Trong năm 2019, 29 nhà truyền giáo đã bị giết trên khắp thế giới, nghĩa là thấp hơn năm ngoái một chút. Năm 2018, một con số kinh hoàng là 40 nhà truyền giáo đã bị giết trên khắp thế giới, gần gấp đôi con số 23 vị của năm trước nữa 2017. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên trong bản tin đánh đi hôm 30 tháng 12.
Fides lưu ý rằng hầu hết các nạn nhân là các linh mục: 18 vị trong tổng số 29 vị là các linh mục. Sau tám năm liên tiếp Mỹ Châu đứng đầu về số lượng những nhà truyền giáo bị giết, trong năm 2018 và năm 2019 sắp kết thúc, Phi châu chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách bi thảm này.
Trong 29 nhà truyền giáo đã bị giết trong năm 2019: có 18 vị là linh mục, 1 vị là phó tế vĩnh viễn, 2 vị là tu sĩ không có chức linh mục, 2 nữ tu và 6 vị là giáo dân. Phân chia theo địa dư Phi Châu có 12 linh mục, 1 nam tu sĩ và 1 nữ tu và 1 giáo dân đã bị giết; ở Mỹ Châu, 6 linh mục, 1 phó tế vĩnh viễn, 1 nam tu sĩ và 4 giáo dân bị giết; ở Á Châu, 1 giáo dân đã bị giết; ở Âu Châu, 1 nữ tu bị thảm sát.
Thông tấn xã Fides sử dụng thuật ngữ “nhà truyền giáo” để chỉ tất cả những ai đã được rửa tội, có một nhận thức rõ ràng rằng, qua Bí tích Rửa tội, mọi thành viên của dân Chúa trở thành các môn đệ truyền giáo. Mỗi người được rửa tội, bất kể chức năng của người ấy trong Giáo Hội và mức độ đào tạo về tín lý đã được lãnh nhận, đều là những tác nhân tích cực trong việc loan báo Tin Mừng. Vì thế, danh sách các nhà truyền giáo bị giết do Fides đưa ra hàng năm, đôi khi không chỉ tính đến những nhà truyền giáo theo nghĩa hẹp, mà còn cố gắng ghi lại tất cả những người được rửa tội tham gia tích cực vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội và đã chết một cách bạo lực, dù cái chết ấy có thể không phát xuất từ lòng căm thù đức tin. Vì lý do này, Fides tránh sử dụng thuật ngữ tử đạo, nếu cái chết của nhà truyền giáo tự bản chất không có ý nghĩa làm chứng cho đức tin, để tránh gây ra các vấn nạn liên quan đến phán xét cuối cùng mà Giáo Hội có thể đưa ra đối với một số trường hợp.
Một lưu ý khác của Fides là ngày nay là có một hiện tượng có thể nói là “toàn cầu hóa bạo lực”: trong khi trước đây, các nhà truyền giáo bị giết hầu hết tập trung ở một quốc gia, hoặc trong một khu vực địa lý, vào năm 2019, hiện tượng này xuất hiện rộng rãi và phổ biến hơn. 10 nhà truyền giáo từ Phi Châu, 8 từ Mỹ Châu, 1 từ Á Châu và 1 từ Âu Châu đã đổ máu trong năm nay.
Một số nhà truyền giáo đã bị giết trong năm 2019 là do các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người.
Trong nhiều trường hợp khác, các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân đã bị giết, nằm trong số những người nhân danh Tin Mừng lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói hôm 26/12/2016, ngày lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, “thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng một lý do như nó đã từng ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã mang ánh sáng của Thiên Chúa đến, nhưng thế gian lại thích bóng tối để che giấu những hành động gian ác của mình”.
Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ.
Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra được tiến hành bởi các nhà chức trách địa phương đều dẫn đến việc xác định thủ phạm, những kẻ chủ mưu của những vụ giết người này, và những lý do tại sao họ đã làm như thế. Một ngoại lệ là tại Mễ Tây Cơ. 27 linh mục đã bị giết trong 7 năm qua. Ai giết các ngài, động cơ nào gây ra các vụ thảm sát đó luôn luôn được che phủ trong một tấm màn bí mật. Cho đến nay, chưa có ai bị truy tố vì các vụ giết các linh mục này.
Trong năm 2019, có 1 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Hôm 23 tháng Tám, Cha José Martín Guzmán Vega, 55 tuổi, 15 năm trong chức linh mục, đã bị đâm chết tại thành phố Matamoros, giáp giới với thành phố Brownsville, Texas. Ngài là linh mục thứ 27 bị giết trong vòng 7 năm liên tiếp trong đó năm nào cũng có một vài linh mục bị giết ở quốc gia này.
Trước đó, ngày 3 tháng Tám, cha Aarón Méndez Ruiz giám đốc một trung tâm tạm trú cho người tị nạn bị bắt cóc vì ngài cố gắng ngăn cản một bọn tội phạm đến trung tâm này bắt các người tị nạn để đòi tiền chuộc. May mắn, ngài được giải thoát sau đó.
Chiều ngày 22 tháng Bẩy, cha Juvenal Candía Mosso đang đi trên một chiếc taxi trên đường đến thăm một nhà tù thì bị bắn nhiều phát súng khi đi ngang qua Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở thành phố Cuernavaca. Người tài xế xe taxi đã chết vì những vết thương quá nặng do bị trúng nhiều phát đạn. Cha Juvenal may mắn thoát chết.
Từ năm 2012, 27 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”