Trước đó, nhân chuyến viếng thăm Singapore của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tại Cộng hoà Singapore, trước tất cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse hôm Chúa Nhật 16 tháng 8 năm 2015, ông Tony Tan cũng đã bày tỏ ước muốn được Đức Thánh Cha viếng thăm nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của quốc gia này.
Chuyến viếng thăm Singapore cho đến nay chưa thực hiện được vì trong năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót diễn ra từ 8 tháng 12, 2015 đến 20 tháng 11, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ hầu hết các chuyến tông du được dự trù.
Năm sau đó, 2017 là năm có tổng tuyển cử tại Singapore. Theo thông lệ của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha không viếng thăm một quốc gia trong thời gian trước bầu cử để tránh bị xem là ủng hộ cho một ứng cử viên tổng thống nhất định.
Trong thánh lễ Giáng Sinh năm nay, Đức Tổng Giám Mục William Goh của tổng giáo phận Singapore đã nhắc lại ước muốn Đức Thánh Cha sang thăm người Công Giáo Singapore sau khi ngài đã thăm Thái Lan trong năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề là ông Tony Tan đã không còn là tổng thống của Singapore. Tổng thống hiện nay là bà Halimah Yacob, một người Hồi Giáo, đảm nhận chức vụ này từ ngày 14 tháng Chín 2017. Liệu bà Halimah có đưa ra lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Singapore hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, một so sánh tương đối với các quốc gia Á Châu khác cho thấy một triển vọng như thế xem ra là khả thi nhất.
2. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Ấn Độ trong năm 2020
Cuối năm 2016, sau khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ước muốn được đến thăm Ấn Độ và Bangladesh. Trong nhiều dịp gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi cũng bày tỏ ước muốn được đón tiếp Đức Thánh Cha viếng thăm quốc gia này.
Tuy nhiên, Narendra Modi là con người đầy thủ đoạn. Nhà lãnh đạo của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, thường nói một đàng làm một nẻo.
Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của BJP được bầu làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại. Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị BJP coi là các tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.
Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016. Con số này ngày càng tăng trong hai năm sau đó 2018 và 2019 với 884 vụ và 1024 vụ.
Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.
Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.
Trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài nhất thế giới từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua, các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, các Kitô hữu tại Ấn, nói như cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền, “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.
Tháng 12, 2016, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, tên mới là Mumbai, và cũng là một trong 9 vị Hồng Y Cố Vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu nói đến triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Ấn Độ, sau một cuộc gặp gỡ với Modi vào tháng 11, 2016.
Thực tế, đó chỉ là một lời mời lơi. Cũng như tất cả các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đều mong muốn được đến thăm các quốc gia đông dân, đặc biệt là các quốc gia mà đến nay người Công Giáo vẫn chỉ là một thiểu số như Ấn Độ và Trung Quốc. Các ngài cảm thấy như một trách nhiệm phải đến thăm các quốc gia này.
Chính vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mong muốn của ngài đến thăm Ấn Độ và Bangladesh.
Từ 27 tháng 11 đến 2 tháng 12, 2017, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Miến Điện và Bangladesh, là quốc gia có đường biên giới rất dài với Ấn Độ nhưng chuyến viếng thăm Ấn Độ đã không được thực hiện. Đức Hồng Y Oswald Gracias giải thích rằng một chuyến thăm tới Ấn Độ vào năm 2017 là không thể được vì có những xung đột với kế hoạch của Thủ tướng Modi vào tháng 12. Thay vào đó, chuyến thăm sẽ diễn ra trong nửa đầu của năm 2018, tuy nhiên điều này đã không xảy ra, và như chúng ta thấy suốt trong năm 2019 điều đó cũng đã không xảy ra. Câu chuyện Đức Thánh Cha viếng thăm Ấn Độ xem ra chỉ là chuyện “Aladdin Và Cây Đèn Thần”.
Câu chuyện ấy có lẽ còn hoang đường hơn nữa trong bối cảnh của các cuộc biểu tình phản kháng một luật mới về quyền công dân trong đó loại trừ người Hồi Giáo.
Trong hai tuần qua, hàng trăm ngàn người Ấn Độ đã xuống đường để phản đối Tu Chính Án về Quốc tịch, mà Quốc hội Ấn Độ, do đảng BJP chi phối, đã phê chuẩn trong tháng 12. Những bếp ăn được nấu nướng ngay trên đường phố cho những người biểu tình cho thấy cuộc đấu tranh có lẽ còn dài không phải là chuyện một sớm một chiều.
Các cuộc biểu tình đã thu hút mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chứ không riêng gì người Hồi Giáo. Họ lo ngại rằng luật mới sẽ làm suy yếu nền tảng của Ấn Độ như một quốc gia thế tục. Khoảng hai chục người đã bị giết trong các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội và hàng trăm người đã bị bắt giữ.
3. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Pakistan trong năm 2020
Trong một buổi triều yết riêng diễn ra tại Điện Tông Tòa vào ngày 23 tháng Hai, 2016, Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của Thủ tướng Nawaz Sharif đến thăm quốc gia này trong năm 2016.
Chuyến tông du đã không xảy ra vì với một chương trình dày đặc trong Năm Thánh Lòng Thương Xót diễn ra từ 8 tháng 12, 2015 đến 20 tháng 11, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã hủy bỏ hầu hết các chuyến tông du được dự trù.
Năm sau đó, 2017 là năm có tổng tuyển cử tại Pakistan. Theo thông lệ của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha không viếng thăm một quốc gia trong thời gian trước bầu cử để tránh bị xem là ủng hộ cho một ứng cử viên nhất định.
Thủ tướng Nawaz Sharif đã thất cử trong cuộc bầu cử này và Pakistan bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tân thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi chỉ cầm quyền được mấy tháng. Cụ thể là từ ngày 1 tháng 8, 2017 cho đến ngày 31 tháng 5, 2018. Quyền hành được tạm giao cho ông Nasirul Mulk, là người sau đó cũng chỉ nắm chính quyền được hơn hai tháng.
Thủ tướng Imran Khan đã lên nắm chính quyền từ ngày 18 tháng 8, 2018.
Hai tháng sau đó, trong một biến cố ngoạn mục, Tòa án Tối cao Pakistan đã đưa ra phán quyết Asia Bibi vô tội. Bibi là người mẹ Công Giáo của năm người con đã bị kết án tử hình vì tội báng bổ vào năm 2010
Tòa án Tối cao Pakistan đã lệnh phóng thích cô khỏi nhà tù ngay lập tức.
Tuy nhiên, phán quyết này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc của các thành phần Hồi Giáo cực đoan. Bạo lực chỉ chấm dứt sau khi chính phủ đồng ý ngăn Bibi xuất cảnh cho đến khi một phiên tòa xử lại vụ án của cô diễn ra.
Vài ngày sau phán quyết của tòa án hồi cuối tháng Mười, cô đã được đưa từ một nhà tù ở Multan tới thủ đô Islamabad, nơi cô được tường thuật là sống trong một ngôi nhà an toàn được canh phòng cẩn mật trong khi chờ đoàn tụ với gia đình đang sống ở một địa điểm không được tiết lộ ở Canada.
Tối Cao Pháp Viện Pakistan, trong phiên xử lại, đã giữ nguyên phán quyết tha bổng Bibi vào ngày 29 tháng Giêng, và cho phép cô rời khỏi Pakistan.
Tháng Năm vừa qua, theo các dàn xếp ngoại giao, cô đã được bí mật đưa ra khỏi Pakistan và đến cư ngụ ở một nơi an toàn trên lãnh thổ Canada.
Biến cố này, cố nhiên, đã gây tức giận cho người Hồi Giáo. Trong bối cảnh như thế, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Pakistan trong năm nay có lẽ sẽ rất khó xảy ra.
4. Triển vọng Đức Thánh Cha sang thăm Bắc Hàn trong năm 2020
Ngày 09 Tháng 10 năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Chính Ân hay còn gọi là Kim Jong Un đã lên tiếng mời Đức Giáo Hoàng đến thủ đô Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nam Triều Tiên Văn Tại Dần hay còn gọi là Moon Jae-in đã trình lời mời này lên Đức Thánh Cha trong buổi triều yết hôm 18 tháng 10 năm 2018. Đã có những hy vọng là chuyến tông du này được thực hiện trong năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh Đức Thánh Cha tông du đến Nhật Bản là quốc gia chỉ cách Triều Tiên một eo biển.
Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó đã không xảy ra. Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho hay chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên cần được chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng chắc chắn cuộc viếng thăm ấy sẽ củng cố “hỗ trợ cho quá trình hòa bình và giải trừ chương trình nguyên tử hạch nhân tại bán đảo Triều Tiên”.
Trao đổi với báo giới trong một buổi ra mắt sách tại Rome, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “sự sẵn sàng của ngài tới thăm Bình Nhưỡng”.
Đức Hồng Y Parolin cho biết: “Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến viếng thăm và triều yết riêng với Đức Thánh Cha ngày 18 tháng 10, 2018 có chuyển đạt lên Đức Thánh Cha nguyện vọng của lãnh tụ Bắc Triều Tiên bày tỏ ước mơ được Đức Thánh Cha tới thăm Bình Nhưỡng. Và Đức Thánh Cha cũng bày tỏ tấm lòng cởi mở đón nhận lời mời này.
Được hỏi vậy Tòa Thánh đã xúc tiến chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này chưa, Đức Hồng Y trả lời: “Chưa, chúng tôi đang chờ một lời mời chính thức hơn”. Ngài cho hay đây mới chỉ là một trao đổi như là một “bước đầu tiên” dưới hình thức “bày tỏ bằng ngôn từ mà thôi”.
Đức Hồng Y Parolin cho hay tiếp “một khi chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch về việc khả thi cho chuyến tông du này”, thì một số “điều kiện” nhất định sẽ phải được kiểm tra trước khi chuyến viếng thăm được thực hiện. “Chuyến tông du này cần phải được chuẩn bị thật chi ly nghiêm túc,” ngài nói.
Trong quá khứ, Bắc Hàn cũng đã từng mời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Trong bài Prominent Defector on N.Korea's Relationship with Religion, tờ The Chosunilbo cho biết như sau:
Một cuốn hồi ký của Thae Yong-ho, nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã bán được 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.
Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.
Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.
Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.
Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những người cộng sản cực đoan giả dạng tín hữu.
Thae thuật lại rằng theo thời gian, một số người đóng giả để quay phim đã thực sự bắt đầu tìm hiểu Kitô giáo.
Thae cho biết: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản châu Âu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”
Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.
Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.
Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Chính Ân hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Chính Ân lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.