Lúc 5g chiều ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.
Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.
Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết đi” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta - để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình đến” (Gal 4: 4).
Người Con được Chúa Cha sai đến đã dựng lều tại Bêlem xứ Efrata, “nhỏ nhất trong các thị tộc Giuđa” (Mi 5:1); Ngài sống ở Nagiarét, một thị trấn không được đề cập đến trong Kinh Thánh ngoại trừ câu này: “từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1:46), và chết như một người bị đời ruồng bỏ bên lề một thành phố lớn, là Giêrusalem, bị đóng đinh bên ngoài những tường thành của nó. Quyết định của Chúa rất rõ ràng: Ngài mạc khải tình yêu của mình, Ngài chọn ngôi làng nhỏ và bị coi thường, và khi Ngài đến Giêrusalem, Ngài nhập vào đoàn những người tội lỗi và bị đời ruồng bỏ. Không ai trong thành phố nhận ra rằng Con Thiên Chúa hóa thành phàm nhân đang đi trên những đường phố của mình, thậm chí có thể cả những môn đệ của Người cũng không biết điều đó, và chỉ hoàn toàn hiểu được Mầu nhiệm hiện diện nơi Chúa Giêsu qua biến cố phục sinh.
Những lời nói và dấu chỉ của ơn cứu độ mà Người đưa ra tại thành phố này khơi dậy sự ngạc nhiên và nhiệt tình nhất thời, nhưng những lời nói và dấu chỉ ấy không được đón nhận trong ý nghĩa trọn vẹn của chúng: chỉ một thời gian ngắn sau, những điều ấy sẽ không còn được nhớ đến khi viên thống đốc người La Mã đặt câu hỏi: “Các ngươi muốn ta phóng thích Giêsu hay Baraba?”. Bên ngoài thành này, Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh, trên đồi cao Golgotha, bị lên án qua ánh mắt của tất cả cư dân và bị chế giễu bởi những lời bình luận đầy mỉa mai của họ. Nhưng từ đó, từ cây thập giá, cây sự sống mới, quyền năng của Thiên Chúa sẽ thu hút mọi người đến với Ngài. Và Mẹ Thiên Chúa, Đấng đau khổ dưới thập giá, cũng mở rộng tình mẫu tử của Mẹ đến tất cả mọi người. Mẹ Thiên Chúa là Mẹ của Giáo Hội và sự dịu dàng mẫu tử của Mẹ vươn đến với tất cả mọi người.
Trong thành phố, Chúa đã dựng lều của Người, và Ngài không bao giờ bỏ đó mà đi! Sự hiện diện của ngôi lều ấy trong các thành phố, ngay cả trong thành phố Rôma của chúng ta “không được tạo ra, nhưng phải được khám phá, phải được tiết lộ” (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 71). Chính chúng ta là những người phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng có được đôi mắt mới, với khả năng có được “một cái nhìn chiêm niệm, có nghĩa là, một cái nhìn đức tin phát hiện ra Thiên Chúa đang sống trong những ngôi nhà, những con đường, và những quảng trường của mình” (thd., 71 ). Các tiên tri, trong Kinh thánh, cảnh báo chúng ta chống lại sự cám dỗ chỉ liên kết sự hiện diện của Thiên Chúa với các đền thờ mà thôi (Gr 7.4): Ngài sống giữa dân mình, đồng hành với họ và sống cuộc sống của họ. Lòng trung tín của Người là cụ thể, gần gũi với sự hiện sinh hàng ngày của con cái Người. Thật thế, khi Thiên Chúa muốn canh tân mọi sự qua người Con của Người, thì mọi sự không bắt đầu từ đền thờ, nhưng từ cung lòng của một người phụ nữ nhỏ bé và nghèo khổ trong Dân Ngài. Sự lựa chọn này của Thiên Chúa thật là ngoại thường! Lịch sử không thay đổi thông qua những người quyền thế trong các định chế dân sự và tôn giáo, nhưng bắt đầu từ những người phụ nữ ở vùng ngoại vi của đế chế, như Đức Maria, và từ cung lòng những người hiếm muộn, như bà Elisabét.
Trong Thánh Vịnh 147, mà chúng ta vừa mới cầu nguyện, vịnh gia mời gọi Giêrusalem tôn vinh Thiên Chúa, vì Ngài “tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi.” (v. 15). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng công bố Lời của Người trong mỗi trái tim con người, Chúa chúc phúc cho con cái Người và khuyến khích họ làm việc vì hòa bình. Tối nay tôi muốn chúng ta nhìn về thành phố Rôma để thấy mọi sự từ quan điểm trong ánh mắt Thiên Chúa. Chúa vui mừng khi thấy có bao nhiêu thực tại tốt đẹp được thực hiện mỗi ngày, bao nhiêu nỗ lực và bao nhiêu cống hiến trong việc thúc đẩy tình huynh đệ và tình đoàn kết. Rôma không chỉ là một thành phố phức tạp, với nhiều vấn đề, với những bất bình đẳng, tham nhũng và căng thẳng xã hội. Rôma là một thành phố nơi Thiên Chúa sai Lời của Ngài đến, qua Thánh Linh đang len lỏi trong trái tim của các cư dân và thúc đẩy họ tin tưởng, hy vọng bất chấp tất cả, yêu thương bằng cách chiến đấu vì thiện ích của tất cả mọi người.
Tôi nghĩ đến nhiều người dũng cảm, các tín hữu và những người không tin, là những người mà tôi đã gặp trong những năm gần đây, và là những người đại diện cho “trái tim đang đập” của Rôma. Chúa thực sự chưa bao giờ ngừng thay đổi lịch sử và bộ mặt của thành phố của chúng ta thông qua những người đơn sơ và nghèo hèn sống ở đó: Ngài chọn họ, truyền cảm hứng cho họ, thúc đẩy họ hành động, và ủng hộ, thúc đẩy họ kích hoạt các mạng lưới, để tạo ra những liên kết tốt lành, xây dựng các nhịp cầu và xô ngã các bức tường ngăn cách. Chính là thông qua hàng ngàn các suối nước sống động của Thánh Linh mà Lời của Thiên Chúa làm cho thành phố này mầu mỡ và làm cho nó son sẻ thành “người mẹ đông con, vui cửa vui nhà” (Tv 113: 9).
Và Chúa yêu cầu điều gì đối với Giáo Hội Rôma? Ngài phó thác Lời Ngài cho chúng ta và thúc đẩy chúng ta ném mình vào cuộc đấu tranh, tham gia vào trong các cuộc họp và trong mối quan hệ với các cư dân của thành phố này để “thông điệp Ngài hoả tốc chạy đi”. Chúng ta được mời gọi để gặp gỡ những người khác và lắng nghe cuộc sống của họ, và tiếng kêu cứu của họ. Lắng nghe đã là một hành động của tình yêu! Dành thời gian cho người khác, đối thoại, nhận ra bằng một ánh mắt chiêm nghiệm về sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, làm chứng cho cuộc sống mới của Tin mừng qua những việc làm hơn là lời nói, thực sự là một sứ vụ của tình yêu có sức thay đổi thực tại. Trên thực tế, khi chúng ta làm như thế một làn gió mới đang lưu chuyển trong thành phố và cả trong Giáo Hội, kích hoạt mong muốn được tiếp tục con đường vượt qua những luận lý cũ của những chống đối và những rào cản, để hợp tác với nhau, xây dựng một thành phố công bằng hơn và huynh đệ hơn.
Chúng ta không được sợ hãi hoặc cảm thấy không phù hợp cho một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa không chọn chúng ta vì những “kỹ năng” của chúng ta, nhưng chính vì tình trạng hiện nay của chúng ta và sự nhỏ bé mà chúng ta cảm thấy. Chúng ta cảm ơn Ngài vì ân sủng của Ngài đã nâng đỡ chúng ta trong năm nay và với niềm vui, chúng ta dâng lên Chúa bài ca tán dương Người.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Thánh thi Te Deum, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa, là một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi có nhịp điệu tương tự như nhịp điệu của bài Gloria in Excelsis Deo, tức là Kinh Vinh Danh: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.
Nội dung thánh thi Te Deum như sau:
Lạy Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. / Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh! Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: / Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.
“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.”
Sau khi kết thúc các nghi lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Thánh Phêrô để kính viếng Hang Đá Giáng Sinh.